Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 1 tháng 8 năm 2024  
Thứ tư, ngày 31 tháng 7 năm 2024 | 13:54

Phân bón silic tốt cho cây trồng nhưng vì sao chưa phát triển tại Việt Nam?

Tại Hội thảo “Vai trò của silic đối với cây trồng, nguyên liệu và phương pháp phân tích silic trong phân bón” diễn ra mới đây tại Hà Nội, các nhà khoa học cho biết: Đối với cây trồng, ngoài các dinh dưỡng đa và vi lượng thì một trong những dinh dưỡng trung lượng như silic rất cần thiết để nâng cao năng suất và chất lượng nông sản.

Nghiên cứu khoa học về vai trò của silic trong nông nghiệp có lịch sử từ những năm 1970 ở các nước: Mỹ, Brazil, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc…Tại Việt Nam, kế thừa nền tảng nghiên cứu silic trên thế giới và bắt đầu có những nghiên cứu bài bản, ứng dụng thực tế từ 2005.

Silic (silicon, silica) là yếu tố dinh dưỡng có vai trò quan trọng đối với cây trồng, đất trồng cũng như hệ thống trồng trọt, nổi bật như: tăng khả năng sinh trưởng, phát triển của cây, giúp cây trồng chống chịu tốt hơn với những stress sinh học (sâu, bệnh hại) và phi sinh học (hạn, mặn, thời tiết cực đoan). Silic cũng có vai trò quan trọng trong hình thành và cấu trúc đất, tăng khả năng trao đổi của đất, hấp thụ kim loại nặng…Trên thực tế, nguyên liệu silic sử dụng phổ biến trong phân bón cả trên thế giới và tại Việt Nam chủ yếu có nguồn gốc silicat kiềm như xỉ silicat từ các ngành công nghiệp.

Hội thảo “Vai trò của silic đối với cây trồng: Nguyên liệu và phương pháp phân tích silic trong phân bón”

Hội thảo “Vai trò của silic đối với cây trồng: Nguyên liệu và phương pháp phân tích silic trong phân bón”

Nhiều cây trồng chủ lực tại Việt Nam có nhu cầu rất cao về phân bón silic như lúa (hấp thụ silic cao hơn nito),  mía, ngô,  dứa…Việc sử dụng phân bón có chứa silic là một trong những biện pháp hạn chế rõ rệt tình trạng sâu bệnh trên cây lúa, đồng thời hạn chế đổ ngã giảm thiệt hại cho bà con nông dân.

Tuy nhiên, hiện nay ở Việt Nam, phương pháp xác định hàm lượng silic dễ tiêu cho cây trồng trong mẫu đất, mẫu phân bón và mẫu thực vật còn chưa nhất quán và đồng bộ với phương pháp phân tích của thế giới, tính ổn định của các phương pháp phân tích đang áp dụng trong nước là chưa cao. Điều này gây khó khăn cho hợp tác quốc tế về nghiên cứu và thương mại các sản phẩm phân bón silic, cho việc công bố và kiểm tra chất lượng các sản phẩm phân bón silic.

Cụ thể quy định ở nước ta hiện có 2 phương pháp thử để xác định hàm lượng silic dễ tiêu trong phân bón là TCVN 11407:2019 và TCCS 772:2020/BVTV. Trong đó, phương pháp TCVN 11407:2019 có đối tượng là tất cả các loại phân bón, nhưng cơ sở khoa học còn hạn chế và trong thực tế không phát hiện được đầy đủ hàm lượng silic hữu hiệu trong các loại phân bón có nguồn gốc silicat kiềm.

Bên cạnh đó, các công nghệ mới như nano silic phát triển mạnh giúp tạo ra nguồn silic dễ tiêu chất lượng tốt và có thể ứng dụng rộng rãi với chi phí hợp lý, nhưng với phương pháp thử TCVN 11407:2019 cũng không xác định được hàm lượng silic dạng nano.

Về vấn đề này, TS. Bùi Duy Hiền, Phó Chủ tịch Hội Khoa học đất Việt Nam, chia sẻ, trước đây, silic không được xem là một chất dinh dưỡng cần thiết nhưng nguyên tố này thường có hàm lượng lớn trong đất và cây trồng có thể hút lên một lượng khá lớn. Vai trò chủ yếu của silic chỉ được nhìn nhận ở góc độ khả năng kháng côn trùng, bệnh hại, sự vững chãi trong cấu trúc tế bào.

"Thật sai lầm khi mà lãng quên và đánh giá silic một cách hờ hững, không ít trường hợp, không ít loại đất và mùa vụ, silic chính là một trong ít nguyên tố “hạn chế” năng suất theo định luật tối thiểu. Do đó, hiện nay trên thế giới và ở Việt Nam silic được xếp vào nhóm dinh dưỡng trung lượng”, ông Hiền thẳng thắn nói.

Cũng theo ông Hiền, đối với cây trồng ngoài các dinh dưỡng đa và vi lượng thì một trong những dinh dưỡng trung lượng như silic rất cần thiết để nâng cao năng suất và chất lượng nông sản. Do đó, thời gian tới cần tiếp tục nghiên cứu và áp dụng vào sản xuất các tiến bộ kỹ thuật về sử dụng các loại phân bón trung lượng chứa Si có hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường cao hơn.

Như vậy, cho dù có cơ sở khoa học phân bón sili được xác định là tốt, song lại chưa có được “chứng chỉ” bởi một quy chuẩn quốc gia, đã khiến các doanh nghiệp e ngại khi phát triển các sản phẩm phân bón có chứa silic.

Dưới góc nhìn của doanh nghiệp, ông Hà Huy San, Trưởng phòng kỹ thuật - Công ty CP Phân lân nung chảy Ninh Bình kiến nghị xem xét, bổ sung thành phần SiO2 trong phân lân nung chảy và bổ sung phương pháp thử SiO2 theo TCCS772 vào quy chuẩn quốc gia về phân bón.

Ông Hà Huy San TP Kỹ thuật CT CP Phân Lân Nung chảy Ninh Bình phát biểu tại hội thảo

Ông Hà Huy San phát biểu tại hội thảo.

Cùng kiến nghị quy chuẩn phân tích, ông Nguyễn Ngọc Huấn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phát triển khoa học và công nghệ - Công ty Cổ phần Công nông nghiệp Tiến Nông cũng cho rằng, cần sớm có quy chuẩn phương pháp phân tích xác định hàm lượng silic trong đất, phân bón và cây trồng để đồng bộ với các tiêu chuẩn quốc tế, tạo điều kiện cho hợp tác quốc tế về nghiên cứu và thương mại phân bón silic.

Tiếp nhận các kiến nghị, TS Phùng Hà, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp Hội Phân bón Việt Nam, cho biết, Hiệp hội sẽ tổng hợp các ý kiến của doanh nghiệp trình Bộ Nông nghiệp và PTNT, Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng xem xét, giải quyết các vướng mắc trong ứng dụng và phát triển silic trong phân bón.

Tiến sĩ Phùng Hà- PCT kiêm Tổng Thư ký Hiệp Hội Phân bón VN phát biểu tại hội thảo. hội

Tiến sĩ Phùng Hà, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp Hội Phân bón Việt Nam phát biểu tại hội thảo.

Để phát triển được phân bón silic tại Việt Nam, rất cần các cơ quan chức năng hoàn thiện phương pháp thử nhằm xác định đúng, đủ hàm lượng silic trong đất, phân bón, cây trồng nhằm tạo điều kiện cho việc nghiên cứu, sản xuất và hợp tác quốc tế đối với loại phân bón có vai trò rất quan trọng này.

 

Trần Đức (bài viết sử dụng tư liệu của Hiệp hội Phân bón Việt Nam)
Ý kiến bạn đọc
Top