Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 11 tháng 2 năm 2024 | 7:50

Nghị quyết 01/NQ-CP: Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp

Một trong những nội dung trọng tâm được Chính phủ đề ra tại Nghị quyết về thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 là tiếp tục phát triển ngành nông nghiệp Việt Nam theo cơ chế tuần hoàn, tiết kiệm, hiệu quả, an toàn cho môi trường, tăng vị thế cạnh tranh trên thị trường thế giới.

Vườn dưa lưới hữu cơ sử dụng toàn bộ phân phân trùn quế tại Trang trại Nắng và Gió (Ninh Sơn, Ninh Thuận). Ảnh: Xuân Anh/TTXVN

Các loại phế phẩm trong nông nghiệp đều có nguồn gốc hữu cơ và khả năng tái sử dụng vào các mục đích phục vụ cho sản xuất nông nghiệp vẫn còn rất lớn. Điển hình như trong sản xuất lúa, các loại phế phẩm như: rơm rạ, vỏ trấu, cám… đã được nông dân tái sử dụng, nhưng chưa đại trà.

Hiện nay, với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, công nghệ sinh học ứng dụng và công nghệ cao càng làm rõ hiệu quả của tái sử dụng phế phẩm này. Điều này giúp cho các phế phẩm nông nghiệp không mất chi phí xử lý, giảm thiểu ô nhiễm môi trường từ sản xuất nông nghiệp.

Tại thành phố Cần Thơ, với sự hỗ trợ của ngành nông nghiệp, nhiều hợp tác xã đã thực hiện tái sử dụng phế phẩm từ cây lúa, nhiều nhất là rơm, rạ sau mỗi vụ thu hoạch lúa.

Theo ông Ðồng Văn Cảnh, Giám đốc hợp tác xã New Green Farm, New Green Farm là một trong những hợp tác xã tại thành phố Cần Thơ đang thực hiện mô hình sản xuất nông nghiệp tuần hoàn. Nông dân tại hợp tác xã trồng lúa theo hướng an toàn, đạt các tiêu chuẩn đáp ứng nhu cầu thị trường, chú trọng áp dụng đồng bộ cơ giới hóa và các tiến bộ kỹ thuật để giảm chi phí, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Cụ thể, rơm rạ được hợp tác xã sử dụng trồng nấm rơm và sản xuất phân bón hữu cơ, giúp mang lại giá trị gia tăng cho quá trình sản xuất lúa và khắc phục được tình trạng đốt bỏ rơm trên đồng gây lãng phí và tác động xấu đến môi trường. Sản phẩm được đánh giá có chất lượng tốt, có thể sử dụng cho nhiều loại cây trồng, với giá thành sản xuất khá thấp nên nông dân dễ tiếp cận sử dụng. 

Bên cạnh đó, hợp tác xã cũng được các cơ quan liên quan hướng dẫn kỹ thuật để trồng nấm rơm đạt hiệu quả cao ngoài trời và trong nhà nhằm chủ động ứng phó và phòng tránh được nhiều yếu tố bất lợi của thời tiết, điều kiện sản xuất.

Trong 2 hình thức trồng nấm rơm này, trồng nấm rơm trong nhà cho hiệu quả kinh tế cao hơn so với trồng truyền thống ngoài trời, bởi nấm cho năng suất cao và bán được giá cao hơn. Nông dân cũng giảm được chi phí nhân công lao động trong chất rơm và thu hoạch nấm cũng như chủ động sản xuất được nhiều vụ trong năm. Trồng nấm rơm trong nhà có thể thực hiện  bình quân khoảng 6 vụ/năm.

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng khối lượng phế, phụ phẩm nông nghiệp của cả nước ước hơn 156 triệu tấn; trong đó, ngành trồng trọt chiếm hơn 56% với gần 90 triệu tấn, chăn nuôi chiếm 39% với hơn 61 triệu tấn và thủy sản là 1 triệu tấn.

Riêng tại khu vực Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long, phụ phẩm nông nghiệp chiếm khoảng 54 triệu tấn. Với lượng phế phẩm này, nếu không được tái sử dụng hợp lý sẽ gây lãng phí rất lớn.

Theo TS Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, nguồn phế phẩm nông nghiệp được xem là đầu vào quan trọng, kéo dài chuỗi giá trị gia tăng trong nông nghiệp. Nếu ngành nông nghiệp tận dụng được toàn bộ khối lượng phế phẩm nông nghiệp này, giá trị sản xuất nông nghiệp sẽ tăng lên từ 30 - 100% hay nói khác đi là nhân đôi giá trị sản xuất nông nghiệp trong vòng tuần hoàn. Tuy nhiên, để có thể tận dụng hiệu quả nguồn phế phẩm nông nghiệp thì nông dân, đơn vị sản xuất và ngành nông nghiệp cần có một bước tiến vượt bậc về khoa học kỹ thuật ứng dụng cho nông nghiệp.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, phát triển nông nghiệp tuần hoàn phải dựa trên cơ sở đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật, quy trình sản xuất, quản trị nông nghiệp tiên tiến mới nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực trong nông nghiệp.

Thông qua các quy trình này, tỷ lệ phụ phẩm nông nghiệp mới được tái sử dụng cao hơn, hình thành chu trình sản xuất nông lâm, thủy sản khép kín theo chuỗi. Từ đó nông nghiệp mới tự tin xây dựng thương hiệu sản phẩm nông sản xanh, phát thải thấp, giảm chi phí đầu vào, tăng giá trị trong chuỗi nông sản, hướng tới phát triển nông nghiệp xanh, trách nhiệm và bền vững.

Cũng theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, kế hoạch và quyết định phát triển nông nghiệp tuần hoàn đã được ngành nông nghiệp thực hiện theo Nghị quyết 01/NQ-CP năm 2024 với mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 có 60% phụ phẩm trồng trọt được xử lý, 80% phụ phẩm lúa gạo được thu gom và tái sử dụng, 60%  nông hộ và trang trại chăn nuôi được xử lý chất thải.

 
 
Hồng Nhung (TTXVN)
Ý kiến bạn đọc
  • Thanh Hóa thu ngân sách đứng đầu khu vực Bắc Trung Bộ

    Thanh Hóa thu ngân sách đứng đầu khu vực Bắc Trung Bộ

    Theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh tỉnh Thanh Hóa năm 2024, tại phiên họp thường kỳ tháng 11/2024, thu ngân sách Nhà nước tỉnh Thanh Hóa dự kiến đạt hơn 50 nghìn tỷ đồng, đứng đầu khu vực Bắc Trung Bộ.

  • Du lịch sinh thái ở Cà Mau: Tiềm năng và vận hội

    Du lịch sinh thái ở Cà Mau: Tiềm năng và vận hội

    Cà Mau được thiên nhiên ưu đãi với địa lý, thiên nhiên án ngữ vùng cực Nam của Tổ Quốc. Nơi đây tồn tại 3 hệ sinh thái ngập nước ngọt, lợ, mặn riêng biệt, tạo nên một môi trường phát triển kinh tế thuận lợi. Đối với du lịch, môi trường tự nhiên của tỉnh này đang là tiềm năng, vận hội mới cho ngành công nghiệp không khói phát triển.

  • Kỳ vọng của Quỹ tín dụng nhân dân đối với Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam trong giai đoạn phát triển mới

    Kỳ vọng của Quỹ tín dụng nhân dân đối với Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam trong giai đoạn phát triển mới

    Bài viết này tập trung vào chính sách bảo hiểm tiền gửi (BHTG) đối với hoạt động của các tổ chức tín dụng (TCTD) trong nền kinh tế thị trường; vai trò của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) đối với hệ thống QTDND trong thời gian qua, những đóng góp tích cực và những mặt còn hạn chế.

Top