Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 6 tháng 4 năm 2023 | 10:8

Quản lý tôm giống bảo đảm chất lượng, an toàn

Cả nước hiện có 2.104 cơ sở sản xuất tôm giống, sản lượng đạt hơn 160 tỷ con/năm. Tuy nhiên, nguồn tôm bố mẹ cung cấp cho sản xuất tôm giống chủ yếu là nhập khẩu, khai thác trong môi trường tự nhiên; số lượng chọn tạo giống từ các cơ sở trong nước sản xuất chưa nhiều.

Quản lý chưa đồng bộ

Nước ta có 747.000ha nuôi tôm sú và tôm thẻ chân trắng, nhu cầu tôm giống khoảng 150 tỷ con/năm; số lượng tôm bố mẹ cần để sản xuất tôm giống là 250.000 con.

Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và PTNT), trong năm 2022, sản lượng nuôi tôm nước lợ các loại trên cả nước đạt hơn 1.080 nghìn tấn (tăng 8,5% so năm 2021), trong đó, sản lượng tôm sú đạt hơn 271 nghìn tấn, tôm thẻ chân trắng hơn 743 nghìn tấn.

Hằng năm, tôm nước lợ đóng góp khoảng 40-45% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản (tương đương 3,5-4 tỷ USD). Trong đó, tôm giống đóng vai trò quan trọng trong chuỗi sản xuất, quyết định phần lớn sự thành công và hiệu quả sản xuất.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Trần Đình Luân cho biết, các tỉnh sản xuất tôm giống trọng điểm như: Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định có 687cơ sở sản xuất, ương dưỡng, sản lượng đạt 72,3 tỷ con/năm, chiếm 45,2% sản lượng của cả nước.

Tăng cường quản lý giống tôm nước lợ.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận - Lê Huyền chia sẻ: “Năm 2022, toàn tỉnh có 415 cơ sở sản xuất tôm giống, sản lượng đạt 39 tỷ con/năm, chiếm 24,4% sản lượng cả nước. Tôm giống Ninh Thuận đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu chứng nhận thương hiệu, được thị trường trong nước đánh giá cao. Ninh Thuận đang phát triển trở thành trung tâm sản xuất tôm giống chất lượng cao của cả nước trong giai đoạn 2021-2030. Mục tiêu đến năm 2025, sản lượng đạt 50 tỷ con/năm”.

Theo lãnh đạo Cục Thú y, nhiều địa phương như: Bình Định, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, TP. Hồ Chí Minh, Long An, Bến Tre, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang đã chủ động trao đổi thông tin và hình thành liên kết giữa vùng sản xuất và vùng tiêu thụ tôm giống, góp phần ổn định sản xuất.

Tuy nhiên, vẫn còn một số địa phương không chia sẻ thông tin theo quy chế đã ký kết, nên việc xử lý các tổ chức, cá nhân chưa tuân thủ các quy định về sản xuất, kinh doanh giống tôm nước lợ chưa đạt như mong muốn.

Từ năm 2021 đến nay, Tổng cục Thủy sản không tổ chức được các đoàn thanh tra đột xuất do không được bố trí kinh phí.

Một số địa phương như: Trà Vinh, Kiên Giang, Cà Mau, Sóc Trăng còn chậm trong triển khai kiểm tra cấp chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản theo quy định của Luật Thủy sản.

Nguyên nhân do nhiều cơ sở sản xuất giống quy mô nhỏ, không đăng ký giấy phép hoạt động kinh doanh; cơ sở vật chất tại nhiều đơn vị sản xuất chưa đáp ứng được yêu cầu, như: hệ thống xử lý nước cấp, nước thải; khu chứa trang thiết bị, nguyên vật liệu chưa tách biệt; chưa xây dựng và áp dụng hệ thống rà soát chất lượng, kiểm soát an toàn sinh học…

Khắc phục tồn tại để bảo đảm sản xuất

Trên thực tế, việc sản xuất giống tôm nước lợ trong nước còn bộc lộ một số tồn tại: chưa chủ động sản xuất được tôm bố mẹ mà chủ yếu nhập khẩu; còn phụ thuộc vào khai thác giống từ tự nhiên, dẫn đến hiệu quả chưa cao.

Cùng với đó, công tác kiểm tra, cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất giống còn hạn chế; tình trạng vận chuyển tôm giống không bảo đảm chất lượng, không qua kiểm dịch vẫn còn diễn ra, nhất là vào đầu vụ thả nuôi, khi nhu cầu tôm giống tăng cao; nhiều cơ sở không bảo đảm điều kiện sản xuất, kinh doanh vẫn hoạt động cung cấp tôm giống ra thị trường; xuất hiện gian lận, làm giả thương hiệu...

Do đó, trong thời gian tới, các địa phương, Bộ Nông nghiệp và PTNT cần thực hiện nghiêm quy chế phối hợp để nâng cao quản lý chất lượng tôm giống.

Về mục tiêu thực hiện Đề án tổng thể phát triển ngành công nghiệp tôm nước lợ Việt Nam đến năm 2030 của Bộ Nông nghiệp và PTNT, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhận định: Năm 2023, ngành tôm có thể tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do sự bất ổn trên thế giới, lạm phát tăng cao, nhu cầu tiêu dùng giảm, giá các loại vật tư có thể tiếp tục tăng.

Hai tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đã giảm 32,9%, trong đó kim ngạch xuất khẩu tôm giảm tới 54,9%. Thời tiết lạnh kéo dài, hạn hán, xâm nhập mặn sớm, xảy ra ngay từ các tháng đầu năm là yếu tố bất lợi cho tôm nuôi.

Đặc biệt, dịch bệnh Enterocytozoon hepatopenaei (mầm bệnh ở đường ruột, gây ảnh hưởng đến tôm thẻ chân trắng lẫn tôm sú nuôi) bùng phát đang gây khó khăn cho sản xuất.

“Năm nay, ngành tôm nước ta đặt mục tiêu thả nuôi 750.000ha; sản lượng 1.080 nghìn tấn. Nhu cầu tôm bố mẹ cần khoảng 260.000-270.000 con; tôm giống cần khoảng 140-150 tỷ con.

Do đó, công tác quản lý tôm giống bảo đảm chất lượng, an toàn với bệnh dịch có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, quyết định hiệu quả sản xuất của ngành tôm”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nói.

 

Nguyễn Trung
Ý kiến bạn đọc
Top