Cà Mau có diện tích nuôi thuỷ sản hơn 300.000 ha với nhiều lợi thế để phát triển. Tuy nhiên, thời tiết chuyển biến ngày càng phức tạp và khắc nghiệt, buộc các mô hình phải có sự thay đổi để thích nghi.
Những năm gần đây, nhiều hộ dân đã đẩy mạnh phát triển mô hình nuôi kết hợp một số loài thuỷ sản có giá trị trong vuông tôm của mình để tăng thu nhập, trong đó, phải kể đến mô hình nuôi sò huyết. So với các loài thuỷ sản khác, nuôi sò huyết chỉ tốn chi phí đầu tư lưới mành bao quanh khu vực nuôi và con giống. Thức ăn của sò huyết chủ yếu là mùn, bã hữu cơ, sinh vật phù du nên người nuôi không tốn chi phí thức ăn. Ngoài ra, nhiều nông dân cho biết, ưu điểm của mô hình nuôi sò huyết kết hợp trong vuông tôm là không ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng tôm nuôi, mặt khác, còn tạo điều kiện thích hợp cho con cua phát triển. Vì thế, đồng vốn bỏ ra một nhưng mang lại lợi nhuận gấp nhiều lần. Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), diện tích nuôi sò huyết trên địa bàn tỉnh đến thời điểm hiện nay là 9.616,66 ha, tổng sản lượng trên 9.600 tấn/năm. Một số xã thuộc huyện Năm Căn, Ngọc Hiển, Phú Tân, Cái Nước, Ðầm Dơi... đã đẩy mạnh thực hiện mô hình này.
Mô hình nuôi sò huyết trong vuông tôm đối mặt với trở ngại, lớn nhất là chưa chủ động được con giống. (Trong ảnh: Mô hình nuôi sò huyết trong vuông tôm tại xã Viên An Ðông, huyện Ngọc Hiển).
Ông Trần Minh Trí, ngụ ấp Tắc Biển, xã Viên An Ðông, huyện Ngọc Hiển, cho biết: "Nuôi sò huyết công chăm sóc rất ít. Tôi tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên sẵn có trong vuông tôm, chỉ thả 6 tháng sò có thể đạt trọng lượng từ 70-100 con/kg. Ngoài ra, khi nuôi kết hợp nhiều loài thuỷ sản trong cùng diện tích sẽ mang lại hiệu quả cao hơn so với độc canh con tôm”.
Một mô hình nữa cũng được nông dân hưởng ứng và đạt hiệu quả cao, là nuôi tôm dưới tán rừng. Ðến nay, tỉnh có khoảng 39.500 ha nuôi tôm dưới tán rừng, tập trung ở các huyện: Ngọc Hiển (22.870 ha), Năm Căn (7.625 ha), Ðầm Dơi (5.000 ha) và Phú Tân (4.000 ha); trong đó có khoảng 19.000 ha, của gần 4.200 hộ, tôm đạt các chứng nhận quốc tế. “Tôi thực hiện mô hình nuôi tôm dưới tán rừng đến nay đã trên 30 năm, với 15 ha. Dù năng suất không cao như những mô hình nuôi khác nhưng tỷ lệ rủi ro thấp, chi phí đầu tư ít, chất lượng tôm nuôi cao và ổn định. Sau khi trừ chi phí con giống, cải tạo nước, thuốc cá, sên vét... lợi nhuận từ nuôi tôm của gia đình tôi hơn 400 triệu đồng mỗi năm”, ông Trí cho biết.
Bên cạnh đó, mô hình nuôi tôm dưới tán rừng phù hợp với điều kiện tự nhiên của các địa phương, nên thời gian qua có tác động tích cực tới nguồn lợi thuỷ sản và hệ sinh thái rừng ngập mặn.
Mô hình nuôi cua với các hình thức như: nuôi cua biển bán thâm canh 2 giai đoạn, nuôi cua 2 da cũng mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần cho nghề nuôi thuỷ sản của tỉnh phát triển bền vững và ổn định cuộc sống người dân. Tính đến nay, diện tích nuôi cua ở Cà Mau đã phát triển lên hơn 250.000 ha, năng suất bình quân 100 kg/ha/năm, sản lượng khoảng 25 ngàn tấn/năm. Trong đó, diện tích nuôi cua kết hợp với tôm trong vùng rừng ngập nước được chứng nhận sinh thái, hữu cơ và các chứng nhận khác gần 20.000 ha (có 9 loại chứng nhận), sản lượng đạt khoảng 2 ngàn tấn/năm.
Thế nhưng, trước sự biến đổi của thời tiết khắc nghiệt và môi trường ngày càng ô nhiễm, các mô hình kinh tế nói trên bắt đầu đối mặt với những khó khăn nhất định trong việc nhân rộng và phát triển. Theo đánh giá của Sở NN&PTNT, mô hình nuôi sò huyết trong vuông tôm đối mặt với trở ngại lớn khi chưa chủ động về con giống. Nguồn sò giống thường trôi nổi, không qua kiểm soát, kiểm dịch nên chất lượng chưa đảm bảo, tỷ lệ sống thấp, giá cao. Nghề nuôi cua tại địa phương cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn, chất lượng cua giống có dấu hiệu bị thoái hoá; dịch bệnh trên cua vẫn còn diễn biến phức tạp, lặp đi lặp lại nhiều năm liền; nhãn hiệu tập thể chưa phát huy hết lợi thế; thực trạng cua Cà Mau bán đi không có nhãn hiệu nhưng cua nơi khác bán lại treo bảng "cua Cà Mau"...
Ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở NN&PTNT, nhìn nhận: "Một số mô hình đạt kết quả chưa cao do ảnh hưởng bất lợi của thời tiết, dịch bệnh, giá cả thị trường, đặc biệt là giá vật tư đầu vào tăng cao. Việc vận động người dân đăng ký nhân rộng mô hình hiệu quả đạt chưa cao, do tập quán sản xuất theo truyền thống, nhỏ lẻ, sử dụng giống chất lượng thấp vẫn còn tồn tại. Trong khi đó, nếu áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật thì các mô hình mới đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Bên cạnh đó, một số địa phương chưa quan tâm đúng mức để chỉ đạo quyết liệt, bao quát các mô hình sản xuất hiệu quả, mà chỉ tập trung nhân rộng các mô hình chủ lực, thiếu quan tâm hỗ trợ để phát triển các mô hình mới. Song song đó, tác động của biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh trên nuôi thuỷ sản xảy ra khó phòng trị, nhất là trên cua nuôi, tôm, làm giảm thu nhập của người sản xuất. Giá nhiều sản phẩm nông nghiệp sụt giảm tại thời điểm thu hoạch, nhất là giá tôm nuôi".
Chia sẻ về hướng phát triển sắp tới, ông Phan Hoàng Vũ cho biết: "Ngành đang rà soát một số mô hình để triển khai theo hướng mới. Các mô hình hiện tại không mới nhưng cần có cách thức mới để thuận thiên và hiệu quả hơn. Chúng ta phải ứng dụng thêm công nghệ, các chế phẩm sinh học... Ðể duy trì và lan toả mô hình hiệu quả cần có sự đầu tư hơn nữa về hạ tầng giao thông, thuỷ lợi, nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất, tiêu thụ hàng hoá, nâng cao giá trị gia tăng và sức cạnh tranh sản phẩm của địa phương. Nông dân cần chủ động thay đổi tư duy sản xuất, tuân thủ khuyến cáo từ các đơn vị chức năng, nhất là về chuyển đổi giống, tuân thủ nghiêm ngặt lịch thời vụ"./.
Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim cho biết, chuyến thăm chính thức của Tổng Bí thư Tô Lâm tới Malaysia lần này có ý nghĩa quan trọng khi hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện. Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực an ninh, quốc phòng, hợp tác biển và một số lĩnh vực hợp tác về điện, kinh tế số…
Trong phiên giải trình mới đây tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, liên quan tới bảo hiểm nông nghiệp (BHNN), Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan cho biết, sau bão Yagi (bão số 3), bộ đã thiết kế lại dự thảo để trình Bộ Tài chính sửa đổi Nghị định 58 về BHNN. Chưa bao giờ chúng tôi thấy BHNN cần thiết như sau bão Yagi.
Kế hoạch này nhằm triển khai thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các Đề án: Phát triển công nghiệp sản xuất giống; công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi; giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi; đẩy mạnh hoạt động khoa học công nghệ ngành chăn nuôi đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Trên những triền núi đá ở xã Xuân Quang (Bảo Thắng - Lào Cai), có người đàn ông lặng lẽ theo nghề nuôi ong mật suốt bao năm. Đó là ông Cao Văn Chiến, Giám đốc Hợp tác xã Nậm Dù, người đã miệt mài xây dựng giấc mơ lớn từ những điều nhỏ bé, mang về cho vùng đất khô cằn này nghề nuôi ong đầy triển vọng.