Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 21 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 26 tháng 10 năm 2022 | 14:58

Phát triển nông nghiệp thông minh nâng cao giá trị sản phẩm

Hà Giang là tỉnh miền núi biên giới đặc biệt khó khăn; hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ cao; 86% dân cư là lao động nông thôn. Trong bối cảnh đó, tỉnh thực hiện cơ cấu lại nền nông nghiệp, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ có trọng tâm, trọng điểm để thay đổi tư duy tập quán canh tác của người dân...

Biến cây, con bản địa thành nông sản chủ lực

Thời gian qua, tỉnh Hà Giang triển khai nhiều mô hình nông nghiệp thông minh thích ứng biến đổi khí hậu gắn với ưu tiên tập trung nguồn lực phát triển các cây, con giống đặc sản của địa phương, biến cây, con bản địa thành nông sản chủ lực. Điển hình là các mô hình: thâm canh cải tạo vườn cam sành tại các huyện, Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên; mô hình trồng hồng không hạt xã Na Khê (Yên Minh); trồng cây lê huyện Đồng Văn; mô hình sản xuất rau theo hướng VietGAP tại Đồng Văn.

Mô hình vườn cam mẫu gắn với chuyển đổi số của anh Đặng Văn Phong (ngoài cùng bên trái) ở xã Tiên Kiều (Bắc Quang - Hà Giang).

Với quy mô gần 3.100ha cam sành, huyện Bắc Quang chiếm khoảng 43% tổng diện tích cam của Hà Giang. Để cam sành xứng tầm cây trồng chủ lực, địa phương đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo, được kỳ vọng tạo bước chuyển vượt bậc trong phát triển bền vững cây cam.

Để cải tạo vườn cam già cỗi, Bắc Quang đã trồng thay thế bằng giống cam có giá trị kinh tế cao, sinh trưởng tốt ngay từ khi vườn cam có hiện tượng già cỗi, năng suất suy giảm. Đến nay, tại 2 xã Vĩnh Phúc, Vĩnh Hảo, đã trồng thay thế 180ha cam sành già cỗi bằng giống cam CS1, V2 nhằm rải vụ, tăng giá trị kinh tế cho nhà vườn.

Đặc biệt hơn, đầu năm 2022, huyện Bắc Quang còn thực hiện mô hình vườn cam mẫu với tổng diện tích 16ha gắn với chuyển đổi số tại 4 hộ trồng cam tiêu biểu của các xã Vĩnh Phúc, Vĩnh Hảo, Tiên Kiều và thị trấn Việt Quang.

Ông Nguyễn Đàm Thuyên, Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Quang, cho biết: Đây là mô hình mới trong chiến lược phát triển bền vững cây ăn quả có múi của huyện. Mô hình này được triển khai trên cơ sở phát huy tối đa sự tham gia của người dân, doanh nghiệp, có sự phối hợp, chuyển giao, liên kết chặt chẽ giữa “4 nhà”.

Qua đó, nhằm định hướng người dân trồng, thâm canh cây cam theo quy trình, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm. Đồng thời, ứng dụng chuyển đổi số, nhất là khâu sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cam theo chuỗi giá trị để gia tăng giá trị sản phẩm.

Nhóm tiêu chí quan trọng của vườn cam sành mẫu chính là xây dựng hệ thống giao thông nội vườn, hệ thống tưới; trồng, chăm sóc theo hướng hữu cơ, thân thiện với môi trường, thực hiện cắt tỉa, tạo tán; ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất thông qua việc trồng cây lạc dại để tạo cảnh quan, cải tạo đất, giữ ẩm, chống xói mòn, chống rửa trôi dinh dưỡng; ứng dụng chuyển đổi số thông qua nhật ký điện tử, cập nhật quá trình trồng, chăm sóc cam, bán sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử và quảng bá hình ảnh cam sành bằng ứng dụng internet, mạng xã hội...

Theo đó, 4 hộ tham gia mô hình thường xuyên cập nhật nội dung công việc có liên quan đến sản xuất cam sành trên phần mềm xác thực số do Công ty CP Công nghệ xác thực số cung cấp. Hiện, các hộ đã cập nhật 8/12 nội dung thông tin, gồm: Bón phân vụ xuân, cắt tỉa cành, quét vôi thân cây, phun thuốc, trồng cỏ lạc dại, bón thúc phân lần 2, phát cỏ xung quanh tán, điều tra sâu bệnh hại. Các nội dung còn lại tiếp tục được cập nhật khi cam sành bước vào giai đoạn thu hoạch.

Áp dụng khoa học và công nghệ để ứng phó với biến đổi khí hậu

Theo bà Phạm Thị Thoa, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Giang: Bảo tồn, chọn lọc và phát huy các nguồn gien quý từ các loại cây, con bản địa sẽ giúp thích nghi tốt hơn với môi trường và chống chọi với những thay đổi bất thường của thời tiết. Trung tâm đã nhân rộng 32 mô hình sản xuất đại trà, với quy mô hơn 1.200ha, thu hút 3.800 hộ tham gia. Các mô hình đều được tập huấn hướng dẫn khoa học và công nghệ đã giúp người dân sử dụng hiệu quả đất nông nghiệp, giảm lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật góp phần bảo vệ môi trường, thích ứng tình hình biến đổi khí hậu.

Ông Đặng Huy Tiến (thôn Xuân Phú, xã Yên Hà, huyện Quang Bình) cho biết, trước đây, vào những đợt nắng nóng, vườn cam của gia đình hay bị chết cháy. Dự án cải thiện nông nghiệp có tưới (WB7) đã giúp người nông dân chủ động nguồn nước tưới tiêu, chăm sóc theo đúng chu kỳ phát triển của cây, cho nên năng suất tăng lên khoảng 20%. Dự án còn xây đập dâng nước trên thượng nguồn, xây dựng ba bể chứa trên các đỉnh đồi để cấp nước và tích nước, giúp 30 hộ dân trồng cam ở xã Yên Hà áp dụng công nghệ tưới tự động...

Khởi nghiệp từ ruộng vườn nhưng anh Nguyễn Xuân Tiến (xã Phong Quang, huyện Vị Xuyên) lại có tư duy sản xuất nông nghiệp hiện đại. Với sự nhanh nhạy của bản thân và sự trợ giúp đắc lực của công nghệ số, anh đã phát triển mô hình nhà lưới trồng dưa leo Nhật Bản, cà chua và dâu tây mang lại thu nhập cao. Cả ba khu nhà lưới rộng 1.800m2 đều được anh lắp đặt hệ thống tưới hiện đại, được vận hành thông qua điện thoại di động thông minh.

Chia sẻ về mô hình này, anh Tiến cho biết: Chỉ cần bật điện thoại và bấm nút, cây trồng sẽ được tưới đầy đủ nước, làm tăng độ ẩm để sinh trưởng tốt. Công nghệ giúp tôi tiết kiệm tiền thuê nhân công.

Hay tại vựa cam sành huyện Bắc Quang, có nhiều hộ dân tìm giải pháp tiêu thụ bằng cách “livestream” bán hàng hoặc đưa lên sàn thương mại điện tử quảng bá sản phẩm cam sành của gia đình...

Thay đổi tập quán canh tác

Tại xã Lũng Cú (Đồng Văn) - nơi địa đầu cực Bắc của Tổ quốc, trước kia là địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao, đồng bào dân tộc thiểu số chưa biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên năng suất cây trồng kém, thâm canh không hiệu quả. Xã đã cử cán bộ xuống từng thôn, cầm tay chỉ việc, giúp họ thay đổi phương thức sản xuất, lựa chọn cây trồng, vật nuôi phù hợp điều kiện thời tiết, khí hậu.

Là hộ gia đình đi đầu trong việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, anh Vàng Gỉ Pò (thôn Lô Lô Chải) đã mạnh dạn chuyển đổi từ 1,5ha cây ngô năng suất thấp sang chuyên canh rau bắp cải. Nhờ biết áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, hằng năm gia đình anh thu 3 vụ rau, bán với giá  8.000 - 10.000 đồng/kg. Anh Vàng Gỉ Pò vui mừng chia sẻ: Nhờ cán bộ khuyến nông xã tư vấn chuyển đổi từ cây ngô sang bắp cải và áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, ngấm đều các gốc rau nên cây sinh trưởng và phát triển tốt, sản lượng đạt cao. Đến vụ thu hoạch, các hợp tác xã thu mua tiêu thụ nên đầu ra ổn định. Gia đình đã thoát khỏi hộ nghèo rồi.

Đối với huyện vùng cao có hơn 80% diện tích núi đá như Đồng Văn, ứng dụng khoa học và công nghệ vào các mô hình sản xuất nông nghiệp theo chuỗi liên kết, thâm canh tăng vụ đang là hướng đi mới giúp đồng bào dân tộc thiểu số nâng cao giá trị sản phẩm trên một diện tích canh tác.

Tuy nhiên, thay đổi tư duy và tập quán canh tác luôn là bài toán khó. Để tháo gỡ khó khăn này, việc phát huy vai trò của các hợp tác xã trong tập hợp, vận động, thay đổi cách nghĩ, cách làm cho nông dân, ứng dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất luôn được ưu tiên hàng đầu.

Huyện Đồng Văn có 10 hợp tác xã và 26 tổ hợp tác tham gia liên kết tiêu thụ, chế biến nông sản được ưu tiên hỗ trợ các nguồn vốn để áp dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất. Điển hình như Hợp tác xã Po Mỷ đã liên kết các hộ nuôi ong bạc hà với nhau, hỗ trợ kỹ thuật theo chu trình khép kín, sản xuất theo chuỗi giá trị, có mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc. Sau hơn ba năm, Hợp tác xã Po Mỷ đã phát triển quy trình sản xuất khép kín trên diện tích 5ha nông trại, với quy mô 1.600 đàn ong, cho thu hoạch khoảng 4.000 lít mật/ năm.

Ông Hoàng Hải Lý, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Hà Giang, chia sẻ, Hà Giang đã nỗ lực khắc phục khó khăn để áp dụng khoa học và công nghệ có trọng tâm, trọng điểm. Tuy nhiên, ứng dụng vào chuỗi sản xuất theo quy trình khép kín chưa toàn diện. Tỉnh chưa thu hút được những doanh nghiệp lớn đầu tư sản xuất theo chuỗi giá trị; sức cạnh tranh của nông sản trong tỉnh còn thấp so với sản phẩm trong nước, khu vực; quy mô sản xuất một số sản phẩm chủ lực chưa đủ lớn…

 

Hữu Thắng
Ý kiến bạn đọc
Top