Sáng 7/11, UBND tỉnh Phú Yên tổ chức lễ công bố điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Nam Phú Yên đến năm 2040.
Theo Quyết định số 1226/QĐ-TTg ngày 24/10/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Nam Phú Yên đến năm 2040 thì ranh giới lập quy hoạch bao gồm toàn bộ địa giới hành chính các phường: Phú Lâm, Phú Thạnh, Phú Đông thuộc TP. Tuy Hòa và các phường Hòa Hiệp Bắc, Hòa Hiệp Trung, Hòa Hiệp Nam, Hòa Vinh, các xã Hòa Thành, Hòa Tâm và một phần phường Hòa Xuân Tây, một phần các xã Hòa Tân Đông, Hòa Xuân Đông, Hòa Xuân Nam thuộc TX. Đông Hòa, có tổng diện tích 20.730 ha. Đến năm 2030, quy mô dân số khoảng 220.000 người. Đất xây dựng các khu chức năng khoảng 9.840 ha; đất phát triển dân cư nông thôn khoảng 789 ha; khu công nghiệp, cụm công nghiệp khoảng 2.038 ha; dịch vụ, du lịch khoảng 767 ha; đất xây dựng các khu chức năng khác khoảng 3.603 ha.
Bản đồ quy hoạch sử dụng đất tỉnh Phú Yên đến năm 2040
Đến năm 2040, dân số khoảng 280.000 người, trong đó dân số thường trú khoảng 250.000 người, dân số quy đổi khoảng 30.000 người. Đất xây dựng các khu chức năng khoảng 12.380 ha; đất phát triển dân cư nông thôn khoảng 871 ha; khu công nghiệp, cụm công nghiệp khoảng 3.265 ha; dịch vụ, du lịch khoảng 996ha; đất xây dựng các khu chức năng khác khoảng 4.109 ha.
Khu vực ven biển phía Đông phát triển dịch vụ du lịch, đô thị và hậu cần cảng. Vành đai phía Tây phát triển công nghiệp công nghệ cao. Ngoài ra còn có 3 trung tâm phát triển chính, gồm Trung tâm đô thị sân bay, Trung tâm đô thị Hòa Vinh, Trung tâm đô thị thương mại ven biển. Bên cạnh đó, tam giác phát triển du lịch phía Nam với 3 mũi nhọn là khu vực Biển Hồ - núi Đá Bia, khu lịch Mũi Điện - Bãi Môn và khu du lịch Hòn Nưa.
Khu kinh tế Nam Phú Yên được chia thành 6 phân khu chức năng. Phân khu 1: Khu vực Phát triển Đô thị phía Bắc sân bay Tuy Hòa. Phân khu 2: Khu vực phát triển Đô thị du lịch - dịch vụ ven biển. Phân khu 3: Khu vực phát triển đô thị Hòa Vinh. Phân khu 4: Khu vực phát triển du lịch - dịch vụ ven sông Bàn Thạch. Phân khu 5: Khu vực phát triển công nghiệp tập trung. Phân khu 6: Khu vực phát triển du lịch phía Nam.
Bà Trần Thu Hằng, Vụ trưởng Vụ Quy hoạch – Kiến trúc, Bộ Xây dựng trao quyết định điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Nam Phú Yên của Thủ tướng Chính phủ cho Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Tạ Anh Tuấn
Mục tiêu xây dựng Khu kinh tế Nam Phú Yên đến năm 2040 là khu kinh tế biển đa ngành, đa lĩnh vực với trọng tâm phát triển là công nghiệp công nghệ cao, các ngành công nghiệp gắn với cảng biển, tập trung thu hút các ngành công nghiệp luyện kim, lọc hóa dầu, năng lượng..; du lịch sinh thái; đô thị dịch vụ thương mại - du lịch sông, biển gắn với việc khai thác sân bay Tuy Hòa và hệ thống cảng biển; phát triển kinh tế biển truyền thống gắn kết chặt chẽ phát triển kinh tế với đảm bảo an ninh, quốc phòng và thích ứng với biến đổi khí hậu. Đây cũng là một trong các đầu mối về giao thông vận tải, giao thương và giao lưu quốc tế quan trọng của khu vực miền Trung và Tây Nguyên; cửa ngõ kết nối ra biển Đông của Tây Nguyên và các nước ASEAN.
Đồng thời là khu kinh tế tổng hợp có hạ tầng hiện đại làm động lực phát triển cho vùng Duyên hải Nam Trung Bộ; có liên kết hỗ trợ và chia sẻ với Khu kinh tế Vân Phong và các vùng phụ cận.
Ông Tạ Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên phát biểu tại lễ công bố
Ông Tạ Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cho biết, từ khi thành lập đến nay, Khu kinh tế Nam Phú Yên đã có những bước phát triển đáng kể; cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng tương đối đồng bộ và hoàn chỉnh, như: Hầm đường bộ Đèo Cả, tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam, tuyến đường ven biển, các đường liên khu vực trong Khu kinh tế… Tính đến tháng 9/2023, Khu kinh tế Nam Phú Yên thu hút được 54 dự án, diện tích đất đăng ký 229,3ha với tổng vốn đăng ký hơn 3.681 tỷ đồng và gần 24,4 triệu USD, các dự án đã góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Sau hơn 13 năm thực hiện, một số nội dung cần phải cập nhật để phát huy hết tiềm năng, lợi thế phát triển của Khu kinh tế Nam Phú Yên trong giai đoạn mới; do đó, việc điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Nam Phú Yên là hết sức cần thiết.
Sau khi nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Nam Phú Yên đến năm 2040 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, UBND tỉnh đã chỉ đạo Ban quản lý Khu kinh tế tổ chức lập Đồ án điều chỉnh quy hoạch thực hiện đầy đủ các nội dung theo nhiệm vụ được phê duyệt, đảm bảo các quy định và đã được HĐND tỉnh thông qua. Trên cơ sở ý kiến góp ý của các bộ, ngành Trung ương và Báo cáo thẩm định số 157/BC-BXD ngày 18/8/2023 của Bộ Xây dựng, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Nam Phú Yên đến năm 2040.
Việc điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Nam Phú Yên đến năm 2040 là cơ sở pháp lý quan trọng để tỉnh Phú Yên kịp thời tháo gỡ các nút thắt, tồn tại hạn chế đối với sự phát triển của Khu kinh tế Nam Phú Yên trong thời gian vừa qua, đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển theo xu thế mới.
"Việc Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Nam Phú Yên đến năm 2040 có ý nghĩa rất lớn, đây sẽ là công cụ cực kỳ quan trọng để tỉnh tổ chức quản lý, kiểm soát các hoạt động đầu tư phát triển của Khu kinh tế Nam Phú Yên và là nền tảng thúc đẩy phát triển Khu kinh tế Nam Phú Yên theo hướng năng động, đột phát và hiệu quả, bền vững trong giai đoạn mới. Tuy nhiên, việc phê duyệt quy hoạch chỉ mới là kết quả bước đầu; để cụ thể hóa, hiện thực hóa quy hoạch còn rất nhiều việc phải làm và cũng sẽ gặp không ít khó khăn, thách thức đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực nhiều hơn nữa, quyết tâm cao hơn nữa”, ông Tuấn nói.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy khẳng định, dù thực hiện theo Luật Đất đai hay theo cơ chế thí điểm của Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất, tất cả các dự án đó đều phải tuân thủ quy hoạch, bảo đảm việc giữ ổn định 3,5 triệu ha đất lúa, bảo đảm độ che phủ rừng...
Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản sẽ hiệu lực từ ngày 1/8, sớm 5 tháng so với thời điểm đã được Quốc hội quyết định trước đó (1/1/2025), sẽ giúp khơi thông nguồn lực đất đai, tạo điều kiện cho nền kinh tế đất nước phát triển và đảm bảo các chính sách an sinh xã hội cho người dân.