Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 29 tháng 6 năm 2024  
Thứ tư, ngày 12 tháng 7 năm 2023 | 10:48

Người rải giống quýt đầu tiên ở Mường Khương

Giữa tiết trời xanh ngắt, trong veo, ông Làn Mậu Thành, dân tộc Bố Y (thôn Sả Hồ, thị trấn Mường Khương, Lào Cai) vừa lau những giọt mồ hôi lấm tấm trên khuôn mặt hồng hào, vừa dẫn chúng tôi lên vườn quýt cổ thụ gần 30 năm tuổi.

Đây chính là nơi ông đã lấy giống để mở rộng không biết bao nhiêu diện tích quýt, đem lại no ấm cho nhiều hộ gia đình và góp phần hình thành nên vùng quýt hàng hoá có thương hiệu.

Thu tiền tỷ

Nhớ lại từ năm 1998 về trước, ông Thành cũng như nhiều người dân trong vùng quanh năm sống dựa vào cây lúa, cây ngô. Nhà đông con, cuộc sống thiếu trước hụt sau luôn thường trực khiến ông luôn nghĩ cách tìm thêm cây trồng mới. Được bố mẹ chia cho 1ha đất đồi, ông Thành trồng thử mía. Nhưng chất đất khô cằn, mía cho năng suất thấp và hiệu quả kinh tế không cao.Trong một dịp tình cờ gặp được người bán giống quýt, ông mua 1.000 cây về trồng thử.

Ông Làn Mậu Thành người tiên phong làm giàu từ cây quýt.

Ông cho biết: “Cây quýt đã có trong vườn của người dân ở Mường Khương từ trước rồi nhưng rất ít. Cứ đến tháng 9-10 hàng năm, vườn nhà ai có cây quýt đều vàng rực lên. Cây nhiều quả, ăn rất ngọt. Nhờ vậy tôi đã biết, quýt là cây phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng địa phương”.

Như ông Thành dự đoán, vườn quýt  phát triển khá tốt. Phấn khởi, ông bỏ công chăm sóc thường xuyên, bám sát quá trình sinh trưởng. Vừa làm vừa học hỏi cách trồng theo kỹ thuật hướng dẫn, sau ba năm, cây cho thu hoạch những trái ngọt, bán rất nhanh, thậm chí “cháy” hàng. Ông mạnh dạn chuyển hết diện tích lúa, ngô của gia đình sang trồng quýt. Đến nay, toàn bộ nương đồi gần 4 ha của gia đình ông phủ xanh bằng 7.000 cây quýt. Mỗi năm, gia đình thu hoạch hơn 100 tấn quả, loại ngon, mẫu mã đẹp, bán với giá 20.000 đồng/kg, còn lại bán 10.000 đồng/kg, thu lãi hơn 400 triệu đồng, có năm ông thu được hơn 1 tỷ đồng.

Gần 30 năm nay, mặc dù cây giống không còn khan hiếm và có thêm nhiều loại giống mới nhưng ông Thành vẫn hàng ngày chăm sóc vườn quýt cổ thụ, cắt tỉa những cành có nguy cơ làm thoái hóa cây, nhổ cỏ, bón phân... Quýt cho chất lượng quả ngon nhất là cây có độ tuổi 4-7 năm nhưng những gốc quýt đầu tiên đã giúp ông Thành làm giàu vẫn xanh um, mơn mởn vươn lên, cho ra trái ngọt thơm đặc biệt.

Ông Thành cho biết, để quýt phát triển tốt, đạt năng suất cao như mong muốn mà không làm cây bị thoái hóa thì người trồng cần chăm sóc tỉ mỉ, áp dụng đúng quy trình từ khâu làm đất, bón phân đến phòng bệnh. Việc làm cỏ, tỉa cành, bôi vôi thân cây phải thực hiện thường xuyên, bám sát quá trình sinh trưởng, thời kỳ ra hoa, đậu quả. Sau thu hoạch, cần bón phân chuồng kết hợp với phân NPK cho cây, thời điểm bón từ tháng 2 - 3 là tốt nhất.

Từ khu vườn này, ông Thành đã ươm ra không biết bao cây giống cung cấp cho anh em, bạn bè, bà con cùng phát triển kinh tế bằng việc hỗ trợ cây giống, hướng dẫn kỹ thuật và giúp các hộ có hoàn cảnh khó khăn vay vốn để thoát nghèo

Mở hướng làm kinh tế

Thấy được hiệu quả kinh tế từ mô hình trồng quýt nhà ông Thành, bà con trong vùng trồng theo, kéo đến học hỏi kinh nghiệm. Hàng trăm hộ dân của huyện Mường Khương chuyển sang trồng quýt với tổng diện tích 815ha, chủ yếu là quýt sen đặc sản, trong đó có 491ha đang cho thu hoạch. Quýt đã trở thành cây trồng thế mạnh của địa phương, giúp nhiều hộ có thu nhập ổn định.

Đến nay, khi đã tiếp cận được nhiều thông tin, các ứng dụng kỹ thuật khoa học, ông Thành mới biết, ở Mường Khương, sự chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm khá lớn, sương mù và độ ẩm cao khiến cho chất lượng quýt và các loại trái cây có múi được trồng ở đây vượt trội hơn hẳn nơi khác. Chính vì vậy, những trái quýt ngọt, thơm đã tạo dựng được thương hiệu và được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng. Quýt Mường Khương trở thành trái cây đặc sản được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý và là sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 3 sao.

Những cây quýt 30 năm tuổi đã góp phần hình thành nên vùng hàng hoá có thương hiệu ở Mường Khương.

Trước đây, khi chưa biết đến việc trồng theo phương pháp hữu cơ, chuẩn VietGAP nhưng toàn bộ diện tích quýt nhà ông Thành cũng không sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật hóa học hay các sản phẩm kích thích tăng trưởng. Ông chia sẻ những kinh nghiệm quý báu mà ông đã áp dụng thành công trong nhiều năm: “Cuối tháng 12, thời điểm quýt đã thu hoạch hết là lúc cần phải tỉa cành, làm cỏ. Các tháng 2, 3, 4 không có nước, nếu không cung cấp đủ nước, hoa sẽ khô đi rồi rụng hết nên phải bơm nước tưới liên tục. Tưới cả gốc lẫn cành lá nên phải phun vào lúc hoa chưa nở để không ảnh hưởng đến năng suất quả. Kết hợp với bón phân vào những thời điểm quan trọng”.

Bên cạnh cây quýt chín sớm và chính vụ, hiện nay, huyện Mường Khương đang phát triển thêm cây quýt chín muộn, thu hoạch từ tháng 12 đến tháng 2 năm sau, để có thể cung cấp cho thị trường mặt hàng nông sản chất lượng phục vụ khách hàng vào dịp Tết Nguyên đán. Đây cũng là hướng sản xuất để nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế cho nhà vườn trên địa bàn.

 

Nguyên Hoa
Ý kiến bạn đọc
Top