Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 23 tháng 12 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 5 tháng 1 năm 2024 | 15:55

Nông nghiệp, nhìn lại để tiến xa hơn

Nhìn lại năm 2023 kiên cường của nền kinh tế (GDP tăng 5,05%, mức tăng trưởng cao trong khu vực và trên thế giới) mới thấy sự đóng góp quan trọng của ngành Nông nghiệp, với không ít con số “kỷ lục” và nhiều điều “lần đầu tiên”.

Nhìn lại năm cũ đã qua để có những giải pháp phù hợp cho mục tiêu nhiệm vụ trong năm mới.

Tin rằng với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự đồng hành kịp thời của Quốc hội, sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của người dân và doanh nghiệp, chúng ta sẽ hoàn thành nhiệm vụ ở mức cao nhất.

Năm 2023, nông nghiệp tiếp tục khẳng định vị thế quan trọng, là trụ đỡ của nền kinh tế. Ảnh: Vietnam+

 

Những con số “kỷ lục”

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, thách thức, song giá trị gia tăng toàn ngành (GDP) tăng cao, ước đạt 3,83% . Đây là mức tăng trưởng cao nhất trong 10 năm gần đây.

Nông nghiệp tiếp tục khẳng định vị thế quan trọng, là trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực, các cân đối lớn của nền kinh tế và góp phần ổn định kinh tế vĩ mô (Sản lượng lúa đạt 43,4 triệu tấn, tăng 1,7% so với năm 2022, sản lượng thịt hơi các loại đạt 7,6 triệu tấn, tăng 3,5%; sản lượng thủy sản 9,3 triệu tấn, tăng 2,9%).

Nguồn: TTXVN

 

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và PTNT, tổng kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 53,01 tỷ USD, xuất siêu đạt mức kỷ lục (12,07 tỷ USD), tăng 43,7%, chiếm trên 42,5% xuất siêu cả nước.

Nổi bật có 6 mặt hàng có giá trị kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ USD: Hàng rau quả đạt 5,69 tỷ USD, tăng 69,2%; Gạo 4,78 tỷ USD, tăng 38,4%; Hạt điều 3,63 tỷ USD, tăng 17,6%; Cà phê 4,18 tỷ USD, tăng 3,1%; Tôm 3,38 tỷ USD, giảm 21,7%; Gỗ và sản phẩm gỗ 13,37 tỷ USD, giảm 16,5%.

Đặc biệt, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục lập kỷ lục, kể từ năm 1989 khi nước ta xuất khẩu lô hàng gạo đầu tiên, năm 2023, lần đầu tiên xuất khẩu gạo vượt mốc 8 triệu tấn, với giá trị khoảng 4,78 tỷ USD, khẳng định vị thế hạt gạo Việt trên thị trường thế giới.

Tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam năm 2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định: Chúng ta có thương hiệu gạo ngon nhất thế giới, gạo 5% tấm của chúng ta có giá tốt nhất thế giới. Chúng ta phải xây dựng thương hiệu và có thương hiệu mà không quy hoạch thì rất khó xuất khẩu được nhiều sản phẩm.

Bên cạnh đó, số lượng sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên tăng đều qua các tháng và đạt 11.000 sản phẩm (tăng 2.189 sản phẩm so với năm 2022); trong đó có 37,9% là HTX, 24% là doanh nghiệp, 35,3% là cơ sở sản xuất/hộ kinh doanh, còn lại là tổ hợp tác. Nhiều hoạt động tạo điều kiện thuận lợi giúp doanh nghiệp quảng bá, tiêu thụ sản phẩm.

Năm 2023 , cả nước có khoảng 78% xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), trong đó có 256 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.  270 đơn vị cấp huyện được công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn NTM.

Và 2023 cũng là năm lần đầu tiên lĩnh vực lâm nghiệp đã hoàn thành các thủ tục để chuyển nhượng thành công lượng giảm phát thải 10,3 triệu tấn carbon cho Quỹ Đối tác carbon trong lâm nghiệp thông qua Ngân hàng Thế giới (WB), thu về 1.200 tỷ đồng, góp phần phát triển ngành Lâm nghiệp.

Năm 2023 cũng là lần đầu tiên ghi nhận kết quả Việt Nam đã nghiên cứu, sản xuất thành công và xuất khẩu vaccine thương mại phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi, điều này mang lại những kỳ tích cho ngành Chăn nuôi nói riêng và ngành Nông nghiệp nói chung.

Dấu ấn đổi mới tư duy và mô hình tăng trưởng

Nhìn lại một năm thành công trong xuất khẩu nông sản của Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan cho hay, năm 2023, có lẽ một trong những thành công rõ nét của ngành Nông nghiệp đó là kích hoạt được tư duy kinh tế, tư duy thị trường. Trước đây, ngành Nông nghiệp cố gắng tạo ra được sản lượng nhiều nhất. Có lúc chúng ta đã nghĩ sản lượng đi đôi với việc đáp ứng thị trường và nâng cao thu nhập cho nông dân. Những bài học về “được mùa mất giá” đã cho chúng ta hiểu rằng, sản xuất có thể ít hơn nhưng tốt hơn thì lợi ích thu về từ thị trường sẽ lớn hơn.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết: Năm 2023, xuất rau quả đạt 5,69 tỷ USD, tăng 69,2%. Có thể nói, tiềm năng lợi thế về rau quả rất lớn, trong đó có sầu riêng. Diện tích sầu riêng 112.000 ha với khoảng 840.000 tấn nhưng mới chỉ thu hoạch ở diện tích hơn 60.000 ha, phần còn lại đang thiết kế cơ bản năm tới sẽ được thu hoạch.

Bên cạnh đó, nếu thời gian tới ký kết được Nghị định thư xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sang Trung Quốc được hoàn tất, giá trị xuất khẩu sầu riêng sẽ tăng lên. Năm 2023 xuất khẩu sầu riêng đạt trên 2,2 tỷ USD, giá trị rất lớn.

Ngoài ra, nếu các giải pháp về hạ tầng được giải quyết, đó là cửa khẩu thông minh, đường sắt, đường bộ kết nối cũng như thống nhất kiểm dịch, cắt giảm thủ tục hành chính và làm rõ được mã vùng rồng, mã đóng gói thì sản lượng rau quả xuất khẩu còn nhiều tiềm năng, lợi thế để tăng trưởng trong năm 2024.

Yếu tố quan trọng nhất vẫn là thị trường, nếu không có thị trường thì chúng ta cũng không kích hoạt được sản xuất. Hiện nay, thị trường càng ngày càng khắc nghiệt, chúng ta không chỉ đi mở cửa thị trường mà phải hiểu được đặc tính của từng thị trường. Trước nay chúng ta hay nghĩ thị trường là nơi buôn bán nhưng thực tế đó là những nơi có văn hóa tiêu dùng khác nhau. Có những nông sản chúng ta bán được trong nước nhưng không bán được ở nước ngoài, có những nông sản bán được ở thị trường châu Á nhưng không bán được ở thị trường châu Âu… và ngược lại.

Việc Bộ Nông nghiệp và PTNT gắn tiêu chuẩn về thị trường xuống vùng nguyên liệu tất nhiên cũng có những rủi ro nhưng sự thành công trong xuất khẩu nông sản vừa qua chứng minh được người nông dân, ngành Nông nghiệp có thể tiếp cận  những thị trường khắt khe nhất.

Đồng quan điểm, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến thẳng thắn chia sẻ, ngành Nông nghiệp thực hiện Kế hoạch năm 2023 trong điều kiện có những thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen; trong đó, đặc biệt khó khăn về thị trường xuất khẩu lâm sản và thuỷ sản...

“Tuy nhiên, với sự thống nhất từ nhận thức đến hành động và việc tổ chức thực hiện chuyển đổi mạnh từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế nông nghiệp, từ phát triển đơn ngành sang hợp tác, phát triển đa ngành; thúc đẩy tích hợp đa giá trị trong sản phẩm nông - lâm - thuỷ sản; chuyển từ chuỗi cung ứng nông sản sang phát triển các chuỗi ngành hàng theo đúng định hướng tại Nghị quyết 19-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2023, tầm nhìn đến năm 2045 và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững; nỗ lực vươn lên với phương châm “Đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả”, toàn ngành đã đạt được nhiều kết quả tích cực”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Năm 2023, ngành Nông nghiệp đạt được nhiều kết quả trong việc mở cửa thị trường cho các loại nông - lâm - thủy sản. Nghị định thư xuất khẩu chính ngạch nhiều loại nông sản như sầu riêng, tổ yến,… đã được ký kết giữa Bộ Nông nghiệp và PTNT và Tổng cục Hải quan Trung Quốc.

Sau khi có nghị định thư, chỉ trong vài tháng cuối năm 2023, xuất khẩu sầu riêng đã thực sự bùng nổ, với giá trị vượt 2,2 tỷ USD; những lô hàng tổ yến đầu tiên cũng được xuất khẩu sang Trung Quốc. Cũng năm 2023, trái dừa tươi đã được cấp phép xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ.

Đặc biệt, năm 2023, ngành Nông nghiệp ghi dấu tổ chức thành công nhiều sự kiện lớn mang tầm quốc gia, quốc tế (Festival quốc tế ngành hàng lúa gạo, Festival Bảo tồn và phát triển làng nghề, Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về phòng chống thiên tai...), qua đó giúp quảng bá hình ảnh, thương hiệu nông - lâm - thủy sản trong nước, khu vực và quốc tế, thúc đẩy tiêu thụ nông sản; nhất là việc phát động thực hiện Đề án Phát triển bền vững 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030.

Đóng gói bưởi da xanh xuất khẩu tại Cơ sở Hương Miền Tây (Bến Tre). Ảnh: Hồng Đạt – TTXVN

 

Bài học kinh nghiệm

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, trong điều kiện nền kinh tế cả nước năm 2023 gặp nhiều khó khăn, thách thức (trong đó có ngành nông nghiệp), có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm như sau: Cần nhất quán chuyển đổi mạnh mẽ từ tư duy đến hành động sang kinh tế nông nghiệp; quán triệt phương châm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ: quyết tâm phải lớn, nỗ lực phải cao, hành động phải quyết liệt, hiệu quả, khẩn trương. Tranh thủ tối đa sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự giúp đỡ, hỗ trợ của cả hệ thống chính trị và nỗ lực vượt khó đương đầu với thử thách, hành động quyết liệt, sáng tạo, bứt phá vươn lên trên tất cả các lĩnh vực của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân và bà con nông dân.

Bên cạnh đó, cần quyết liệt trong chỉ đạo, lãnh đạo, tổ chức thực hiện và tăng cường công tác phối hợp thông qua đẩy mạnh sử dụng công nghệ thông tin, công nghệ số. Lựa chọn những giải pháp đột phá để định hướng sản xuất, như mở cửa thị trường xuất khẩu, đồng thời coi trọng thị trường trong nước, áp dụng quy trình sản xuất tốt, an toàn, chất lượng…

Đồng thời, cần nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo, bám sát tình hình thực tiễn để chủ động xây dựng các kịch bản, chuẩn bị cho mọi tình huống có thể xảy ra. Chủ động thông tin kịp thời, chính xác về tình hình nông nghiệp, nông thôn, củng cố niềm tin trong Nhân dân, tạo sự đồng thuận xã hội.

Chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương điều chỉnh kế hoạch sản xuất, cơ cấu mùa vụ phù hợp với tình hình thời tiết, bảo đảm hạn chế tối đa thiệt hại bởi thiên tai, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi. Phối hợp, đồng hành, tìm giải pháp kết nối cung cầu, thúc đẩy tiêu thụ nông sản vào vụ thu hoạch; nhất là kết nối đưa nông sản vào các hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng và lên sàn thương mại điện tử.

Tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư của doanh nghiệp; khơi dậy niềm tin và khích lệ tinh thần đổi mới, sáng tạo khởi nghiệp toàn xã hội; thường xuyên quan tâm đời sống, an sinh của người dân. Chú trọng công tác truyền thông, thường xuyên cung cấp thông tin kịp thời, đầy đủ, xác thực cho các cơ quan báo chí, tạo sự đồng thuận, lan tỏa trong xã hội về nông nghiệp, nông thôn, nông dân…

Dây chuyền chế biến cá tra xuất khẩu tại nhà máy của Tập đoàn Sao Mai. Ảnh:Vũ Sinh – TTXVN

 

Hướng tới mục tiêu xuất khẩu đạt 55 tỷ USD

Bộ Nông nghiệp và PTNT  nhận định, năm 2024, dự báo nền kinh tế tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, như: giá vật tư nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản vẫn ở mức cao, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi tiềm ẩn nguy cơ bùng phát; mưa lũ diễn biến bất thường, nắng nóng gay gắt hơn, nguy cơ hạn hán, thiếu nước nặng nề do tác động của El Nino…; đặc biệt là tác động từ xung đột, bất ổn trên thế giới.

Mặc dù vậy, ngành Nông nghiệp và PTNT vẫn đặt mục tiêu phát triển với các chỉ tiêu: Tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành 3,0 - 3,5%; trong đó, tốc độ tăng giá trị sản xuất lĩnh vực Trồng trọt tăng 2,0 - 2,2%; Chăn nuôi là 4,0 - 5,0%; Thuỷ sản là 3,7 - 4%. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản khoảng 54 - 55 tỷ USD. Tỷ lệ xã đạt chuẩn NTM chiếm 80%.

Ngành Nông nghiệp và PTNT đặt mục tiêu phát triển năm 2024 với các chỉ tiêu:

- Tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành 3,0 - 3,5%.

- Tổng kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản khoảng 54 - 55 tỷ USD.

- Tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới 80%.

- Tỷ lệ che phủ rừng duy trì ổn định 42,02%, nâng cao chất lượng rừng; tốc độ tăng giá trị sản xuất của Lâm nghiệp là 5,0-5,5%.

- Tỷ lệ hộ gia đình nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn 58%.

- Tỷ lệ số xã đạt tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm trong xây dựng NTM chiếm 82%.

Để đạt được những mục tiêu đề ra, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh: Toàn ngành Nông nghiệp cần tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại theo hướng phát triển nông nghiệp sinh thái, hiện đại, kinh tế tuần hoàn, nhất là “Nông nghiệp bền vững, minh bạch và có trách nhiệm”; thực hiện chuyển mạnh từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp; từ phát triển đơn ngành sang hợp tác, phát triển đa ngành; thúc đẩy tích hợp đa giá trị trong sản phẩm nông - lâm - thủy sản; chuyển từ chuỗi cung ứng nông sản sang phát triển các chuỗi ngành hàng...

Trong đó, các nhiệm vụ và giải pháp chính sẽ tập trung kiến tạo không gian phát triển và các động lực tăng trưởng ngành. Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngành, nâng cao năng suất, chất lượng hàng nông sản và hiệu quả sản xuất, kinh doanh; phấn đấu vượt mục tiêu tăng trưởng của năm ở mức cao nhất.

Phát triển mạnh thị trường tiêu thụ nông - lâm - thủy sản cả trong nước và xuất khẩu. Xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng từng loại nông sản, gắn với phát triển hạ tầng logistics nông nghiệp, nông thôn, đảm bảo chuỗi cung ứng thị trường trong nước.

Chú trọng đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp; các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, kết nối hệ thống tiêu thụ toàn cầu.

Đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao, công nghệ sạch vào sản xuất; phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; chủ động hội nhập quốc tế.

Phát triển nông thôn, trọng tâm là thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025 gắn với phát triển kinh tế nông thôn theo hướng đi vào chiều sâu, đảm bảo chất lượng và bền vững, góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân nông thôn.

Phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn và quản lý hiệu quả vốn đầu tư xây dựng cơ bản, bảo vệ và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thủy lợi và phòng chống thiên tai.

Thứ trưởng Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến đánh giá: Những tín hiệu xuất khẩu tốt của một số ngành hàng trong năm 2023 sẽ tạo tiền đề để năm 2024 ngành Nông nghiệp tăng tốc vươn cao và vươn xa hơn.

 

Thanh Tâm
Ý kiến bạn đọc
Top