Tìm hướng đi mới trong phát triển kinh tế, anh Nguyễn Văn Giáp ở thôn 7, xã Đắk Búk So (Tuy Đức - Đắk Nông) đã chọn mô hình nuôi tôm càng xanh kết hợp ốc đặc sản để khởi nghiệp.
Huyện Tuy Đức có nhiều diện tích sình lầy bị bỏ hoang, canh tác lúa kém hiệu quả. Từ thực tế này, anh Giáp đã khai thác vùng sình lầy thực hiện mô hình phát triển kinh tế hoàn toàn mới ở Đắk Nông: nuôi tôm càng xanh kết hợp ốc đặc sản.
Để phát triển mô hình này, anh Giáp đã cải tạo, phát triển 3 ao nuôi, với tổng diện tích gần 7.000m2.
Sau thời gian nghiên cứu, tìm tòi, tháng 3/2023, anh Giáp mạnh dạn thả khoảng 1.000 con giống tôm càng xanh mua từ tỉnh Đồng Tháp về nuôi. Anh cũng nhập trứng ốc bươu đen, ốc lác Thái Lan từ Hà Tĩnh để ấp với khoảng 10.000 con nuôi thử nghiệm.
Sau 8 tháng nuôi thử nghiệm, tôm càng xanh của anh Giáp đã phát triển tốt, trọng lượng đạt từ 100- 150g/con.
Trong lần đầu thử nghiệm, do nguồn nước chưa được xử lý đúng kỹ thuật, nguồn thức ăn và phòng bệnh chưa đạt chuẩn nên con giống thất thoát, hao hụt một phần. Tuy nhiên, tôm sau hơn 8 tháng nuôi cho chất lượng tốt, với trọng lượng đạt 100- 150g/con, cá biệt có con lên đến 200g... Ốc sau khi được ấp thả cũng bắt đầu sinh trưởng và phát triển với trọng lượng khoảng 40 - 50 con/kg, thời gian nuôi 5 - 6 tháng/lứa.
Tuy số lượng ốc, tôm thu về chưa được như mong muốn nhưng anh Giáp vẫn không nản chí mà vừa làm vừa rút kinh nghiệm để có thể chuyển sang nuôi với số lượng lớn hơn.
Sau nhiều lần thử nghiệm, anh Giáp đã có kinh nghiệm trong quá trình vận chuyển, nhân giống và chăm sóc con giống. Đến nay, anh đã thả tổng cộng 30.000 con tôm càng xanh giống để nuôi đại trà.
Từ cuối năm 2023, anh Giáp bắt đầu thu hoạch ốc để bán ra thị trường với giá bán 50.000- 80.000 đồng/kg và nuôi 5-6 tháng/lứa. Tôm càng xanh cũng đang sinh trưởng tốt, dự kiến khoảng 4 tháng nữa có thể thu hoạch.
Vừa chăm sóc, anh Giáp vừa học hỏi, hoàn thiện quy trình phối trộn thức ăn, theo dõi khả năng sinh trưởng, phòng bệnh và cải tạo vệ sinh môi trường khu vực nuôi trồng. Thức ăn cho ốc và tôm được anh Giáp tận dụng từ sản phẩm nông nghiệp sẵn có ở địa phương như lá sắn, bắp cải, lúa, khoai lang, chuối…
Anh Giáp tâm sự: “Nhiều lần nuôi thử nghiệm thất bại đã cho tôi nhiều kinh nghiệm và quyết tâm để đạt thành công với mô hình nuôi tôm, ốc của mình. Lứa ốc đầu tiên cho thu hoạch để bán chỉ vài kg/ngày nhưng đây là động lực để tôi tin tưởng với hướng đi đã chọn”.
Anh Võ Đình Chung, Phó Bí thư Huyện đoàn Tuy Đức đánh giá, anh Giáp là thanh niên có bản lĩnh, dám nghĩ, dám làm, người đầu tiên đưa tôm càng xanh vào phát triển kinh tế ở huyện Tuy Đức. Thời gian tới, Huyện đoàn, Đoàn xã tiếp tục quan tâm, đồng hành hỗ trợ, tạo điều kiện để anh Giáp có thể được tiếp cận nguồn vốn, phát triển mô hình nuôi tôm càng xanh và ốc để khởi nghiệp, lập nghiệp.