Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 18 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 7 tháng 10 năm 2022 | 10:23

Nông dân Hưng Yên thu nhập cao từ nuôi bò

Chăn nuôi trâu, bò ngày nay không còn như trước đây để làm sức kéo nữa, nhiều nông dân ở Hưng Yên đã mạnh dạn đầu tư để nuôi bò thịt. Với giá thành thịt bò tươi như hiện nay, nhiều nông dân có thu nhập cao.

Thu hàng trăm triệu đồng nhờ nuôi bò nhốt chuồng

Xuất thân từ một gia đình thuần nông ở thôn Minh Lý, xã Hoàng Hoa Thám, huyện Ân Thi (Hưng Yên) anh Đặng Văn Hưng khởi nghiệp bằng nhiều nghề trong đó có nghề xay sát lúa gạo, vừa cải thiện kinh tế của gia đình vừa lấy nguồn thức ăn để chăn nuôi. Vốn có sở thích chăn nuôi nên anh cũng đầu tư để nuôi gà và quyết định bỏ hẳn nghề xay sát lúa gạo để chăn nuôi. Tuy nhiên sự may mắn lại không mỉm cười với anh, nuôi được vài lứa gà có lãi thì lại bị dịch cúm gia cầm, cộng thêm với giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng như “phi mã”, giá gà thương phẩm xuống thấp nên bao nhiêu tiền kiếm được từ chăn nuôi gà đã “đội nón ra đi”.

Anh Đặng Văn Hưng bên trang trại nuôi bò theo mô hình nhốt chuồng của gia đình. Ảnh: Hải Tiến

Sau cú “thất bát” này anh Hưng đã chuyển sang chăn nuôi hươu để lấy lộc, tuy nhiên việc tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm này không được mấy dễ dàng, vì thế anh đã chuyển sang nuôi bò sinh sản và bò lấy thịt.

Chia sẻ với chúng tôi về việc chuyển sang chăn nuôi bò sinh sản và bò lấy thịt, anh Hưng cho biết, nuôi bò sinh sản và bò lấy thịt vất vả hơn nuôi gà, lợn, nhưng chăn nuôi bò ít rủi ro dịch bệnh, giá bán ổn định nên tính ra, hiệu quả kinh tế từ nuôi bò khá cao và bền vững hơn nuôi các giống gia súc, gia cầm khác.

"Nuôi bò vất vả vì phải nấu cám cho ăn, xong rồi ra đồng cắt cỏ chở về nhà, rồi còn phải đưa vào máy thái khúc, bò mới ăn được. Nuôi lợn, gà có cám công nghiệp chế biến sẵn, chỉ cần đổ vào máng cho ăn là xong. Các công việc còn lại, vệ sinh chuồng trại, theo dõi sức khỏe vật nuôi cũng tương tự như chăn nuôi bò" - anh Hưng giải thích.

Để có được nguồn lợi nhuận bền vững nói trên, anh Hưng đã đầu tư chăn nuôi thường xuyên 30 con bò các loại (15 con bò Brahman sinh sản, 15 bò 3B chuyên thịt), trồng 0,54ha cỏ voi và làm 5m3 hầm Biogas xử lý nước thải chăn nuôi và lấy khí gas làm chất đốt nấu cám cho bò.

Cùng với đó, anh Hưng còn mua thêm bã đậu từ các hộ chế biến thực phẩm nhỏ lẻ tại địa phương cho bò ăn mau lớn. Nhờ vậy, mỗi năm anh Hưng đã xuất bán ra thị trường được 11-12 bê con cùng gần 10 tấn bò thịt hơi.

Trong quá trình chăn nuôi bò sinh sản, lấy thịt của mình anh Hưng đã rút ra được kinh nghiệm trong quá trình chăm sóc, những bệnh tật của bò thường hay mắc phải, để từ đó có biện pháp phòng trừ. Theo anh Hưng, phòng bệnh cho bò cơ bản cần vaccine phòng 3 bệnh chính là tụ huyết trùng, viêm da nổi cục và lở mồm long móng.

Với giống bò khi chăn nuôi, ngưỡng kinh tế xuất chuồng bò 3B thương phẩm là trọng lượng đạt 600-650kg/con, kéo dài thêm thời gian chăn nuôi, bò vẫn lớn nhưng tăng trưởng chậm, hiệu quả nuôi bò thấp hơn ngưỡng trọng lượng nêu trên.

Còn Bò Brahmam sinh sản chăn nuôi theo hướng nhốt chuồng cần có đá muối chuyên dụng để cho bò liếm. Bên cạnh đó, cần cho bò phơi nắng mỗi ngày khoảng 1-2 giờ, sẽ giúp bò tăng cường sức khỏe, cải thiện khả năng sinh sản, bê con nuôi mau lớn.

Giống cỏ voi làm thức ăn chăn nuôi bò

Thức ăn cho bò được anh sử dụng đó là giống cỏ voi, là cây ưa nước nhưng không chịu được úng ngập. Vi vậy, ruộng trồng cỏ voi phải lên luống mới đạt năng suất cao. Với cách làm này, ruộng cỏ voi của anh Hưng luôn cho sản lượng thu hoạch cao hơn từ 30-35% so với các ruộng cỏ voi trồng không lên luống. Với việc chăn nuôi bò sinh sản và bò lấy thịt, trung bình mỗi năm anh Hưng kết dư được ngót 300 triệu đồng. “Đây là một nguồn thu không hề nhỏ đối với những người ông dân chúng tôi ở vùng nông thôn để phát triển kinh tế gia đình”, anh Hưng chia sẻ.

Chăn nuôi bò thịt kết hợp trồng chuối cho thu nhập cao

Không chỉ có trường hợp của gia đình anh Hưng ở Ân Thi phát triển kinh tế bền vững nhờ vào việc chăn nuôi bò sinh sản và bò thịt, tại xã Phú Cường (thành phố Hưng Yên) gia đình ông Vũ Văn Tiên  với mô hình chăn nuôi bò thịt kết hợp trồng chuối, mỗi năm cho thu lãi khoảng 700 triệu đồng.

Đàn bò nhốt chuồng của gia đình ông Vũ Văn Tiên

Theo ông Tiên chia sẻ, bò dễ nuôi hơn so với các loại gia súc khác, chi phí thức ăn thấp, không mất nhiều thời gian chăm sóc. Bên cạnh đó, nguồn thức ăn tại địa phương phong phú, ngoài rơm, rạ, cỏ trong tự nhiên, tôi thường xuyên bổ sung một số loại thức ăn hỗn hợp như cám ngô, cám gạo, bỗng rượu để bổ sung thêm tinh bột, giúp bò có sức đề kháng chống dịch bệnh.

Điều quan trọng nhất trong quá trình chăm sóc bò là phải tiêm định kỳ các loại vắc xin phòng dịch bệnh chính như: Tụ huyết trùng, lở mồm long móng, viêm gan... Thường xuyên vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, bảo đảm thoáng mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông. Đồng thời, định kỳ 1 lần/tuần phun thuốc khử trùng chuồng trại.

Hiện nay, trong chuồng của gia đình ông Tiên có hơn 30 con bò, với số lượng bò được gia đình ông chăn nuôi như vậy cho gia đình ông một khoản thu nhập tương đối cao hàng năm.

Để tận dụng phụ phẩm thừa trong quá trình chăn nuôi bò, gia đình ông Tiên đã mở rộng diện tích để trồng thêm chuối tiêu hồng, một loại trái cây hiện nay cũng được thị trường ưa chuộng. Toàn bộ phân bò thải ra cộng với rơm, rạ ông đều sử dụng làm phân bón cho chuối.

Theo kinh nghiệm của ông, để chuối đạt chất lượng cao, nải đẹp, quả đều, to, ngon ngọt, thì quan trọng nhất là phải bón phân theo định kỳ. Mỗi giai đoạn sinh trưởng của chuối đều có kỹ thuật phù hợp từ chăm sóc, vệ sinh, tỉa dọn cây. Do được chăm sóc đúng kỹ thuật nên 17 mẫu chuối của gia đình cho quả to, đẹp nên luôn được giá, các thương lái đến tận vườn thu mua với số lượng lớn, giá bán trung bình 160.000 đồng - 200.000 đồng/buồng chuối tây và khoảng 100.000 đồng/buồng chuối tiêu hồng. Ngoài thu hoạch sản phẩm chính là quả chuối, gia đình ông Tiên còn thu từ các sản phẩm phụ như hoa chuối dùng làm rau bán cho các nhà hàng, lá chuối bán cho các chủ hộ chế biến giò, chả, nem chua, thân cây dùng cho chăn nuôi, chuối con tách chồi từ cây mẹ có thể sử dụng làm cây giống đem bán hay dùng trồng cho vụ kế tiếp, giúp giảm chi phí đầu tư ban đầu.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Cường cho biết: Ông Tiên là hộ sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh. Ngoài việc tập trung cho phát triển sản xuất và kinh doanh, ông còn tích cực tham gia, hưởng ứng các phong trào, hoạt động của địa phương, ủng hộ quỹ hỗ trợ nông dân, giúp đỡ hội viên khó khăn.

Với sự phát triển chung của đất nước như hiện nay, việc làm giàu bằng nhiều hình thức khác nhau trong đó có việc phát triển kinh tế trang trại, chăn nuôi đang là một hướng đi rất có hiệu quả, được nhiều hồ nông dân lựa chọn.

 

Ngọc Thủy
Ý kiến bạn đọc
Top