Ngày 23/1, ông Đào Văn An, Phó Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Trị cho biết, sau hơn 2 tháng kể từ ngày tái phát ổ bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP), đến nay bệnh DTLCP đã được khống chế trên phạm vi toàn tỉnh.
Theo đó, để tiếp tục chủ động kiểm soát có hiệu quả dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, không để bệnh tiếp tục tái phát, lây lan, các cấp, các ngành phải thực hiện tốt Chỉ thị 11/2023 của UBND tỉnh về việc triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phòng chống dịch tả lợn châu Phi; đồng thời, tuyên truyền cho người dân phải thực hiện tốt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học.
Sau hơn 2 tháng bùng phát, lây lan DTLCP đã được khống chế ở Quảng Trị.
Trước đó, sau khi ổ dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đầu tiên xảy ra vào ngày 26/10 tại hai xã Triệu Tài (huyện Triệu Phong), Hải Lệ (thị xã Quảng Trị) thì liên tiếp xuất hiện các ổ dịch tại các địa phương khác.
DTLCP đã lây lan ra 344 hộ chăn nuôi ở 78 thôn của 28 xã, phường, thị trấn tại 7 huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh Quảng Trị. Tổng số lợn bị bệnh, chết buộc chôn hủy hơn 2.200 con, tổng trọng lượng tiêu hủy hơn 100 tấn.
Sau khi dịch bùng phát, các địa phương trong tỉnh Quảng Trị đã triển khai các biện pháp khoanh vùng, dập dịch. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ 10.000 lít hóa chất. Tỉnh Quảng Trị trích ngân sách mua hơn 17 ngàn lít hóa chất cấp cho các địa phương vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi, tiêu diệt mầm bệnh.
Ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, sau khi DTLCP bùng phát ở địa phương, UBND tỉnh Quảng Trị đã chỉ đạo ngành Nông nghiệp cùng các đơn vị liên quan, địa phương triển khai hiệu quả, quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống DTLCP mà địa phương, Trung ương đã ban hành. Coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách cần thực hiện lúc này; quyết tâm khống chế dịch bệnh trong thời gian nhanh nhất, đảm bảo điều kiện phát triển kinh tế-xã hội nhanh, bền vững, cải thiện đời sống Nhân dân.
Tăng cường công tác giám sát, kịp thời phát hiện các trường hợp lợn có biểu hiện bị bệnh, nghi bị bệnh, báo cáo chính quyền, cơ quan thú y có hướng xử lý kịp thời. Xử lý nghiêm các trường hợp giấu, không báo cáo dẫn đến dịch lây lan diện rộng. Khẩn trương rà soát, tổ chức tiêm vắc xin phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn lợn. Hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng các biện pháp vệ sinh, sát trùng bằng vôi bột, hóa chất xử lý môi trường khu vực chuồng nuôi và khu vực có nguy cơ cao; đẩy mạnh chăn nuôi an toàn sinh học…