Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 27 tháng 4 năm 2024  
Thứ tư, ngày 28 tháng 6 năm 2023 | 14:45

Phát triển cây ăn quả bền vững và nâng cao giá trị xuất khẩu

Để phát triển cây ăn quả một cách bền vững, nâng cao giá trị xuất khẩu cũng như xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm cây ăn quả, ngành Nông nghiệp tỉnh Kon Tum đang đẩy mạnh việc cấp mã số vùng trồng, hạn chế tình trạng người dân trồng ồ ạt.

Đẩy mạnh cấp mã vùng trồng

Theo thống kê của ngành Nông nghiệp tỉnh Kon Tum, hiện nay, toàn tỉnh có trên 9.400ha cây ăn quả.

Ngành Nông nghiệp tỉnh đã đề nghị Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và PTNT) cấp 15 mã số vùng trồng cây ăn quả phục vụ xuất khẩu với tổng diện tích 287,51ha; trong đó có 3 mã số vùng trồng cho mít Thái, 6 mã vùng trồng chuối, 6 mã vùng trồng sầu riêng.

Ngoài ra, đã hoàn thiện hồ sơ gửi Cục Bảo vệ thực vật xem xét cấp mã số cho 7 vùng trồng sầu riêng, với diện tích 159ha; 2 vùng trồng chanh dây với diện tích 27ha.

Ông Bùi Trung Sơn, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp, thương mại và dịch vụ Ia Chim, đơn vị có 35ha sầu riêng được cấp mã vùng trồng, cho biết, việc cấp mã vùng trồng là rất quan trọng, mang lại giá trị kinh tế cao cho hợp tác xã. Sau khi đơn vị được cấp mã vùng trồng, việc xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Trung Quốc đã dễ dàng hơn.

Sản phẩm sầu riêng ở Kon Tum chủ yếu xuất sang thị trường Trung Quốc. Ảnh: VP

“Khi xuất khẩu, giá trị nông sản của hợp tác xã tăng lên rõ rệt, khoảng 7.000 -10.000đồng/kg sầu riêng. Không chỉ vậy, khách hàng tìm đến hợp tác xã nhiều hơn”, ông  Sơn khẳng định.

Bên cạnh cấp mã số vùng trồng, ngành Nông nghiệp tỉnh Kon Tum cũng được Cục Bảo vệ thực vật cấp một mã số cơ sở đóng gói nông sản phục vụ xuất khẩu là Cơ sở đóng gói chuối tươi xuất khẩu của Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Duy Tân tại xã Ia Dom, huyện Ia H’Drai. Hoàn thiện hồ sơ đề nghị Cục Bảo vệ thực vật cấp mã số cho Cơ sở đóng gói chanh dây của Hợp tác xã nông nghiệp Tiến Phát Gia Lai.

Ông Nguyễn Hoài Tâm, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Kon Tum, đánh giá, việc công khai, minh bạch mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói nông sản xuất khẩu trên địa bàn tỉnh có vai trò quan trọng, giúp đơn vị phối hợp với các địa phương giải quyết các hồ sơ đề nghị của chủ sở hữu hoặc người đại diện vùng trồng, cơ sở đóng gói trên cơ sở tuân thủ đúng quy định, minh bạch, trách nhiệm.

“Đơn vị sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát định kỳ các vùng trồng, cơ sở đóng gói đã được cấp mã số theo đúng hướng dẫn và quy định của nước nhập khẩu, đảm bảo các vùng trồng, cơ sở đóng gói này luôn luôn duy trì được tình trạng đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu”, ông Tâm nhấn mạnh.

Hạn chế trồng tự phát

Trên thực tế, nền nông nghiệp Kon Tum chủ yếu dựa vào các loại cây công nghiệp như cao su, cà phê. Cây ăn quả mới được đưa vào trồng như loại cây kinh tế chủ lực vài năm trở lại đây. Bằng chứng là trong số trên 9.400ha cây ăn quả hiện nay, chỉ có khoảng 40-50% diện tích đang cho thu hoạch.

Ông Tâm cho biết, hiện nay, các loại nông sản trên địa bàn tỉnh Kon Tum cơ bản đáp ứng được nhu cầu của thị trường cả về số lượng và chất lượng, đạt các tiêu chuẩn xuất khẩu, chủ yếu là xuất sang thị trường Trung Quốc theo quy định.

Cũng theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Kon Tum, hiện nay trên địa bàn tỉnh chưa xảy ra tình trạng người dân, doanh nghiệp ồ ạt phát triển các loại nông sản xuất khẩu, không theo quy hoạch, khuyến cáo của ngành nông nghiệp. Việc trồng trọt cơ bản được thực hiện theo đúng tinh thần chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh.

Ông Ngô Hồng Hưng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đăk Hà, cho biết, hiện nay, huyện có trên 300ha sầu riêng và hơn 120ha chanh dây. Đa số người dân trồng xen sầu riêng trên diện tích tái canh cà phê, ít diện tích trồng thuần; đầu ra cho sản phẩm được đảm bảo.

“Ngành nông nghiệp huyện  khuyến cáo nhà vườn việc trồng sầu riêng, chanh dây phải đảm bảo vùng thích hợp với loại cây trồng. Đồng thời, định hướng bà con trồng theo vùng, từ 10 – 15ha để dễ chăm sóc, ít bị sâu bệnh, không trồng xen nhiều thứ để tránh ảnh hưởng bởi các loại thuốc bảo vệ thực vật. Điều này sẽ đảm bảo được việc cấp mã vùng trồng và các tiêu chí về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, phục vụ cho mục đích xuất khẩu sau này”, ông  Hưng chia sẻ.

Tại Kon Tum, chưa xảy ra hiện tượng phát triển diện tích sầu riêng, chanh dây ồ ạt, thiếu kiểm soát. Thị trường tiêu thụ hai loại trái cây này khá ổn định, chưa xảy ra hiện tượng “dội chợ”.

Tuy nhiên, ngành chức năng và chính quyền địa phương vẫn cần chủ động chuẩn bị những giải pháp quản lý chặt chẽ để phòng ngừa và hạn chế tình trạng này trong thời gian tới.

“Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang phối hợp với các địa phương hướng dẫn nông dân trồng sầu riêng phù hợp với điều kiện tự nhiên, lập địa của mỗi vùng sinh thái; theo đúng quy trình kỹ thuật, đạt các tiêu chuẩn, quy chuẩn như an toàn thực phẩm, VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ, Organic. Đồng thời, phối hợp xây dựng bản đồ thổ nhưỡng cho từng loại cây trồng phù hợp với địa bàn từng huyện, thành phố”, ông Tâm khẳng định.

 

Dư Toán
Ý kiến bạn đọc
Top