Sau một thời gian tạm lắng, tình trạng sâu đầu đen gây hại dừa xuất hiện trở lại ở nhiều nơi trên địa bàn các tỉnh Bến Tre, Tiền Giang và phát tán khá nhanh, gây lo lắng cho nhà vườn trồng dừa ở địa phương.
Đây là loại sâu bọ cắn phá lá dừa, trái dừa dẫn đến chết cây, có mức độ lây lan và nguy hiểm nhất so với các loại sâu bọ khác. Các tỉnh đang tích cực tìm giải pháp ứng phó để tiêu diệt sâu đầu đen, bảo vệ vườn dừa.
Nhà vườn lo ngại
Theo Sở Nông nghiệp và PTNT Bến Tre, nắng nóng thời gian đầu năm 2024 là điều kiện thuận lợi cho sâu đầu đen phát triển nhưng bất lợi cho sự phát triển của các loài thiên địch trong tự nhiên, đặc biệt là ong ký sinh. Vì vậy, diện tích nhiễm sâu đầu đen trên địa bàn tỉnh tăng lên trong 6 tháng đầu năm, khiến nhiều nông dân lo ngại.
Từ đầu năm đến nay, tổng diện tích dừa bị nhiễm sâu đầu đen ở Bến Tre là gần 2.700ha; trong đó, diện tích phục hồi sau khi thực hiện các biện pháp phòng trừ hóa học và sinh học 2.274 ha, chiếm 82,1%, diện tích đốn do bị sâu đầu đen gây hại là 93,95 ha. Từ đầu năm 2024 đến nay, toàn tỉnh phóng thích 109 triệu ong ký sinh sâu đầu đen hại dừa.
Các cây dừa lớn nhỏ ở Tiền Giang đều bị sâu đầu đen gây hại.
Ông Đào Công Thương, Chủ tịch UBND huyện Thạnh Phú (Bến Tre), cho biết, sâu đầu đen hại dừa đang diễn biến phức tạp. Huyện có hơn 200 ha dừa bị nhiễm sâu đầu đen; trong đó, có khoảng 10 ha nhiễm nặng. Từ đầu năm đến nay, huyện phóng thích gần 10,4 triệu ong ký sinh tại các vườn dừa.
Tại xã Xuân Đông (Chợ Gạo - Tiền Giang), ông Trần Quốc Tuấn, nhà vườn trồng 4 công (1 công = 1.000m2) dừa ở ấp Tân Thuận đã bị sâu đầu đen tấn công, cho biết, đã 4 lần phun xịt thuốc hóa học diệt sâu đầu đen nhưng hiệu quả không cao.
“Sâu gây hại khoảng 3-4 tháng nay, nó ăn lá làm lá héo lại và từ từ ăn trái luôn. Tôi mua thuốc bảo vệ thực vật xịt phòng trị, nếu không xịt cây chết luôn. Nay thấy nó vẫn còn, chỉ đạt mấy chục phần trăm thôi. Bây giờ con sâu đang tấn công mạnh, dân mình rầu lắm, mình sống nhờ vườn, khu vực này sống nhờ cây dừa thôi”, ông Tuấn cho biết.
Vườn dừa ở Tiền Giang bị nhiễm sâu đầu đen hơn một năm qua, nhưng vài tháng nay bùng phát mạnh; trong đó, xã Xuân Đông là “tâm điểm” của dịch bệnh này. Toàn xã có 668ha dừa; trong đó 192ha dừa với 442 hộ bị bệnh sâu đầu đen gây hại; một số ít diện tích chậm phòng trị bị thiệt hại 100%. Biện pháp đối phó với sâu đầu đen của nhà vườn là dùng bình xịt điện phun thuốc hóa học vào ngọn dừa, lá dừa.
Sau khi sâu đầu đen bùng phát trên vườn dừa, chính quyền xã Xuân Đông đã phối hợp với ngành Nông nghiệp huyện, tỉnh hướng dẫn người dân ngăn chặn dịch bệnh. Mỗi ấp thành lập 1 tổ đến vận động trực tiếp người dân phun xịt thuốc. Ông Nguyễn Văn Mười, Chủ tịch UBND xã Xuân Đông cho biết, xã có hơn 95% số hộ trồng dừa nên việc phòng chống dịch bệnh bảo vệ vườn dừa đang rất cấp thiết.
Theo Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Tiền Giang, dịch bệnh sâu đầu đen đang xuất hiện nhiều trên địa bàn huyện Chợ Gạo với tổng diện tích 211ha dừa bị nhiễm bệnh. Trong đó, nhiều nhất là tại xã Xuân Đông với diện tích 192 ha; xã Hòa Định gần 17ha và xã An Thạnh Thủy 1,5 ha; tỷ lệ nhiễm bệnh rất nặng, từ 60-70%, có một số khu vực tỷ lệ nhiễm 100%. Trong đó, có một số diện tích dừa bị nhiễm nặng gần như không còn khả năng phục hồi.
Nhiều giải pháp ngăn chặn
Để đối phó với thực trạng trên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Minh Cảnh cho biết, trong thời gian tới, UBND tỉnh chỉ đạo ngành Nông nghiệp phối hợp với các địa phương vận động để nhà vườn chủ động hơn trong công tác quản lý sâu đầu đen; cần thăm vườn thường xuyên để sớm phát hiện đối tượng sâu hại này và thực hiện biện pháp quản lý tổng hợp để đảm bảo quản lý hiệu quả phòng trừ. Đặc biệt, ngành Nông nghiệp khuyến cáo nông dân không phun thuốc bảo vệ thực vật trên các vườn dừa trong vùng đã thả ong ký sinh nhằm duy trì nguồn thiên địch trong tự nhiên để công tác phòng trừ đạt hiệu quả cao và bền vững.
Nhiều cây dừa không phòng trị sâu đầu đen dẫn đến chết khô.
Tỉnh tăng cường nhân nuôi ong ký sinh để phóng thích trên các vườn dừa nhiễm sâu đầu đen đảm bảo phóng thích hiệu quả trên các vườn dừa nhiễm sâu đầu đen trên địa bàn; điều chuyển nguồn ong ký sinh giữa các địa phương để đảm bảo công tác phòng trừ chung. Ngành chức năng trong tỉnh tiếp tục phối hợp với các viện, trường thực hiện các nghiên cứu nhằm hoàn thiện hơn biện pháp quản lý sâu đầu đen, đặc biệt là biện pháp sinh học.
Từ năm 2022, việc áp dụng biện pháp quản lý phòng trừ tổng hợp sâu đầu đen đã được xây dựng để áp dụng và đạt hiệu quả cao. Theo Sở Nông nghiệp và PTNT Bến Tre, thực tế cho thấy, công tác phòng trừ chỉ đạt hiệu quả cao khi áp dụng trình tự và đồng bộ các biện pháp tổng hợp: Trước tiên là biện pháp thủ công (cắt tỉa tàu lá bị nhiễm sâu đem tiêu hủy để giảm mật số sâu và tạo điều kiện xử lý thuốc hiệu quả). Thứ hai là biện pháp hóa học (phun thuốc bảo vệ thực vật đúng cách theo khuyến cáo để diệt sâu). Cuối cùng là biện pháp sinh học (nhân nuôi và phóng thích ong ký sinh để diệt nhộng và sâu tuổi lớn). Trong đó, biện pháp sinh học giữ vai trò rất quan trọng vì giúp cân bằng hệ sinh thái trên vườn dừa, hạn chế tình trạng tái phát dịch hại, quan trọng nhất là đảm bảo chất lượng các sản phẩm từ dừa.
Còn theo Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Tiền Giang, thời gian qua, ngành Nông nghiệp đã phối hợp với các địa phương tăng cường thông tin về sâu đầu đen hại dừa,vận động người dân chủ động phun xịt đồng loạt trên các vườn bị nhiễm sâu đầu đen để tránh lây lan trên diện rộng; đốn bỏ và tiêu hủy những vườn dừa bị sâu đầu đen gây hại nặng và không có khả năng phục hồi. Ngành Nông nghiệp khuyến cáo nhà vườn cần áp dụng biện pháp hóa học để phòng trừ kịp thời rồi mới tiếp tục áp dụng các biện pháp sinh học như ong ký sinh…
Nhằm phát huy hiệu quả của biện pháp phòng trừ sâu đầu đen, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa nông dân, cán bộ địa phương và ngành chuyên môn, nhất là nông dân phải thăm vườn thường xuyên để phát hiện sớm và chủ động thực hiện các biện pháp phòng trị kịp thời theo khuyến cáo của ngành chuyên môn.