Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 23 tháng 6 năm 2024  
Thứ ba, ngày 28 tháng 5 năm 2024 | 21:24

Giải pháp giữ đà tăng trưởng xuất khẩu cho nông sản Việt Nam

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đề nghị Bộ NN&PTNT chú trọng xây dựng các tiêu chuẩn về sản xuất, chế biến và chất lượng sản phẩm phù hợp với yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế để nâng cao khả năng cạnh tranh và giá trị sản phẩm gạo, rau quả Việt Nam.

Chiều 28/5, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã có cuộc họp với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan về tình hình sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu mặt hàng nông sản.

Tăng trưởng tích cực

Dẫn số liệu từ Tổng cục Hải quan, ông Nguyễn Anh Sơn, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết: 4 tháng đầu năm 2024, kết quả xuất khẩu gạo và rau quả của Việt Nam tăng cao cả về sản lượng và giá trị xuất khẩu. 

Trong đó, xuất khẩu gạo tăng 9,5% về lượng và tăng 33,6% về trị giá so với cùng kỳ năm trước; xuất khẩu rau quả tăng 38,1% về trị giá. Kết quả xuất khẩu sang các thị trường trọng điểm, thị trường tiềm năng đều đạt tăng trưởng đáng khích lệ.

Đơn cử, kim ngạch xuất khẩu gạo vào thị trường truyền thống như Philippines, Indonesia, Malaysia chiếm 70,69% tổng kim ngạch, còn với ngành hàng rau quả, xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm 61,4% trong tổng kim ngạch xuất khẩu.

Ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội lương thực Việt Nam thông tin: Hầu hết các thị trường xuất khẩu gạo chính của Việt Nam trong những tháng đầu năm đều tăng trưởng tích cực. Đặc biệt, giá gạo trong nước tăng so với cùng kỳ, đảm bảo được hiệu quả cho người trồng lúa. 

Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục trồng trọt (Bộ NN&PTNT) thông tin: Nếu điều kiện thời tiết thuận lợi từ nay đến cuối năm sản lượng lúa gạo các tỉnh vùng đồng bằng Sông Cửu Long dự kiến đạt 24,20 triệu tấn; trong đó tiêu thụ nội địa cho vùng đồng bằng Sông Cửu Long và TPHCM và sử dụng làm giống, thức ăn chăn nuôi... khoảng 9 triệu tấn. Lúa hàng hóa dùng cho xuất khẩu ước khoảng 15,20 triệu tấn, tương đương 7,60 triệu tấn gạo hàng hóa phục vụ cho xuất khẩu.

Trong khi đó, với mặt hàng rau quả, dự kiến hết năm 2024 tổng diện tích cây ăn quả cả nước đạt khoảng 1,29 triệu hécta (tăng khoảng 20.000 hécta). Tổng sản lượng quả thu hoạch 5 tháng đầu năm khoảng 4,429 triệu tấn; tổng sản lượng cả năm đạt 13,506 triệu tấn, tăng khoảng 3,4% so năm 2023.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hiệp hội rau quả Việt Nam cho hay: Từ số liệu xuất khẩu rau quả 4 tháng, thông qua xúc tiến thương mại tại châu Âu, Mỹ, tình hình các doanh nghiệp thì hoạt động xuất khẩu mặt hàng rau quả chủ lực của Việt Nam tiếp tục thuận lợi, nhu cầu tại các thị trường truyền thống tiếp tục tăng, đặc biệt là sầu riêng, dưa hấu, xoài...

Khâu liên kết và hợp tác là điểm yếu

Mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực, song tại cuộc họp, nhiều ý kiến cũng chỉ ra những tồn tại có thể kéo lùi những kết quả xuất khẩu của lĩnh vực nông nghiệp, như việc xây dựng chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp và người nông dân còn lỏng lẻo, hay xa hơn nữa chính là việc xây dựng được thương hiệu đối với sản phẩm nông nghiệp.

Theo đại diện Hiệp hội rau quả Việt Nam, tại một số thị trường, nhà nhập khẩu yêu cầu cao về khâu chế biến do vậy, các doanh nghiệp và nhà sản xuất cần quan tâm đến thị hiếu của khách hàng để đa dạng hóa các sản phẩm xuất khẩu.

"Vấn đề về chất lượng, nhất là rau quả còn chưa cao, thể hiện ở sự đồng đều của sản phẩm, vẫn tồn tại dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Bên cạnh đó, còn có hiện tượng 'tranh mua, tranh bán' khi thị trường biến động. Đây là vấn đề tồn tại đã lâu, dù có nhiều giải pháp nhưng chưa giải quyết tốt được đó là liên kết giữa nhà sản xuất và tiêu thụ khi thị trường biến động, nhất là sầu riêng", ông Nguyễn Thanh Bình nhận định.

Còn theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, khâu liên kết và hợp tác đang là điểm yếu của doanh nghiệp, có những doanh nghiệp vẫn thuê riêng một góc để trưng bày sản phẩm mà không đi chung với hiệp hội hay bộ, ngành.

"Do vậy, vai trò của các hiệp hội ngành hàng trong việc hỗ trợ doanh nghiệp là vô cùng quan trọng. Nhất là hỗ trợ các hộ sản xuất, doanh nghiệp tiếp cận thông tin, khai thác tối đa ưu đãi từ các Hiệp định thương mại (FTA), đảm bảo đáp ứng những yêu cầu của từng thị trường cũng như bảo vệ thương hiệu sản phẩm, ngành hàng", Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị.

Theo dự báo của Bộ Công Thương, xuất khẩu nông sản trong thời gian tới sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức. Nhu cầu nhập khẩu về gạo, rau quả của thế giới thời gian tới sẽ ngày càng lớn do nguồn cung bị đứt gãy ở nhiều quốc gia (bị ảnh hưởng bởi xung đột vũ trang; cạnh tranh địa chính trị và chiến tranh thương mại giữa các nước lớn). Bên cạnh đó, yêu cầu về chất lượng sản phẩm sẽ ngày càng cao; nhiều hàng rào kỹ thuật đã và đang được các nước nhập khẩu dựng lên để bảo hộ thương mại trong nước; Sản phẩm xuất khẩu, nhất là ở các khu vực/phân khúc thị trường mới, tiềm năng, chưa được khai thác hiệu quả, như: Sản phẩm thực phẩm Halal, thị trường châu Phi, Mỹ Latinh,...

Tạo mọi điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu nông sản

Trong bối cảnh có những thuận lợi và khó khăn đan xen, để tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động xuất khẩu gạo, rau quả theo hướng bền vững, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị, các Hiệp hội ngành hàng chú trọng làm tốt công tác tuyên truyền về các chủ trương, cơ chế chính sách của Đảng, Nhà nước trong lĩnh vực này để các doanh nghiệp hiểu và tận dụng được.

Trong đó, tập trung tuyên truyền, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thông tin, khai thác tối đa những ưu đãi từ các FTA và những yêu cầu của từng thị trường; hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó hiệu quả với các vụ kiện phòng vệ và tranh chấp thương mại (nếu phát sinh).

Đối với Bộ NN&PTNT, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành lúa, gạo, rau quả theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả. Làm tốt công tác định hướng quy hoạch vùng trồng, tổ chức sản xuất, cơ cấu giống, kỹ thuật canh tác, ứng dụng công nghệ trong sản xuất, thu hoạch, bảo quản…. 

Đồng thời, chú trọng xây dựng các tiêu chuẩn về sản xuất, chế biến và chất lượng sản phẩm phù hợp với yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế để nâng cao khả năng cạnh tranh và giá trị sản phẩm gạo, rau quả Việt Nam nhằm khẳng định thương hiệu ở các thị trường truyền thống và mở rộng thị phần tại các thị trường tiềm năng.

"Đề nghị Bộ NN&PTNT tiếp tục tăng cường phối hợp với Bộ Công Thương theo dõi, đàm phán, tháo gỡ các rào cản về kỹ thuật và kiểm dịch thực vật của các đối tác áp dụng với hàng gạo, rau quả xuất khẩu của Việt Nam; Tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý các vi phạm trong quy trình sản xuất, nhất là sử dụng các vật tư, nguyên liệu bảo đảm an toàn, truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói…", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nói.

Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ Công Thương tập trung hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu để phát triển thị trường sản phẩm nông sản một cách trọng tâm, trọng điểm; tăng cường xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu, sử dụng chỉ dẫn địa lý, thương hiệu quốc gia... nhằm gia tăng thị phần tại các thị trường truyền thống, khai mở và sử dụng hiệu quả những hiệp định tại các thị trường mới còn nhiều tiềm năng.

Phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương và Hiệp hội ngành hàng hỗ trợ doanh nghiệp khai thác tốt cơ chế ưu đãi của các FTA đã ký kết, tận dụng tối đa lượng hạn ngạch thuế quan dành cho Việt Nam; đồng thời, chủ động hướng dẫn, hỗ trợ thương nhân nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh, khả năng đàm phán, ký kết, thực hiện hợp đồng xuất khẩu và xử lý có hiệu quả các vụ kiện phòng vệ và tranh chấp thương mại quốc tế (nếu phát sinh).

Đối với những ý kiến, kiến nghị của các Hiệp hội, và các đại biểu tham dự cuộc họp hôm nay, Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị chức năng của Bộ nghiêm túc tiếp thu để kịp thời đề xuất, sửa đổi bổ sung vào Nghị định của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo cũng như một số Quy định của nhà nước trong lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu nông sản nói chung, đặc biệt gạo và rau quả nói riêng.

 

Theo baochinhphu.vn
Ý kiến bạn đọc
  • Thủ tướng kiểm tra, động viên, đôn đốc dự án đường dây 500 kV mạch 3

    Thủ tướng kiểm tra, động viên, đôn đốc dự án đường dây 500 kV mạch 3

    Chiều 22/6, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đi kiểm tra, đôn đốc, động viên việc thực hiện dự án Đường dây tải điện 500 kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối, đoạn qua địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

  • Tư tưởng Hồ Chí Minh, kim chỉ nam của Báo chí Cách mạng Việt Nam

    Tư tưởng Hồ Chí Minh, kim chỉ nam của Báo chí Cách mạng Việt Nam

    Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ thiên tài của Dân tộc ta, Đảng ta, Nhà nước và Nhân dân ta, Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa kiệt xuất của Việt Nam và thế giới, luôn coi báo chí là binh chủng đặc biệt quan trọng để tuyên truyền, động viên, cổ vũ, tổ chức, giáo dục ý thức chính trị, giác ngộ quần chúng đi theo cách mạng.

  • Tuyên bố chung Việt Nam - Liên bang Nga

    Tuyên bố chung Việt Nam - Liên bang Nga

    Nhân chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin, hai bên đã ra Tuyên bố chung về làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện trên cơ sở thành tựu 30 năm thực hiện Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị Việt Nam-Nga. KTNT xin trân trọng giới thiệu toàn văn Tuyên bố chung:

  • Hà Nội đưa cây dược liệu trở thành cây trồng thế mạnh

    Hà Nội đưa cây dược liệu trở thành cây trồng thế mạnh

    Từ năm 2020, Hà Nội đã thí điểm thử nghiệm các mô hình trồng cây dược liệu theo hướng bền vững, ổn định, góp phần xóa đói giảm nghèo với tổng quy mô 14ha.

  • Hội Làm vườn TP. Đà Nẵng phối hợp với báo chí để tuyên truyền hiệu quả hơn

    Hội Làm vườn TP. Đà Nẵng phối hợp với báo chí để tuyên truyền hiệu quả hơn

    Trò chuyện với phóng viên, ông Huỳnh Vạn Thắng, Chủ tịch Hội Làm vườn thành phố Đà Nẵng, cho biết: Trong giai đoạn 2021-2025, Hội Làm vườn thành phố xác định phương châm hoạt động là “Đổi mới phương thức hoạt động của Hội Làm vườn theo mô hình nông nghiệp đô thị”.

  • Lời cảm ơn nhân kỷ niệm 99 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam

    Lời cảm ơn nhân kỷ niệm 99 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam

    Ban biên tập Tạp chí Kinh tế nông thôn xin chân thành cảm ơn các đồng chí lãnh đạo Hội Làm vườn Việt Nam, các bộ, ban, ngành, đoàn thể ở trung ương và địa phương, các doanh nghiệp, ngân hàng... đã đến trụ sở Tạp chí Kinh tế nông thôn tại Hà Nội, văn phòng đại diện của Tạp chí tại các địa phương hoặc gửi điện, lẵng hoa chúc mừng nhân kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2024).

Top