Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 31 tháng 5 năm 2023 | 8:41

Nông dân Đắk Song hào hứng tham gia dự án hồ tiêu bền vững

Những năm qua, tình trạng “trồng chặt - trồng chặt” liên tục lặp lại trong hoạt động sản xuất nông nghiệp tại Tây Nguyên. Ngành sản xuất hồ tiêu cũng không nằm ngoài vòng lẩn quẩn này.

Để giải quyết căn cơ vấn đề nói trên, nhiều giải pháp đã được đưa ra, trong đó có sản xuất bền vững và cách tiếp cận liên kết chuỗi giá trị.

Vừa qua, được sự hỗ trợ của Liên minh châu Âu,  Tổ chức Sáng kiến Thương mại Bền vững (IDH) và các đối tác đã triển khai dự án “Thúc đẩy sản xuất và thương mại bền vững hồ tiêu Việt Nam” trong khuôn khổ Chương trình Cảnh quan hồ tiêu bền vững tại huyện Đắk Song (Đắk Nông), thực hiện giai đoạn 2021-2023. Dự án này nhằm mục tiêu sản xuất và kinh doanh hồ tiêu bền vững nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường quốc tế; kết hợp các biện pháp can thiệp bao gồm thích ứng biến đổi khí hậu, tiết kiệm nước, giảm khí nhà kính; cải thiện điều kiện lao động để góp phần nâng cao thu nhập, việc làm tốt hơn và môi trường tốt hơn.

Chuyên gia nông nghiệp hướng dẫn bà con nông dân kỹ thuật trồng hồ tiêu

Dự án hướng đến cải thiện đời sống cho hơn 8.000 hộ nông dân tại 3 tỉnh Tây Nguyên (Đắk Lắk, Đắk Nông và Gia Lai), trong đó có nông dân Đắk Song (Đắk Nông). Đồng thời tạo dựng và duy trì mối liên kết chặt chẽ giữa chính quyền - nông dân - các doanh nghiệp thu mua, chế biến, xuất khẩu - người tiêu dùng. Các bên cùng hưởng lợi và chia sẻ lợi ích từ các giá trị gia tăng tạo ra từ chuỗi.

Bước đầu, tại huyện Đắk Song, dự án tập trung triển khai tại 4 xã Thuận Hà, Thuận Hạnh, Nam Bình, Nam Jang với quy mô khoảng 1.800ha hồ tiêu và các cây trồng xen là cà phê, sầu riêng, mắc ca và cây ăn quả các loại. Các vùng hồ tiêu cảnh quan, sản xuất theo hướng bền vững đã được hình thành tại nơi đây. Chương trình hướng đến hình thành vùng nguyên liệu hồ tiêu bền vững, với quy mô lớn, chất lượng cao tại huyện Đắk Song (VSA) vào năm 2025, và là một phần trong mục tiêu tổng thể “Vùng nguyên liệu bền vững quy mô lớn tỉnh Đắk Nông” do IDH hỗ trợ.

Bà con nông dân trồng hồ tiêu đúng kỹ thuật tăng năng suất cao

Đồng hành cùng bà con nông dân có chính quyền địa phương và các doanh nghiệp kinh doanh, xuất khẩu hồ tiêu lớn tại Việt Nam như Haprosimex, Trân Châu, Phúc Thịnh, Olam, Nedspice, Jayanti, các hợp tác xã Hoàng Nguyên, Bình Tiến, Thành Phát, Đoàn Kết, Nam Bình, Bechamp; các công ty cung cấp vật tư đầu vào như Bayer, Mặt trời mới… và TMTconsulting - đơn vị trực tiếp tư vấn kỹ thuật và triển khai.

Trong những ngày này, bà con nông dân rất hào hứng tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật liên quan đến sản xuất và thương mại bền vững hồ tiêu. Các lớp tập huấn được thiết kế theo phương pháp có sự tham gia, tăng cường tối đa sự tương tác của người tham gia, kết hợp lý thuyết với hướng dẫn thực hành ngay tại vườn tiêu, hỏi đáp và ôn luyện thông qua các trò chơi nên đã thu hút sự tham gia đông đủ của bà con nông dân. Người dân rất quan tâm đến các chủ đề: bệnh cây (chết nhanh, chết chậm…), tái canh, giống, làm đất, phân bón, trồng cạn, tỉa cành tạo dáng, trụ choái sống, trồng xen, thảm phủ, phòng bệnh và các tiêu chuẩn bền vững trong sản xuất hồ tiêu.

Nông dân huyện Đắk Song tham gia lớp tập huấn kỹ thuật liên quan đến sản xuất và thương mại bền vững hồ tiêu

Ngoài các lớp tập huấn, dự án còn có các hoạt động thăm thực tế và hỗ trợ kỹ thuật tại từng vườn tiêu (FCV), các hoạt động hỗ trợ dịch vụ nông nghiệp (do các đội Agriteam thực hiện) và các can thiệp liên quan đến đảm bảo bình đẳng giới, tăng cường năng lực và phát huy vai trò của phụ nữ trong ngành hồ tiêu tại địa phương.

Chị Trần Thị Miền (thôn Thuận Nghĩa, xã Thuận Hạnh, huyện Đắk Song) cho biết: “Nhà tôi có hơn 4ha hồ tiêu, có trồng xen cây sầu riêng và mắcca. Trước đây, mỗi năm thu hơn 10 tấn tiêu. Những năm gần đây, tiêu chết nhiều, năng suất giảm, thu nhập giảm làm cho kinh tế và đời sống cũng bị ảnh hưởng nhiều. Mấy năm trước, gia đình cũng tìm nhiều cách để đảm bảo và duy trì vườn tiêu nhưng không hiệu quả mấy. Nay được tham gia vào dự án, được tập huấn và hướng dẫn kỹ thuật sản xuất bền vững, nhà tôi tự tin áp dụng và bước đầu có những kết quả khả quan. Vườn tiêu không bị chết như trước nữa, tươi tốt hơn, đẹp hơn và cũng giảm các chi phí đầu vào. Hứa hẹn vụ tới sẽ bội thu”.

 

Dương Hùng
Ý kiến bạn đọc
Top