Xuất phát từ mong muốn bảo vệ môi trường, nhóm bạn trẻ Hà Nội Xanh tình nguyện chung tay dọn dẹp những dòng sông bị ô nhiễm trên địa bàn Hà Nội.
Chiến dịch 0 đồng
Vì muốn bảo vệ môi trường ở Hà Nội - nơi bản thân sinh sống và làm việc, anh Nguyễn Tiến Huy (29 tuổi) đã rủ em Lê Minh Hiếu đi dọn rác ở các con mương xung quanh nhà.
Toàn bộ quá trình đó được 2 anh em ghi hình lại và đăng tải trên mạng xã hội. Thật bất ngờ, clip nhận được sự quan tâm của đông đảo người trẻ và từ đó, nhóm Hà Nội Xanh được hình thành.
Thành lập từ tháng 12/2022, đến nay, sau 6 tháng, Hà Nội Xanh đã kêu gọi được khoảng 360 bạn trẻ sinh sống trên địa bàn thủ đô Hà Nội tham gia. Các thành viên trong nhóm chủ yếu là các bạn học sinh, sinh viên, ngoài ra còn có nhiều người đã đi làm và đã lập gia đình.
Các bạn trẻ trong nhóm Hà Nội Xanh tình nguyện lội mình xuống dòng nước bốc mùi, bất chấp rủi ro, nguy hiểm để vớt bèo, cả rác thải sinh hoạt trên những dòng sông ô nhiễm. Ảnh: Hồng Ngọc
Không cùng độ tuổi, không cùng ngành nghề hay địa vị xã hội, tất cả những thành viên tham gia Hà Nội Xanh đều chung một tình yêu với môi trường, mong muốn Hà Nội trở nên xanh – sạch hơn.
Dự án được triển khai có tên gọi "Chiến dịch 0 đồng", bởi 100% kinh phí đều do chính các thành viên tự đóng góp.
Với tần suất hoạt động một tuần 3 đến 4 buổi, tính đến thời điểm hiện tại, nhóm đã làm sạch được khoảng 60 "điểm đen" ở quanh khu vực TP.Hà Nội. Những buổi dọn dẹp thường bắt đầu từ 8h sáng và kéo dài trong suốt cả ngày dài. Địa điểm nhóm hướng đến thường tập trung ở những dòng sông bị ô nhiễm nặng như sông Tô Lịch, kênh La Khê, sông Nhuệ……
“Đa số rác tại các con sông đều là những loại túi nilon, các mảnh chai thủy tinh, rác thải sinh hoạt thậm chí là xác động vật chưa phân hủy bốc mùi hôi thối. Ngoài ra còn có một số chất thải rắn như bàn ghế gỗ, bàn thờ, đồ dùng của các hộ dân đã qua sử dụng đều được nhóm phân loại cẩn thận” - anh Nguyễn Tiến Huy, trưởng nhóm cho hay.
Khát khao tình nguyện lấy lại từng “mảng xanh”
Phải ngâm mình hàng giờ đồng hồ dưới dòng sông, dòng kênh ô nhiễm, các bạn trẻ nhóm Hà Nội xanh hiểu rõ những rủi ro, khả năng gặp phải cũng như những nguy hiểm tiềm ẩn, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe. Dù vậy, những công việc vẫn tiếp diễn bởi họ luôn có niềm tin, hi vọng lan tỏa rộng rãi ý thức tôn trọng và bảo vệ môi trường tới cộng đồng.
Để đảm bảo an toàn cho bản thân, mỗi thành viên trong nhóm Hà Nội Xanh đều chủ động tiêm phòng uống ván, đề phòng các trường hợp xấu dẫm phải kim tiêm, đồ bảo hộ thủng hoặc rách vi khuẩn có thể xâm nhập vào cơ thể bất cứ lúc nào.
“Cũng chẳng được tập luyện hay được huấn luyện gì đâu. Mình ở quê, từ khi còn nhỏ đã quen với công việc đồng áng nên những hoạt động này thân thuộc với mình” - Nguyễn Thắng, thành viên trong nhóm Hà Nội Xanh chia sẻ.
Vất vả, nguy hiểm là thế, nhưng nhóm các bạn trẻ vẫn cố gắng làm việc hết mình, không than vãn, không ngừng động viên nhau cổ vũ nhau bằng những lời bông đùa, pha lẫn một chút tiếng cười, ngân nga những câu hát để xua tan mệt mỏi.
Trong quá trình hoạt động, nhóm đã gặp phải rất nhiều khó khăn từ vật chất lẫn tinh thần, nhất là về công tác quản lí bởi toàn bộ kinh phí là do chính các thành viên đóng góp. Khó khăn là vậy, nhưng anh Nguyễn Tiến Huy, trưởng nhóm Hà Nội Xanh khẳng định:
"Phương châm của nhóm là không nhận hỗ trợ, quảng cáo thương mại vì có thể ảnh hưởng đến mục đích thành lập vì cộng đồng ban đầu. Hoạt động được tiến hành chỉ nhằm mục đích tuyên truyền người dân ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường".
Xử lý từ nguồn thải để giảm ô nhiễm sông qua nội đô
Sông Nhuệ, Đáy, Tô Lịch, Kim Ngưu, Sét và sông Lừ chảy qua nội đô, có vai trò tiêu nước thải cho các hộ dân Hà Nội. Do thiếu hệ thống xử lý nước thải nên ô nhiễm nước, môi trường qua các con sông ngày càng trầm trọng. Nhiều năm qua, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương đã nỗ lực để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm cho các con sông này. Nhưng về lâu dài, cần nhất vẫn là hệ thống xử lý nước thải để giảm gánh nặng cho các con sông.
Để ngăn chặn nguồn ô nhiễm, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã nỗ lực nhiều biện pháp. Chủ tịch UBND phường Tương Mai (quận Hoàng Mai) Đào Thị Thu Hằng cho biết, thứ bảy hằng tuần, UBND phường tổ chức tổng vệ sinh môi trường trên toàn phường, trong đó có gần 1km đường bờ sông. Nhờ đó, cảnh quan khu vực sông Sét sạch sẽ nhưng vẫn không thể ngăn được mùi hôi thối bốc ra từ nguồn nước.
Sông Kim Ngưu (đoạn qua quận Hai Bà Trưng) ngày càng ô nhiễm. Ảnh: Dung Nhi
Trưởng phòng Tài nguyên môi trường quận Đống Đa Vũ Xuân Tiến thông tin, UBND quận yêu cầu các phường tăng cường quản lý trật tự giao thông, đô thị, vệ sinh môi trường dọc tuyến sông Lừ. Đặc biệt, tuyên truyền đến các hộ dân có ý thức bảo vệ sông, không ném, vứt rác bừa bãi ở khu vực sông, ngăn chặn triệt để nguồn gây ô nhiễm.
Về phía các đơn vị chức năng, ông Bùi Ngọc Uyên - Phó Trưởng phòng Đối ngoại truyền thông (Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội) cho biết, công ty vẫn nỗ lực để xử lý rác thải ở các dòng sông. Cụ thể, hằng ngày, giao công nhân thực hiện nhặt, vớt rác tại khu vực sông Tô Lịch, Kim Ngưu, Sét... Công ty cũng lắp đặt gần 40 cụm bè thủy sinh trồng cây thủy trúc trên sông Tô Lịch để hỗ trợ làm sạch nước tự nhiên nhờ phần thân và rễ có vai trò như bộ lọc, chuyển các chất ô nhiễm thành sinh khối của cây và bổ sung ô xy cho nước.
Phó Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường Hà Nội Mai Trọng Thái khẳng định, việc xử lý ô nhiễm các sông nội đô vẫn còn chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Do đó, Sở đã xây dựng Đề cương chi tiết “Đề án phục hồi chất lượng môi trường và phát triển hệ thống 4 sông nội đô Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét” và được UBND thành phố phê duyệt từ năm 2021.
Ngoài ra, thành phố đã chỉ đạo các đơn vị tăng cường duy tu, duy trì hệ thống thoát nước, cải tạo khơi thông dòng chảy: Nạo vét bùn cống rãnh, mương sông bằng thủ công và cơ giới, quản lý vận hành các trạm bơm tiêu thoát nước. UBND thành phố cũng mời Ngân hàng Thế giới (WB) tham gia triển khai Kế hoạch nghiên cứu, tư vấn về kiểm soát ô nhiễm nước của các sông: Tô Lịch, Nhuệ, Đáy, Tích, Bùi và kêu gọi các tổ chức, cơ quan khoa học nghiên cứu giải pháp xử lý cải thiện ô nhiễm các con sông. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị vận hành có hiệu quả các trạm xử lý nước thải sinh hoạt đô thị: Kim Liên, Trúc Bạch, Bảy Mẫu, Nhà máy Xử lý nước thải Yên Sở, Bắc Thăng Long - Vân Trì để chất lượng nước thải sau xử lý đạt quy chuẩn môi trường.
Bên cạnh đó, thành phố đang triển khai thực hiện đầu tư, xây dựng các dự án xử lý nước thải theo Quy hoạch thoát nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, thành phố tập trung nguồn lực, tiếp tục khẩn trương thực hiện Dự án xây dựng hệ thống xử lý nước thải Yên Xá thành phố Hà Nội công suất 270.000m3/ ngày-đêm, dự kiến hoàn thành năm 2025.