Là vùng trọng yếu về an ninh lương thực, nhưng ĐBSCL lại là khu vực rất dễ tổn thương trước tác động của biến đổi khí hậu.
Ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn, nguồn nước ngầm suy giảm, cộng với việc nhiều công trình thủy điện hình thành ở thượng nguồn sông Mekong… khiến cho ĐBSCL đối mặt với sụt lún, sạt lở đất, thiếu nước sản xuất, sinh hoạt… nghiêm trọng. Vì vậy, cần có giải pháp trước mắt và lâu dài để vùng ĐBSCL thích nghi, ứng phó hiệu quả, phát triển bền vững...
Lưu trữ nước tự nhiên trong hệ thống kênh, rạch được xem là một trong những giải pháp để ĐBSCL ứng phó với tình trạng thiếu nước sinh hoạt và sản xuất.
Chuyển đổi mô hình sản xuất
Theo đánh giá của các chuyên gia, nhà khoa học, thời gian qua, nước mùa mưa, lũ về ĐBSCL đã giảm rõ, tình trạng giảm nguồn nước, không còn lũ lớn cả về mùa mưa, thiếu nước trong cả mùa mưa lũ và mùa khô cộng thêm yếu tố nước biển dâng và sụt lún ĐBSCL khiến xu hướng gia tăng xâm nhập mặn sâu hơn trong mùa khô; đặc biệt những năm có sự quay trở lại của hiện tượng El-Nino. Hạn hán, xâm nhập mặn đã ảnh hưởng đến sinh kế, hoạt động và sinh thái vùng ven biển ĐBSCL.
PGS.TS. Lê Anh Tuấn, Giảng viên cao cấp Khoa môi trường và Tài nguyên thiên nhiên, Trường Đại học Cần Thơ cho rằng: Hiện nay, vùng ĐBSCL tạm phân chia thành 3 vùng sinh thái nước, gồm: vùng sinh thái nước ngọt phía trên, vùng này ngập sâu trong mùa mưa lũ, phần lớn đủ nước ngọt quanh năm cho canh tác lúa, nuôi cá và trái cây; vùng chuyển tiếp ở giữa, vùng này ngập nông trong mùa mưa lũ, có một phần nước lợ vào mùa khô, tác động ngọt - mặn theo thủy triều, canh tác lúa, nuôi tôm và trái cây; vùng ven biển cuối nguồn nhiễm mặn quanh năm, thiếu nước ngọt gay gắt mùa khô, rừng ngập mặn ven biển, canh tác thủy sản nước mặn. Để đối phó với vấn đề hạn, mặn ở vùng ĐBSCL, PGS.TS. Lê Anh Tuấn, đề xuất: Trước mắt, chính quyền địa phương và người dân thường xuyên cập nhật theo dõi tình hình diễn biến thời tiết, quan trắc, điều chỉnh thời vụ, sử dụng nước tiết kiệm; đẩy mạnh phát triển mô hình thuận thiên một cách thông minh như mô hình luân canh lúa - tôm. Vào mùa mưa, có đủ nước ngọt người nông dân trồng lúa, vào mùa khô, nước bị nhiễm mặn thì lấy vào nuôi tôm. Rơm rạ phân hủy từ cây lúa là thức ăn của tôm và chất thải hữu cơ của tôm là phân bón cho cây lúa. Về chiến lược lâu dài, các địa phương vùng ĐBSCL nên giảm diện tích lúa chuyển sang thủy sản, rau màu và cây ăn trái, tiết kiệm nước, khuyến khích sử dụng nước tuần hoàn...
Kinh tế tuần hoàn là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, là xu thế tất yếu của thế giới. ĐBSCL có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế tuần hoàn gắn với phát triển kinh tế nông nghiệp một cách bền vững. PGS.TS. Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển kinh tế tuần hoàn, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh khuyến nghị: Cần thiết lồng ghép kinh tế tuần hoàn có tính liên vùng, liên ngành, liên lĩnh vực cao vào kế hoạch, quy hoạch vùng. ĐBSCL nên tiếp tục phát triển các công nghệ chế biến, tạo các sản phẩm cấp cao hơn, như thực phẩm, mỹ phẩm; hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp các sản phẩm mới gắn với mô hình kinh tế tuần hoàn. Bên cạnh đó, nâng cao năng lực, phát huy vai trò các hợp tác xã kết nối nông dân để đủ thu hút sự quan tâm, đầu tư của các doanh nghiệp lớn; xây dựng chương trình hợp tác phát triển kinh tế tuần hoàn với các địa phương lân cận, đặc biệt là TP Hồ Chí Minh…
Kiến tạo để thích ứng
Theo PGS.TS. Trần Bá Hoằng, Viện trưởng Viện Khoa học và Thủy lợi miền Nam, việc phát triển ĐBSCL cần theo hướng thích nghi có kiểm soát, chủ động tạo ra chế độ nước hợp lý trên nền chế độ tự nhiên, làm giảm mức độ rủi ro, bấp bênh trong các hoạt động kinh tế - xã hội. ĐBSCL không thiếu nước, trong mùa khô nước vẫn về ĐBSCL từ 60-70 tỉ m3, trong khi nhu cầu sử dụng chỉ khoảng 15 tỉ m3. Vấn đề ở đây là làm sao giữ nước để sử dụng. Để giải quyết vấn đề này, cần trữ nước trong hệ thống kênh, rạch các cấp của hệ thống thủy lợi và trong mương vườn, ao, bể phân tán quy mô hộ, nhóm hộ gia đình; trữ nước trên ruộng. Đồng thời, hình thành các ô thủy lợi hoàn thiện, đồng bộ để chủ động cấp nước, tiêu thoát nước, trữ nước, đáp ứng được các yêu cầu hiện đại hóa trong sản xuất. Mặt khác, vùng ĐBSCL cũng cần xây dựng các công trình để kiểm soát nguồn nước, xâm nhập mặn. Trong đó, tập trung xây dựng các công trình kiểm soát cửa sông Vàm Cỏ, Hàm Luông, đây là các công trình lớn, bao ngoài với nhiệm vụ điều tiết mặn, ngọt, cải thiện môi trường ở các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre; nghiên cứu, thực hiện xây dựng công trình kiểm soát các cửa sông còn lại như Cổ Chiên, Cung Hầu. Đồng thời, triển khai nâng cấp hệ thống đê biển từ Quảng Ngãi đến Kiên Giang đã được Chính phủ phê duyệt. Xem xét nâng cao và mở rộng mặt đê cho phù hợp với gia tăng đỉnh triều; nâng cấp hệ thống cấp nước sinh hoạt nông thôn cho người dân vùng ĐBSCL...
Cùng quan điểm trữ nước, PGS.TS Lê Anh Tuấn cho rằng: ĐBSCL cần lưu trữ nước tự nhiên, xây dựng công trình hồ chứa, đầu tư vật dụng chứa nước mưa; xây dựng nhà máy xử lý nước mặn thành nước ngọt, hạn chế khai thác nước ngầm. Đồng thời, phục hồi khả năng hấp thụ nước tự nhiên ở các vùng trũng...
Về giải pháp công nghệ xây dựng cho các công trình cơ sở hạ tầng và đô thị ứng phó biến đổi khí hậu cho vùng ĐBSCL, GS.TS Ngô Đức Tuấn, Đại học Melbourne (Úc), chia sẻ: Để phát triển đô thị vùng ĐBSCL cần kiến tạo đặc biệt để thích ứng nước biển dâng. Hiện nay vùng ĐBSCL đối mặt với tình trạng thiếu cát, nguy cơ sụt lún và sạt lở. Do vậy, có thể xem xét tái chế phế thải xây dựng thành các sản phẩm lốp xe để sản xuất dải phân cách thay bê tông, nhằm tăng cường khả năng chịu va đập. Các ứng dụng như công nghệ bê tông geopolymer trong môi trường nhiễm mặn; ứng dụng công nghệ bê tông mới để kè biển và sông; công nghệ vật liệu xây dựng mới bền vững môi trường và giảm thiểu tác động biến đổi khí hậu... Cùng đó, ngành chức năng cần phối hợp với các tỉnh, thành và doanh nghiệp tìm hiểu kỹ hiện trạng và nghiên cứu các giải pháp thay thế cát sông từ cát biển, phế thải xây dựng và các loại phế thải khác có thể tái sử dụng được. Nghiên cứu và chuyển giao các công nghệ vật liệu mới để giảm phát thải, tăng tính chống chịu thiên tai…
Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim cho biết, chuyến thăm chính thức của Tổng Bí thư Tô Lâm tới Malaysia lần này có ý nghĩa quan trọng khi hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện. Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực an ninh, quốc phòng, hợp tác biển và một số lĩnh vực hợp tác về điện, kinh tế số…
Biến đổi khí hậu, thời tiết ngày càng cực đoan, thiên tai ngày càng phức tạp, gây nhiều thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp. Tại tỉnh Quảng Bình, nông dân đã triển khai nhiều mô hình chuyển đổi trên đất gò đồi, đất kém hiệu quả để thích ứng, giảm nhẹ tác động của các loại hình thiên tai đối với sản xuất nông nghiệp, mang hiệu quả kinh tế cao.