Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 18 tháng 9 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 18 tháng 8 năm 2023 | 12:21

Nuôi giun trùn quế bằng phế phẩm nông nghiệp

Với niềm đam mê sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, hữu cơ, vợ chồng anh Trần Văn Lực ở thôn 5 xã Nhữ Khê (Yên Sơn- Tuyên Quang) đã biến chất thải chăn nuôi thành nguyên liệu đầu vào để nuôi giun trùn (giun) quế, vừa mang lại thu nhập ổn định, vừa cải tạo môi trường sống.

Chia sẻ về mô hình nuôi giun trùn quế của gia đình, anh Lực cho biết, qua tìm hiểu, anh nhận thấy sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, nông nghiệp tuần hoàn… đang là xu hướng phát triển của nền nông nghiệp bền vững. Bên cạnh đó, nguồn phân thải từ chăn nuôi tại địa phương sẵn có đủ nguồn cung để nuôi trùn quế, vừa  phát triển kinh tế, vừa giúp cải thiện môi trường sống.

Năm 2018, tận dụng khu chuồng nuôi bò cũ của gia đình, anh cải tạo thành khu vực nuôi giun với diện tích nuôi thử nghiệm 20m2. Anh nhập giống và học kinh nghiệm nuôi tại trại nuôi giun ở phường Mỹ Lâm (thành phố Tuyên Quang). Thời gian đầu, khi mới nuôi, do chưa nắm vững kỹ thuật kiểm soát độ ẩm môi trường nên thất bại, giun bị chết và phát triển kém. Không nản lòng, anh học hỏi thêm từ những người có kinh nghiệm và được cán bộ khuyến nông hỗ trợ, giúp đỡ trong kỹ thuật sản xuất, ngoài ra anh còn tham khảo thêm kỹ thuật nuôi trên các phương tiện thông tin đại chúng…

Anh Lực bán giống và chia sẻ kinh nghiệm nuôi cho khách hàng.

Quá trình vừa nuôi vừa tích lũy kinh nghiệm, anh Lực nhận thấy nuôi giun quế không tốn nhiều chi phí đầu tư ban đầu, dễ nuôi; nguồn thức ăn dễ kiếm, chủ yếu là phân hữu cơ, chất thải chăn nuôi trâu, bò có sẵn tại địa phương; giun có tốc độ sinh sản nhanh.

Nhận thấy nuôi giun quế có hiệu quả, sau một năm, anh đã tăng diện tích nuôi lên 250m2. Khi diện tích nuôi được mở rộng, anh thu mua thêm nguồn phân của các hộ chăn nuôi lân cận. Hiện tại, với diện tích  gần 400m2, anh nuôi chủ yếu hai giống, giun Ấn Độ và  giun quế thường.

Anh Lực chia sẻ, nuôi giun quế khá đơn giản, nhưng cần chú ý làm mái che vững chắc cho chuồng nuôi để tránh ánh nắng trực tiếp và không bị mưa dột; nền chuồng cần thoát nước tốt, nên lót một lớp cát mỏng để tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển của giun; rải lưới ở dưới cùng để dễ thu phân. Để giun phát triển tốt nên chú ý duy trì độ ẩm 60-70%, vì nếu quá khô hoặc ẩm, giun chậm phát triển; chăm sóc và cho giun ăn không tốn nhiều thời gian, 2 ngày cho giun ăn 1 lần vào buổi sáng; mùa hè chú ý nên cho ăn lớp phân mỏng, tạo độ thoáng, giun không bị ngộp chết.

Mỗi lần anh thu được 1,5-2 tạ giun thương phẩm và 10 tấn phân giun. Giá bán giun thương phẩm 45.000 - 50.000 đồng/kg, giun giống sinh khối 10.000 đồng/kg, phân giun 2.000 - 3.000 đồng/kg. Năm 2022, anh xuất bán khoảng 40-50 tấn phân giun quế, gần 1,3 tấn giun thương phẩm. Ngoài ra, anh còn cung cấp giống cho các hộ có nhu cầu nuôi, mang lại nguồn thu gần 200 triệu đồng/năm. Từ đầu năm 2023 đến nay, anh xuất bán hơn 30 tấn phân giun và gần 7 tạ giun thương phẩm, thu nhập gần 100 triệu đồng, trừ chi phí, lãi hơn 70 triệu đồng.    

Bên cạnh nuôi giun quế, anh Lực còn dùng phân giun để chăm sóc 3.000m2 chè của gia đình. Mô hình nuôi giun quế của anh không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế cho gia đình mà còn góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường nông thôn.

 

Nguyễn Thị Gái
Ý kiến bạn đọc
Top