Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 19 tháng 4 năm 2024  
Thứ năm, ngày 16 tháng 3 năm 2023 | 16:53

Nỗ lực bảo vệ, hồi sinh sông, ngòi bị ô nhiễm

Ngày quốc tế hành động vì các dòng sông năm nay nêu bật tầm quan trọng của các dòng sông đối với đa dạng sinh học bởi các con sông là "chìa khóa" để khôi phục và duy trì đa dạng sinh học của thế giới. Các hệ thống sông là khu vực có sự đa dạng sinh học cao nhất trên Trái Đất và cũng là nơi có hoạt động mạnh nhất của con người.

Nhiều tác động tiêu cực đến nguồn nước các lưu vực sông

Việt Nam có 3.450 sông, suối với chiều dài từ 10km trở lên, trong đó có 13 lưu vực sông lớn và quan trọng gồm: lưu vực sông Hồng-Thái Bình, Bằng Giang-Kỳ Cùng, sông Mã, sông Cả, sông Hương, Vu Gia-Thu Bồn, Trà Khúc, Kôn-Hà Thanh, Ba, Sê San, Srêpôk, Đồng Nai, Mekong nhưng chỉ có khoảng 37% tổng lượng nước sinh ra trên phần lãnh thổ Việt Nam. Lưu lượng nước trên các lưu vực sông có sự biến động theo mùa, theo vùng miền (khoảng 80% lượng nước tập trung mùa mưa từ tháng 6 đến tháng 1 năm sau và giảm mạnh, thậm chí khô kiệt vào mùa hè).

Bên cạnh đó, phần lớn các đô thị ở Việt Nam tập trung dọc theo các sông lớn, nhưng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, xã hội của đô thị còn chưa đồng bộ, quá tải làm nảy sinh nhiều áp lực đối với môi trường. Sự phát triển dân số và quá trình đô thị hóa tại các đô thị trong thời gian qua đã và đang gây sức ép đến sử dụng tài nguyên nước và môi trường các lưu vực sông. Sự phát triển các ngành kinh tế làm gia tăng nhu cầu sử dụng nước, tuy là động lực phát triển song cũng là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường nước trên các lưu vực sông trong thời gian qua.

Ô nhiễm nguồn nước tại các con sông đang ở mức báo động

Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Việt Nam đứng trong nhóm 10 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ những hiện tượng thời tiết cực đoan. Vì vậy, môi trường nước trên các lưu vực sông đang chịu tác động mạnh bởi diễn biến, xu thế của biến đổi khí hậu toàn cầu. Tại Đồng bằng Bắc Bộ và ven biển miền Trung, mùa khô có xu hướng đến sớm và kéo dài hoặc mưa tập trung với cường suất lớn, dẫn tới hạn hán và lũ lụt, ngập mặn và sạt lở bờ biển ngày một gia tăng. Nam Bộ đang đối diện với tình trạng ngập lụt và xâm nhập mặn. Còn Đồng bằng sông Cửu Long, cùng với vấn đề xâm nhập mặn, hiện tượng xói lở bờ sông, bờ biển cũng xảy ra tại hầu hết các địa phương trong vùng.

Theo đánh giá của Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia, chính quyền các cấp cũng như cộng đồng, xã hội đã có nhiều nỗ lực bảo vệ môi trường trên các lưu vực sông. Nhưng nhu cầu sử dụng nước cho sản xuất và dân sinh ngày càng tăng do quá trình phát triển kinh tế-xã hội, áp lực của sự gia tăng dân số, quá trình đô thị hóa mạnh mẽ trong những năm qua, đã tạo ra nhiều tác động tiêu cực đến chất lượng và trữ lượng nguồn nước các lưu vực sông.

Nỗ lực bảo vệ “mạch sống của Trái đất”

Nhiều năm qua, Việt Nam đã đưa ra những quyết sách quan trọng về quy hoạch khai thác, bảo vệ nguồn nước, tăng cường quản lý nguồn nước theo lưu vực sông; tăng cường kiểm soát các nguồn thải gây ô nhiễm nguồn nước, kiểm soát chặt chẽ hoạt động khai thác và sử dụng nước bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả và bền vững... để nỗ lực bảo vệ và hồi sinh các dòng sông, vì tương lai xanh của đất nước.

Để củng cố và tăng cường hiệu quả quản lý của công tác bảo vệ môi trường nói chung và lưu vực sông nói riêng, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP của Chính phủ đã quy định nhiều nội dung mới về công tác bảo vệ môi trường nước lưu vực sông, đặc biệt là việc đánh giá sức chịu tải của sông, hạn ngạch xả nước thải vào lưu vực sông, công bố các đoạn sông không còn khả năng tiếp nhận chất thải...

Triển khai Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, thời gian qua, các Bộ, ngành, địa phương đã tích cực phối hợp trong việc hoàn thiện thể chế, chính sách bảo vệ môi trường lưu vực sông; tiến hành quan trắc môi trường, điều tra, thống kê nguồn thải; xác định các điểm nóng về môi trường; tiến hành phân vùng môi trường; xây dựng hệ thống thông tin môi trường; tuyên truyền, phổ biến về bảo vệ môi trường lưu vực sông; triển khai nghiên cứu, xây dựng và chuyển giao công nghệ một số mô hình xử lý nước thải sinh hoạt chi phí thấp cho cụm dân cư đô thị thuộc các lưu vực sông.

Cùng với đó, mới đây nhất, Quy hoạch tài nguyên nước quốc gia được Chính phủ phê duyệt lần đầu tại Việt Nam được kỳ vọng sẽ tạo ra những đột phá trong công tác cải tạo, phục hồi các dòng sông ô nhiễm giúp hồi sinh các dòng chết.

Một mục tiêu quan trọng của Quy hoạch này là phấn đấu đến năm 2030 thu gom, xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trước khi xả ra môi trường đạt từ 30% tổng lượng nước thải tại đô thị loại II trở lên và 10% từ đô thị từ loại V trở lên. Qua đó giúp nhiều dòng sông bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm sẽ được phục hồi.

Cùng với việc phê duyệt Quy hoạch tài nguyên nước quốc gia,  trong tháng 2 và tháng 3/2023, Chính phủ cũng ban hành Quy hoạch tổng hợp các lưu vực sông Hồng – Thái Bình và Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Các Quy hoạch nhằm mục tiêu bảo đảm an ninh nguồn nước trên lưu vực sông, tích trữ, điều hòa, phân bổ tài nguyên nước một cách công bằng, hợp lý, khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả gắn với bảo vệ, phát triển bền vững tài nguyên nước nhằm đáp ứng nhu cầu nước cho dân sinh, phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường.

Đây chính là căn cứ, định hướng để Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các bộ ngành, địa phương trên lưu vực sông tổ chức thực hiện quy hoạch nhanh chóng và hiệu quả trong thời gian tới.

Hy vọng với những quyết sách mới được ban hành, thời gian tới, những mạch nguồn sống sẽ tiếp tục được hồi sinh và luôn chảy, "mạch sống của Trái Đất" sẽ tiếp tục được bảo vệ.

Hồi sinh dòng sông chết

Đều đặn mỗi tuần 4 lần, các bạn trẻ trong nhóm “Hà Nội Xanh” lại tập trung đến những điểm nóng về ô nhiễm môi trường để vớt rác. Lý giải về việc làm mà nhiều người cho là “gàn dở” này, anh Nguyễn Tiến Huy, trưởng nhóm cho biết: "Sống ở Hà Nội đã lâu, chứng kiến nhiều khu vực sông, hồ trên địa bàn thành phố ngày càng ô nhiễm nghiêm trọng, với sức trẻ và tình yêu môi trường của mình tôi mong muốn làm cho Thủ đô xanh hơn. Cuối năm 2022, tôi bắt đầu sáng lập nên nhóm tình nguyện. Ban đầu chỉ có một vài thành viên nhưng đến nay sau 3 tháng hoạt động, nhiều bạn trẻ biết được việc làm ý nghĩa của nhóm nên tham gia ngày 1 đông hơn. Hiện nay thành viên của nhóm là gần 200 người" - anh Huy cho biết.

Dù không cùng độ tuổi, không cùng ngành nghề hay địa vị xã hội, tất cả những thành viên của “Hà Nội Xanh” đều chung một tình yêu với môi trường, mong muốn Hà Nội trở nên xanh – sạch hơn. Nguyễn Văn Long - thành viên của nhóm cho biết: Qua tiktok, Long được biết đến nhóm "Hà Nội Xanh" nên tình nguyện tham gia ngay. Long mong muốn công việc của mình sẽ có sức lan tỏa nhiều hơn nữa tới các bạn để góp phần bảo vệ môi trường.

Các thành viên "Hà Nội Xanh" ngâm mình vớt rác

Do tính chất công việc luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ nên tất cả các thành viên khi tham gia đều được trang bị đồ dùng bảo hộ lao động như: gang tay, ủng, quần áo và quan trọng hơn là mọi người đều phải tiêm phòng uốn ván.

Những ngày đầu tham gia, nhìn thấy dòng nước đen kịt cùng vô số các loại rác cũng khiến Lê Thị Yến Nhi ngần ngại, nhưng với sức trẻ và khi thấy sự nhiệt tình của các bạn trong nhóm Nhi đã lấy lại tinh thần. Nhiều loại phế thải như túi nilon, nệm, quần áo, bàn ghế, xác động vật...cũng được Nhi và các bạn kéo lên. Về nhà sau những buổi đầu tham gia, dù cơ thể đau nhức, nhưng Nhi không từ bỏ - Nhi chia sẻ.

Dòng sông Nhuệ, đoạn chảy qua xã Tả Thanh Oai, huyện Thường Tín. Hàng chục năm nay, đoạn sông này luôn đen đặc rác, bốc mùi hôi thối, nhiều người đi qua phải bịt mũi, còn các hộ dân sống gần đó lúc nào cũng trong tình trạng phải đóng cửa vì ô nhiễm. Ông Nguyễn Văn Minh - một người dân ở đây cho biết.

Sau gần hai tiếng ngâm mình dưới lòng sông, các loại rác như: thùng xốp, chai nhựa, vật dụng gia đình, xác động vật…được các bạn vớt lên. Ước tính mỗi buổi các bạn cũng thu được 20 túi rác, mỗi túi nặng hàng  chục kg, cuối tuần có đông thành viên hơn thì số lượng thu được cũng nhiều hơn, rác sau khi thu gom được buộc chặt trong từng túi nilon để chuyển đến điểm tập kết giao cho công nhân môi trường…
 
Chỉ sau hơn 2 tháng thành lập, nhóm tình nguyện “Hà Nội Xanh” đã tổ chức được nhiều buổi đi vớt rác trên khắp các khu vực sông, kênh, mương ở Hà Nội như sông Tô Lịch, kênh La Khê, sông Nhuệ… làm sạch những khu vực sông, hồ bị ô nhiễm rác. Việc làm này khiến nhiều người nể phục.
 
Sau mỗi buổi thu dọn rác, các bạn trẻ lại quay những video clip ngắn để chia sẻ lên mạng xã hội với hy vọng nhiều người sẽ thay đổi ý thức của nhiều người. Chấp nhận những nguy hiểm luôn tiềm ẩn, sức khỏe bị ảnh “Hà Nội Xanh” chỉ mong sao những dòng sông sớm có được 1 màu xanh.
 
 
Thanh Xuân (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    Với 28 lần hiến máu nhân đạo, trình dược viên Từ Thị Tuyên (SN 1989), xã Thạch Thắng, Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã trở thành tấm gương sáng trong các hoạt động an sinh xã hội, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng…

  • PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    Với tinh thần tương thân tương ái, vừa qua, Đoàn Thanh niên Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã tổ chức chương trình từ thiện “Xuân tình nguyện 2024” để thăm hỏi, động viên và trao quà đến các em học sinh nghèo, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động hưởng ứng tinh thần Tháng Thanh niên và Năm Thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ PVcomBank.

  • Thanh Hóa: Hỗ trợ gạo cho đồng bào dân tộc, miền núi để bảo vệ, chăm sóc rừng

    Thanh Hóa: Hỗ trợ gạo cho đồng bào dân tộc, miền núi để bảo vệ, chăm sóc rừng

    Mới đây, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã quyết định xuất hơn 1.266,829 tấn gạo để hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện miền núi Thanh Hóa đã có thành tích tốt trong công tác chăm sóc, bảo vệ và phát triển rừng.

  • Khai hội Du lịch Cửa Lò năm 2024

    Khai hội Du lịch Cửa Lò năm 2024

    Tối 18/4, tại Quảng trường Bình Minh (thị xã Cửa Lò), UBND tỉnh Nghệ An, UBND thị xã Cửa Lò tổ chức khai mạc Lễ hội Du lịch Cửa Lò 2024 gắn với sự kiện công bố, đón nhận quyết định công nhận Di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia - Lễ hội Đền Yên Lương (phường Nghi Thủy).

  • Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương ngày Giỗ Tổ Hùng Vương

    Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương ngày Giỗ Tổ Hùng Vương

    Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn-ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

  • Chiến thắng Điện Biên Phủ - Sức mạnh Việt Nam, tầm vóc thời đại

    Chiến thắng Điện Biên Phủ - Sức mạnh Việt Nam, tầm vóc thời đại

    Đó là chủ đề của Hội nghị chuyên đề do Đảng bộ Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức chiều 16/4, tại Hà Nội, nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 - 07/5/2024).

Top