Tết Nguyên đán hằng năm, nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm hàng hóa thường tăng cao, đây là điều kiện thuận lợi để nông dân đẩy mạnh sản xuất và tiêu thụ các loại nông sản.
Trồng vạn thọ tại hộ chị Tuyến ở xã Trường Thành.
Để phục vụ nhu cầu thị trường dịp Tết Nguyên đán 2023, gia đình chị Lê Thị Kim Tuyến, ngụ ấp Trường Trung, xã Trường Thành, huyện Thới Lai xuống giống gieo trồng 800 chậu vạn thọ, tăng 100 chậu so với năm trước. Gia đình chị đang tích cực chăm sóc vạn thọ để cây nở hoa đúng dịp Tết. Chị Tuyến cho biết: "Năm nay, dù sản xuất hoa Tết gặp khó do thời tiết diễn biến bất lợi và giá phân bón cùng nhiều loại vật tư đầu vào ở mức cao nhưng tôi tin đầu ra thuận lợi nhờ dịch COVID-19 được kiểm soát tốt. Do vậy, tôi đã tăng số lượng sản xuất hoa tận dụng các khoảng đất trống quanh nhà và nguồn lao động nhàn rỗi trong gia đình để kiếm thêm thu nhập. Tết năm trước, tôi trồng 700 chậu hoa vạn thọ và bán với giá bình quân 70.000 đồng/cặp, trừ chi phí tôi có lời hơn 5 triệu đồng".
Thời điểm này, nông dân tại huyện Thới Lai xuống giống dưa hấu và nhiều loại rau màu Tết. Với giá cả đầu ra nhiều sản phẩm rau màu khá tốt, nông dân kỳ vọng tới đây giá bán rau màu trong dịp Tết Dương lịch và Nguyên đán 2023 tiếp tục có nhiều thuận lợi nhờ sức mua tăng. Ông Phan Quốc Hội ở ấp Thới Phong A, thị trấn Thới Lai, cho biết: "Bên cạnh gieo sạ 10 công lúa vụ đông xuân 2022-2023, hiện gia đình tôi cũng xuống giống gieo trồng 4 công dưa hấu để phục vụ nhu cầu thị trường dịp Tết Nguyên đán 2023. Đồng thời, tôi có 4 công đất trồng ớt sừng đã bắt đầu cho thu hoạch, dự kiến đến Tết vẫn còn có ớt thu hoạch. Trồng ớt và dưa hấu nếu trúng mùa và bán được giá cao, nông dân có thể kiếm lời 10-15 triệu đồng/công, thậm chí cao hơn. Hiện nay, giá ớt và giá dưa hấu đều ở mức khá cao, tôi tin rằng tới đây giá cả đầu ra các loại hoa màu này tiếp tục thuận lợi để nông dân kiếm lời trong bối cảnh giá nhiều loại vật tư đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp đang ở mức cao".
Theo anh Trần Văn Biên ngụ ấp Thới Phước B, xã Thới Tân, huyện Thới Lai, để phục vụ thị trường Tết, anh đã xuống giống trồng 6 công rau màu các loại, tăng 2 công so với năm trước. Năm nay, ngoài trồng bắp ngọt và cải bắp, anh còn trồng thêm khổ qua vì nhận thấy nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng này rất nhiều trong dịp Tết. Các loại rau màu như bắp, bắp cải… thường có thời gian trồng ngắn, mỗi vụ chỉ kéo dài từ 2,5-3 tháng trở lại nhưng lợi nhuận có thể cao hơn gấp 3-4 lần so với lúa.
Với sự quan tâm chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện Thới Lai, ngành Nông nghiệp cùng các ban ngành đã tích cực vào cuộc hỗ trợ nông dân sản xuất tốt lúa và các loại cây trồng vụ đông xuân 2022-2023. Đồng thời, khuyến khích và hỗ trợ nông dân chuyển đổi cơ cấu sản xuất theo hướng phù hợp, chú trọng phát triển sản xuất đa dạng nhiều sản phẩm nông nghiệp để đáp ứng nhu cầu thị trường và phát huy các tiềm năng, lợi thế về sản xuất nông nghiệp tại địa phương. Qua đó, giúp nông dân có điều kiện nâng cao hiệu quả sản xuất và lợi nhuận trên cùng diện tích đất sản xuất. Đặc biệt, để phục vụ nhu cầu thị trường dịp Tết Nguyên đán 2023, ngành chức năng huyện Thới Lai đã tăng cường công tác thông tin thị trường, dự báo thời tiết và tập huấn kỹ thuật. Tích cực hỗ trợ và tạo các điều kiện thuận lợi về giao thông, thủy lợi, kết nối cung cầu… để nông dân phát triển sản xuất các loại hoa kiểng, rau màu và sản phẩm nông nghiệp mà địa phương có thế mạnh.
Vụ đông xuân 2022-2023, UBND huyện Thới Lai đã chủ động xây dựng các kế hoạch sản xuất trồng trọt và chăn nuôi từ khá sớm và triển khai đến các xã, thị trấn trên địa bàn để tập trung tuyên truyền, hướng dẫn nông dân tổ chức tốt việc sản xuất. Huyện đề ra kế hoạch gieo trồng lúa vụ đông xuân đạt diện tích hơn 18.374ha, với sản lượng ước đạt hơn 132.785 tấn, trong đó lúa chất lượng cao chiếm khoảng 85% diện tích sản xuất và diện tích lúa tham gia mô hình cánh đồng lớn là 13.100ha. Quan tâm hỗ trợ, hướng dẫn nông dân phát triển sản xuất nhiều loại rau màu trong vụ đông xuân, nhất là các loại rau màu như đậu xanh, dưa hấu, các loại rau cải, nấm rơm…Huyện phấn đấu diện tích gieo trồng rau màu vụ đông xuân đạt 800ha, với sản lượng khoảng 8.200 tấn. Về hoa kiểng, huyện có kế hoạch vận động bà con nông dân xuống giống khoảng 80.000 chậu hoa các loại để phục vụ thị trường dịp Tết và tạo điều kiện tăng thu nhập cho các nông hộ.
Theo bà Phạm Thị Ngọc Bích, Trưởng phòng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thới Lai, đến nay nông dân xuống giống gieo trồng rau màu vụ đông xuân được hơn 621ha, với đa dạng nhiều chủng loại rau màu (như dưa hấu, dưa leo, bắp, các loại đậu, hành, ớt, rau cải...) đáp ứng nhu cầu thị trường dịp Tết. Hiện nông dân tại huyện cũng xuống giống được 97.430 chậu hoa kiểng Tết, vượt khá cao so kế hoạch, trong đó vạn thọ 83.900 chậu, cúc Đài Loan 7.950 chậu, cúc mâm xôi 1.600 chậu, cúc trắng 1.000 chậu, cát tường 1.100 chậu và các loại hoa kiểng khác khoảng 1.880 chậu gồm hoa păng xê, ớt, bắp kiểng… Ngoài ra, còn có 1ha trồng kiểng bonsai, 1ha trồng cây hoa cúc cắt cành. Ngành Nông nghiệp huyện đang tiếp tục theo dõi sát tình hình sản xuất có các khuyến cáo và hỗ trợ kịp thời cho nông dân để sản xuất thắng lợi.
Đối với cây trồng chủ lực là lúa, nông dân huyện Thới Lai đã xuống giống gieo sạ dứt điểm lúa vụ đông xuân 2022-2023, với diện tích 18.399,91ha, đạt 100,14% so với kế hoạch. Lúa đang chủ yếu ở giai đoạn mạ và đẻ nhánh, sinh trưởng và phát triển tốt. Thới Lai cũng có hơn 2.486ha cây ăn trái các loại và dự kiến tới đây nhiều nhà vườn có các sản phẩm trái cây như xoài, nhãn, mãng cầu… phục vụ Tết.