Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 11 tháng 11 năm 2022 | 11:20

Sơn La: Nông dân vào mùa thu hoạch lúa, măng trúc rừng

Hiện nay, nông dân tại huyện Mường La, huyện Bắc Yên (Sơn La) đang vào chính vụ thu hoạch lúa và măng trúc rừng. Đây là một trong nhiều hoạt động sản xuất nông nghiệp chủ lực chính, tạo công ăn việc làm, góp phần đảm bảo kinh tế của nhiều xã trên địa bàn 2 huyện.

Mùa lúa vàng trên đỉnh Sam Síp

Đầu đông, trên những thửa ruộng bậc thang ở đỉnh Sam Síp, bản Ít, xã Nặm Păm, huyện Mường La, lúa bắt đầu chín. Lúa trải dài từ sườn núi xuống thung lũng, hiện hữu một màu vàng no ấm.

Một góc lúa ruộng bậc thang trên đỉnh Sam Síp.

Đỉnh núi Sam Síp có độ cao hơn 1.600 m so với mực nước biển; dốc Sam Síp dài gần 10 km, hai bên đường là những nếp nhà sàn truyền thống của 138 hộ đồng bào dân tộc Thái. Khu ruộng bậc thang của bản có tổng diện tích hơn 18 ha, được canh tác từ lâu đời, truyền qua nhiều thế hệ, thể hiện sức mạnh chinh phục tự nhiên của con người, trở thành niềm tự hào của người dân nơi đây.

Bây giờ, thu hoạch lúa ở bản Ít đỡ vất vả hơn trước rất nhiều, vì bà con gặt lúa bằng máy cầm tay. Lúa sau khi gặt được phơi trên mặt ruộng; máy tuốt lúa mini đến tận ruộng bậc thang. Việc vận chuyển thóc về nhà cũng dễ dàng hơn nhờ có con đường nội đồng rộng, xe máy đi lại thuận tiện. Bà con nơi đây thường tổ chức gặt lúa tập thể, đổi công và giúp đỡ người có sức khỏe yếu, neo đơn, không có khả năng lao động.

Người dân bản Ít thu hoạch lúa vụ mùa.

Ông Lường Văn Hặc, Bí thư chi bộ, Trưởng bản Ít chia sẻ: Lúa vụ mùa 100% là giống lúa nếp tan; vụ chiêm là nếp 87, năng suất bình quân đạt 5,5 tấn/ha. Do nằm ở độ cao, mùa đông đến sớm, trời lạnh, nên lúa thường chín muộn hơn so với các địa phương trong huyện. Thời gian thu hoạch lúa khoảng 20 ngày, bắt đầu từ đầu tháng 11 hằng năm. Không chỉ đảm bảo lương thực trong năm, nhiều gia đình còn đem bán và được người tiêu dùng ưa chuộng về chất lượng.

Du khách tham quan, chụp ảnh với ruộng bậc thang mùa lúa chín trên đỉnh Sam Síp.

Đến bản Ít, du khách được thư giãn trong bầu không khí trong lành, màu xanh của núi rừng và được đắm mình trong hương lúa chín; chứng kiến không khí nhộn nhịp thu hoạch lúa mùa của các hộ đồng bào dân tộc Thái nơi đây. Mùa lúa chín muộn ở bản Ít không chỉ đem đến thóc, gạo cho người dân nơi đây, mà còn là điểm dừng chân lý tưởng cho du khách muốn khám phá, chụp ảnh cùng lúa ruộng bậc thang và thưởng ngoạn cảnh đẹp hùng vĩ của đỉnh Sam Síp.

Mùa măng trúc nơi vùng cao Háng Đồng

Từ một món ăn dân dã bao đời của đồng bào dân tộc Mông vùng cao, đến nay, măng trúc ở xã Háng Đồng đã trở thành đặc sản được nhiều người biết đến. Đây không chỉ là món quà tặng của núi rừng mà còn là một phần văn hóa ẩm thực của đồng bào vùng cao huyện Bắc Yên.

Người dân xã Háng Đồng vào rừng lấy măng.

Mùa măng trúc Háng Đồng bắt đầu từ tháng 9 đến cuối tháng 11 dương lịch, thời điểm này, người dân bắt đầu vào rừng thu hái măng. Theo người dân địa phương, công việc tìm và hái măng rất vất vả vì đường đi vào rừng khó khăn, phải quen đường và biết khu rừng nào có nhiều loại măng trúc thì mới tìm được những búp măng non và ngon.

Chị Mùa Thị Vàng, bản Háng Đồng C cho biết: Hằng năm, đến mùa này là nhiều người dân trong bản lại mang theo thực phẩm để vào rừng hái măng cả ngày; Mặc dù công việc vất vả, khó nhọc, nhưng ngày nào thu hái được măng thì có thêm thu nhập. Tôi thường đi lấy măng từ sáng sớm đến chiều mới về, hái được từ 30-40 kg măng tươi đem về bán cho Hợp tác xã Nông nghiệp và Dược liệu Háng Đồng. Măng trúc nhỏ nhưng chắc, có độ thơm, giòn nên bán với giá từ 15.000 - 17.000 đồng/kg. Mỗi ngày nếu chịu khó cũng kiếm được từ 500-600 nghìn đồng, mang lại nguồn thu nhập đáng kể, giúp cải thiện cuộc sống.

Măng được sơ chế, đóng gói xuất bán đi các tỉnh. 

Anh Thào A Chống, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp và Dược liệu Háng Đồng, cho biết: Mỗi ngày HTX thu mua từ 500-600 kg măng với giá bình quân 16.000 đồng/kg. Ước tính vụ măng năm nay, HTX thu khoảng 20 tấn măng. Hiện nay, HTX vừa sơ chế để xuất bán cho các công ty ở Hà Nội, Yên Bái, vừa tiếp tục làm sản phẩm măng trúc muối ớt để bán ra thị trường, đây là sản phẩm đã đạt thương hiệu OCOP 3 sao của tỉnh Sơn La năm 2019. Hiện nay, một hộp măng ớt loại 1kg có giá bán 75.000 đồng, sản phẩm này đang được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng.

Mặc dù mưu sinh từ hái măng rừng khá nhọc nhằn, nhưng người dân Háng Đồng vẫn miệt mài, cần mẫn vào rừng tìm măng. Muốn còn măng cho mùa sau thì khi đào măng, người dân phải để lại một số cây non để măng tiếp tục mọc. Những năm gần đây, người dân xã Háng Đồng không còn vất vả mang măng đi bán lẻ nữa mà được Hợp tác xã Nông nghiệp và Dược liệu Háng Đồng thu mua tập trung với số lượng lớn rồi đem chế biến tại chỗ, nên giá bán tương đối ổn định.

 

 

Vũ Cừ (T/h)
Ý kiến bạn đọc
Top