Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024  
Thứ ba, ngày 8 tháng 11 năm 2022 | 15:12

Số hóa vùng nguyên liệu cam sành

Việc áp dụng số hóa vùng nguyên liệu cam sành Tam Bình (Vĩnh Long) có thể giúp minh bạch hóa thông tin toàn bộ diện tích vùng trồng. Qua đó, có thể giúp doanh nghiệp và nông dân dễ dàng kiểm soát giảm thiểu tỷ lệ hao hụt trong sản xuất, giảm rủi ro khi đưa ra thị trường, góp phần tăng sự liên kết, tăng lợi nhuận kinh tế.

Minh bạch hóa thông tin

Đây là kết quả hợp tác giữa Công ty CP Đầu tư Koina Investment Group (Koina) và UBND huyện Tam Bình thông qua dự án công nghệ hỗ trợ quản lý vùng nguyên liệu.

Cụ thể, diện tích cam sành được số hóa của nông dân ở các xã Loan Mỹ, Bình Ninh, Ngãi Tứ, Tường Lộc, Mỹ Thạnh Trung, Hòa Lộc, Hòa Hiệp, Hòa Thạnh, Hậu Lộc và Mỹ Lộc.

Đến nay có trên 2.400ha (chiếm hơn 67% diện tích trồng cam sành của huyện) đã được số hóa với 2.388 vườn, tổng sản lượng 159.178 tấn. Cam sành chiếm trên 37% tổng diện tích cây ăn trái của huyện.

Dự án góp phần thay đổi hành vi, thói quen của người nông dân trong việc canh tác cam sành.

Ông Võ Duy Phú - đồng sáng lập kiêm Giám đốc Phát triển Kinh doanh của Koina cho hay: Koina là doanh nghiệp tiên phong ứng dụng công nghệ và kinh nghiệm để quản lý chuỗi cung ứng, phát triển đầu ra cho nông sản.

Koina hiện vận chuyển hơn 3.000 tấn nông sản và có hơn 1.000 khách hàng sử dụng dịch vụ ở 9 tỉnh, thành phố. Dự án số hóa vùng nguyên liệu cam sành nhằm hệ thống hóa thông tin dữ liệu hình ảnh vườn cam tại Tam Bình theo chỉ dẫn địa lý và đặc hữu theo từng vùng miền.

Đồng thời, truy xuất được nguồn gốc, đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu thụ trái cây, góp phần tạo thu nhập ổn định cho nhà vườn.

Từ đó, cải thiện đời sống kinh tế cho các hộ nông dân sản xuất nhỏ, tạo ra được sản phẩm chất lượng, an toàn phục vụ cho người dân, phát triển chuỗi liên kết trong sản xuất và nâng cao năng lực tổ chức sản xuất. Đồng thời, thay đổi hành vi, thói quen của người nông dân trong việc canh tác nhằm bảo vệ sức khỏe cho chính mình và cộng đồng.

Theo ông Phú, việc thống kê bản đồ vùng nguyên liệu trước đây có nhiều trở ngại trong việc tối ưu nguồn dữ liệu thu thập được cũng như khả năng khai thác, phân tích dữ liệu cho công tác dự báo.

Tuy nhiên, thông qua bản đồ vùng nguyên liệu này, UBND huyện Tam Bình có thể xem thông tin toàn bộ diện tích vùng trồng cam sành, bao gồm sản lượng, tuổi vườn, thời gian canh tác và thu hoạch bằng hình ảnh trực quan. Đặc biệt, với công cụ này, Tam Bình có thể cập nhật giá thu mua tại vườn theo thời gian thực.

Từng bước nhân rộng

Theo ông Lê Hải Việt - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Kỹ thuật Nông nghiệp (Sở Nông nghiệp - PTNT Vĩnh Long), thực hiện số hóa vùng cam sành có thể kiểm soát được lượng cam cung ứng ra thị trường, từ đó có thể hạn chế được tình trạng cung vượt cầu, góp phần tháo gỡ khó khăn “dội chợ” hay “được mùa mất giá” của nông dân. Do đó, thời gian tới cần nhân rộng thêm nhiều mặt hàng nông sản khác.

Với mong muốn đồng hành cùng nông dân để tái tạo canh tác, gia tăng năng suất đất trồng thông qua các ứng dụng công nghệ, ông Võ Duy Phú chia sẻ: Sứ mệnh của Koina là kiến tạo lợi ích bền vững cho nền nông nghiệp Việt Nam, cùng nông dân mang sản phẩm xanh, sạch với giá hợp lý, ổn định đến người tiêu dùng.

Thời gian tới, trên cơ sở bản đồ số cam sành Tam Bình, Koina tiếp tục phối hợp huyện Tam Bình kết nối với nông dân xây dựng nhật ký canh tác điện tử, truy xuất nguồn gốc, quản lý năng suất, cung cấp thông tin thị trường và ứng dụng công nghệ. Mở rộng xây dựng bản đồ số hóa trên bưởi, xoài, dừa và khu vực điều tra sang các huyện Trà Ôn, Vũng Liêm và TX Bình Minh.

Phó Chủ tịch UBND huyện Tam Bình Lê Ngọc Đức cho rằng: Tam Bình là địa phương đầu tiên của Vĩnh Long thực hiện bản đồ số, đây là bước đầu thực hiện chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp.

Theo đó, thông qua số hóa sẽ cung cấp thông tin về giá cam qua từng thời điểm, vật tư sản xuất, thời tiết, thổ nhưỡng, tư vấn kỹ thuật trồng, chăm sóc và phòng trừ dịch hại trên cây trồng qua ứng dụng Zalo.

Đồng thời, doanh nghiệp lẫn ngành chức năng có thể dễ dàng tra cứu được số hộ trồng, thời gian trồng, thu hoạch của từng xã. Từ đó, góp phần tạo thuận lợi trong công tác chỉ đạo, điều hành, khuyến cáo đến nông dân, tránh tình trạng cung vượt cầu.

“Địa phương sẽ tiếp tục vận động, tuyên truyền nông dân hợp tác thực hiện điều tra, thống kê, áp dụng số hóa để phục vụ cho sản xuất, kinh doanh thuận lợi hơn, trong đó có cả lợi ích cho doanh nghiệp.

Song song đẩy mạnh công tác quảng bá về cam sành, giới thiệu thị trường về vùng nguyên liệu cam sành đã áp dụng số hóa. Thời gian tới, địa phương cũng sẽ mở rộng các mặt hàng nông sản khác và phối hợp các huyện khác mở rộng diện tích số hóa” - ông Đức cho biết thêm.

Ông Võ Duy Phú cho biết: Áp dụng số hóa có thể dự báo được sản lượng cam sành theo năm, đồng thời cảnh báo về sản lượng, vùng trồng, chất lượng đất sản xuất,…. Cụ thể, dựa trên tỷ lệ cam non đang sở hữu, diện tích cam non chiếm 35% tổng diện tích và đang tiếp tục tăng trên toàn huyện. Hiện nay, có 74% diện tích cam sành nằm ở 3 xã: Bình Ninh (29%), Mỹ Thạnh Trung (25%) và Loan Mỹ (20%), các khu vực dự kiến sẽ tăng tiếp theo ở các xã Tường Lộc, Ngãi Tứ,… Dự kiến sản lượng cam sành trong năm 2024 sẽ tăng 35 - 45% so với năm 2022. Bên cạnh đó, các xã Bình Ninh, Loan Mỹ, Mỹ Thạnh Trung, Tường Lộc là những khu vực đến thời điểm cải tạo đất, chuyển đổi cây trồng, cần có biện pháp canh tác để kéo dài tuổi thọ cho cây.

Thực hiện số hóa vùng cam sành có thể kiểm soát được sản lượng cung ứng ra thị trường.

 

Thảo Ly
Ý kiến bạn đọc
Top