Trắng tay sau siêu bão Yagi nhưng người dân nuôi trồng thủy hải sản ở biển Quảng Ninh vẫn quyết bám trụ với nghề. Bởi họ yêu biển, hiểu biển và bao đời này sống nhờ biển. Với hơn 6.100km2 mặt biển là ngư trường khai thác rộng lớn, tạo ra cơ hội lớn cho người dân phát triển nuôi trồng và đánh bắt thủy hải sản.
Nhìn cảnh tan hoang, bà Nguyễn Thị Hoàn lại chảy nước mắt. Mấy ngày nay bà khóc kiệt cả sức nhưng giờ chỉ khóc mà không bắt tay dọn dẹp thì sẽ trầm cảm, sẽ chết đói. Bà Hoàn bảo từ trước đến nay, đời ông, đời cha và đến bà cũng như các con đều sống nhờ biển, biển nuôi sống cho gia đình bà tất cả. Nhưng không nghĩ có lúc biển lại dữ dội như vậy và rồi bà cũng như nhiều người trắng tay, mất hết cơ nghiệp. Giờ nghĩ đến số nợ ngân hàng hơn 1 tỷ, bà và các con chưa biết xoay sở ra sao. Bà bảo sau cơn bão nhiều người bán hết tài sản, bỏ nghề nhưng bà và các con vẫn bám trụ với biển.
“Chúng tôi cũng muốn khắc phục lại để làm ăn. Sổ đỏ cắm rồi cũng không biết vay mượn ở đâu được nữa còn đi bỏ nghề thì đồ đạc như này bỏ đi sao được, chẳng hạn có bán thì mình đóng mấy trăm triệu 1 cái bè nhưng bán chỉ mấy chục thì người ta mới mua. Chứ bán bằng giá mình đóng thì không ai mua. Nếu xây dựng làm lại, không biết vay ở đâu. Xem nhà nước hỗ trợ được nhân dân ít nào cho nhân dân khắc phục lại khó khăn để cuộc sống mưu sinh hàng ngày là cả 1 vấn đề” - bà Hoàn chia sẻ.
Những tấm lưới cũng vừa mới được vớt lại, bè cá sắp được bán nay không còn con nào
Những người nuôi trồng thủy hải sản giờ chỉ nhìn nhau rưng rưng “mất hết rồi”, “trắng tay rồi”. Anh Đặng Văn Vinh bảo không riêng gì gia đình anh mà người dân nuôi trồng ở Quảng Ninh đa phần thiệt hại rất lớn do siêu bão Yagi tàn phá. 3 ngày nay anh thuê tàu đi tìm tài sản là thuyền, bè nhưng vẫn chưa thấy gì cả. Thiệt hại hơn 6 tỷ đồng mà hơn 3 tỷ đồng là đi vay ngân hàng. Giờ có đi vay ngoài để làm biển chắc không ai cho vay vì sợ lại mất trắng nên anh Vinh cũng chỉ còn mong ngóng vào sự hỗ trợ của ngân hang.
“Hiện tại, chắc không còn vốn để khắc phục nuôi lại được nữa. Bây giờ chỉ mong muốn ngân hàng cho thế chấp tài sản ở dưới biển, thì mình vay may còn chứ sổ đỏ đã thế chấp rồi, không còn khả năng vay được nữa. dưới biển thì tái đầu tư làm đến đâu kê khai vay đến đó còn cứu được vốn liếng. Biển lúc hiền hòa vẫn làm được, vẫn có thu nhập cho gia đình, xã hội cũng làm được chứ không riêng cá nhân mình” - anh Vinh nói.
Nhà anh Phạm Văn Minh có truyền thống làm biển. Biển đã nuôi sống gia đình anh, có của ăn, của để, cũng gọi là khá giả. Mấy năm nay thiên nhiên ưu đãi nên đầu năm 2024 gia đình anh mở rộng đầu tư thêm 500 triệu đồng nuôi cá song, cá giò, chưa được thu hoạch thì gặp siêu bão Yagi. Theo anh Minh của cải mất rồi còn làm lại được, may mắn là giữ được tính mạng, sức người đâu thắng được thiên nhiên.
Những chiếc bè tan hoang của người dân sau siêu bão Yagi
“Bây giờ tiền dưới đáy biển hết rồi. Bà con ngư dân hầu như 90% làm nghề này và 100% vay vốn ngân hàng. Nguyện vọng của bà con là tiền vay nhà nước có chính sách hỗ trợ cho dân giãn nợ để bà con có nguồn lực để tái đầu tư, trả được nợ cho ngân hàng chứ như này cũng không có cách nào. Ý kiến của bà con ngư dân chỉ mong nhà nước có chính sách hỗ trợ để bà con có vốn tái sản xuất may ra mới trả được cho ngân hàng chứ như này không trả nổi” - anh Minh nói.
Nếu được hỗ trợ vốn, các hộ nuôi trồng thủy hải sản đều khẳng định, sẽ sớm khôi phục lại kinh tế và có lợi nhuận trả ngân hàng. “Môi trường ở Quảng Ninh rất ưu đãi cho bà con nhân dân, chỉ cần cơ cơ hội 1 năm là trang trải hết nợ nần. Biển lấy đi của cải thì biển cũng sẽ trả lại cho người dân với điều kiện chúng ta không đầu hàng, không buông xuôi. Điều quan trọng là chúng tôi vẫn có đó là tính mạng. Tôi và người dân ở đây rất yêu biển, yêu Quảng Ninh nên không có lý do gì mà chúng tôi quay lưng với biển”, anh Minh bày tỏ.