Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 27 tháng 9 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 20 tháng 9 năm 2024 | 9:0

Nông dân Hải Phòng chật vật khôi phục sản xuất sau bão số 3

Bão số 3 đổ bộ trực tiếp vào Hải Phòng khiến nhiều diện tích lúa, hoa màu, nuôi trồng thủy sản bị ngập lụt, thiệt hại nặng nề… Theo tính toán ban đầu, TP. Hải Phòng thiệt hại ước 11.000 tỷ đồng do bão Yagi.

Cơn bão lịch sử qua đi, nông dân Hải Phòng đang chật vật khắc phục, nỗ lực tái sản xuất, ổn định cuộc sống.

Thiệt hại nặng nề

Bão số 3 đã để lại hậu quả nặng nề về người và tài sản, ảnh hưởng trực tiếp đến người dân Hải Phòng. Đặc biệt, bão đi qua khiến cho sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại, nhiều diện tích lúa, rau màu… không có khả năng phục hồi; ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng hàng hóa bởi sự thiếu hụt trong sản xuất.

Chia sẻ với PV Kinh tế nông thôn, anh Phạm Văn Quyên, hội viên Hội Làm vườn TP. Hải Phòng, Giám đốc HTX nông lâm, thủy, hải sản Nam Việt, cho biết: Trước khi bão số 3 đổ bộ, chúng tôi đã chủ động chằng chống kỹ lưỡng tài sản, hoa màu, nhà màng… Tuy nhiên, cơn bão có sức tàn phá quá mạnh đã gây thiệt hại nặng nề.

30ha chuối của HTX nông lâm, thủy, hải sản Nam Việt bị gãy đổ hoàn toàn, khôi phục bằng cách trồng lại từ  cây con.

 

Diện tích lúa của HTX nông nghiệp Thụy Hương bị thiệt hại nặng nề, gốc rễ bị thối do ngập lâu ngày.

 

“Hậu quả là, 3 nhà màng sập hoàn toàn với diện tích trên 1.500m2; sập kho chứa nguyên vật liệu, máy móc và thức ăn chăn nuôi 200m2; khu nhà ở công nhân và công trình phụ trợ 150m2; nhà xưởng 800m2 bị hư hại nặng; hơn 1 tấn cá chuẩn bị thu hoạch bị nước cuốn trôi; 30ha chuối bị bão đánh gục (chuối Tây Hưng, sản phẩm OCOP 3 sao); cây cối, rau màu bị gió mạnh và mưa lớn quật cho không còn cái lá nào. Bão đã làm cho nguồn nông sản cung ứng ra thị trường phải tạm dừng, thiệt hại ước 1,5 - 2tỷ đồng”, anh Quyên thất thần chia sẻ với PV.

Dù HTX bị thiệt hại không hề nhỏ, nhưng không thể để tình trạng sản xuất bị trì hoãn. Hiện tại, anh Quyên tập trung nhân lực để khắc phục, dựng lại nhà màng sản xuất, diện tích chuối sẽ tiến hành trồng lại. “Biết là chật vật để gây dựng lại, nhưng chúng tôi sẽ cố gắng”, anh Quyên cho hay.

Diện tích lúa đang trong giai đoạn sinh trưởng, phát triển tốt thì bị ngập lụt, không có khả năng phục hồi sau bão, chị Nguyễn Thị Hà, Giám đốc HTX nông nghiệp Thụy Hương chết lặng. Hệ thống nhà màng trồng rau xanh bị sập, 15 tấn thóc bị mọc mầm,… Không nản chí, chị Hà cùng các thành viên trong HTX đang nỗ lực, ngày ngày bám ngoài đồng ruộng khôi phục sản xuất sau bão.

Có thể thấy, tan hoang, xơ xác, đổ nát, mất trắng… là những gì đã xảy ra trên các cánh đồng, thửa ruộng, bờ ao sau cơn bão số 3 tại Hải Phòng. Và nỗi xót xa, lo lắng là tâm trạng chung của những người nông dân khi bất lực nhìn tài sản bị cuốn đi sau một ngày đêm mưa bão.

Người dân Hải Phòng tích cực ra đồng khôi phục sản xuất.

 

Dồn lực khôi phục sản xuất

Theo báo cáo của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự TP. Hải Phòng, tính đến 12h ngày 14/9, Hải Phòng có 25.561ha  lúa bị hư hại; 3.305ha hoa màu, rau màu bị hư hại; 3.303ha rừng bị hư hại; 82.006 cây xanh đô thị bị gãy đổ; 4.655ha nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng.

Nhiều nông dân, HTX đã bị thiệt hại nặng về cơ sở hạ tầng, hoa màu và vật nuôi. Các cánh đồng bị ngập úng, nhà màng và chuồng trại bị hư hỏng, khiến sản xuất gặp khó khăn.

Ngay sau khi bão số 3 đi qua, các cấp chính quyền địa phương trên địa bàn TP. Hải Phòng đã đi kiểm tra thực tế thiệt hại của nông dân, ngư dân và có các chỉ đạo khắc phục hậu quả, khẩn trương khôi phục, ổn định sản xuất nông nghiệp.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Ngọc Đam, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng, cho biết: Hiện nay, trên các cánh đồng mực nước đã rút. Với những diện tích lúa bị bùn đất bám vào thân cây, lá bị giập, khả năng phục hồi sẽ chậm. Một số trà lúa trổ sớm thì bị hỏng hoàn toàn (khoảng 5-7% diện tích lúa mùa), hy vọng vào khả năng khục hồi của diện tích đang trong giai đoạn chuẩn bị làm đòng.

“Sau bão, hoa màu ngập lụt, giập nát, hỏng hết nên giá rau xanh cũng tăng cao. Những người làm nông nghiệp công nghệ cao, nhà màng, nhà kính cũng  bị thiệt hại nặng nề. Sau khi bão tan, cán bộ của Trung tâm Khuyến nông đã và đang tập trung cao cho công tác hướng dẫn người dân khắc phục hậu quả. Cán bộ khuyến nông làm việc cả ngày nghỉ, hướng dẫn các địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp khắc phục, khôi phục đàn vật nuôi để sớm ổn định tình hình sản xuất”, ông Đang cho biết thêm.

Bí thư Thành ủy Hải Phòng  Lê Tiến Châu (người thứ 3 từ phải sang) đề nghị có giải pháp hỗ trợ nông dân bị thiệt hại khôi phục sản xuất sau bão.

 

Để kịp thời khắc phục hậu quả do bão số 3 gây ra, đảm bảo hoạt động chăn nuôi diễn ra bình thường, tại cuộc họp nghe báo cáo về công tác thống kê thiệt hại và giải pháp khắc phục thiệt hại sau bão số 3 (chiều 14/9), Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu đề nghị Sở Xây dựng, Văn phòng UBND TP. Hải Phòng phải triển khai các thủ tục đề xuất, thẩm định và trình khẩn cấp, trên tinh thần ưu tiên cao nhất. Có giải pháp hỗ trợ nông dân bị thiệt hại khôi phục sản xuất  sau bão. Trước mắt, nghiên cứu ủy thác nguồn vốn đầu tư công ngân sách thành phố cho Ngân hàng Chính sách xã hội để cho các doanh nghiệp, hộ dân vay phục hồi sản xuất, tập trung vào các lĩnh vực như: sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản; xem xét khoanh nợ, gia hạn nợ, xóa nợ đối với các đối tượng vay bị thiệt hại sau bão số 3...

Tin tưởng rằng, với sự tập trung cao độ trong công tác khắc phục hậu quả  bão số 3, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn Hải Phòng sớm được phục hồi, góp phần ổn định đời sống Nhân dân.

 

Phạm Trang
Ý kiến bạn đọc
Top