Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 27 tháng 4 năm 2024  
Thứ hai, ngày 11 tháng 3 năm 2024 | 19:49

Quảng Ngãi triển khai Tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường đợt 01 năm 2024

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Phước Hiền vừa ký Công văn chỉ đạo Sở Nông nghiệp và PTNT; UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai Tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường đợt 1 năm 2024 trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai đầy đủ các nội dung chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh tại Công văn số 573/UBND-KTN ngày 30/01/2024 về việc chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và động vật thủy sản trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi năm 2024.

Chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm

Chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm.

Trong đó, cần khẩn trương tổ chức tiêm phòng đợt 1 năm 2024 cho đàn vật nuôi, đặc biệt đối với các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên vật nuôi theo kế hoạch như: Viêm da nổi cục trâu bò, cúm gia cầm, lở mồm long móng, dại, dịch tả lợn châu phi, dịch tả lợn cổ điển, bệnh tụ huyết trùng trâu bò,... đặc biệt lưu ý đàn vật nuôi tại các khu vực có nguy cơ cao, vật nuôi đã được tiêm vắc xin nhưng đã hết hoặc sắp hết thời gian miễn dịch bảo đảm tỷ lệ đạt trên 80% tổng đàn tại thời điểm tiêm vắc xin.

Thời gian triển khai “Tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường đợt 1/2024” từ ngày 01-31/3/2024, yêu cầu nội dung vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường đối với các cơ sở chăn nuôi tập trung, trang trại: Phát quang cây cỏ xung quanh chuồng nuôi, quét dọn thu gom phân rác để đốt hoặc chôn, khơi thông cống rãnh; phun thuốc sát trùng để tiêu độc toàn bộ chuồng trại, khu vực chăn nuôi và vùng phụ cận mỗi tuần 1 lần; vệ sinh sạch sẽ phương tiện vận chuyển gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm, thức ăn chăn nuôi sau mỗi lần vận chuyển.

Khẩn trương tiêm phòng cho đàn vật nuôi

Khẩn trương tiêm phòng cho đàn vật nuôi.

Đối với chăn nuôi hộ gia đình nhỏ, lẻ, quét dọn sạch sẽ khu vực nuôi nhốt gia súc, gia cầm; thu gom phân rác, chất độn chuồng để đốt hoặc chôn theo quy định; phun thuốc sát trùng toàn bộ khu vực nuôi nhốt gia súc, gia cầm và vùng phụ cận mỗi tuần 1 lần; vệ sinh sạch sẽ phương tiện vận chuyển, dụng cụ chăn nuôi sau mỗi lần vận chuyển.

Đối với cơ sở ấp nở gia cầm, thuỷ cầm: Phát quang cây cỏ xung quanh và quét dọn sạch sẽ toàn bộ khu vực lò ấp, đường ra vào cơ sở ấp; thu gom vỏ trứng sau khi đã ấp nở để tiêu huỷ; phun hóa chất tiêu độc khử trùng toàn bộ diện tích cơ sở ấp trứng, đường ra vào cơ sở ấp trứng, các phương tiện vận chuyển trứng giống và gia cầm mới ấp nở.

Đối với cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, nơi nhốt gia súc, gia cầm chờ giết mổ: Sau khi gia súc, gia cầm được đưa đi giết mổ, toàn bộ khu vực nhốt phải được vệ sinh tiêu độc khử trùng; phương tiện vận chuyển gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm phải được vệ sinh, tiêu độc, khử trùng trước khi ra khỏi cơ sở giết mổ; phát quang cây cỏ xung quanh cơ sở, khơi thông cống rãnh.

Chợ buôn bán gia súc, gia cầm sống và sản phẩm động vật: Quét dọn và phun thuốc khử trùng khu vực bán động vật, sản phẩm động vật, khu vực giết mổ và các vật dụng liên quan cuối mỗi buổi chợ; phương tiện vận chuyển, lồng nhốt phải được phun khử trùng khi vào, ra khỏi chợ; những quầy bán thịt gia súc, gia cầm phải được vệ sinh sạch sẽ và phun thuốc tiêu độc, sát trùng cuối mỗi buổi chợ. Nơi công cộng, đường làng, ngõ xóm: Quét dọn, vệ sinh, phun tiêu độc một tuần một lần.

Về cách thức tiến hành vệ sinh, tiêu độc khử trùng, những trại chăn nuôi tập trung, cơ sở giết mổ, cơ sở ấp trứng gia cầm tự lo vật tư, kinh phí, tổ chức thực hiện theo sự giám sát của chính quyền địa phương và cán bộ thú y cơ sở.

UBND các xã tổ chức các đội phun thuốc sát trùng cho khu vực chăn nuôi hộ gia đình, chợ buôn bán gia cầm ở nông thôn, nơi công cộng, đường làng, ngõ xóm; khu vực chôn lấp, xử lý tiêu hủy động vật mắc bệnh, sản phẩm động vật mang mầm bệnh, khu vực thu gom, xử lý chất thải của động vật; việc phun khử trùng chỉ được thực hiện sau khi đã được quét dọn, vệ sinh sạch sẽ.

Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp với Sở Y tế và các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức kiểm tra, giám sát, tổng hợp và báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện về Tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi trên địa bàn tỉnh, chậm nhất ngày 30/4/2024.

Phối hợp với UBND các huyện, thị xã và thành phố quản lý chặt chẽ đàn vật nuôi; đôn đốc, hướng dẫn thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật; tăng cường công tác lấy mẫu giám sát, chẩn đoán dịch bệnh động vật, chú trọng tại các khu vực có nguy cơ cao để kịp thời phát hiện xử lý, không để dịch bùng phát và lây lan diện rộng.

Chỉ đạo cơ quan, đơn vị chuyên môn tăng cường công tác kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra vào địa bàn tỉnh, kiểm soát giết mổ trên địa bàn; phối hợp với các địa phương, đoàn liên ngành trong công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật về chăn nuôi, thú y.

 

Hải Yến
Ý kiến bạn đọc
Top