Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 21 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 16 tháng 3 năm 2023 | 10:16

Phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi: Cách làm của Vũng Liêm

Để chủ động ngăn chặn dịch bệnh nguy hiểm trên gia súc, gia cầm phát sinh và lây lan, bảo đảm an toàn dịch bệnh cho phát triển ngành chăn nuôi (CN), ngành chức năng và các địa phương ở huyện Vũng Liêm (Vĩnh Long) đã chủ động thực hiện nhiều giải pháp phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi.

Nguy cơ lây lan cao

Theo báo cáo của Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và PTNT), từ đầu năm đến nay, các loại dịch bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi cả nước đang có diễn biến phức tạp.

Cụ thể: cúm gia cầm do virus A/H5N1, A/H5N6 và A/H5N8 tại 3 tỉnh, tiêu hủy trên 6.000 con gia cầm; dịch tả heo châu Phi tại 17 tỉnh, tiêu hủy trên 2.000 con heo; viêm da nổi cục tại 4 tỉnh với 42 con trâu, bò mắc bệnh; lở mồm long móng tại 3 tỉnh với 84 con gia súc mắc bệnh.

Cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, vận chuyển, mua bán gia súc, gia cầm. Ảnh: HOÀNG KHA.

Còn tại các tỉnh trong khu vực ĐBSCL: viêm da nổi cục trên bò xảy ra tại Tiền Giang và Bến Tre; dịch tả heo châu Phi xảy ra tại Long An, Tiền Giang, Trà Vinh, Bến Tre, Kiên Giang, Sóc Trăng, Cà Mau; bệnh dại chó xảy ra ở Cà Mau.

Tại tỉnh Vĩnh Long, bệnh dịch tả heo châu Phi đã xảy ra tại 2 xã, 1 huyện, tiêu hủy 37 con heo. Theo ngành chức năng nhận định, nguy cơ các loại dịch bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi tiếp tục phát sinh và lây lan trong thời gian tới là rất cao.

Theo ông Nguyễn Văn Liêm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Vĩnh Long, dịch bệnh có nguy cơ lây lan do một số nguyên nhân.

Cụ thể, kết quả giám sát chủ động cho thấy các loại mầm bệnh còn lưu hành với tỷ lệ tương đối cao ở ngoài môi trường và ở quần thể gia súc, gia cầm; thời tiết thay đổi, diễn biến phức tạp, tạo điều kiện thuận lợi cho các loại mầm bệnh phát triển, ảnh hưởng đến sức đề kháng của vật nuôi.

Bên cạnh đó, việc gia tăng vận chuyển động vật, các sản phẩm động vật giữa các địa phương tăng cao để phục vụ các dịp lễ đầu năm. Nhiều đàn gia súc, gia cầm đã hết thời gian miễn dịch nhưng chưa được tiêm phòng nhắc lại.

Tại Vũng Liêm, bà Lê Ngọc Yến, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, cho hay: Từ đầu năm đến nay, số lượng đàn gia cầm tái đàn toàn huyện trên 532.100 con, đạt 36,7% so với kế hoạch. Thời gian qua, tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm được kiểm soát tốt.

Tuy nhiên, trước nhiều nguyên nhân có thể gây phát sinh dịch bệnh. Nếu không có biện pháp phòng chống kịp thời thì nguy cơ dịch bệnh nguy hiểm tiếp tục phát sinh và lây lan trên đàn vật nuôi trong thời gian tới là rất cao.

Chủ động phòng chống

Để chủ động ngăn chặn dịch bệnh nguy hiểm trên gia súc, gia cầm phát sinh và lây lan, bảo đảm an toàn dịch bệnh cho phát triển ngành CN, ngành nông nghiệp, các địa phương đã chủ động triển khai thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh.

Về việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, bà Lê Ngọc Yến cho biết: Phòng sẽ phối hợp với trạm CN thú y và thủy sản; UBND các xã, thị trấn khẩn trương, quyết liệt triển khai công tác tiêm phòng đợt 1 năm 2023 và triển khai thực hiện Tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường đợt 1/2023.

Đồng thời, phối hợp tuyên truyền trên hệ thống loa không dây các biện pháp CN an toàn sinh học; tiêm phòng vaccine cho đàn vật nuôi, tiêu độc khử trùng môi trường CN, khai báo kịp thời khi có gia súc, gia cầm chết nghi do dịch bệnh.

Tuyệt đối không buôn bán, giết mổ, tiêu thụ gia súc, gia cầm mắc bệnh, vứt xác gia cầm, chất thải chưa qua xử lý ra môi trường và thực hiện ngay các biện pháp phòng chống dịch trên đàn vật nuôi.

Song song đó, chỉ đạo cho cộng tác viên thú y thực hiện tiêm phòng các bệnh nguy hiểm như: cúm gia cầm, dại chó, lở mồm long móng, viêm da nổi cục,... theo kế hoạch của huyện bảo đảm tối thiểu trên 80% tổng đàn tại thời điểm tiêm vaccine.

Trường hợp hộ CN không hợp tác cho tiêm phòng, thực hiện lập biên bản, cho cam kết làm cơ sở xử lý nếu dịch bệnh xảy ra.

Ông Nguyễn Văn Liêm cho hay: Thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm.

Đẩy mạnh công tác tiêm phòng, nhất là ở những vùng có nguy cơ, vùng ổ dịch cũ; công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ tại các lò giết mổ, bãi trung chuyển gia súc, gia cầm; công tác an toàn thực phẩm.

Giám sát việc thực hiện công tác tiêu độc khử trùng tại các cơ sở CN, thu gom, kinh doanh giết mổ động vật, phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật. Thực hiện CN an toàn sinh học và kiểm soát tái đàn.

Bên cạnh khuyến cáo của ngành chức năng, để phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi, người CN cần tăng cường CN theo hướng an toàn sinh học và an toàn dịch bệnh để đảm bảo phòng chống dịch bệnh cho đàn gia cầm.

Trong đó, đối với CN an toàn sinh học, cần triển khai đồng bộ các biện pháp kỹ thuật, vệ sinh thú y nhằm ngăn ngừa và hạn chế sự lây nhiễm của mầm bệnh từ bên ngoài xâm nhập vào các cơ sở CN và tiêu diệt mầm bệnh tồn tại ở bên trong của cơ sở CN.

Theo ngành chức năng, nếu triển khai được các giải pháp trên sẽ góp phần quan trọng giúp đảm bảo an toàn về dịch bệnh cho đàn vật nuôi, tránh được những thiệt hại về kinh tế cho người CN cũng như tránh được việc xuất hiện mầm bệnh có khả năng lây nhiễm đến người.

 

 

Nguyên Khang
Ý kiến bạn đọc
Top