Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 6 tháng 5 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 18 tháng 8 năm 2023 | 16:3

Quảng Ngãi ứng dụng CNTT trong quản lý vận hành công trình thủy lợi và phòng chống thiên tai

Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong quản lý vận hành công trình thủy lợi và phòng chống thiên tai đã và đang được các cấp ngành trong tỉnh Quảng Ngãi quan tâm…

Chiều 18/8, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Quảng Ngãi tổ chức Hội thảo chuyên đề về ứng dụng CNTT trong quản lý vận hành công trình thủy lợi và phòng chống thiên tai, góp phần từng bước chuyển đổi số trong ngành Nông nghiệp và PTNT.

Quang cảnh hội thảo

Quang cảnh hội thảo

Theo báo cáo tổng quan về hạ tầng thủy lợi và phòng chống thiên tai  của Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Quảng Ngãi, trong giai đoạn khoảng 5 năm gần đây, loại hình thiên tài này thường xuyên xảy ra, đặc biệt 2 đợt hạn hán kéo dài năm 2015 với chu kỳ xuất hiện trên 50 năm và đợt hạn 2019-2020. Hạn hán, xâm nhập mặn đã ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân và nhu cầu cấp nước cho nông nghiệp, công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Do vùng hạ lưu các sông đã và đang được đầu tư nhiều công trình đập, cống ngăn mặn: Bình Dương, đập hạ lưu sông Trà Khúc, Hiền Lương, Đức Lợi, Khê Hòa, Cầu Chùa… nên tình hình xâm nhập mặn không quá nghiêm trọng, tuy nhiên, hiện tại một số vùng tình trạng xâm nhập mặn vẫn còn ảnh hưởng đến sinh hoạt và sản xuất trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi tập trung chủ yếu ở các huyện, thị ven biển, đặc biệt tại các xã vùng hạ lưu sông Trà Bồng và một số phường xã ven biển thuộc thị xã Đức Phổ.

Vùng đồng bằng ven biển của tỉnh Quảng Ngãi hàng năm xảy ra tình trạng ngập úng ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, điển hình là vùng ngập úng Sông Thoa. Ngoài ra còn có các vùng ngập úng cục bộ khác như vùng hạ lưu sông Trà Bồng, vùng phía Đông huyện Sơn Tịnh, vùng hạ lưu sông Trà Khúc (các xã huyện Tư Nghĩa, Thành phố Quảng Ngãi), vùng tiêu vào sông Vệ (huyện Nghĩa Hành, Tư Nghĩa).

Trên địa bàn tỉnh có 126 hồ chứa, 528 đập dâng, 7 đập ngăn mặn được đưa vào quản lý, khai thác để cấp nước, ngăn mặn phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và các ngành kinh tế khác. Nhờ đầu tư sửa chữa, nâng cấp bằng nhiều nguồn vốn khác nhau như: Trung ương, địa phương, viện trợ không hoàn lại, vốn vay ODA… nên đến nay phần lớn các hồ đập đã được kiên cố, còn lại 21 hồ chứa nước bị hư hỏng, xuống cấp nặng cần thiết phải đầu tư sửa chữa, nâng cấp để đảm bảo khả năng chống chịu với thiên tai.

Về phòng chống thiên tai, đê điều còn nhiều tuyến đê được xây dựng trong những thập niên 80, 90 do nhà nước và nhân dân cùng làm đến nay đã và đang xuống cấp, không đảm bảo cao trình chống lũ và mặt cắt ổn định nên nhu cầu đầu tư xây dựng, nâng cấp đê điều còn lớn, trong khi nguồn kinh phí của tỉnh còn hạn hẹp, phải trông chờ vào sự hỗ trợ của Trung ương. Ở cấp huyện, cấp xã chưa có nhân lực chuyên trách về phòng, chống thiên tai nên gặp nhiều khó khăn trong tham mưu chỉ huy, chỉ đạo và triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao. Cơ sở vật chất, trang thiết bị hỗ trợ phòng, chống thiên tai ở các cấp còn thiếu và yếu, nhất là ở cấp huyện, xã

WebGIS thủy lợi Quảng Ngãi: Công cụ đắc lực trong công tác quản lý tổng thể, cung cấp thông tin chính xác, nhanh chóng

Báo cáo tại Hội thảo về chuyên đề “ứng dựng CNTT trong công tác quản lý CSDL hồ, đập thủy lợi trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi”, TS. Nguyễn Thanh Hảo, Trung tâm nghiên cứu Tài nguyên nước - Trường Đại học Bách Khoa Đà Nẵng cho biết, mục tiêu chung là xây dựng hệ thống thông tin địa lý GIS về cơ sở dữ liệu hệ thống hồ, đập thủy lợi theo quy định tại Điều 29 NĐ số 114/2018/NĐ-CP của Chính phủ.

WebGIS thủy lợi Quảng Ngãi: Công cụ đắc lực trong công tác quản lý tổng thể, cung cấp thông tin chính xác, nhanh chóng...

WebGIS thủy lợi Quảng Ngãi: Công cụ đắc lực trong công tác quản lý tổng thể, cung cấp thông tin chính xác, nhanh chóng...

WebGIS thủy lợi Quảng Ngãi (tại địa chỉ: http://thuyloi.quangngai.gov.vn), người dùng được phân làm 4 nhóm: Lãnh đạo và cán bộ Chi cục Thủy lợi, Sở NN và PTNT; Cơ quan quản lý hồ đập (huyện, xã): là cán bộ thuộc xí nghiệp hay tổ quản lý từng công trình hồ chứa cụ thể. Có trách nhiệm theo dõi, báo cáo về tình trạng công trình mình phụ trách và thực hiện các chỉ thị về vận hành hồ chứa cũng như nâng cấp-sửa chữa công trình khi có sự cố, hư hỏng. Người dân quan tâm vào hệ thống, theo dõi thông tin như xem một trang web thông thường. Admin Hệ thống: Cán bộ của Chi cục Thủy lợi có trách nhiệm theo dõi, cập nhật dữ liệu cho hệ thống.

Theo TS. Nguyễn Thanh Hảo, sản phẩm là phần mềm quản lý nghiệp vụ chuyên môn lĩnh vực đập, hồ thuỷ lợi trên địa bàn toàn tỉnh. Là công cụ đắc lực trong công tác quản lý tổng thể, cung cấp thông tin chính xác, nhanh chóng, phục vụ quản lý, quy hoạch. Phục vụ tốt cho việc cải cách hành chính của địa phương. Sản phẩm có tính mở, có khả năng phát triển các chức năng. Xây dựng bổ sung hệ thống cơ sở dữ liệu về đê, kè. Phát triển chức năng giám sát, hỗ trợ ra quyết định trong công tác vận hành hồ, đập. Phát triển chức năng cập nhật an toàn công trình thuỷ lợi. Giám sát, theo dõi vi phạm hành lang an toàn công trình thủy lợi.

Ứng dựng CNTT hiện đại trong quản lý, vận hành thiết bị thủy văn chuyên dùng cảnh báo sớm

Báo cáo tại Hội thảo, ThS. Văn Phú Chính, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tư vấn và Phát triển kỹ thuật tài nguyên nước (WATEC) cho biết: Hệ thống đo mưa tự động Vrain do WATEC phát triển từ năm 2016, đến nay đã lắp đặt gần 2.500 trạm bao phủ 63 tỉnh thành trong cả nước bao gồm huyện đảo Trường Sa, trong đó có 1.077 trạm thuộc mạng khí tượng thuỷ văn Quốc gia, gần 1.400 trạm chuyên dùng của cơ quan phòng chống thiên tai các tỉnh, các hồ chứa thuỷ lợi thuỷ điện, trong đó có các công trình thuỷ điện lớn như Thuỷ điện Sơn La, Ialy, Sê San, Thác Bà, Hàm Thuận - Đa Mi. Tại tỉnh Quảng Ngãi, hệ thống Vrain có 79 trạm và là tỉnh có số trạm đo mưa chuyên dùng lớn nhất cả nước.

Mô hình của hệ thống ứng dựng CNTT trong quản lý, vận hành thiết bị thủy văn chuyên dùng cảnh báo sớm

Mô hình của hệ thống ứng dựng CNTT trong quản lý, vận hành thiết bị thủy văn chuyên dùng cảnh báo sớm

Hệ thống đo mưa tự động Vrain hiện là hệ thống đo mưa tự động lớn nhất nước ta và là nguồn dữ liệu mưa chủ yếu cung cấp cho Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia về PCTT; Cơ quan phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn các cấp phục vụ dự báo, cảnh báo, chỉ đạo, chỉ huy phòng chống thiên tai, đặc biệt là mưa lũ.

Trạm đo mưa tự động gồm 03 thành phần thiết bị và phần mềm cơ bản: Cảm biến đo mưa tự động (sensor), Bộ thu nhận và truyền dữ liệu (datalogger) và nền tảng quản lý (máy chủ, phần mềm). Theo tần suất đo và tần suất truyền dữ liệu đã được cài đặt, dữ liệu mưa đo được từ cảm biến đo mưa, sau khi được bộ vi xử lý tính toán sẽ ghi và truyền đến phần mềm quản lý trung tâm dựa trên điện toán đám mây thông qua công nghệ SMS/GPRS/3G/4G.

Các tính năng nổi bật của Hệ thống đo mưa tự động Vrain: Thiết bị đồng bộ, do Watec nghiên cứu và phát triển nên hoàn toàn làm chủ công nghệ. Chương trình quản lý và truyền dữ liệu được phát triển trên nền tảng điện toán đám mây, có đầy đủ các tính năng phục vụ yêu cầu khai thác dữ liệu trên máy tính và các thiết bị di động thông minh, tốc độ truy cập nhanh và tính ổn định cao. Được tổ chức thành hệ thống quy mô toàn quốc với gần 2.500 trạm. Truy cập miễn phí tại địa chỉ ww.vrain.vn

Đã phát triển ứng dụng trên điện thoại thông minh (mobile app), cho phép người dùng truy cập miễn phí để nhận thông tin về lượng mưa ngày và nhận cảnh báo mưa lớn vượt ngưỡng trên điện thoại thông minh theo thời gian thực. Tổ chức dịch vụ vận hành, bảo trì chuyên nghiệp gắn với bảo hành trọn vòng đời thiết bị.

Tại hội thảo, PGS. TS. Nguyễn Thanh Hùng, Phó Giám đốc Phòng thí nghiệm trọng điểm Quốc gia về động lực học sông biển - Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam cũng đã trình bày  Chuyên đề về “ứng dựng mô hình toán trong quản lý rủi ro lũ lụt vùng đồng bằng tỉnh Quảng Ngãi, góp phần ổn định cơ sở hạ tầng trong phát triển kinh tế - xă hội”…

 

Hải Yến
Ý kiến bạn đọc
Top