Hiện nay, nhu cầu của người tiêu dùng về nông sản sạch, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng ngày càng tăng cao. Chính vì vậy, việc phát triển các mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ nhằm nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh, giúp nông dân tăng thu nhập trên cùng một diện tích đất canh tác đang là bài toán cho các ngành chức năng.
Từ vụ Xuân năm 2021, Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Kiểm lâm thuộc Sở NN & PTNT tỉnh Hà Nam, đã xây dựng mô hình sản xuất lúa hữu cơ quy mô 10 ha tại HTX DVNN La Sơn huyện Bình Lục.
Qua gần 3 năm với 6 vụ sản xuất, mô hình lúa hữu cơ bước đầu đã cho những tín hiệu khả quan như phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, bảo vệ môi trường; cung cấp cho cộng đồng và xã hội sản phẩm sạch, nâng cao giá trị và hiệu quả kinh tế cho người dân.
Tuy nhiên, để lúa hữu cơ được mở rộng diện tích và thu hút đông đảo bà con nông dân tham gia sản xuất còn nhiều vấn đề cần tháo gỡ.
Những vấn đề cần tháo gỡ trong sản xuất lúa hữu cơ
Theo Ban quản trị HTX DVNN La Sơn, để đạt tiêu chuẩn và được công nhận là sản phẩm lúa hữu cơ thì các khâu sản xuất phải tuân thủ nghiêm quy trình kỹ thuật, tức là bón cho lúa bằng phân bón hữu cơ, bắt ốc, diệt chuột thủ công, phòng trừ sâu bệnh bằng thuốc trừ sâu thảo mộc, trồng cây xung quanh bờ vùng ngăn chặn một số loại côn trùng xâm nhập vào ruộng lúa hữu cơ.
Bên cạnh đó, trước khi đi vào sản xuất, mẫu đất, mẫu nước đã được đưa đi xét nghiệm bảo đảm đủ tiêu chuẩn, không nhiễm asen, kim loại nặng. Từ định hướng xúc tiến thương mại sản phẩm gạo hữu cơ, trong các vụ sản xuất HTX đều bố trí gieo cấy các giống lúa chất lượng dễ tiêu thụ trên thị trường như giống Bắc thơm số 7 hay ST 25.
Qua các vụ sản xuất lúa hữu cơ đêu cho chất lượng tốt, đảm bảo theo tiêu chí. Thành công của mô hình đã mở ra hướng đi mới trong việc cung ứng cho thị trường sản phẩm gạo sạch, an toàn, chất lượng, tuy nhiên mặc dù gạo hữu cơ được thị trường đón nhận, nhưng HTX vẫn gặp khó khâu đầu ra, nguyên nhân là do gạo hữu cơ có giá cao gấp đôi so với gạo sản xuất theo phương thức truyền thống.
Theo ông Phạm Văn My - Phó giám đốc HTX DVNN La Sơn (Bình Lục - Hà Nam): Chi phí đầu vào cao, tốn công nhiều, năng suất thấp nên hạt lúa khi đưa ra thị trường khó cạnh tranh. Bên cạnh đó, việc mở rộng các mô hình sản xuất lúa hữu cơ trên địa bàn toàn tỉnh cũng không hề dễ khi yêu cầu những cánh đồng lúa phải được quy hoạch liền vùng, gọn thửa, chủ động tưới tiêu. Nhiều nông dân chưa muốn chuyển đổi sang sản xuất hữu cơ do sức hấp dẫn về thu nhập chưa được chứng minh; thị trường tiêu thụ không được cam kết; quy trình sản xuất yêu cầu khắt khe, cần thời gian dài để cải tạo đất, tạo nguồn nước tưới đáp ứng yêu cầu về chất lượng, chi phí sản xuất cao mà năng suất nói chung là thấp…
Theo ông Nguyễn Văn Tâm - Giám đốc HTX DVNN Thanh Hà (Thanh Liêm - Hà Nam): HTX chúng tôi chưa thực hiện sản xuất lúa hữu cơ vì đồng đất chỗ chúng tôi vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ.
Thúc đẩy sự phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững và bảo vệ môi trường; cung cấp cho cộng đồng và xã hội sản phẩm sạch, thì sản xuất nông nghiệp hữu cơ là hướng đi tất yếu. Từ mô hình sản xuất lúa hữu cơ tại HTX DVNN La Sơn có thể thấy để sản xuất NN hữu cơ nói chung, sản xuất lúa hữu cơ nói riêng còn cần nhiều giải pháp đồng bộ.
Theo ông Nguyễn Hải Nam - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt, BVTV và Kiểm lâm thuộc Sở NN&PTNT tỉnh Hà Nam: Nhằm từng bước tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy việc sản xuất lúa hữu cơ, các địa phương cần tuyên truyền vận động, hỗ trợ kỹ thuật, vật tư, vốn để HTX và nông dân có điều kiện tiếp cận. Cần có chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư cơ giới hóa trong khâu gieo cấy và sản xuất lúa hữu cơ, đặc biệt là phải thực hiện liên kết chuỗi với sự bao tiêu đầu ra của DN trong khâu tiêu thụ sản phẩm.