Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 15 tháng 2 năm 2024 | 16:30

Nô nức xuống đồng, nông dân mong ước một năm bội thu

Không khí Xuân vẫn ngập tràn nơi nơi, nhưng ở nhiều địa phương, nông dân nô nức xuống đồng sản xuất. Khí thế lao động rộn ràng, vui tươi cùng với thời tiết thuận lợi trong những ngày đầu năm mang đến kỳ vọng về một mùa vụ thắng lợi, bội thu.

Thời tiết ấm lên, người dân thôn Du Tràng (xã Giang Sơn) khẩn trương dỡ bỏ vòm nilon che phủ mạ.

Bắc Ninh: Nông dân rộn ràng xuống đồng đầu năm

Trên khắp các cánh đồng của huyện Gia Bình, những người nông dân nói cười rộn vang xen lẫn tiếng máy bừa, máy cày đang hoạt động hết công suất. Hầu hết các thửa ruộng được ngậm nước đầy xăm xắp, sẵn sàng cho việc gieo cấy.

Với diện tích sản xuất gần 1 mẫu ở vụ xuân này, gia đình ông Nguyễn Đình Giang, thôn Du Tràng (xã Giang Sơn) tranh thủ huy động các con, cháu còn được nghỉ Tết chưa đi học, đi làm cùng ra đồng chăm sóc mạ. “Năm nay, thời tiết khá thuận lợi khi có nắng ấm nên sau gần 20 ngày gieo, mạ đã đẻ được 4,5 lá. Chúng tôi đang bỏ nilon, vãi đạm, lân để mạ lên xanh tốt, kịp gieo cấy trong khoảng 1 tuần nữa. Đón Tết Giáp Thìn không quên nhiệm vụ nhà nông, cả gia đình tôi phấn chấn xuống đồng “lấy may”, nguyện cầu cả năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, nhà nhà no đủ” - ông Giang cho biết.

Mùa vụ thứ 4 sản xuất theo phương thức gieo cấy  bằng máy bay không người lái, anh Nguyễn Văn Hoan, thôn Song Quỳnh (thị trấn Gia Bình) gieo cấy khoảng 16ha ở vụ xuân này. Theo anh Hoan, với sự trợ giúp của máy móc hiện đại, người dân giảm hẳn công sức chuẩn bị. Sau khi đăng ký với phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, được hỗ trợ 40kg/ ha thóc giống TR225 để ngâm ủ, thuê đơn vị cung ứng dịch vụ máy bay. Hiện nay, anh chỉ cần cho máy cày bừa kỹ, bảo đảm mặt ruộng phẳng để gieo sạ trong 1 ngày là xong toàn bộ diện tích, kỳ vọng, năm nay thời tiết thuận lợi, năng suất vượt qua mốc 2,8 tạ/sào của vụ xuân năm ngoái.

Được biết, từ trước Tết Nguyên đán, huyện Gia Bình chỉ đạo ngành Nông nghiệp tích cực cung ứng thóc giống để nông dân ngâm ủ, làm mạ; chỉ đạo các địa phương và Trạm thủy nông lấy nước, tích nước làm đất; đồng loạt diệt chuột tập trung sẵn sàng cho sản xuất đạt hiệu quả cao. Đến hết ngày mồng 4 Tết, toàn huyện Gia Bình có 3.329 ha bừa ngả (đạt 95%), 1.493 ha bừa cấy, gieo mạ 234 ha. Diện tích đã gieo cấy là 646 ha, trong đó diện tích gieo thẳng là 626 ha.

Theo chỉ đạo của ngành Nông nghiệp ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, tranh thủ thời tiết nắng ấm, nông dân toàn tỉnh tập trung xuống đồng thu hoạch cây màu vụ đông, đổ ải, làm đất, che phủ nilon cho mạ, gieo cấy lúa xuân với mục tiêu cơ bản hoàn thành gieo cấy 28.700 ha lúa xuân trước ngày 28-2 và kết thúc trước ngày 5-3, giúp cho lúa sinh trưởng, phát triển thuận lợi, tạo tiền đề đạt năng suất cao.

Trao đổi với ông Phạm Văn Chiến, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh được biết: sản xuất vụ xuân năm nay tiếp tục gặp khó khăn do đợt rét đậm, rét hại từ ngày 22 đến ngày 30-1 ảnh hưởng đến tiến độ ngâm ủ, gieo mạ trà xuân muộn và sinh trưởng, phát triển của cây trồng; từ ngày 31-1 đến ngày 6-2  thời tiết mua phùn, ẩm độ không khí cao tạo điều kiện cho bệnh đạo ôn lá phát sinh và gây hại trên một số diện tích mạ nếp trà xuân trung; giá giống, vật tư duy trì cao làm tăng chi phí đầu vào, giá nông sản không ổn định ảnh hưởng đến khả năng đầu tư cho sản xuất của nông dân.

Rút kinh nghiệm từ các vụ sản xuất trước, bước vào sản xuất vụ xuân năm nay cùng với cung ứng giống đầy đủ, kịp thời, chỉ đạo nông dân gieo mạ đúng theo lịch thời vụ, ngành Nông nghiệp tích cực hướng dẫn, đôn đốc nông dân thực hiện che phủ nilon giữ ấm cho mạ trong những ngày nhiệt độ xuống thấp do vậy đã bảo đảm đủ mạ phục vụ gieo cấy lúa.

Trước dự báo nguồn nước phục vụ sản xuất năm nay tiếp tục gặp nhiều khó khăn, ngành Nông nghiệp chỉ đạo 2 Công ty TNHH Một thành viên KTCTTL Bắc và Nam Đuống chủ động bơm nước sớm từ đầu tháng 1 để tích trữ nước vào hệ thống kênh chìm, ao hồ, bám sát lịch xả nước các hồ thủy điện tập trung mọi phương tiện, lực lượng lấy nước. Đến thời điểm kết thúc đợt 1 lịch xả nước các hồ thủy điện (ngày 28-1) hơn 80% diện tích gieo cấy lúa có đủ nước đổ ải, làm đất và gieo cấy. Đến ngày 13-2, toàn tỉnh làm đất được gần 19.000 ha, đạt xấp xỉ 79% diện tích kế hoạch, nông dân các địa phương xuống đồng gieo cấy gần 3.200 ha, đạt xấp xỉ 15% kế hoạch, trong đó: gieo thẳng 3.014,5 ha, lúa cấy 151,8 ha.

Mặc dù vẫn còn dư âm của những ngày nghỉ Tết và chuẩn bị tổ chức lễ hội, chính quyền các địa phương cần quán triệt các ban, ngành, đoàn thể và người dân quan tâm đến sản xuất, tăng cường hướng dẫn nông dân chăm sóc tốt diện tích mạ đã gieo để có mạ đủ tiêu chuẩn cấy kịp thời vụ, lưu ý những ngày nắng ấm cần hướng dẫn nông dân dần vén 2 đầu vòm nilon và tháo dỡ hẳn trước khi cấy 2 - 3 ngày để luyện mạ. Chỉ đạo các địa phương tranh thủ điều kiện thời tiết thuận lợi đẩy nhanh tiến độ làm đất, bón lót sâu các loại phân bón trước khi bừa cấy. Tổ chức gieo thẳng và cấy lúa cơ bản xong trong tháng 2.

Cùng với sản xuất lúa cần hướng dẫn nông dân gieo trồng và chăm sóc cho cây rau màu bảo đảm kế hoạch đề ra; với diện tích cây trồng chưa đến kỳ thu hoạch cần có biện pháp khoanh vùng bảo vệ, tránh để nước đổ ải làm ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển của cây trồng.  Phối hợp chặt chẽ với các xí nghiệp KTCTTL lấy nước phục vụ làm đất kịp thời, hiệu quả; chôn trữ nước trong các kênh chìm, ao, hồ bảo đảm có đủ nước cho gieo trồng và tưới dưỡng vụ xuân, tạo tiền đề cho một vụ xuân thắng lợi.

Hà Nội: Thi đua sản xuất trong những ngày đầu năm mới

Từ trước Tết Nguyên đán đến nay, các địa phương của thành phố Hà Nội đã đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành công tác làm đất và thủy lợi nội đồng, chuẩn bị giống, vốn, vật tư phân bón... Công tác chuẩn bị cho sản xuất vụ xuân diễn ra khẩn trương, tạo khí thế thi đua lao động sản xuất ngay trong những ngày đầu năm mới.

Chăm sóc mạ xuân tại xã Đồng Quang (huyện Quốc Oai). (Ảnh: Hoàng Sơn)

Sau những ngày vui Tết ấm áp với gia đình và người thân, bà Nguyễn Thị Thảo ở xã Xuân Dương (huyện Thanh Oai) bắt đầu ra đồng lấy nước, làm lại đất, xuống giống vụ xuân. Năm nay, gia đình bà cấy 3 sào.

Tranh thủ thời tiết ấm áp, nhiều xứ đồng thuộc các xã: Tuy Lai, Hồng Sơn, Lê Thanh, Xuy Xá, Phù Lưu Tế... của huyện Mỹ Đức đã nhộn nhịp tiếng nói cười, tiếng máy làm đất, máy cấy lúa. Chị Phạm Thị Thủy, nông dân xã Tuy Lai chia sẻ, vụ xuân này gia đình gieo cấy 5 sào lúa giống J02. Từ chiều mùng 3 Tết Nguyên đán, ba mẹ con chị đã ra đồng san lại ruộng. Đến sáng mùng 4 Tết, gia đình chị đã xuống cấy.

Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Mỹ Đức Trương Anh Tuấn, vụ xuân năm nay, huyện Mỹ Đức có kế hoạch gieo cấy 7.425ha lúa xuân. Tính đến 7h ngày 13-2 (tức mùng 4 Tết), nông dân huyện Mỹ Đức đã lấy đủ nước cho 5.375ha, làm đất được 5.012ha, gieo cấy 1.451ha. Dự kiến, ngày 28-2 tới, huyện Mỹ Đức sẽ hoàn thành gieo cấy lúa vụ xuân.

Cùng với các địa phương khác, ngày mùng 4 Tết, nông dân các xã: Đồng Quang, Cấn Hữu, Nghĩa Hương, Tuyết Nghĩa... của huyện Quốc Oai đã ra đồng cấy lúa xuân cho kịp thời vụ.

Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Quốc Oai Kiều Minh Khuê cho biết, vụ xuân 2024, toàn huyện cấy khoảng 4.200ha lúa xuân, trồng 700ha cây màu. Về cơ cấu giống lúa, huyện chỉ đạo mỗi xã, thị trấn chọn 1-2 giống chủ lực, phù hợp với đất đai và tập quán canh tác để giảm áp lực về thời vụ, xướng mạ và nhân công lao động. Trong đó, các địa phương sử dụng giống lúa đem lại năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao, như: Jamonica, ST25 vào sản xuất. Đối với trà lúa xuân sớm chiếm 10% diện tích, cấy trước ngày 4-2 để tránh lũ tiểu mãn. Xuân chính vụ chiếm 90% diện tích, tập trung cấy từ ngày 4 đến 28-2. Tính đến ngày 13-2, toàn huyện Quốc Oai đã cấy được khoảng 800ha, đạt gần 20% kế hoạch; diện tích có nước là 3.600ha. Dự kiến, huyện Quốc Oai hoàn thành cấy lúa xuân trong tháng 2-2024.

Mang theo không khí rộn ràng của những ngày đầu xuân, nhiều nông dân hăng hái ra đồng với hy vọng về một năm mới sản xuất thuận lợi, năng suất bội thu. Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội Lưu Thị Hằng thông tin, vụ xuân 2024, toàn thành phố Hà Nội gieo cấy gần 80.000ha lúa.

Để bảo đảm tiến độ gieo trồng cây vụ xuân 2023, Trưởng phòng Kinh tế huyện Thạch Thất Trần Đức Thanh cho biết, huyện chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, khuyến cáo nông dân ứng dựng tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong khâu sản xuất; tranh thủ thời tiết thuận lợi trong những ngày đầu năm mới, khẩn trương xuống đồng gieo cấy cho kịp thời vụ; phân công cán bộ chuyên môn bám sát đồng ruộng, điều tiết nguồn nước hợp lý cho nông dân gieo cấy.

Tại huyện Chương Mỹ, Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Đỗ Hoàng Anh Châu cho biết, vụ xuân năm 2024, huyện phấn đấu gieo cấy 8.080ha lúa, cây màu 1.230ha. Sản lượng lương thực phấn đấu đạt 54.640 tấn, trong đó thóc đạt 52.510 tấn. Để vụ xuân đạt năng suất cao, huyện hướng dẫn nông dân giữ cho mạ luôn đủ ẩm, khi cây mạ được 2,5-3,5 lá thì tiến hành cấy; tuyệt đối không bón phân thúc cho mạ, đặc biệt ở giai đoạn trước khi cấy vì cây mạ sẽ non, mềm, chống chịu kém, rất dễ chết khi cấy ra ruộng, nếu gặp rét đậm, rét hại.

Nhằm bảo đảm tiến độ lấy nước, gieo cấy vụ xuân 2024, ngành Nông nghiệp Hà Nội yêu cầu các quận, huyện, thị xã tăng cường tuyên truyền, vận động người dân đẩy nhanh tiến độ thu hoạch cây vụ đông canh tác trên đất lúa; tranh thủ tối đa việc lấy nước, thực hiện đưa nước đến đâu, làm đất giữ nước đến đó. Cùng với đó, các công ty thủy lợi duy trì ứng trực, theo dõi diễn biến mực nước, tranh thủ nguồn nước các sông khi thuận lợi, tích cực vận hành hệ thống lấy nước và trữ nước trong hệ thống kênh tiêu, ao hồ, đầm, vùng trũng và đưa nước lên mặt ruộng phục vụ làm đất, đổ ải, gieo cấy lúa, bảo đảm tiến độ vụ xuân 2024.

Với sự chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể của các địa phương và ngành Nông nghiệp, cùng với tinh thần lao động khẩn trương của bà con nông dân ngay trong những ngày đầu năm mới, tin tưởng rằng sản xuất vụ xuân năm 2024 trên địa bàn thành phố diễn ra thuận lợi, bảo đảm trong khung thời vụ, đạt năng suất, chất lượng cao.

Thanh Hóa: Bám đồng sản xuất hi vọng một năm được mùa

Sau những ngày nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, bà con nông dân ở các địa phương trong tỉnh đã ra đồng chăm sóc, gieo trồng vụ xuân với hi vọng một năm sản xuất được mùa.

Tranh thủ thời tiết thuận lợi, ngay từ sáng sớm mùng 3 tết trên khắp các xứ đồng của xã Hoằng Ngọc (Hoằng Hóa) không khí lao động của người dân đã rộn ràng. Tiếng cười, tiếng nói xen lẫn tiếng máy làm đất tạo nên không khí lao động khẩn trương ngay từ những ngày đầu năm mới. Bà Trương Thị Tuyết ở thôn 3 cho biết: Trước tết liên tiếp các đợt rét đậm, rét hại nên chúng tôi phải lùi thời gian cấy lúa xuân lại sau tết. Mặc dù đang trong những ngày tết nhưng chúng tôi đã ra đồng “khai xuân” đắp bờ, lấy nước, vệ sinh ruộng đồng, làm đất gieo cấy lúa xuân cho kịp thời vụ. Do ở vùng đồng bằng ven biển chân đất vàn thấp nên chúng tôi chủ yếu sản xuất trà xuân muộn với các giống lúa có năng suất cao như lúa lai Thái Xuyên 111, QL301, VT 404, Quốc Tế 1...

Nông dân xã Hoằng Ngọc (Hoằng Hóa) tập trung cấy lúa vụ Xuân.

Tại các huyện Triệu Sơn, Thiệu Hóa, Nông Cống chủ yếu sản xuất trà xuân sớm nên nông dân đã tập trung gieo cấy trước tết. Từ ngày mùng 4 tết người dân đã tích cực ra đồng kiểm tra diện tích lúa vụ xuân đã được gieo cấy và thực hiện các biện pháp chăm sóc, bón phân. Trên các thửa ruộng người thì bón phân, người tỉa dặm, chăm sóc lúa xuân, tạo thành một không khí sôi nổi trong những ngày đầu năm mới. Bà Lê Thị Hải ở xã Tượng Văn (Nông Cống) cho biết: Ngay sau những ngày Tết, tranh thủ thời tiết thuận lợi người dân ra đồng chăm sóc lúa, tiến hành bón phân, sục bùn, chắm dặm, đảm bảo mật độ cho cây lúa phát triển với quyết tâm để có vụ lúa bội thu. Nhờ gieo cấy đúng khung lịch thời vụ nên đến thời điểm này các trà lúa xuân trên địa bàn xã phát triển tốt, cây lúa đang trong giai đoạn bén rễ, hồi xanh để đẻ nhánh. Bắt đầu từ ngày mùng 4 Tết bà con nông dân ra đồng làm cỏ, dẫn nước vào chân ruộng để bón thúc cho cây lúa nhanh phục hồi đẻ nhánh. Chúng tôi thường xuyên kiểm tra đồng ruộng và thực hiện các biện pháp diệt chuột và diệt ốc bươu vàng bảo vệ cây lúa.

Theo ngành nông nghiệp, lịch gieo cấy lúa xuân kết thúc muộn nhất trước ngày 28/2. Từ trước kỳ nghỉ tết, ngành nông nghiệp đã hướng dẫn các địa phương tập trung thực hiện sản xuất vụ xuân theo phương án ban hành. Các địa phương cùng với chăm sóc tốt diện tích các loại cây trồng vụ đông, bà con đã gieo cấy vụ xuân. Ngay từ ngày mùng 3 tết, nông dân ở các địa phương đã xuống đồng sản xuất. Đến hết ngày 15/2, nông dân trong tỉnh đã gieo trồng vụ xuân được 134.353,4ha, đạt 70,3% kế hoạch. Trong đó, lúa đã gieo cấy 108.319,8ha, đạt 96,3% kế hoạch (cấy 100.833,2ha, gieo sạ 7.486,6ha); ngô 5.689,5ha; lạc 3.244,3ha; khoai lang 859,4ha; rau đậu các loại và cây trồng khác 16.240,4ha.

Trực tiếp xuống đồng thăm hỏi, động viên bà con nông dân trong những ngày đầu năm mới, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Vũ Quang Trung đề nghị Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các huyện vận động Nhân dân gieo cấy hết diện tích có khả năng sản xuất lúa xuân muộn và các loại cây rau màu trên địa bàn bảo đảm hoàn thành diện tích theo kế hoạch. Lấy mốc thời điểm cây trồng trổ bông từ ngày 25/4 - 5/5/2024 (trong đó lúa trổ bông tập trung từ ngày 25/4 đến 30/4), để làm căn cứ tính thời điểm gieo cấy phù hợp cho từng giống và từng trà lúa của địa phương. Các địa phương căn cứ tình hình thực tế, bố trí gọn từng trà mỗi cánh đồng chỉ sử dụng từ 1 - 2 loại giống, gieo cấy tập trung trong khoảng 3 - 5 ngày.Theo Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, quan điểm bố trí thời vụ và cơ cấu lúa vụ xuân là tăng diện tích sản xuất trà xuân muộn, ưu tiên sử dụng giống ngắn ngày chất lượng cao, giống dài ngày chỉ bố trí trên các chân đất đặc thù; khuyến khích người dân mở rộng diện tích lúa nếp, giống lúa có năng suất cao, chất lượng tốt, gạo ngon, hạt dài. Đối với diện tích trà lúa đã cấy người dân phải giữ nước thường xuyên trên mặt ruộng từ 3 - 4cm để dưỡng lúa và giữ ấm cho lúa; đồng thời thực hiện tốt việc chăm sóc, bón phân, làm cỏ và bảo vệ lúa theo đúng quy trình kỹ thuật. Không bón thúc phân đạm vào những ngày có nền nhiệt độ thấp dưới 150C, đảm bảo cho cây lúa cấy sinh trưởng tốt. Với diện tích rau màu trên đất chuyên màu, cần tập trung chăm sóc, kiểm tra, phòng trừ kịp thời các loại sâu bệnh hại, bảo đảm cung cấp đủ nguồn rau xanh phục vụ sau tết.

Cùng với tập trung chăm sóc, gieo trồng vụ xuân, sáng 15/2 (mùng 6 tháng Giêng) các huyện đã tổ chức lễ phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” xuân Giáp Thìn 2024 gắn với Chương trình “Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025”. Sau lễ phát động cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học, lực lượng vũ trang... trên địa bàn tỉnh đã sôi nổi, tích cực tham gia trồng cây.

Có thể thấy, tinh thần lao động sản xuất ngay từ những ngày đầu xuân Giáp Thìn của người dân là tín hiệu đáng mừng để ngành nông nghiệp hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu, kế hoạch năm 2024./.

 

Thanh Tâm (t/h theo báo Hà Nội mới, báo Bắc Ninh, báo Thanh Hóa...)
Ý kiến bạn đọc
Top