Các địa phương đang tập trung triển khai nhiều biện pháp, nâng cao ý thức của người dân, qua đó hạn chế dịch bệnh phát sinh gây ảnh hưởng đến nguồn cung thực phẩm những tháng cuối năm cũng như sức khỏe người tiêu dùng...
Cán bộ tiêm vắc xin phòng dịch cúm cho gia cầm.
Hà Nội: Phòng, chống dịch cúm gia cầm lây sang người
Để phòng, chống dịch cúm gia cầm lây sang người, cả nước, trong đó có Hà Nội đang tập trung triển khai nhiều biện pháp, nâng cao ý thức của người dân, qua đó hạn chế dịch bệnh phát sinh gây ảnh hưởng đến nguồn cung thực phẩm những tháng cuối năm cũng như sức khỏe người tiêu dùng...
Theo bà Tô Thị Phương ở xã Đại Yên, huyện Chương Mỹ, trang trại của gia đình bà đang nuôi hơn 1.000 con gà thương phẩm. Hiện thời tiết diễn biến bất thường làm giảm sức đề kháng của vật nuôi nên nguy cơ bùng phát dịch cúm gia cầm trong những tháng cuối năm là rất cao.
Về vấn đề này, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội) Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, từ đầu năm đến nay, việc kiểm soát dịch cúm gia cầm trên địa bàn thành phố Hà Nội cơ bản tốt. Một vài ổ dịch xảy ra đơn lẻ ở diện hẹp đã được cơ quan chức năng và chính quyền địa phương khoanh vùng khống chế, xử lý triệt để.
“Nhằm dự báo sớm khả năng dịch bệnh phát sinh, từ đầu năm đến nay, Chi cục triển khai lấy 720 mẫu tại 8 huyện có chợ buôn bán gia cầm sống (Thường Tín, Đông Anh, Thanh Oai, Ba Vì, Thạch Thất, Chương Mỹ, Ứng Hòa, Sóc Sơn); kết quả, phát hiện 4 mẫu dương tính cúm A/H5N1 tại các huyện: Thanh Oai, Thường Tín. Từ nay đến cuối năm, nhu cầu tiêu dùng thịt gia cầm tăng mạnh nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát dịch cúm gia cầm tại các địa phương”, ông Nguyễn Ngọc Sơn nhấn mạnh.
Quyền Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Văn Long cho biết, từ đầu năm 2022 đến nay, cả nước xảy ra 34 ổ dịch cúm gia cầm tại 19 tỉnh, thành phố, buộc phải tiêu hủy hơn 77.000 con gia cầm. Nguy cơ cúm gia cầm lây lan và xảy ra trên phạm vi rộng là rất cao do tổng đàn gia cầm lớn, nhiều đàn gia cầm chưa được tiêm phòng vắc xin; vi rút cúm gia cầm (các chủng vi rút A/H5 bao gồm: H5N1, H5N6, H5N8...) lưu hành ở nhiều địa phương với tỷ lệ khá cao (khoảng 6%). Mặt khác, không loại trừ nguy cơ xuất hiện một số chủng vi rút cúm gia cầm khác (A/H7N9, A/H5N2, A/H5N5…) xâm nhiễm vào Việt Nam thông qua hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc...
Theo thông tin của Bộ Y tế, vừa qua đã có 1 bé gái nhiễm vi rút cúm gia cầm, chủng A/H5 tại tỉnh Phú Thọ sau hơn 8 năm Việt Nam không có trường hợp người tử vong hoặc nhiễm vi rút cúm A/H5, nâng tổng số người nhiễm vi rút cúm gia cầm A/H5 tại Việt Nam lên 128 trường hợp, trong đó có 64 trường hợp (chiếm 50%) tử vong. Điều đáng lo là dự báo dịch cúm gia cầm A/H5 trong thời gian tới diễn biến rất phức tạp.
Theo Trưởng ban Quản lý chợ gia cầm Hà Vỹ (huyện Thường Tín) Lê Thanh Bình, dự kiến lượng gia cầm tại chợ tiêu thụ rất lớn vào thời điểm cuối năm (khoảng 40-50 tấn/ngày). Để chủ động ngăn chặn các ổ dịch cúm gia cầm, hạn chế thấp nhất vi rút cúm gia cầm lây nhiễm, ảnh hưởng tới sức khỏe người dân, gây thiệt hại cho ngành chăn nuôi, Ban Quản lý chợ đã và đang phối hợp với các ngành chức năng của huyện Thường Tín đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của các tiểu thương về phòng, chống dịch bệnh bằng việc đeo khẩu trang, sát khuẩn, đặc biệt yêu cầu nhập gia cầm phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, để phòng, chống dịch cúm gia cầm lây sang người, thời gian tới, ngành Nông nghiệp Thủ đô phối hợp với các sở, ngành, chính quyền địa phương tăng cường giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh tới tận thôn, xóm, hộ chăn nuôi, ổ dịch cũ, địa bàn có nguy cơ cao; triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình giám sát sự lưu hành của vi rút, kịp thời phát hiện, xử lý khi dịch bệnh xảy ra; tổ chức tiêm mới, tiêm bổ sung vắc xin phòng, chống cúm gia cầm, bảo đảm đạt tỷ lệ trên 80% tổng đàn...
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, trước diễn biến phức tạp của cúm gia cầm và nguy cơ lây sang người, Bộ NN&PTNT đã có công điện khẩn đề nghị các tỉnh, thành phố tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch cúm gia cầm A/H5N1, A/H5N6, A/H5N8 và các chủng vi rút cúm gia cầm khác. Theo đó, chính quyền các cấp và cơ quan chức năng cần tuyên truyền sâu rộng trong cộng đồng về tính chất nguy hiểm của bệnh cúm gia cầm, chỉ rõ các chủng vi rút cúm nguy hiểm và biện pháp phòng, chống dịch bệnh; vận động, khuyến khích người dân thực hiện chăn nuôi an toàn; sử dụng thịt gia cầm phải nấu chín, không ăn tiết canh; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và dung dịch sát khuẩn thông thường, nhất là sau khi tiếp xúc với nguồn lây; đồng thời, quyết liệt ngăn chặn, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm những trường hợp vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm từ nước ngoài vào Việt Nam. Bộ NN&PTNT cũng giao các đơn vị liên quan trực thuộc Bộ tổ chức đoàn công tác đến các địa phương để kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc tổ chức thực hiện phòng, chống dịch cúm gia cầm...
Vĩnh Phúc: Giám sát chặt chẽ an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản
Với đặc trưng của ngành sản xuất nông nghiệp tạo ra nông sản cung cấp thực phẩm thiết yếu cho cả cộng đồng, tác động tới sức khỏe người tiêu dùng, thời gian qua, Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản (Sở NN&PTNT) đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức lấy mẫu, giám sát chất lượng về an toàn thực phẩm (ATTP) đối với sản phẩm nông, lâm, thủy sản. Qua đó, góp phần tạo ra những sản phẩm an toàn phục vụ người tiêu dùng.
Kiểm tra công tác ATTP tại HTX Rau an toàn Vĩnh Phúc.
Để nâng cao kiến thức về ATTP cho các hộ sản xuất, kinh doanh (SXKD) trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản, Chi cục đã tham mưu Sở NN&PTNT trình UBND tỉnh ban hành kế hoạch số 40 về thực hiện “tuyên truyền, vận động SXKD nông sản thực phẩm chất lượng, an toàn vì sức khỏe cộng đồng, phát triển bền vững giai đoạn 2022-2025”.
Giới thiệu quảng bá các sản phẩm nông sản đảm bảo ATTP, sản phẩm OCOP. 9 tháng năm 2022, đơn vị đã tổ chức 20 lớp tập huấn kiến thức pháp luật về ATTP cho gần 1.000 lượt người; in ấn 210 nghìn tờ rơi, tài liệu tuyên truyền về ATTP trong SXKD nông lâm thủy sản; thực hiện đăng tải danh sách 115 bản tự công bố sản phẩm của các cơ sở SXKD trên Cổng Giao tiếp điện tử Sở NN&PTNT Vĩnh Phúc để người tiêu dùng biết, lựa chọn.
Tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh trong SXKD nông, lâm, thủy sản, đảm bảo chất lượng vệ sinh ATTP, chi cục đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức lấy mẫu giám sát về ATTP đối với sản phẩm nông, lâm, thủy sản; trong đó tập trung giám sát ATTP đối với các sản phẩm nông sản chủ lực, sản phẩm tiêu dùng nhiều và có nguy cơ cao về mất ATTP như rau củ quả, thịt và các sản phẩm từ thịt, thủy sản...
Định kỳ hằng tháng, chi cục lấy mẫu nông sản tại cơ sở thu gom, phân phối, kinh doanh nông, lâm, thủy sản trên địa bàn các xã, phường, thị trấn để thực hiện kiểm tra nhanh một số chỉ tiêu về ATTP như hàn the trong sản phẩm giò chả, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (nhóm Lân hữu cơ, Cacbamate) trong rau củ quả; phân tích định lượng một số chỉ tiêu về ATTP theo quy định.
Từ đầu năm đến nay, chi cục đã phối hợp kiểm tra liên ngành, chuyên ngành và hậu kiểm về chất lượng, ATTP đối với 157 cơ sở SXKD nông, lâm, thủy sản; lấy gần 3.000 mẫu giám sát, kiểm tra chất lượng ATTP, trong đó có 1.990 mẫu rau củ quả, giò, chả; test kiểm tra nhanh và 939 mẫu thực phẩm phân tích các chỉ tiêu ATTP.
Kết quả có hơn 2.700 mẫu đảm bảo, không phát hiện nhanh dư lượng hàn the, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV).
Đặc biệt, trong tháng 4/2022, chi cục đã tổ chức hậu kiểm tại 21 cơ sở SXKD thực phẩm và lấy 32 mẫu thực phẩm để kiểm tra các chỉ tiêu về chất lượng, ATTP theo hồ sơ tự công bố của cơ sở. Kết quả 32/32 mẫu thực phẩm đảm bảo các yêu cầu chỉ tiêu chất lượng theo quy định.
Chi cục đã lựa chọn 30 cơ sở trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản đủ điều kiện tham gia thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP) trong nông nghiệp, thủy sản; lấy mẫu vật tư tại các cơ sở để phân tích chất lượng, ATTP.
Tổ chức 18 lớp tập huấn hướng dẫn áp dụng VietGAP cho các cơ sở tham gia chứng nhận VietGAP năm 2022 và các cơ sở tại địa phương có cơ sở tham gia chứng nhận VietGAP; kết nối, giới thiệu quảng bá các sản phẩm nông sản đảm bảo ATTP đến người tiêu dùng tại thành phố Phúc Yên và huyện Vĩnh Tường.
Theo đánh giá của chi cục, việc kiểm tra lấy mẫu giám sát chất lượng ATTP nhằm kịp thời phát hiện vi phạm trong SXKD nông, lâm, thủy sản, đặc biệt là sản phẩm tươi sống như rau, thịt cung cấp ra thị trường.
Đồng thời, có văn bản thông báo kết quả phân tích mẫu và yêu cầu các cơ sở có mẫu không đảm bảo ATTP tự kiểm tra nguyên nhân, truy xuất nguồn gốc, thu hồi sản phẩm không đảm bảo ATTP, thực hiện các hành động khắc phục của cơ sở theo quy định và thông báo đến cơ quan chức năng địa phương để phối hợp quản lý, kiểm tra, giám sát.
Tuy vấn đề vệ sinh ATTP đã có nhiều chuyển biến nhưng trong quá trình kiểm tra vẫn còn vi phạm. Để quản lý chặt chẽ chất lượng nông, lâm, thủy sản trên thị trường, thời gian tới, Chi cục tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về SXKD nông, lâm, thủy sản an toàn, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.
Vận động doanh nghiệp, người dân đầu tư, xây dựng các mô hình trồng trọt, chăn nuôi áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP, xây dựng các chuỗi sản xuất thực phẩm an toàn; giám sát dư lượng hóa chất tồn dư trong sản phẩm nông sản; kiểm tra chuyên ngành, đột xuất về ATTP trong sản xuất, sơ chế, chế biến, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản; tổ chức kết nối, giới thiệu các sản phẩm nông sản đảm bảo ATTP đến người tiêu dùng./.