Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 7 tháng 12 năm 2023 | 9:0

Người trồng rau ở Thừa Thiên - Huế khắc phục hậu quả mưa lũ

Đợt mưa lũ xảy ra từ ngày 13-16/11 khiến hàng trăm hecta hoa màu ở các vùng thấp trũng tỉnh Thừa Thiên - Huế bị ngập úng, hư hại nặng nề. Người dân đang tranh thủ thời tiết nắng ráo xuống đồng để khắc phục, chăm sóc vựa rau phục vụ thị trường Tết Nguyên đán.

Thiệt hại nặng

Bà Nguyễn Thị Hoa (khu vực 3 thị trấn Khe Tre, huyện Nam Đông) có vườn 300m2 trồng cải, rau lang, bầu bí,… Đợt mưa lũ vừa qua đã làm hư hại hết toàn bộ vườn rau gia đình bà. Những ngày này, gia đình bà Hoa tranh thủ thời tiết khô ráo xuống vườn kiểm tra rau màu để có thể khắc phục phần nào trong điều kiện có thể. Nếu không thể khắc phục thì tổ chức làm đất để tiến hành gieo trồng lại lứa rau mới.

Bà Nguyễn Thị Hoa, trú huyện Nam Đông đang thu hoạch non vườn cải còn sót lại sau mưa lũ.

“Mưa lớn, nước lũ về nhanh quá tôi không làm gì kịp, giờ mất trắng, không còn một cây, ước  thiệt hại phải tiền triệu. Mưa, lũ cũng khiến hệ thống nhà màng lưới che xung quanh khu vực trồng rau của gia đình  bị rách nát, lưới che cũng hư hỏng nặng”, bà Hoa cho hay.

Gia đình anh Nguyễn Văn Sinh (xã Quảng Thành, huyện Quảng Điền) có 1.200m2 rau màu các loại chuẩn bị được thu hoạch. Trận lũ lớn vừa qua làm ngập úng kéo dài, gây thiệt hại hoàn toàn diện tích rau màu của gia đình anh. Những ngày này, tranh thủ thời tiết nắng ráo, gia đình anh Sinh xuống đồng cải tạo lại mặt bằng sản xuất bị biến dạng, khôi phục  để kịp sản xuất.

Ông Nguyễn Ngọc Cảnh Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Thành, cho biết, sau khi nước lũ rút xuống mức thấp, xã đã chỉ đạo các hợp tác xã (HTX) và người dân tôn cao bờ bao, huy động máy bơm khẩn trương đưa nước trong đồng ra hết nhằm hạn chế tối đa thiệt hại và thuận lợi trong việc khắc phục.

Các HTX đã tuyên truyền vận động, hướng dẫn người dân các biện pháp khắc phục thiệt hại. Với những diện tích hoa có khả năng phục hồi thì tiến hành tưới rửa bùn, đồng thời triển khai các biện pháp chăm sóc, kích thích cây phát triển. Đối với  cánh đồng bị hư hỏng 70% trở lên thì tiến hành cày xới để gieo trồng lại.

Người dân tiến hành gieo trồng lại những diện tích rau màu bị hư hại hoàn toàn sau đợt mưa lũ.

Theo Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Quảng Điền, hầu hết các diện tích rau màu, sắn, hoa… ở các vùng thấp trũng trên địa bàn huyện đều bị ngập lũ kéo dài gây thiệt hại hoàn toàn. Ngành Nông nghiệp huyện phối hợp với các địa phương vận động nông dân bám đồng, khắc phục hậu quả. Các địa phương rà soát lượng giống rau cần thiết để đề xuất ngành nông nghiệp, cấp trên có biện pháp hỗ trợ nông dân khôi phục sản xuất.

Huyện Quảng Điền yêu cầu các đơn vị, địa phương khắc phục tạm thời các tuyến kênh mương nội đồng bị hư hỏng để phục hồi sản xuất; chủ động sử dụng nguồn ngân sách dự phòng của địa phương để tổ chức khắc phục hậu quả mưa lũ theo đúng quy định.

Theo thống kê từ Sở Nông nghiệp và PTNT Thừa Thiên-Huế, diện tích rau các loại và hoa vụ đông 2023 là 1.000 ha, trong đó đã thu hoạch 568ha, 178ha bị ngập úng và thiệt hại nặng trong đợt mưa lũ vừa qua.

Chủ động phòng chống dịch bệnh

Sau mưa lũ, ông Lê Trường Lưu, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên-Huế đã cùng đoàn lãnh đạo tỉnh về vùng trọng điểm “rốn lũ” để kiểm tra tình hình, chỉ đạo khắc phục và thăm hỏi, hỗ trợ người dân chịu thiệt hại do thiên tai.

Đồng thời, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên-Huế cũng đã chỉ đạo các địa phương khẩn trương huy động lực lượng dân quân tự vệ, Đội xung kích phòng chống thiên tai, cán bộ, nhân viên hỗ trợ địa phương dọn vệ sinh các đường liên thôn, liên xã theo phương châm nước rút đến đâu dọn vệ sinh đến đó. Lãnh đạo các địa phương phải trực tiếp chỉ đạo công tác khắc phục thiệt hại do lũ gây ra; vận động các hộ gia đình, cá nhân, các tổ chức trên địa bàn tham gia dọn dẹp vệ sinh môi trường sau mưa lũ; chủ động thăm hỏi, động viên gia đình có người bị nạn; quan tâm hỗ trợ các gia đình khó khăn với phương châm không để người dân thiếu đói khi xảy ra mưa lũ.

Theo ông Lê Văn Anh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Thừa Thiên - Huế, để khắc phục thiệt hại do mưa lũ gây ra, các địa phương vận động nông dân nỗ lực ra quân triển khai các biện pháp khôi phục sản xuất nông nghiệp, nhằm ổn định cuộc sống.

Theo đó, đối với những diện tích sắn bị ngập úng, đổ ngã, nông dân tiến hành thu hoạch và phải tiêu hủy các thân cây sắn bị bệnh khảm lá để hạn chế nguồn bệnh, vệ sinh đồng ruộng, phun phân bón lá, các chế phẩm vi lượng…

Người dân tích cực kiểm tra các đối tượng sâu bệnh gây hại, phun trừ sâu bệnh bằng các loại thuốc Ridomil Gold 68WG, Anvil 5SC, Vimonyl 72WP…; chuẩn bị đủ lượng và chủng loại hạt giống rau để gieo trồng lại. Các địa phương tuyên truyền, hướng dẫn và phát động nông dân tổ chức diệt chuột và ốc bươu vàng nhằm hạn chế mật độ trước khi xuống vụ đông xuân 2023-2024. Cần thực hiện nghiêm túc khung lịch thời vụ gieo trồng theo hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và PTNT.

Ngành Nông nghiệp địa phương phân công cán bộ kỹ thuật tăng cường bám cơ sở để nắm bắt tình hình sản xuất, thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết nhằm có biện pháp chủ động ứng phó kịp thời với những ảnh hưởng xấu của thời tiết gây ra. Các địa phương thống kê, phân loại thiệt hại đối với từng vùng, từng đối tượng để có cơ sở khi Nhà nước hỗ trợ; đánh giá thiệt hại theo các mức 30-70% và trên 70% theo quy định của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh; dự kiến bị thiệt hại về năng suất, sản lượng… gửi đến Sở Nông nghiệp và PTNT để có biện pháp giải quyết, hỗ kịp thời cho nông dân.

“Đối với diện tích hoa trồng trên ruộng thì sau 23/10 (âm lịch), thời tiết tương đối ổn định, sẽ nghiên cứu đưa vào trồng các giống hoa ngắn ngày, đồng thời bố trí trồng ở những vùng cao để phục vụ dịp Tết Nguyên đán tới đây. Đối với diện tích hoa chậu thì tập trung chăm sóc, theo dõi sâu bệnh để kịp thời cung cấp ra thị trường đúng dịp Tết Nguyên đán”, ông Anh nói.

Theo thống kê, toàn tỉnh Thừa Thiên-Huế, đợt thiên tai mưa lũ lớn kéo dài từ ngày 13-16/11 đã khiến 3 người chết và 2 người bị thương, có 17.453 nhà bị ngập úng. Trong đợt lũ này, TP. Huế có 85% tuyến đường của 36 phường, xã bị ngập; nhiều tuyến đường giao thông ở Thừa Thiên-Huế bị hư hỏng nặng.

T. Thành
Ý kiến bạn đọc
Top