Nghề nuôi cá lồng ở lòng hồ thủy điện đã và đang mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho các hộ dân vùng cao xứ Nghệ. Đây là mô hình mang hiệu quả kinh tế cao, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống cho người dân địa phương…
Nghề nuôi cá lồng góp phần tạo sinh kế bền vững cho người dân vùng lòng hồ thủy điện ở huyện Quế Phong.
Khai thác tiềm năng, lợi thế sẵn có
Nhiều năm trở về trước, 2 xã Thông Thụ và Đồng Văn của huyện biên giới Quế Phong chỉ là vùng đất khô cằn, bao bọc bởi các dãy núi cao và hệ thống sông suối dày đặc khi chiếm gần 52% diện tích tự nhiên. Phong tục, tập quán của bà con vùng cao nơi đây lạc hậu, làm ăn sinh sống đa phần chỉ nhờ vào việc lên rừng phát nương, làm rẫy và đánh bắt thủy - hải sản bằng phương pháp thủ công nên đời sống người dân gặp rất nhiều khó khăn, vất vả.
Tuy nhiên, kể từ khi thủy điện Hủa Na xây dựng và đi vào hoạt động trên dòng sông Chu thuộc địa phận xã Đồng Văn, với diện tích vùng lòng hồ rộng lớn (hơn 5.000km2), nghề nuôi cá lồng đã được các cấp chính quyền huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An quan tâm, chú trọng phát triển. Theo đó, huyện đã tập trung nghiên cứu, thí điểm mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện; sau đó giúp người dân nắm bắt kỹ thuật và phát triển nghề nuôi cá lồng ở lòng hồ nhằm tạo sinh kế ổn định, bền vững cho đồng bào vùng cao nơi đây.
Mới đầu triển khai, mô hình nuôi cá lồng gặp phải một số khó khăn nhất định, đơn cử như: Lượng nước thay đổi thường xuyên khiến việc chăm sóc cá vất vả, người dân phải di dời lồng nhiều lần trong năm. Bên cạnh đó, kiểu nuôi manh mún, nhỏ lẻ của người dân chưa gắn kết được với chuỗi tiêu thụ sản phẩm nên sản phẩm khó bán và giá cả không ổn định. Để đưa nghề nuôi cá ở địa phương phát triển bền vững, huyện xác định xây dựng một số mô hình theo chuỗi giá trị có bao tiêu sản phẩm để người dân an tâm sản xuất. Đồng thời, tăng cường công tác tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật giúp bà con chăm sóc đúng quy trình, cá phát triển nhanh và ít bị dịch bệnh hơn.
Nhờ được đầu tư bài bản, sự hướng dẫn tận tâm, nhiệt tình của các cấp, ngành, chính quyền địa phương, nghề nuôi cá lồng đã trở thành mũi nhọn phát triển kinh tế, giúp người dân vùng cao huyện Quế Phong có công ăn việc làm ổn định, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, từng bước vươn lên làm giàu…
Tận dụng diện tích mặt nước rộng lớn, nhiều hộ dân đã xây dựng mô hình nuôi cá lồng đạt hiệu quả cao.
Hiệu quả kinh tế cao
Sau nhiều năm triển khai mô hình nuôi cá lồng ở lòng hồ thủy điện, đến nay, huyện Quế Phong có khoảng 100 hộ dân tham gia, với hơn 600 lồng cá các loại, bao gồm: trắm cỏ, rô phi, điêu hồng và một số đặc sản khác như cá lăng, cá leo,… Với giá bán ổn định, từ 50.000 đồng/kg trở lên, lại có thể nuôi được nhiều, nhờ vậy mà việc nuôi cá lồng thực sự đã trở thành sinh kế ổn định cho người dân nơi đây.
Ghi nhận thực tế tại xã Đồng Văn, ông Trần Văn Thuận (ở bản Na Chảo) vui mừng nói: “Hiện tại, gia đình có 88 lồng nuôi các loại cá trắm, điêu hồng, cá bọp, cá leo…, được kết nối với nhau một cách hợp lý, khoảng cách giữa các phao, bè phù hợp và khoa học, giúp tránh nguy cơ lây lan dịch bệnh. Mỗi năm thu hoạch được hàng chục tấn cá, với giá bán khoảng 50.000 đồng/kg cá trắm; 100.000 đồng/kg cá leo; 120.000 đồng/kg cá vược, cá lăng…, thu lãi hơn 400 triệu đồng”.
Hay như ông Ngân Văn Hồng (trú bản Na Khứm, xã Thông Thụ) đang nuôi 30 lồng cá, cho biết: Giống như nhiều hộ dân khác, gia đình nuôi cá bằng các loại thức ăn tự nhiên như lá chuối, cỏ và cá mương nhỏ xay nhuyễn. Mỗi lồng thả nuôi 200 - 300 con cá giống, nếu thời tiết thuận lợi, sau 1 năm sẽ được thu hoạch.
“Tùy nhu cầu của khách mua mà tôi có thể chọn tỉa cá bán dần trong lồng, với giá bán khoảng 50.000 đồng/kg, trừ chi phí, thu lãi khoảng 150 triệu đồng/năm”, ông Hồng nói thêm.
Người dân nuôi cá ở lòng hồ thủy điện cho hiệu quả kinh tế cao, mỗi năm thu lãi hàng trăm triệu đồng.
Được biết, năm 2021, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Nghệ An đã hỗ trợ người dân huyện Quế Phong xây dựng mô hình nuôi cá điêu hồng trên lòng hồ. Đây là loài cá dễ nuôi, khả năng tiêu thụ tốt. Do được chăm sóc, điều kiện sống phù hợp nên lứa cá đầu tiên sinh trưởng và phát triển nhanh. Hiện, Trung tâm Khuyến nông đang kết nối với một số doanh nghiệp giúp người dân tiêu thụ sản phẩm.
Có thể nói, với sự quan tâm chỉ đạo tích cực của các cấp, ngành huyện Quế Phong, việc nhân rộng, phát triển mô hình nuôi cá lồng ở lòng hồ thủy điện đang là hướng đi mới, đúng đắn; giúp người dân xóa đói, giảm nghèo, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Qua đó, góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện Quế Phong nói riêng, tỉnh Nghệ An nói chung.