Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 14 tháng 12 năm 2024  
Thứ ba, ngày 23 tháng 5 năm 2023 | 9:15

Quảng Trị: Tôm nuôi bị nhiễm bệnh, chết hàng loạt

Thời gian qua, nhiều diện tích tôm nuôi ở hai huyện Vĩnh Linh, Triệu Phong (Quảng Trị) bị nhiễm bệnh và chết hàng loạt khiến người dân nuôi tôm không khỏi lo lắng.

Hiện nay, mới bước vào vụ nuôi chính của năm 2023, các hộ nuôi tôm ở Vĩnh Linh, Triệu Phong đã thả giống 70 - 80% diện tích. Do ảnh hưởng của tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, nắng nóng xen kẽ mưa giông nên môi trường ao nuôi thường xuyên biến động làm dịch bệnh trên tôm nuôi phát sinh khiến nhiều ao nuôi của các địa phương này xuất hiện tôm chết, chết hàng loạt.

Ông Hồ Ngọc Quyết, Phó chủ tịch xã Vĩnh Sơn (Vĩnh Linh), cho biết, từ đầu tháng 5 đến nay, trên tổng diện tích nuôi tôm 166,1ha đã xuống giống trên địa bàn xã bắt đầu xuất hiện tình trạng tôm nuôi bị nhiễm bệnh. Đến nay, dịch bệnh đã lây lan ra hồ nuôi của trên 60 hộ, khiến 35 ha tôm nuôi bị chết hàng loạt.

Các hộ nuôi tôm ở Vĩnh Linh đang rất lo lắng trước tình trạng tôm nhiếm bệnh, chết hàng loạt (ảnh H.T).

Cũng theo ông Quyết, hiện nay tôm bị dịch bệnh, chết hàng loạt ở địa phương này vẫn chưa xác định chính xác được nguyên nhân. UBND xã Vĩnh Sơn đã khẩn trương báo cáo, đề nghị UBND huyện Vĩnh Linh cùng các cơ quan chuyên môn nhanh chóng lấy mẫu xét nghiệm, sớm kết luận nguyên nhân và hỗ trợ hóa chất nhằm ngăn dịch bệnh lây lan trên diện rộng, giảm thiểu thiệt hại cho bà con.

Được biết, ngoài xã Vĩnh Sơn thì tại xã Hiền Thành và xã Vĩnh Lâm của huyện Vĩnh Linh cũng bắt đầu xảy ra hiện tượng tôm bị nhiễm bệnh chết, cụ thể xã Hiền Thành có 1,9 ha của 5 hộ, xã Vĩnh Lâm khoảng 1 ha của 3 hộ.

Thông tin từ Chi cục CN&TY tỉnh Quảng Trị cho biết, dịch bệnh hoại tử gan tụy cấp tính trên tôm nuôi đã xảy ra tại các hộ nuôi ở xã Triệu Phước, huyện Triệu Phong với diện tích hơn 2ha.

Ngay sau khi nhận được tin báo có tôm nuôi bị bệnh chết và xác định được nguyên nhân, Chi cục CN&TY tỉnh Quảng Trị đã khẩn trương hỗ trợ hóa chất Chlorine xử lý dập dịch nhằm ngăn chặn và hạn chế sự lây lan của dịch bệnh.

Người nuôi phải thường xuyên kiểm tra tôm nuôi để kịp thời phát hiện, có biện pháp phòng trừ dịch bệnh (ảnh L.A).

Để hạn chế dịch bệnh, giảm thiểu thiệt hại cho người nuôi và có vụ nuôi tôm thành công, cơ quan chuyên môn Chi cục CN&TY tỉnh Quảng Trị khuyến cáo: Các hộ nuôi tôm khi dịch bệnh xảy ra phải khai báo ngay với chính quyền địa phương và cơ quan chức năng; đồng thời phối hợp cùng với cơ quan chức năng lấy mẫu, gửi mẫu xét nghiệm để xác định nguyên nhân gây bệnh.

Đối với những hộ đang có tôm nuôi ở trong ao cần phải tuân thủ theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, nâng cao ý thức cộng đồng để tránh bùng phát và lây lan trên diện rộng. Theo dõi chặt chẽ tình hình sức khoẻ tôm nuôi, thường xuyên kiểm tra các yếu tố thuỷ lý, thuỷ hoá trong ao; bổ sung thêm vitamin và khoáng chất để tăng cường sức đề kháng cho tôm nuôi. Dùng lưới rào chắn quanh ao, rải vôi quanh bờ để ngăn chặn các loài giáp xác mang mầm bệnh vào ao, xử lý nước trước khi cấp vào ao nuôi.

 

Khánh Trình
Ý kiến bạn đọc
Top