Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024  
Thứ tư, ngày 19 tháng 10 năm 2022 | 10:24

Quảng Nam quy định không được phép chăn nuôi trong khu vực nội thị

Tại Kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh Quảng Nam (khóa X) đã biểu quyết thông qua nghị quyết về “Quy định khu vực thuộc nội thành của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư không được phép chăn nuôi trên địa bàn Quảng Nam”.

Theo đại diện Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam cho biết, toàn tỉnh có 75 khu vực thuộc 11 địa phương gồm: Tam Kỳ, Hội An, Điện Bàn, Duy Xuyên, Thăng Bình, Tiên Phước, Núi Thành, Đại Lộc, Quế Sơn, Hiệp Đức, Bắc Trà My không được phép chăn nuôi. Ngoài ra, quy định không được phép chăn nuôi còn áp dụng đối với các khu đô thị, khu dân cư theo quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 đã được cấp thẩm quyền phê duyệt.

Trang trại bò thịt tại xã Tam Lộc, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam.

Trang trại bò thịt tại xã Tam Lộc, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam.

Qua kết quả rà soát của các địa phương, khi triển khai thực hiện nghị quyết của HĐND tỉnh về quy định nêu trên, trên địa bàn Quảng Nam có 1.516 hộ chăn nuôi bị ảnh hưởng, buộc phải dừng hoạt động hoặc phải di dời đến địa điểm chăn nuôi mới. Các địa phương có số hộ chăn nuôi bị ảnh hưởng nhiều là Núi Thành (385 hộ), Hội An (318 hộ), Tam Kỳ (213 hộ), Điện Bàn (155 hộ), Thăng Bình (97 hộ)...

Hầu hết hộ chăn nuôi bị ảnh hưởng đều nuôi gia súc, gia cầm với quy mô nhỏ lẻ, chủ yếu sử dụng thức ăn thừa của con người, tiềm ẩn nhiều rủi ro dịch bệnh, thị trường tiêu thụ sản phẩm không ổn định và hiệu quả kinh tế thấp.

Gần đây, tại cuộc làm việc giữa Ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh Quảng Nam với lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh, bà Hoàng Thị Kim Yến - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi & thú y Quảng Nam cho biết, qua khảo sát thực tế và phát 381 phiếu lấy ý kiến của người dân, một số trường học, trạm y tế tại 10 huyện, thị xã, thành phố gồm: Tam Kỳ, Hội An, Điện Bàn, Thăng Bình, Quế Sơn, Núi Thành, Đại Lộc, Tiên Phước, Nam Trà My, Đông Giang đa số ý kiến cho rằng, cơ sở chăn nuôi quy mô nông hộ cần đảm bảo khoảng cách đến nhà dân, trường học... ít nhất 20m để hạn chế ô nhiễm mùi hôi.

Trong khi đó, hầu hết cơ sở chăn nuôi tại các phường nội thị, một số khu của các thị trấn không đảm bảo khoảng cách này. “Có 68,6% ý kiến của các tổ chức, cá nhân không chăn nuôi phản ánh về tình trạng ô nhiễm mùi hôi do chất thải chăn nuôi trong khu dân cư gây ra. Riêng tại các khu vực đề xuất quy định không được phép chăn nuôi, tỷ lệ này là 86%” - bà Yến phát biểu.

Được biết, tính đến cuối năm 2021 toàn tỉnh Quảng Nam có 8.912.660 con gia súc và gia cầm. Trong đó, có 58.500 con trâu, 173.300 con bò, 326.860 con heo và 8.354.000 con gia cầm các loại.

Những năm qua, mặc dù các cấp, các ngành tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ cá thể đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa nhưng thực tế cho thấy mô hình nuôi gia súc, gia cầm theo hình thức trang trại vẫn chiếm tỷ lệ khiêm tốn.

Ở hầu hết địa phương, hơn 80% số lượng vật nuôi được nuôi theo hình thức nhỏ lẻ trong nông hộ không đảm bảo vệ sinh môi trường, vệ sinh thú y, an toàn dịch…

Trước hết, các cơ sở nuôi gia súc, gia cầm thuộc những khu vực quy định không được phép chăn nuôi đã xây dựng hoặc hoạt động trước ngày nghị quyết HĐND tỉnh Quảng Nam có hiệu lực thì được hoạt động đến ngày 31/12/2024 nhưng phải tuân thủ các quy định về điều kiện chăn nuôi, quản lý vật nuôi, không được xây dựng cơi nới, mở rộng quy mô chăn nuôi. Từ ngày 1/1/2025 phải dừng chăn nuôi hoặc di chuyển đến địa điểm phù hợp theo quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch sử dụng đất được UBND tỉnh phê duyệt hoặc theo quy hoạch khác do UBND cấp huyện phê duyệt.

Bên cạnh đó, HĐND tỉnh Quảng Nam đã đề nghị UBND tỉnh này xây dựng chính sách hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân dừng hoạt động chăn nuôi hoặc di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi, trình HĐND tỉnh xem xét, quyết định...

 

Anh Vũ
Ý kiến bạn đọc
Top