Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 3 tháng 12 năm 2024  
Thứ hai, ngày 12 tháng 2 năm 2024 | 14:48

Những cái Tết trên biển

Bám biển quanh năm, sản xuất ngay trong những ngày Tết, ngư dân Quảng Nam chọn một cái Tết trên biển để khẳng định những “cột mốc chủ quyền” vùng biển đảo.

Những cái Tết ngoài khơi

Đã nhiều năm liền, các ngư dân Nguyễn Thanh Vương, Nguyễn Thanh Thành (thôn Sâm Linh Đông, xã Tam Quang, Núi Thành), Võ Công Thảo (thôn Đông Tuần, xã đảo Tam Hải, Núi Thành) luôn có những chuyến biển xuyên Tết.

Anh Nguyễn Thanh Vương nói, chưa biết chuyến biển sẽ được thực hiện trong bao nhiêu ngày, chỉ chắc rằng cá mực đầy khoang mới về bờ. “Mùa xuân, nhất là dịp Tết, hải sản sinh sôi, hoạt động mạnh nên thường có được những mẻ lưới đầy, có lần thu được đến hàng chục tấn cá nục, cá ngừ” - anh Vương nói.

Những chuyến biển xuyên tết thường bội thu hải sản đem lại thành quả lớn cho ngư dân.

Những chuyến biển xuyên tết thường bội thu hải sản đem lại thành quả lớn cho ngư dân.

Cuối tháng Chạp, rời cảng cá Tam Quang, anh Vương cùng 15 bạn biển mang theo lương thực, thực phẩm, đá cây trên con tàu QNa-91945 hành nghề lưới vây, nhắm thẳng Hoàng Sa. Chuyến biển truyền thống xuyên Tết sẽ đến ngư trường truyền thống gắn bó hàng chục năm qua của anh Vương nói riêng, ngư dân Quảng Nam nói chung.

“Chuyến biển đặc biệt có thêm bánh tét, mứt, bánh, kẹo các loại, hoa, rượu và nhang đèn để cúng giao thừa tạ ơn thần Nam Hải. Sau đó, ngư dân chúng tôi sẽ quây quần cùng nhau thưởng thức phong vị Tết trên biển Hoàng Sa - nơi đây cha ông ta đã đổ biết bao máu xương để gìn giữ” - anh Vương nói.

Nguyễn Thanh Thành - chủ tàu cá QNa-91636 luôn bồi hồi với các chuyến biển xuyên Tết. Anh bảo: “Tôi cũng như mọi người đều muốn ở nhà để đoàn tụ, sum vầy bên gia đình vào ngày Tết Nguyên đán. Chuyến biển xuyên Tết của tôi ngoài mưu sinh còn để lễ cúng thần linh che chở bao năm qua vào đúng ngày mồng một Tết. Các bạn biển gắn bó với tôi nhiều năm qua nên khi nghe tôi muốn thực hiện chuyến biển qua Tết đều ủng hộ. Chuyến đi biển dự kiến hơn 20 ngày. Khi về bờ, chúng tôi ăn Tết muộn cùng gia đình và người thân”.

Ngư dân Võ Công Thảo - chủ tàu cá QNa-90170 cho biết, dịp Tết Nguyên đán hằng năm là thời điểm dễ trúng nhiều luồng hải sản giá trị cao nên các ngư dân sản xuất xa bờ đặt rất nhiều kỳ vọng. Chênh lệch cung cầu, các mặt hàng hải sản khan hiếm dịp Tết, giá trị cao hơn thường ngày gấp vài ba lần.

“Xa nhà trong những ngày Tết, chúng tôi tụm lại vào thời khắc giao thừa để mở đài nghe lời chúc Tết từ Chủ tịch nước, sau đó sẽ cúng biển và đón chào năm mới với bữa cơm đặc biệt thân mật” - anh Thảo nói.

Tàu là nhà, biển cả là quê hương

Các ngư dân cho biết, vào thời khắc Tết, trên biển hầu như hiếm có tàu cá của ngư dân Việt Nam. Lúc đó, thay các cờ Tổ quốc cũ đã bạc màu bằng lá cờ mới thấy rất thiêng liêng. Phút giây đó luôn nhắc nhớ về bổn phận của ngư dân đối với chủ quyền biển đảo thiêng liêng của dân tộc.

Biển với ngư dân là nhà, tự bao đời nay, biển cả bao dung che chở, tạo sinh kế cho ngư dân. Ngư dân gắn bó với biển sâu sắc và luôn thôi thúc thực hiện “cột mốc chủ quyền” trên biển đảo quê hương.

Những chuyến biển ngày Tết cũng như là lời khẳng định chủ quyền bất diệt của Tổ quốc.

Những chuyến biển ngày Tết cũng như là lời khẳng định chủ quyền bất diệt của Tổ quốc.

Ngư dân Võ Công Thảo kể, không thể nhớ hết bao nhiêu lần bị tàu Trung Quốc xua đuổi khi đánh bắt hải sản hợp pháp tại vùng biển Hoàng Sa của cha ông. Bị cướp hải sản, bị cắt lưới, ngư dân vẫn một lòng một dạ sắt son gắn bó với biển đảo.

“Còn nhắc nhớ nhau tàu cá là nhà, biển cả là quê hương, chúng tôi còn tin yên biển đảo của mình. Khi ra khơi đối mặt với nhiều khó khăn, hiểm nguy, ngư dân chúng tôi đoàn kết, xem nhau như anh em một nhà để cùng nhau lao động, đánh bắt hải sản và giữ vững ngư trường truyền thống” - anh Thảo quả quyết.

Đời ngư dân đối diện với quá nhiều vất vả, tai ương từ thời tiết thất thường cho đến ngang ngược cản phá của tàu Trung Quốc nhưng họ vẫn luôn ngập tràn niềm tin.

Ngư dân Nguyễn Thanh Thành nói, đời ông, đời cha, đời tôi và con tôi sau này chắc cũng sẽ còn gắn bó với biển. Những con người miệt biển “ăn sóng nói gió”, da sạm đi vì dãi dầu nắng, mưa, sương, gió nhưng vẫn miết mải lao động trong những ngày Tết Nguyên đán để sinh kế. Kế nghiệp cha ông là niềm vui lớn của ngư dân. Như anh Thành đi biển từ rất sớm khi chỉ hơn 10 tuổi và những chuyến hải trình đánh bắt hải sản vẫn còn trong tương lai. Với anh, mỗi con tàu là nhà, biển đảo là sự sống, như hơi thở của cuộc đời.

 

Anh Vũ
Ý kiến bạn đọc
Top