Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 16 tháng 10 năm 2022 | 8:0

“Phục hồi” nhãn sau thu hoạch đảm bảo chất lượng lâu dài

Sau mỗi vụ thu hoạch, công việc chăm sóc nhãn lại được người nhà vườn đặc biệt quan tâm và chú trọng hàng đầu, bởi có làm tốt việc này, nhãn mới cho chất lượng cao và lâu dài ở các vụ tiếp sau.

“Phục hồi” cho nhãn

Nói đến Hưng Yên, ngoài là vùng đất nổi danh bởi có Phố Hiến sầm uất chỉ đứng sau Kinh kỳ trước đây, tỉnh này còn nổi danh bởi sản vật nhãn lồng được nhiều người biết đến.

Nhãn được người dân Hưng Yên trồng ở khắp mọi nơi, trong vườn nhà, trên các trục đường liên xã, liên thôn. Những năm gần đây, khi Hưng Yên có nhiều giống nhãn cho chất lượng và sản lượng cao, người dân địa phương đã đầu tư để trồng loại trái cây đặc sản này phát triển kinh tế gia đình, mang lại nguồn thu khá cao. Tuy nhiên, nếu thu hoạch nhãn xong mà không chăm bón, nhãn sẽ cằn cỗi, không cho trái, năng suất và chất lượng khó đạt cao ở những vụ sau.

Nhà vườn xã Hàm Tử (Khoái Châu, Hưng Yên) cắt tỉa cành cho cây nhãn sau thu hoạch.

 

Với hơn 30 năm kinh nghiệm và áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật trong thâm canh nhãn, ông Nguyễn Văn Sức (thôn An Cảnh, xã Hàm Tử, huyện Khoái Châu) đã chủ động được việc ra hoa, đậu quả của cây nhãn. Nhờ vậy, với  trên 3 mẫu (1 mẫu Bắc Bộ = 3.600m2) trồng nhãn, năm nào vườn của gia đình ông cũng sai quả, chất lượng tốt. Ông Sức cho biết: Giai đoạn sau thu hoạch, sức khỏe cây nhãn yếu nhất. Vì vậy, thời điểm này, tôi thuê 6 - 10 lao động tập trung cắt tỉa bớt cành yếu, cành mọc trong thân. Sau đó, tôi tiến hành vệ sinh vườn, bón phân để giúp cho cây nhãn phục hồi, tái tạo bộ rễ và phát triển mầm mới. Được Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Khoái Châu hướng dẫn, tôi đã kết hợp bón phân hữu cơ (sử dụng ngô, đỗ tương ngâm ủ, phân chuồng ủ hoai mục) và phân vô cơ (loại phân NPK chuyên sử dụng cho cây ăn quả) bón cho cây. Nhiều năm nay làm theo phương pháp này, năm nào vườn nhãn của gia đình tôi cũng sai quả, cho chất lượng cao.

Ông Nguyễn Quang Điện, Giám đốc Hợp tác xã Tiên Châu Phố Hiến cho biết: Sau khi thu hoạch quả nhãn, được Phòng Kinh tế TP. Hưng Yên hướng dẫn, các thành viên của HTX tập trung tạo tán cho cây, cắt tỉa những cành yếu, cành bị sâu bệnh để tăng khả năng quang hợp giúp cây nhanh chóng phục hồi sau thời gian dài nuôi quả, tăng khả năng chống chịu sâu bệnh cho cây. Bên cạnh đó, xới đất, vệ sinh vườn và bón phân cho cây, kích thích cây phát triển mầm sớm. Khi cây bật lộc non, chúng tôi theo dõi để phòng trừ sâu bệnh kịp thời. Đặc biệt, chúng tôi luôn tuân thủ nguyên tắc “4 đúng” trong việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.

Còn ông Nguyễn Văn Phi ở thôn Bình Lăng, xã Tiền Phong (Ân Thi) cho biết: Sau thu hoạch quả, cây nhãn bị tổn thương rất lớn. Giai đoạn này cây yếu nhất, vì vậy, muốn tạo đà cho vụ sau thì việc đầu tiên gia đình tôi làm là tỉa cành, tạo tán, chăm sóc, trả lại sức khỏe cho cây. Đây là công việc hết sức quan trọng để bảo đảm sự phục hồi, sinh trưởng và phát triển cho cây sau 5 - 6 tháng nuôi quả và tiếp sức cho cây ra vụ quả sau. Việc tạo tán, tỉa bớt cành gầm làm cho cây thưa cành, tán rụt lại không để vươn quá cao để phân hóa mầm nhanh, đồng thời tạo độ thông thoáng, giảm khả năng lưu trú của sâu bệnh…”.

Ông Phi nhấn mạnh, công đoạn tỉa tán, bón phân phục hồi cho cây nhãn sau thu hoạch phải hoàn thành trước tháng 10 âm lịch để khống chế không cho cây nảy lộc đông. Bởi nếu nhãn nảy lộc vào mùa đông thì cây sẽ không thể có quả cho năm sau.

Cắt tỉa cành cho nhãn.

 

Cắt tỉa cành và bón phân cho cây nhãn

Ông Nguyễn Văn Kiên, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông (Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Hưng Yên), cho biết: Chăm sóc nhãn cần thực hiện quanh năm, nhưng thời điểm nhãn sau thu hoạch phải được chú trọng hơn, nếu không được chăm bón kịp thời vụ sau sẽ cho năng suất, chất lượng kém hoặc không ra quả. Để cây nhãn phục hồi, sinh trưởng, phát triển tốt, tạo tiền đề cho vụ nhãn năm sau, người trồng nhãn áp dụng một số biện pháp kỹ thuật như: Cắt tỉa, vệ sinh ruộng vườn tạo cho cây có bộ tán thông thoáng, giảm khả năng trú ngụ của sâu bệnh, tập trung dinh dưỡng nuôi cành lộc thu; loại bỏ các cành vô hiệu, cành gầm, cành vượt, cành sâu bệnh. Đối với các cây khỏe, ra nhiều lộc thu, chỉ để lại trên mỗi cành 1-2 lộc thu to, khỏe, còn lại cắt tỉa hết để tập trung dinh dưỡng nuôi lộc. Đối với những giống nhãn chín muộn, sau khi thu hoạch xong, nông dân tăng cường bón phân hữu cơ và phân NPK chuyên dùng cho cây ăn quả. Cùng với đó, nhà vườn thường xuyên theo dõi và phòng trừ sâu bệnh cho cây (lưu ý rệp, bọ xít...) để bảo vệ lộc thu và giảm mật độ sâu bệnh hại qua đông...

Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hưng Yên cũng khuyến cáo: Ngay sau khi thu hoạch nhãn, nông dân cần cắt tỉa cành nhãn sao cho ánh nắng có thể chiếu được vào trong thân cây để giúp cho cây quang hợp tốt nhất và hạn chế được sâu bệnh. Đối với  cây cao thì cắt bỏ cành ở ngọn để hạn chế chiều cao của cây, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chăm sóc và thu hoạch quả. Ngay sau khi cắt, tỉa cành nhãn, nông dân nên vệ sinh vườn sạch sẽ, khơi thông những rãnh nước ở trong vườn để giúp cho rễ cây phát triển tốt. Muốn thúc đẩy cây nhãn ra lộc thu thì bà con nên kết hợp bón phân hữu cơ và phân vô cơ cho cây ngay. Đối với phân hữu cơ, có thể sử dụng ngô, đỗ tương ngâm ủ, phân vô cơ nên dùng loại phân NPK chuyên sử dụng cho cây ăn quả. Bón phân bằng cách đào rãnh xung quanh hình chiếu của tán cây với chiều rộng của rãnh 20 - 30cm, độ sâu 20 - 25cm, sau đó lần lượt rải phân hữu cơ, phân vô cơ rồi lấp đất, tưới nước cho cây. Đồng thời, nên phun phân bón lá kết hợp với các chất kích thích sinh trưởng để thúc đẩy mầm thu phát triển.

Theo các chuyên gia, chăm sóc cây nhãn sau thu hoạch là yếu tố quan trọng, quyết định sự thành công của vụ mùa sau và tránh tình trạng “năm ăn quả năm trả cành”.

Sau khi thu hoạch thì việc đầu tiên cần phải làm là tỉa cành, tạo tán. Đây là bước quan trọng quyết định tới năng suất cây nhãn vụ kế tiếp. Chính vì vậy, bà con cần làm đúng thời điểm, và làm đồng loạt, muộn nhất là sau khi thu hoạch 10 ngày.

Việc tỉa cành, dọn tán giúp cho vườn cây thông thoáng, tán được kiểm soát độ cao vừa phải, giúp cây phân hóa mầm nhanh, đồng thời có tác dụng làm giảm sự gây hại của sâu bệnh cho cây nhãn.

Tiến hành cắt tỉa bỏ những cành sâu bệnh, cành khô, cành ốm yếu, cành vượt che khuất ánh sáng và những cành mọc “là xà” mặt đất (để tránh bệnh nứt thân xì mủ).

Sau khi tỉa cành, bà con sử dụng Siêu đồng để sát khuẩn, rửa vết cắt, ngăn chặn sự xâm nhập và lây lan của nấm khuẩn.

Sau quá trình tỉa cành, bà con nên bón phân, tưới nước hợp lý để giúp cây phục hồi sau một mùa nuôi trái kiệt quệ. Mặt khác, cũng như cành lá, sau một thời gian  bộ rễ của cây nhãn cũng bị già đi và cần cung cấp kịp thời chất dinh dưỡng để kích thích hệ rễ hồi phục và phát triển. Các loại phân bón bà con có thể sử dụng như phân chuồng ủ hoai mục, phân hữu cơ nở,…

Giai đoạn sau thu hoạch, khi cây có được đọt non nên chú ý một số dịch hại ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh trưởng của cây như bệnh chổi rồng, côn trùng gây hại như sâu đục gân lá, bọ xít nhãn,…

Để nhãn cho sản lượng và chất lượng lâu dài, khâu chăm sóc sau thu hoạch là rất quan trọng, do đó, cần tập trung chăm bón để  nhãn trở thành cây xóa đói giảm nghèo và làm giàu cho nhà vườn. 

 

Ngọc Thủy
Ý kiến bạn đọc
Top