Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 24 tháng 4 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 15 tháng 4 năm 2023 | 10:41

Sản xuất tôm - lúa, mô hình bền vững ở ĐBSCL

Vùng ĐBSCL đang chịu tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH), hiện tượng thời tiết cực đoan làm ảnh hưởng và thay đổi đến cơ cấu sản xuất.

Để thích ứng với tình hình mới, đồng thời chủ động sản xuất thuận tự nhiên thì mô hình "con tôm ôm cây lúa" được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) nhận định là hướng đi bền vững…

Lợi nhuận cao hơn lúa

Nông dân Trà Vinh trồng lúa hữu cơ kết hợp nuôi tôm sú, nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu.

Nông dân Trà Vinh trồng lúa hữu cơ kết hợp nuôi tôm sú, nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu.

Những ngày này, nông dân huyện Long Mỹ (tỉnh Hậu Giang) khẩn trương xuống giống vụ tôm - lúa năm 2023 với kỳ vọng được mùa, được giá. Bà Nguyễn Thị Hường, ngụ xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ, cho hay: "Sau khi thu hoạch xong lúa đông xuân thì gia đình tranh thủ vệ sinh đồng ruộng, làm ao chu đáo để chờ khi nước mặn về với nồng độ phù hợp là xuống giống hơn 1,6ha tôm sú trên ruộng lúa. Nếu như thời điểm này năm ngoái độ mặn ở đây thấp chỉ khoảng 3‰, còn năm nay tăng từ 10‰ trở lên, đảm bảo tốt cho xuống giống tôm. Sau 3-4 tháng chăm sóc, chỉ cần giá tôm sú dao động 120.000-150.000 đồng/kg là nông dân sống khỏe".

Với hơn 3ha của mình, ông Nguyễn Văn Tùng, ngụ xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ, kể: "Tôi vừa thả giống cách nay vài ngày khi nồng độ mặn ở mức lý tưởng cho tôm phát triển. Với tình hình này bà con hy vọng sẽ được mùa tôm vụ hè thu, sau đó tiếp tục thả giống tôm càng xanh cho vụ thu đông…". Theo ông Tùng, khu vực nuôi tôm này nằm ngoài đê bao ngăn mặn của huyện Long Mỹ. Trước đây do bị nhiễm phèn, mặn nên nông dân thường chỉ gieo sạ một vụ lúa trong năm, sau đó thì bỏ đất trống; chỉ một số ít hộ đợi mưa xuống gieo sạ thêm một vụ lúa nhưng hiệu quả thấp, thậm chí thua lỗ. Đến mùa khô năm 2016, nước mặn xuất hiện ở đây với nồng độ cao nên bà con chuyển từ canh tác vụ lúa kém hiệu quả, sang mô hình nuôi tôm sú trên đất lúa. Ngành Nông nghiệp và chính quyền địa phương tích cực hỗ trợ bà con về kỹ thuật sản xuất, tìm đầu ra khi đến kỳ thu hoạch… Qua tính toán lợi nhuận thu về của việc nuôi tôm đạt khoảng 60-70 triệu đồng/ha/năm; cộng với tận dụng nguồn thu từ bán tép tự nhiên và các loại cá đồng được thêm 10-20 triệu đồng, tính ra cao hơn nhiều so cây lúa. Ông Lê Hồng Việt, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Long Mỹ, cho biết: "Mọi năm, diện tích nuôi tôm ngoài đê bao ngăn mặn ở huyện khoảng 80ha. Tuy nhiên, năm nay điều kiện thuận lợi nên bà con mở rộng lên khoảng 100ha. Có thể nói, mô hình 1 vụ lúa - 2 vụ tôm, ngoài việc giúp người dân thích ứng với điều kiện hạn mặn thì đây còn là giải pháp giúp bà con có nguồn thu nhập tốt…".

Tại Cà Mau, mô hình sản xuất lúa hữu cơ kết hợp nuôi tôm sạch của Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Trí Lực (xã Trí Lực, huyện Thới Bình) vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao, vừa đảm bảo yếu tố môi trường và bền vững. Ông Lê Văn Mưa, Giám đốc HTX Nông nghiệp Trí Lực, nhớ lại: "Trước đây, một số bà con trồng mía nhưng hiệu quả rất thấp, còn chuyên canh lúa quanh năm thì khó làm giàu. Năm 2018, HTX thành lập và được các ngành chức năng hỗ trợ chuyển đổi mô hình tôm - lúa, gắn liên kết chuỗi giá trị với các doanh nghiệp. Theo đó, hơn 700ha tôm - lúa được áp dụng quy trình sinh thái, được các đơn vị hỗ trợ 50% chi phí về giống, vật tư nông nghiệp. Trong quá trình sản xuất, các ngành chức năng giúp bà con chuyển đổi từng bước như cải tiến hệ thống quản lý nguồn nước, thay đổi thói quen thực hành trong canh tác lúa - tôm phải sử dụng phân, thuốc phù hợp và ghi chép sổ sách. Cứ áp dụng hệ thống chứng nhận theo hướng nâng cấp dần từ VietGAP lên cao hơn; rồi sau đó đánh giá tiêu chuẩn hữu cơ nhằm để nông dân hình thành dần thói quen sản xuất theo chứng nhận. Điều quan trọng là HTX liên kết "đa bên" giữa công ty tôm và công ty lúa nhằm đảm bảo cả tôm và lúa đều đạt chứng nhận, tiêu thụ dễ dàng…". Tính đến nay, HTX có 252 hộ, với diện tích 565ha tôm đạt chứng nhận quốc tế ASC, năng suất tôm sú từ 341kg/ha trở lên; còn năng suất lúa đạt 5.518kg/ha, với giá lúa bao tiêu từ 7.600-8.500 đồng/kg; nhờ đó, lợi nhuận bình quân của mô hình tôm - lúa đạt 100 triệu đồng/ha/năm, sau khi trừ chi phí.

Mở rộng mô hình tôm - lúa

Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho rằng, thực tế một số nơi ở Cà Mau, Hậu Giang, Kiên Giang… cho thấy vùng ĐBSCL có điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển mô hình tôm - lúa. Cụ thể, năm 2022 các tỉnh ĐBSCL nuôi gần 190.000ha tôm trên ruộng lúa với sản lượng đạt khoảng 100.000 tấn tôm sú, tôm thẻ chân trắng và trên 20.000 tấn tôm càng xanh. Mô hình đã giúp nông dân thu về lợi nhuận bình quân từ 60-70 triệu đồng/ha/năm. Kế hoạch năm 2023, sản xuất tôm - lúa ở ĐBSCL nâng lên hơn 200.000ha, sản lượng tôm ước đạt 125.000 tấn. Về cơ bản ở ĐBSCL có thể mở rộng thêm diện tích và tăng năng suất. Các địa phương cũng đã thành lập hiệp hội, HTX hoặc tổ hợp tác nhằm liên kết mô hình tôm - lúa đạt hiệu quả cao…

Theo Viện Lúa ĐBSCL, tôm - lúa là mô hình canh tác nông nghiệp thông minh, có mối quan hệ tương tác, hỗ trợ lẫn nhau giữa vật nuôi (tôm) và cây trồng (lúa) trong hệ sinh thái đồng ruộng. Chất thải hữu cơ và một số khoáng vi lượng tồn dư của vật nuôi sẽ là nguồn dinh dưỡng cho cây lúa hấp thu sinh trưởng; còn rơm rạ từ cây lúa sẽ là nguồn dinh dưỡng tự nhiên cho con tôm. Mô hình còn giảm thiểu chi phí làm đất, phân thuốc; đồng thời tạo ra sản phẩm sạch, an toàn. Tiến sĩ Nguyễn Công Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp hữu cơ Á Châu, nêu thêm ưu điểm khi luân canh tôm - lúa sẽ tạo ra môi trường sinh thái cân bằng và điều kiện an toàn cho cây trồng, vật nuôi. Hạn chế sâu bệnh cho cả lúa và tôm nhờ sự luân phiên để cắt nguồn dịch hại…

Tuy nhiên, mô hình tôm - lúa cũng đang gặp khó khăn như, thiếu hệ thống thủy lợi, kỹ thuật canh tác chưa tối ưu, chưa xây dựng được thương hiệu, chưa phát triển được thị trường tiêu thụ ổn định; nguồn con giống chưa chủ động phải nhập từ nơi khác về; tác động của BĐKH làm cho độ mặn thay đổi, tôm chậm lớn, giảm sức đề kháng…

Các chuyên gia khuyến cáo, tới đây nông dân ĐBSCL nên phát triển mô hình tôm - lúa theo hướng thích ứng với BĐKH, xâm nhập mặn; ứng dụng khoa học công nghệ để tăng năng suất, hiệu quả; xây dựng thương hiệu tôm - lúa. Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, cùng các đơn vị liên quan cần hỗ trợ nông dân tham gia sản xuất mô hình nuôi tôm - lúa nhiều hơn. Đồng thời, tăng cường dự báo về thị trường để có kế hoạch sản xuất phù hợp, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của khách hàng. Về lâu dài, Bộ NN&PTNT sẽ đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, hệ thống thủy lợi cho phát triển tôm - lúa ở những vùng thuận lợi. Ông Trịnh Văn Tiến, Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản, khẳng định: "Sản xuất tôm - lúa là hướng phát triển bền vững ở ĐBSCL. Cụ thể, qua các sáng kiến mô hình tôm - lúa thời gian qua cho thấy hiệu quả kinh tế đã được kiểm chứng và thừa nhận trong thực tiễn; đặc biệt mô hình này ít ảnh hưởng đến môi trường, đảm bảo bền vững và thuận thiên…".

 

Phước Bình/Báo Cần Thơ
Ý kiến bạn đọc
  • HLV Nghệ An: Góp phần chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu sản xuất nông nghiệp

    HLV Nghệ An: Góp phần chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu sản xuất nông nghiệp

    Chủ tịch Hội Làm vườn (HLV) Việt Nam - GS.TS. Lê Quốc Doanh đánh giá cao những kết quả trong công tác xây dựng tổ chức Hội và phong trào phát triển kinh tế VAC, xây dựng vườn chuẩn nông thôn mới của HLV tỉnh Nghệ An trong nhiều năm qua.

  • Hội Làm vườn Việt Nam: Nước rút thực hiện Nghị quyết Đại hội VII và thi đua phát triển kinh tế VAC

    Hội Làm vườn Việt Nam: Nước rút thực hiện Nghị quyết Đại hội VII và thi đua phát triển kinh tế VAC

    Năm 2024 là nước năm nước rút để thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ VII, chuẩn bị cho Đại hội lần thứ VIII và kỷ niệm 40 năm thành lập Hội Làm vườn Việt Nam vào đầu năm 2026. Phát huy những kết quả đạt được thời gian qua, Hội Làm vườn Việt Nam sẽ tích cực triển khai kế hoạch, nội dung hoạt động năm 2024.

  • Phát triển nông nghiệp tuần hoàn, hướng đi tất yếu

    Phát triển nông nghiệp tuần hoàn, hướng đi tất yếu

    Tại Hội thảo về nông nghiệp tuần hoàn, nằm trong khuôn khổ của Hội chợ Nông nghiệp, Xúc tiến thương mại khu vực ĐBSCL - Đồng Tháp năm 2024 (Mekong Agri Expo 2024), nhiều chuyên gia cho rằng, phát triển nông nghiệp tuần hoàn là hướng đi mới trong lĩnh vực nông nghiệp bền vững, nhằm giảm thiểu sự phụ thuộc vào các nguồn tài nguyên không tái tạo và giảm lượng chất thải ra môi trường.

Top