Năm ngoái, hiện tượng cua chết hàng loạt xảy ra tại Cà Mau đã gây thiệt hại nặng về kinh tế cho người nuôi. Năm nay, tình trạng này tiếp tục lặp lại và còn nghiêm trọng hơn khiến người nuôi đang rất lo lắng.
Cua nuôi của nhiều hộ dân xã Hiệp Tùng (huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau) bị chết bất thường. Ảnh: BCT
Cua chết bất thường
Anh Dương Văn Thum ở ấp 5, xã Hiệp Tùng (huyện Năm Căn) thả 10.000 con cua giống trên diện tích 2,5ha đất nuôi tôm - cua kết hợp. Khoảng 2 tháng trước, cua bắt đầu chết rải rác, sau đó ngày càng tăng. Gia đình anh Thum xác định vụ cua này gần như thiệt hại hoàn toàn, bởi lượng cua ít ỏi còn lại con thì tấp mé chết dần, số bắt được mang lên bờ một lúc sau cũng chết, nên thương lái không dám thu mua.
“Đến con nước đặt lợp bắt được vài con, đem lên khoảng 15-20 phút thì cua chết. Tình hình này coi như vụ cua đã mất trắng. Giờ tôi đặt cua lên bán, thương lái lo ngại cua bệnh họ cũng không mua”, anh Thum nói.
Tình trạng cua chết tập trung ở 5 địa phương nuôi thủy sản trọng điểm của tỉnh Cà Mau. Ðiều tra bước đầu của ngành chức năng địa phương, có hơn 14.000 hộ có cua nuôi bị chết, với tổng diện tích hơn 30.000 ha, mức độ thiệt hại từ 10-100%. Nặng nhất là huyện Ðầm Dơi, với gần 10.000 hộ bị ảnh hưởng với tổng diện tích hơn 16.600 ha, mức độ thiệt hại từ 10-70%. Cua nuôi bị chết tập trung ở địa bàn các xã Quách Phẩm, Thanh Tùng, Tân Dân, Tân Tiến, Tân Thuận, Nguyễn Huân, Tân Duyệt. Cùng cảnh trên, miệt rừng ngập mặn huyện Năm Căn, nơi sở hữu thương hiệu cua biển ngon nhất cả nước, có hơn 4.300 hộ nuôi cua bị ảnh hưởng, tổng diện tích hơn 13.000 ha, mức độ thiệt hại từ 30-100%, chiếm khoảng 50% số hộ nuôi và diện tích nuôi cua toàn huyện. Cua chết bất thường tập trung tại địa bàn xã Tam Giang Ðông, Tam Giang, Lâm Hải, Hiệp Tùng, Hàng Vịnh, Ðất Mới, Hàm Rồng và thị trấn Năm Căn. Tương tự, tại huyện Cái Nước, cua chết rải rác ở các xã Ðông Thới và Trần Thới, tổng diện tích hơn 165 ha, mức độ thiệt hại lần lượt từ 20-30% và 80-100%. Còn tại miệt rừng huyện Ngọc Hiển, Viên An Ðông và Tân Ân Tây là hai xã có diện tích cua chết nhiều nhất, tổng cộng khoảng 200 ha, mức độ thiệt hại từ 50-100%. Nhẹ nhất là vùng lúa-tôm của huyện Thới Bình. Tại đây, cua nuôi chết rải rác nhưng chưa nhiều, mức độ thiệt hại từ 10-20%.
Theo báo cáo của Phân viện Nghiên cứu Thủy sản Nam Sông Hậu, cua bệnh chết nhiều trong giai đoạn hiện nay là do ký sinh trùng giáp xác chân tơ trưởng thành và ấu trùng của ký sinh trùng ký sinh trong xoang thân cua, xâm nhập vào mô cơ, gan, tim của cua. Tỉ lệ cua nhiễm bệnh lên đến 93,1%, mật độ nhiễm cao nhất là 17 ký sinh/cua. Bên cạnh đó, vi khuẩn V. parahaemolyticus là tác nhân cơ hội thứ 2 hiện diện trong nước nuôi, cơ, gan cua với mật độ khá cao >1.000 CFU/ml/(gram) là tác nhân có nguy cơ gây bệnh cho cua nuôi và nguy cơ gây bệnh cho các đối tượng thủy sản nuôi cùng môi trường. Qua phân tích mô học, không phát hiện tác nhân gây bệnh khác qua mẫu được phân tích.
Ông Ðỗ Chí Sĩ, Chi Cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Cà Mau, cho biết: Dù xác định rõ nguyên nhân gây bệnh khiến cua chết bất thường nhưng đến nay, vẫn chưa có thuốc đặc trị, cũng như chưa có biện pháp điều trị hiệu quả đối với ký sinh trùng giáp xác chân tơ ký sinh trên cua. Với loại bệnh nêu trên, đến nay Nhà nước cũng chưa có chính sách hỗ trợ.
Để hạn chế rủi ro
Ông Nguyễn Minh Hiếu, Phó Chủ tịch UBND xã Hiệp Tùng, cho biết: “Khi có cua chết, người dân cần báo về UBND xã, sẽ có cán bộ chuyên môn xuống nắm tình hình cua chết, kiểm kê số lượng thiệt hại. Sau đó, hướng dẫn bà con vớt cua chết trong vuông, thu gom lại xử lý, tránh tình trạng ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, bà con thu hoạch hết ngay đợt cua này, xong thì cải tạo lại ao đầm. Khi thả lại cần lựa chọn những con giống khỏe mạnh, khuyến khích bà con thả với mật độ thưa, không nên thả nhiều như trước đây”.
Cụ thể, để cải tạo vuông hiệu quả, bà con cần xả cạn nước, xử lý kỹ bùn đáy để tiêu diệt mầm bệnh. Cần phơi nắng đầm từ 3 đến 5 ngày, rồi dùng vôi nóng (CaO) với số lượng 400-500 kg/ha xử lý nước trong kênh, mương. Khi lấy nước vào nuôi cần có túi lọc để găng ấu trùng giáp xâm nhập. Nếu có điều kiện, trước khi thả giống vụ mới cần xử lý lại nguồn nước đầu vào và gây màu nước.
Người nuôi cần chọn con giống khỏe mạnh được ương dưỡng có kích cỡ tương đối lớn. Mật độ phù hợp sẽ là tôm từ 1- 3 con/m2, còn cua chỉ thả 1 con/2m2 hoặc thưa hơn.
“Trong thời tiết nắng nóng kéo dài như hiện nay, khi triển khai vụ mùa mới, người nuôi cần nâng và giữ mực nước trên mặt trảng đạt từ 0,4 mét trở lên, kết hợp che phủ thực vật từ 30 - 40% trên tổng bề mặt diện tích nuôi. Người dân có thể trồng cây xanh phân tán hoặc cắm những ụ chà, nhằm mục đích hạn chế biến động nhiệt độ cũng như phân tầng nước và tạo nơi trú ẩn cho đối tượng nuôi”, ông Nguyễn Nghi Lễ, Trưởng Trạm Khuyến nông huyện Năm Căn cho biết thêm.
Theo nhận định của ngành chức năng tỉnh Cà Mau, người dân địa phương nuôi cua thả quanh năm và không ngắt vụ nên mầm bệnh tích tụ trong môi trường nuôi, khi gặp điều kiện thuận lợi (thời tiết nắng nóng, thời điểm giao mùa) sẽ phát tán nhanh, gây thiệt hại lớn. Hiện vẫn chưa có biện pháp phòng trị bệnh hiệu quả đối với ký sinh trùng giáp xác chân tơ ký sinh trên cua.
Để hạn chế thấp nhất thiệt hại, Sở Nông nghiệp và PTNT khuyến cáo người nuôi cần nắm, chủ động thực hiện các giải pháp trước mắt, cụ thể như sau:
Đối với cua nuôi kết hợp trong vuông tôm: Cần phải thu hoạch ngay lượng cua còn lại trong vuông nuôi để hạn chế thiệt hại do dịch bệnh hiện nay. Không nên thả thêm giống vào vuông nuôi để cắt vụ nuôi và cải tạo vuông nuôi.
Cải tạo lại vuông nuôi bằng cách xả cạn nước, xử lý bùn đáy vuông để tránh mầm bệnh tồn lưu dưới đáy vuông nuôi, phơi nắng từ 3 đến 5 ngày và dùng vôi nóng (CaO) xử lý nước, cải tạo vuông với số lượng vôi 400-500 kg/ha. Đặc biệt, chú trọng xử lý nước trong kênh, mương để xử lý ký sinh trùng, giáp xác, vi khuẩn... diệt mầm bệnh. Ngoài vôi nóng có thể xử lý các hóa chất khác như: Iodine, chlorine, BKC… để xử lý nguồn nước nuôi.
Những vuông nuôi có rừng cần thu gom lá cây đước còn tồn đọng ở kênh, mương để lâu ngày chúng phân hủy sinh ra khí độc, tạo điều kiện cho mầm bệnh phát triển ảnh hưởng đến đối tượng nuôi.
Những nơi lấy nước vào vuông nuôi bằng máy bơm cần có túi lọc để loại bỏ ấu trùng giáp xác gây hại cho động vật nuôi. Nếu có điều kiện thì xử lý, diệt mầm bệnh trong nguồn nước và gây màu nước trước khi thả giống.
Chọn con giống khỏe mạnh được ương dưỡng có kích cỡ tương đối lớn trước khi thả nuôi.
Thả giống với mật độ vừa phải, không nên thả quá nhiều giống do không đủ thức ăn tự nhiên làm tôm, cua chậm lớn, ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của đối tượng nuôi, đặc biệt làm tăng chi phí sản xuất; nuôi quảng canh kết hợp, tôm từ 1- 3 con/m2, cua từ 0,2 - 0,5 con/m2.
Định kỳ sử dụng chế phẩm sinh học cho vuông nuôi để tạo điều kiện cho hệ thức ăn tự nhiên, vi sinh vật có lợi phát triển làm thức ăn cho tôm, cua ổn định môi trường nuôi.
Khi phát hiện cua chết nên thu gom lên bờ chôn, xử lý bằng vôi nóng hoặc chlorine tránh để phát tán mầm bệnh lây lan cho khu vực xung quanh.
Thường xuyên theo dõi, quan sát thủy sản nuôi nếu phát hiện có dấu hiệu bất thường hoặc chết cần báo ngay cho cơ quan quản lý nuôi trồng thủy sản hoặc thú y để phối hợp xử lý.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Cà Mau Châu Công Bằng cho biết, Sở đã kiến nghị UBND tỉnh Cà Mau xem xét cấp kinh phí nghiên cứu giải pháp phòng, trị bệnh do ký sinh trùng (giáp xác chân tơ) gây ra trên cua nhằm giúp người nuôi giảm thiệt hại; đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, Tổng cục Thủy sản, Cục Thú y phối hợp các viện, trường tập trung nghiên cứu để sớm đưa ra giải pháp xử lý dịch bệnh trên cua hiện nay. |