Huyện Yên Thế (Bắc Giang) hiện có khoảng 10.000 con dê. Từ việc chia sẻ kinh nghiệm, nuôi dê vỗ béo gắn liên kết sản xuất và tiêu thụ đã đem lại hiệu quả kinh tế khá cao, mở ra hướng đi mới cho người dân địa phương.
Hiệu quả cao
Từ chỗ chăn nuôi manh mún, tự phát, hiện nay, nghề nuôi dê ở Yên Thế đã hình thành và phát triển theo hướng hàng hóa mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.
Với kinh nghiệm 11 năm vỗ béo dê, anh Nguyễn Văn Bảy (bản Đồng Gián, xã Xuân Lương) cho biết, nghề đã đem lại cho gia đình niềm vui và hiệu quả kinh tế cao.
Vừa cho dê ăn, anh Bảy vừa chia sẻ: Năm 2011, trong chuyến thăm gia đình một người bạn ở Cao Bằng, tình cờ tôi được tiếp cận mô hình chăn nuôi vỗ béo dê.
Từ nuôi dê thương phẩm mà gia đình anh Bảy lãi hơn 200 triệu đồng/lứa.
Với niềm đam mê, quyết tâm tìm tòi, học hỏi, anh mạnh dạn nhập 7 con dê về nuôi thử nghiệm. Trong quá trình nuôi, nhận thấy việc vỗ béo dê không vất vả như các vật nuôi khác, giá dê thương phẩm tương đối cao, nhu cầu người tiêu dùng thịt dê ngày càng tăng nên anh quyết định gắn bó với nghề vỗ béo dê lấy thịt để làm hướng phát triển kinh tế cho gia đình.
Những năm đầu mới vào nghề, dê chủ yếu được nuôi theo phương thức thả đồi, quá trình nuôi anh Bảy nhận thấy việc quản lý đàn rất khó khăn, dê hay bị nhiễm nội, ngoại ký sinh trùng, nhất là đàn dê chăn thả ở bãi không đảm bảo dịch tễ. Thay vì phương thức nuôi thả đồi như trước, hiện anh chuyển hoàn toàn sang phương thức nuôi nhốt trên chuồng hai tầng kiên cố, cao ráo, ấm về mùa đông, mát về mùa hè.
Từ khi chuyển đổi phương thức chăn nuôi, dê ít bị đầy hơi tiêu chảy hơn trước rất nhiều. Vừa làm, vừa rút kinh nghiệm và tìm hiểu học tập kinh nghiệm vỗ béo dê từ những người đi trước, trên các trang thông tin, trên báo, đài... nên những lứa dê sau ít bị bệnh, nhanh lớn và mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình. Hiện, mỗi năm anh Bảy nuôi 3 lứa dê, mỗi lứa 500-600 con; sau 3 tháng, mỗi con nặng 30-35kg, giá bán dê thịt 120 nghìn đồng/kg. Trừ chi phí, gia đình thu lãi hơn 200 triệu đồng/lứa.
Ông Nguyễn Văn Tư (bản Đồng Gia), người thường xuyên nuôi với quy mô trên 300 con dê, cho biết, vỗ béo dê thương phẩm đang là một trong những hướng đi mang lại thu nhập cao cho người dân trên địa bàn xã Xuân Lương. Từ quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ vài chục con, đến nay xã có trên 15 hộ chăn nuôi dê quy mô lớn tập trung ở các bản Nghè, Đồng Gián, Đồng Gia và Làng Dưới. Tiến tới chúng tôi sẽ thành lập HTX để tạo thuận lợi cho việc tiêu thụ sản phẩm cũng như nhập con giống có nguồn gốc, đảm bảo chất lượng.
Từ nuôi dê thương phẩm mà mỗi năm mang lại cho gia đình anh Nông Trần Hiên (xã Hồng Kỳ) khoảng 200 triệu đồng. Không dừng lại ở đó, anh Hiên còn tham gia HTX sản xuất, tiêu thụ dê và ong mật Hồng Kỳ. Các thành viên HTX cùng liên kết chăn nuôi, tìm đầu ra sản phẩm, mang lại nguồn thu hiệu quả cao, ổn định.
Hiện, đàn dê của huyện Yên Thế đạt khoảng 10.000 con.
Chủ động phòng chống dịch bệnh
Hiện nay, 2 loại dê chính được nuôi tại Yên Thế là dê lai Bách Thảo và dê lai Boer (giống dê lai Boer gồm hai dòng: Dê Boer lùn nhập từ Thái Lan và Dê Boer cao nhập từ Myanmar). Đây là 2 loại dê thương phẩm được lai tạo bởi con bố là giống Bách Thảo và Boer với con mẹ là dê địa phương. Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, các giống dê này phù hợp với điều kiện chăn nuôi của người dân địa phương, ít dịch bệnh, sinh trưởng và phát triển tốt.
Theo anh Bảy, giống dê Boer có ưu điểm nổi bật là lớn nhanh, cho sản lượng thịt nhiều hơn các giống dê thông thường; đặc biệt, dê Boer là vật nuôi thuần tính dẻo dai, có khả năng phát triển trong những điều kiện khí hậu khác nhau, tính kháng bệnh tốt, ăn tạp nên tính rủi ro về kinh tế thấp, giúp người nuôi yên tâm.
Mặc dù thời gian nuôi vỗ béo ngắn nhưng đàn dê nào nhập về cũng được tiêm phòng đủ 4 loại vắc xin (đậu dê, tụ huyết trùng, lở mồm long móng và viêm ruột hoại tử). Việc tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin giúp tăng tỷ lệ nuôi sống đến khi xuất bán, tăng hiệu quả kinh tế đáng kể trong chăn nuôi.
Trao đổi về khó khăn trong quá trình vỗ béo dê lai Boer, anh Bảy chia sẻ, hiện gia đình đã hoàn toàn chủ động việc phòng trị các bệnh hay xảy ra trên đàn dê. Tuy nhiên, thời tiết thay đổi liên tục nên trên đàn dê xuất hiện một bệnh tương đối mới, đó là bệnh viêm tắc đường tiết niệu, xảy ra trên khoảng 4-5% tổng đàn. Dê bị bệnh thường có biểu hiện đi tiểu nhiều không kiểm soát, nước tiểu có máu, mùi hôi màu đục hoặc sẫm màu, dê giảm ăn hoặc chậm chạp hơn, ít đi lại. Hiện nay, chưa có thuốc đặc trị bệnh viêm tắc đường tiết niệu, đa phần người chăn nuôi thường tiêm thuốc giãn cơ khi dê bị bệnh để tống sỏi ra ngoài.
Ông Dương Văn Vỹ, Trưởng phòng Chăn nuôi thú y Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Yên Thế, cho biết, UBND huyện đã ban hành Đề án Phát triển đàn dê thương phẩm gắn với xây dựng nhãn hiệu chứng nhận dê Yên Thế giai đoạn 2019 - 2020. Nhờ đó, đàn dê trên địa bàn tăng nhanh, hiện đạt khoảng 10.000 con, tập trung ở các xã Hồng Kỳ, Xuân Lương, Canh Nậu, Đồng Tiến, Tân Sỏi... Ở xã Hồng Kỳ, chính quyền đã hỗ trợ và vận động thành lập mới HTX nuôi dê. Nhiều xã cũng thành lập tổ hợp tác nhằm chia sẻ kinh nghiệm, tăng cường liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Nuôi vỗ béo dê đã mở ra hướng đi mới cho bà con nông dân địa phương.