Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 21 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 1 tháng 8 năm 2024 | 16:9

Nông dân Nghệ An tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi

Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm nâng cao giá trị trên đơn vị diện tích, Trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã xuất hiện rất nhiều mô hình kinh tế cho thu nhập cao, mở ra hướng đi mới cho người dân trên địa bàn.

Thay đổi tư duy sản xuất

Xuất phát điểm cũng giống như bao gia đình khác, khi chủ đạo vẫn là cây lúa, củ khoai, quả đậu nhưng nhờ được tiếp cận với các tiến bộ khoa học kỹ thuật, đi nhiều, học hỏi nhiều và đặc biệt là ý chí làm giàu trên mảnh đất quê hương, anh Nguyễn Văn Bình ở xóm Mỹ Chùa, xã Thanh Tiên đã cùng vợ xây dựng nên một thành quả xứng đáng.

Trên diện tích 1,5 sào đất 64 kém hiệu quả, bắt đầu từ năm 2021, anh đã viết đơn xin chính quyền cải tạo thành ao nông, chuyển đổi từ trồng lúa sang nuôi cua, chạch. Được sự đồng ý của lãnh đạo địa phương, anh thuê máy múc cải tạo thành ao cạn. Ở giữa ao, anh đào mương bao quanh để dẫn nước vào và xả nước ra, đảm bảo nước trong ao nuôi luôn tuần hoàn, tránh các mầm bệnh cho cua. Sau khi chuẩn bị ao nuôi kỹ lưỡng, một mặt, anh đặt mua cua con của người dân đi bắt trong vùng, vừa tự mình đi bắt cua về lựa chọn và thả giống.

Nuôi cua không tốn nhiều vốn, không tốn công chăm sóc; thức ăn đơn giản và có thể tự chế như: Cám gạo, cám ngô, bột cá, 3 ngày chỉ cần cho ăn 1 lần. Vì vậy, nuôi cua đồng chỉ cần tranh thủ thời gian rỗi trong ngày.

Trên diện tích 1,5 sào anh Nguyễn Văn Bình đã cải tạo thành ao nông, chuyển đổi từ trồng lúa sang nuôi cua, chạch. 

Tuy nhiên, mọi việc ban đầu đều không có gì là dễ cả, cũng gặp rất nhiều khó khăn và cả thất bại như vấn đề mầm bệnh, thời tiết ảnh hửng đến sự sinh trưởng và phát triển của con cua. Với bản tính siêng năng, học hỏi, chịu khó cộng với sự giúp sức của những người có kinh nghiệm, anh đã dần khắc phục được những khó khăn, áp dụng nhiều phương pháp để đảm bảo quá trình nuôi hiệu quả nhất, như giai đoạn cua lột xác nên thả ống tre để làm chỗ cho cua trú ngụ, tránh tình trạng con này ăn xác con kia; giai đoạn cua sinh sản nhiều thì phải thu hoạch tỉa các con cua trưởng thành, nhường chỗ cho cua con phát triển. Cua không ưa nắng nóng, do đó, phải lấy bèo tây thả vào ao để cua trú ẩn trong mùa Hè.

Nuôi cua đồng không phải lo “đầu ra” sản phẩm, vì được thị trường ưa chuộng nhờ cua thịt chắc hơn, giá trị dinh dưỡng cao hơn, mà quan trọng là người tiêu dùng không lo cua bị nhiễm các loại hóa chất độc hại sử dụng trong sản xuất nông nghiệp.

Để tăng thu nhập trên đơn vị diện tích, anh Bình còn nuôi xen chạch đồng trong ao cua, bởi đây là đối tượng dễ nuôi, sống ở tầng sâu dưới bùn nên không ảnh hưởng đến cua. Nhờ sự kết hợp trên, mỗi năm, với 3 lứa cua, mỗi lứa 2 tạ, với giá bán 100.000-120.000 đồng/kg, thu về khoảng 70 triệu đồng và khoảng 30 triệu đồng từ tiền bán chạch thì 1,5 sào ao mang lại thu nhập khoảng 100 triệu đồng. So với trồng lúa 2 vụ trước đây thì cao gấp 30-35 lần.  

Mô hình nuôi cua, chạch đồng cùng với mô hình vườn mẫu của anh Nguyễn Văn Bình đang tạo ra thu nhập lớn cho gia đình, là hướng đi đúng đắn để người nông dân mạnh dạn chuyển đổi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để thay đổi cuộc sống nơi làng quê.

So với trồng lúa 2 vụ trước đây thì mô hình nuôi của gia đình anh Bình cho thu  nhập  cao gấp 30-35 lần. 

Hay trường hợp của gia đình ông Trần Đình Quyến ở xã Diễn Vạn, huyện Diễn Châu, với chủ trương khuyến khích cải tạo diện tích đất nông nghiệp kém hiệu quả sang phát triển nuôi trồng thủy, hải sản của địa phương, ông đã cải tạo hơn 1 ha lúa sang nuôi tôm. Hiện nay mỗi vụ, ông bán được gần 3 tấn tôm thương phẩm, lợi nhuận hàng trăm triệu đồng.

Ông Quyến chia sẻ: Với chủ trương khuyến khích cải tạo diện tích đất nông nghiệp kém hiệu quả sang phát triển nuôi trồng thủy, hải sản của địa phương, tôi đã cải tạo nuôi tôm. Hiện nay, mỗi vụ bán được từ 2,5 - 3 tấn tôm thương phẩm. Việc kinh doanh hàng tạp hóa, chăn nuôi hươu và tôm mang về cho gia đình hơn 200 triệu đồng/năm, có điều kiện để nuôi các con ăn học.

Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi của xã đã khẳng định được hướng đi đúng đắn trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương, nguồn thu nhập của người dân được nâng lên đáng kể. Tuy nhiên, để phát triển bền vững, rất cần sự đồng hành với bà con trong việc định hướng lựa chọn cây trồng, vật nuôi phù hợp, tránh phát triển tự phát, thiếu kiểm soát, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế. Đồng thời các cơ quan ban ngành cần tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật nuôi trồng cho bà con.

Hiệu quả từ ứng dụng khoa học vào sản xuất

Sinh ra và lớn lên trên quê hương có truyền thống thâm canh rau màu ở xã Diễn Thành, huyện Diễn Châu, anh Phạm Văn Ba lên lập nghiệp ở thị trấn Kim Sơn từ năm 2002. Đến với vùng đất mới Phủ Quỳ, anh nhận thấy, nếu có đất để trồng rau, củ, quả hàng hóa sẽ thuận lợi, bởi ở vùng miền núi này, phần lớn rau xanh là vận chuyển từ dưới xuôi lên. Và anh quyết định nhận thầu 5.000 m2 đất nông nghiệp để trồng rau.

Vùng đất anh Ba nhận thầu trước đây phần lớn là ao trũng và gò đất. Để có được mặt bằng sản xuất rau thuận lợi, anh đã phải đầu tư thuê máy san ủi, bổ sung thêm đất màu… Sau khi cải tạo được đất đai, anh tập trung trồng các loại rau, củ, quả mà thị trường cần như dưa chuột, đậu cô ve, cà, ớt, rau gia vị…

Với kinh nghiệm có được của người nông dân chuyên sản xuất rau vùng Diễn Thành, cùng với đức tính siêng năng, chịu khó của vợ chồng, nên trên mảnh đất xấu thuở nào đã ngời lên rau màu xanh tốt. Mùa nào thức đó, ngày nào cũng có sản phẩm bán ra thị trường. Công việc ngày càng thuận lợi, thu nhập ổn định, có tích lũy, đầu năm 2023, được hội nông dân các cấp nhiệt tình hướng dẫn, cùng với chính sách hỗ trợ của Nhà nước, vợ chồng anh Ba quyết định đầu tư trên 200 triệu đồng xây dựng nhà lưới với diện tích 1.000 m2.

Vụ Xuân Hè này anh Phạm Văn Ba trồng chủ yếu cây dưa lưới trong diện tích nhà lưới. Ảnh: Q. An

Toàn bộ khu vực trong nhà lưới được lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt, cùng với 3 ao, hồ sát cạnh, kết hợp nuôi cá quanh năm, đảm bảo nguồn nước tưới dồi dào. Vào mùa Hè nắng nóng, nhưng nhờ đầu tư máy nổ phát điện và hệ thống máy bơm đầy đủ, nên trong khu vực nhà lưới khi nào cũng tưới đủ nước, cây trồng xanh tốt. Đầu năm trồng dưa lưới, tiếp đó là cà chua, dưa chuột, rau các loại, đều cho thu nhập cao. Hiện anh đang trồng thử dâu tây trong nhà lưới, bước đầu phát triển tốt.

Sau 1 năm, gia đình anh Ba có doanh thu 150 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi hơn 60 triệu đồng, chưa kể các loại rau, củ, quả trồng ngoài trời theo truyền thống cũng mang lại khoản thu nhập đáng kể. “Nhận thấy sản xuất rau, củ, quả trong nhà lưới mang lại hiệu quả kinh tế cao, gia đình đang tính tới đây sẽ đầu tư xây dựng thêm 1 nhà lưới nữa. Sản xuất rau trong nhà lưới có ưu điểm là tưới hoàn toàn tự động, ít tốn công chăm sóc, ngăn chặn sự gây hại của côn trùng, hạn chế được sâu bệnh, không bị tác động xấu do thời tiết như mưa đá, giông lốc…

Ngoài ra, vì không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học nên nông sản đạt chất lượng tốt, an toàn, trồng ra đến đâu bán hết đến đó. Tuy nhiên, nhược điểm là vào mùa Hè nhiệt độ trong nhà lưới cao, do đó, phải có kinh nghiệm chăm sóc hợp lý”, anh Phạm Văn Ba chia sẻ.

Ông Mạc Văn Tuất - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Quế Phong cho biết: Trồng rau, củ, quả trong nhà lưới đã được người dân các huyện miền xuôi áp dụng từ nhiều năm trước, nhưng với huyện biên giới Quế Phong thì mới manh nha từ năm 2023. Từ trước đến nay, người dân trên địa bàn huyện vẫn chủ yếu sản xuất nông nghiệp truyền thống, năng suất thấp, hiệu quả kinh tế mang lại chưa cao.

Hệ thống tưới phun mưa được lắp đặt để thuận lợi cho việc chăm sóc. Ảnh: Xuân Hoàng

Đầu năm 2023 đến nay, một số hộ dân trên địa bàn huyện đã mạnh dạn đầu tư nhà lưới, mặc dù kinh phí xây dựng cao, nhưng sản xuất theo hình thức chuyên nghiệp hơn. Hiện trên địa bàn huyện đã có 4 hộ nông dân đầu tư nhà lưới, gồm: 2 nhà lưới ở xã Tiền Phong, 1 nhà lưới ở khu vực thị trấn Kim Sơn và 1 nhà lưới ở xã Nậm Giải. Những hộ nông dân này đều có điều kiện về kinh tế, đam mê và có kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp, chịu khó học hỏi, do vậy, các mô hình nhà lưới này đều phát huy hiệu quả.

Việc sản xuất cây trồng trong nhà lưới của bà con nông dân nhằm tăng cường ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, áp dụng biện pháp sinh học, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học, hướng đến sản xuất nông nghiệp sạch, giảm chi phí, bảo vệ sức khỏe, bảo vệ môi trường.
Không những huyện Quế Phong, mà bà con nông dân các huyện miền núi khác như: Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, Tân Kỳ, Anh Sơn, Con Cuông… những năm qua cũng đầu tư xây dựng nhà lưới, ứng dụng khoa học kỹ thuật để sản xuất rau, củ, quả các loại, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Việc bà con sản xuất rau, củ, quả trong nhà lưới nhằm vận dụng được chính sách hỗ trợ của Nhà nước, dần thay đổi tư duy sản xuất và sử dụng rau an toàn của người dân. Đây cũng là nhu cầu thực tế của người tiêu dùng đang hướng đến sử dụng rau, quả tươi rõ nguồn gốc.

Đẩy mạnh công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng

Nông nghiệp là một trong những tiềm năng, thế mạnh của Nghệ An. Tuy nhiên, nhìn chung năng suất nhiều loại cây trồng chưa được đầu tư thâm canh để có năng suất cao hơn, đặc biệt tỉnh chưa có sản phẩm nông sản xuất khẩu có khối lượng lớn như mong muốn.

Thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” định hướng rõ “phát triển nền nông nghiệp hiệu quả, bền vững theo hướng sinh thái, ứng dụng khoa học – công nghệ tiên tiến, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng”. “Về trồng trọt, chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp lợi thế và nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, quy mô lớn. Đổi mới chính sách quản lý và sử dụng đất trồng lúa theo hướng linh hoạt, hiệu quả; chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang sản xuất cây trồng, vật nuôi có hiệu quả cao hơn,…”.

Tỉnh Nghệ An đã sớm chỉ đạo rà soát lại quỹ đất nông nghiệp mà sản xuất kém hiệu quả (kể cả đất lúa) nhằm chuyển đổi cây trồng có năng suất, chất lượng tốt để chế biến và xuất khẩu có hiệu quả cao hơn như cây dứa, cây chuối,… Về chăn nuôi, Nghị quyết Trung ương đặt ra “phát triển chăn nuôi công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hỗ trợ chăn nuôi trang trại, gia trại thân thiện với môi trường. Kiên quyết di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu dân cư tập trung”.

Anh Trần Đình Quyến ở xóm Đồng Hà, xã Diễn Vạn cải tạo diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi tôm mang lại giá trị cao. Ảnh: Thu Huyền

Với định hướng rất đúng đắn, Nghệ An đã có chính sách khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ trang trại đầu tư phát triển. Về thủy sản, nghị quyết đặt ra việc “phát triển thủy sản trên biển và đất liền theo hướng công nghiệp, sinh thái”. Trên địa bàn tỉnh đã có các mô hình nuôi tôm trên bể nổi, nuôi cá theo hướng công nghiệp,… có hiệu quả, cần được phổ biến, nhân rộng để có sản lượng lớn gắn với chế biến để xuất khẩu.

Về lâm nghiệp, riêng khoảng 190.000ha rừng trồng, chủ yếu là keo lai, hiện tại là cây phủ xanh, chống xói mòn, cải tạo đất, là nguyên liệu cho công nghiệp chế biến các sản phẩm từ gỗ, đầu tư không cao nhưng giá trị trên đất thấp (khoảng 10 triệu đồng/ha/năm). Tỉnh cần nghiên cứu lại diện tích phù hợp với độ dốc của đồi núi để chuyển đổi một phần sang trồng cây ăn quả thì sẽ có hiệu quả cao hơn.

Bên cạnh đó, để đẩy mạnh chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông dân, theo các nhà chuyên môn, các ban, ngành cần tăng cường việc ứng dụng khoa học-công nghệ cho nông dân bằng cách xây dựng chương trình và nội dung học tập phù hợp trình độ của nông dân, sát thực tế phát triển nông nghiệp và nông thôn trong từng giai đoạn; trang bị cho nông dân trực tiếp sản xuất các kiến thức về kỹ thuật trồng trọt, kỹ thuật chăn nuôi, bảo vệ thực vật, giới thiệu các tiến bộ kỹ thuật, các mô hình có hiệu quả đưa vào sản xuất để tăng năng suất, chất lượng, hạ giá thành sản phẩm.

Tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý và tổ chức triển khai dự án, năng lực ứng dụng, chuyển giao công nghệ cho cán bộ quản lý và kỹ thuật viên cơ sở. Ngoài ra, cần đơn giản thủ tục hỗ trợ mô hình cho nông dân, có nhiều chính sách hỗ trợ hơn nhằm giảm bớt vốn đối ứng ban đầu để họ mạnh dạn trong phối hợp chuyển giao...

Tuy nhiên, vẫn còn đó những trăn trở, băn khoăn, khó khăn bởi việc chuyển đổi là cả một quá trình lâu dài, bền vững nhưng với chủ trương đúng của Đảng, Nhà nước, công tác tuyên truyền, vận động mạnh mẽ của các tổ chức đặc biệt là tư duy nhạy bén của người nông dân, tin tưởng rằng việc chuyển đổi sẽ diễn ra thành công, tạo ra sự thay đổi ở mỗi vùng quê. Đổi mới tư duy, đổi mới nhận thức, mạnh dạn chuyển đổi, xây dựng thật nhiều mô hình có giá trị kinh tế.

 

Ngọc Lan (Tổng hợp từ Báo Nghệ An)
Ý kiến bạn đọc
Top