Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 27 tháng 4 năm 2024  
Thứ năm, ngày 6 tháng 7 năm 2023 | 9:5

Nghề cho na Thái đậu trái

Những năm gần đây, nông dân các phường giáp ranh địa bàn 2 quận Ô Môn và Thốt Nốt (Cần Thơ) chọn trồng cây na Thái (còn gọi là mãng cầu Thái) khá nhiều. Na Thái dễ trồng, sinh trưởng tốt, giá thành cao... nên bà con mở rộng diện tích.

Tuy nhiên, bông na Thái là bông lưỡng tính, việc thụ phấn nhờ vào các tác động tự nhiên để đậu trái đạt tỷ lệ thấp. Vậy là, nghề cho na đậu trái ra đời...

Bà Vui thụ phấn cho vườn na.

5 giờ chiều, bà Đinh Thị Vui ngụ khu vực Long Định, phường Long Hưng, quận Ô Môn, cụ bị dụng cụ ra mảnh vườn trồng na Thái của người em để giúp thụ phấn. Bà Vui vừa làm vừa nhiệt tình giới thiệu với chúng tôi về cách lựa, tiêu chuẩn lựa chọn.

Theo bà Vui, tới thời điểm na trổ bông rộ, bà con sẽ tiến hành thụ phấn nhân tạo cho cây, vì nếu nhờ vào côn trùng hoặc gió, tỷ lệ đậu trái sẽ thấp. Bông na Thái là bông lưỡng tính, gồm cả nhụy cái và nhị đực. Người làm nghề thụ phấn hoa sẽ chọn bông đã nở “chín muồi”, nhưng là bông mọc ở đầu cành hoặc nhánh nhỏ, vì nếu có chừa bông, khi cho trái cũng sẽ không đạt yêu cầu. Bông này sẽ được chấm vào bông đã chọn để thụ phấn. “Nếu người làm khéo, mỗi bông hái ra sẽ chấm thụ phấn được cho 3 bông khác; còn bình thường sẽ là 2 bông” - bà Vui giải thích. Cũng nhờ động tác thụ phấn nhân tạo này mà mỗi cây na tán không lớn lắm nhưng có thể cho khoảng 100 trái, mỗi trái nặng trung bình 400-500gr, có nhiều trái nặng khoảng 1kg.

Chị Nguyễn Thị Thúy, người dân khu vực Long Định, trồng 4 công na Thái, cho biết: Phụ nữ trong xóm hầu như ai cũng làm nghề thụ phấn cho na Thái. Người không trồng na thì cũng làm kiếm thêm thu nhập, người trồng na thì ngoài thụ phấn cho vườn nhà cũng làm cho vườn của bà con lối xóm theo kiểu vần công. Cũng nhờ nghề này mà phụ nữ địa phương có “đồng ra đồng vô” cải thiện cuộc sống. Công việc này bắt đầu từ khi chạng vạng và kéo dài đến 8 giờ, 9 giờ, thậm chí 10 giờ tối. Chị Thúy kể: “Ở những vườn na lớn, có khi hơn 30 người đội đèn để thụ phấn na ban đêm, nói cười rôm rả, vui lắm”. Việc tính tiền công thụ phấn na được tính theo giờ, cứ mỗi giờ được trả 35.000 đồng. Thông thường, mỗi người sẽ làm 3 giờ mỗi tối, số tiền kiếm được là hơn 100.000 đồng. Không chỉ có thu nhập, các cô, các chị dần vui và quen với công việc, mà theo lời họ nói vui là “bị nghiện”, bữa nào không làm là thấy “ngứa tay, ngứa chân”.

Những năm gần đây, cây na Thái được trồng nhiều ở địa bàn giáp ranh 2 quận Thốt Nốt và Ô Môn. Trong đó, ông Phan Văn Bịt (Chín Bịt), nông dân phường Long Hưng, được xem là một trong những người tiên phong trồng loại cây ăn trái này, cách nay khoảng 8 năm. Theo ông Chín Bịt, cây na Thái dễ trồng, không kén đất, khả năng chịu khô hạn tốt và ít tốn công chăm sóc nhưng lại cho trái nhiều, quanh năm với giá thành ổn định ở mức cao. Cụ thể, lúc cao điểm na Thái có giá đến khoảng 60.000 đồng/kg, lúc thấp điểm cũng phải trên 30.000 đồng/kg, lợi nhuận thu lại khá cao. Tuy nhiên, để tỷ lệ na đậu trái cao, khâu hỗ trợ thụ phấn cho hoa đậu trái là rất quan trọng. Do vậy, nghề thụ phấn hoa ở địa phương rất phát triển, người này hướng dẫn người kia, để tăng năng suất cây trồng.

Phường Long Hưng, quận Ô Môn được xem là trung tâm của vùng trồng na Thái. Chỉ tính riêng khu vực Long Định, diện tích trồng chiếm khoảng 50% tổng diện tích làm vườn của địa phương. Nhiều bà con “ăn nên làm ra” nhờ na Thái. Ông Võ Ngọc Dũng, Bí thư Chi bộ, Trưởng khu vực Long Định, cho biết: “Cây na góp phần phát triển kinh tế ở địa phương. Đặc biệt, nghề thụ phấn na ban đêm giúp phụ nữ khu vực kiếm thêm thu nhập lúc nông nhàn, cải thiện cuộc sống, bên cạnh nghề thu hoạch rau nhút vào lúc rạng sáng”.

 

Duy Khôi/Báo Cần Thơ
Ý kiến bạn đọc
Top