Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 4 tháng 12 năm 2024  
Thứ hai, ngày 6 tháng 3 năm 2023 | 11:17

Người phụ nữ thôn quê “trồng cây - nuôi cá” kiếm hàng trăm triệu mỗi năm

“Chăm chỉ - cần cù; đảm đang - tháo vát”, đó là nhận xét của Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Kiến Quốc (Kiến Thuỵ, TP. Hải Phòng) về chị Đào Thị Hoài.

Chị Hoài đã gây dựng thành công mô hình vườn - ao - chuồng (VAC) với thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm; là tấm gương sáng trong phát triển kinh tế gia đình, vươn lên làm giàu chính đáng.

Chị Đào Thị Hoài đã đặt mua 50 cây ổi giống từ Trung tâm giống cây trồng - Học viện Nông nghiệp Việt Nam về trồng tại vườn nhà. Hiện các cây ổi đang cho thu hoạch quả mỗi ngày.

Gây dựng mô hình VAC từ 100 triệu đồng

Qua lời giới thiệu của Hội Phụ nữ xã Kiến Quốc, chúng tôi về thăm mô hình phát triển kinh tế VAC của gia đình chị Đào Thị Hoài (SN 1984, thôn 3, xã Kiến Quốc, huyện Kiến Thuỵ, TP. Hải Phòng).

Tiếp đón chúng tôi là người phụ nữ có thân hình nhỏ nhắn, dịu dàng, thân thiện, giản dị và khiêm tốn, nhưng lại là người có nghị lực, khắc phục khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.

Cũng giống như những người con gái vùng quê, đến tuổi xây dựng gia đình, chị Hoài kết duyên với chàng trai cùng xã. Những năm đầu khi mới lập gia đình, kinh tế gặp nhiều khó khăn, nhất là khi các con của anh chị lần lượt ra đời.

Chị Đào Thị Hoài chọn giống mít thái có chất lượng thơm ngon, không dùng thuốc trừ sâu được người dùng đón nhận.

Với quyết tâm vượt khó phát triển kinh tế gia đình trên chính mảnh đất quê hương, gom góp được đồng vốn ít ỏi, vợ chồng chị vay mượn thêm anh em, họ hàng được tổng cộng 100 triệu đồng, rồi cùng nhau chuyển đổi ruộng trũng cấy lúa kém hiệu quả sang phát triển kinh tế VAC.

Ý nghĩ đi liền với hành động, “đồng vợ đồng chồng tát biển Đông cũng cạn” lại được chính quyền địa phương ủng hộ, năm 2019, gia đình chị Hoài thuê máy xúc về đào ao thả cá, trên vườn trồng ổi, mít, chuối và chăn nuôi gia cầm…

Với diện tích 2 sào chuối của gia đình chị Hoài đang cho những buồng chuối sai, nặng quả.

Chia sẻ về ngày đầu bắt tay vào gây dựng mô hình VAC, chị Hoài tâm sự: “Sinh ra và lớn lên tại vùng quê, tôi nhận thấy diện tích cấy lúa vùng trũng của gia đình kém hiệu quả, công và chi phí cho chăm sóc lại quá cao. Hơn nữa, hiện nay các khu công nghiệp phát triển, thu hút lượng lớn lao động địa phương khiến cho người dân để ruộng mọc cỏ hoang. Thấy diện tích canh tác để không, gây lãng phí nên gia đình xin chuyển đổi mục đích để phát triển kinh tế VAC”.

Bắt tay vào làm, dưới đào ao thả cá, trên bờ chị trồng 50 cây ổi, 20 cây mít được mua từ Trung tâm giống cây trồng - Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Ban đầu, do đất chua lại chưa có kinh nghiệm nên cá thả xuống bị chết nhiều, cây trồng cũng chết hoặc kém chất lượng phải nhổ bỏ. Tuy thua lỗ nhưng anh chị không nản.

Ngoài vườn cây, ao cá, chị Hoài còn trồng thêm nhiều loại rau màu theo mùa, không sử dụng thuốc trừ sâu để đảm bảo an toàn cho người dùng.

Ý chí làm kinh tế từ VAC đã thôi thúc chị Hoài không dừng lại, chị cùng chồng tiếp tục nghiên cứu tài liệu, học hỏi, tham khảo thêm các kiến thức về mô hình nông nghiệp tại địa phương. Đồng thời, mạnh dạn thuê thêm diện tích của những hộ bên cạnh để làm vườn cây kết hợp chăn nuôi gia cầm. 

Nguồn vốn của chị không đủ, chị Hoài tìm đến Hội Phụ nữ vay vốn từ Quỹ “vì sự phát triển của phụ nữ” và vốn tạọ việc làm của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Kiến Thuỵ được 70 triệu đồng. Từ số tiền vay mượn, chị cải tạo lại ao nuôi, đầu tư thả 1.000 cá rô phi, 5.000 cá trê, 1,5 vạn cá rô đồng; xung quanh bờ ao làm giàn trồng bí, mướp. Trên bờ, chị  tiếp tục trồng ổi, mít, chuối và chăn nuôi nuôi gà, ngan, vịt, chim bồ câu…

Mô hình VAC của gia đình chị Hoài sau khi trừ chi phí cho thu nhập từ 200 – 300 triệu/năm.

Doanh thu hàng trăm triệu đồng/năm

Có kinh nghiệm chăn nuôi cùng với sự giúp đỡ từ bố mẹ chồng, giờ đây mô hình VAC của chị Hoài cho thu nhập mỗi ngày từ những sản phẩm nông nghiệp do chính công sức của gia đình chị làm nên.

Chia sẻ về những sản phẩm nông nghiệp của gia đình bán ra thị trường được người tiêu dùng đón nhận, chị Hoài phấn khởi nói: “Những sản phẩm nông nghiệp do nhà tôi làm ra như ổi, mít, chuối, cá… là những sản phẩm sạch, chất lượng, sau khi thu hoạch, đem bán tại chợ gần nhà, đồ mang ra đến đâu, hết đến đó, có khi bà con còn vào tận vườn đặt mua hàng. Chỉ có cá thu hoạch với số lượng lớn thì bán  cho thương lái. Mỗi năm, mô hình VAC của gia đình cung cấp ra thị trường 1,3 tấn cá, cùng ổi, trứng gà, vịt, chim bồ câu, chuối…, doanh thu khoảng 800 triệu, trừ chi phí, thu về khoảng 200 – 300 triệu đồng/năm”.

Diện tích gần 5.000m2 cấy lúa năng suất thấp của địa phương, nhờ sự cần cù chịu khó của  gia đình chị Hoài, giờ biến thành khu VAC mang lại thu nhập cao. Kinh tế gia đình ổn định, đời sống được nâng lên rõ rệt, chị có thời gian và điều kiện để tích cực tham gia và đóng góp hiệu quả cho phong trào phụ nữ địa phương.

Hội Phụ nữ xã Kiến Quốc tặng quà cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã.

Chị Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Kiến Quốc, cho biết: “Người dân bỏ ruộng hoang không canh tác do chi phí cho sản xuất nông nghiệp cao nên  xin chuyển đổi sang nuôi trồng thuỷ sản để tăng thu nhập. Hội Phụ nữ xã đã tạo điều kiện để chị Hoài được vay vốn phát triển kinh tế gia đình. Khi bắt tay vào thực hiện mô hình, chị Hoài gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, Hội Phụ nữ xã đã hỗ trợ cùng chị bán các sản phẩm nông nghiệp của nhà mình qua mạng xã hội Facebook. Chị Hoài là hội viên giàu nghị lực, biết vượt lên phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống. Tại địa phương, Hội Phụ nữ xã Kiến Quốc đang quản lý nguồn vốn tín chấp từ Ngân hàng Chính sách trên 11 tỉ đồng, cho 360 hội viên vay; và từ Ngân hàng Đông Á 1 tỉ đồng, cho 40 hội viên vay vốn. Chị em phụ nữ trên địa bàn xã sử dụng vốn vay đúng mục đích, đầu tư phát triển kinh tế gia đình, vươn lên trong cuộc sống”.

Mô hình chuyển đổi diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang VAC của chị Đào Thị Hoài đã phát huy được hiệu quả. Đây thực sự là hướng phát triển phù hợp với chị em vùng nông thôn, từ diện tích cấy lúa kém hiệu quả được chuyển sang phát triển kinh tế VAC, giúp nông nghiệp địa phương phát triển, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, ổn định và nâng cao đời sống.

 

Phạm Trang
Ý kiến bạn đọc
Top