Bảo vệ đàn vật nuôi trong mùa đông, nhiều địa phương trong tỉnh Sơn La đã chủ động xây dựng kế hoạch, đề ra các biện pháp ứng phó với tác động bất lợi của thời tiết, tránh làm ảnh hưởng đến sự phát triển của đàn vật nuôi, giảm thiểu tối đa thiệt hại cho người chăn nuôi.
Thuận Châu phòng, chống rét cho đại gia súc
Hiện nay, huyện Thuận Châu có trên 61.000 con trâu, bò. Ứng phó với ảnh hưởng của không khí lạnh, rét đậm, rét hại năm nay, huyện đã chỉ đạo cơ quan chức năng hướng dẫn các hộ chăn nuôi chủ động các biện pháp phòng tránh, hạn chế thiệt hại ở mức thấp nhất.
Mùa đông ở xã vùng cao É Tòng, khí hậu thường lạnh sâu, khắc nghiệt, sương muối. Duy trì ổn định đàn vật nuôi, các hộ dân trong xã chủ động tu sửa, làm chuồng trại kiên cố; che chắn kín chuồng trại; chủ động dự trữ thức ăn và ứng dụng kỹ thuật chăm sóc, bảo vệ đàn vật nuôi trong mùa đông.
Ông Lò Văn Chân, Chủ tịch UBND xã É Tòng, cho biết: Xã có trên 800 hộ, nuôi hơn 2.300 con trâu, bò. Xã thành lập các tổ công tác hướng dẫn, đôn đốc việc thực hiện phòng, chống đói rét, dịch bệnh cho vật nuôi tại các bản, nhất là các bản vùng cao, có khả năng xảy ra rét đậm, rét hại, như Huổi Lương, Huổi Lanh, Nà Vạng. Đồng thời, cử cán bộ về từng bản thống kê số hộ chăn nuôi chưa có chuồng trại, hoặc chuồng trại tạm, vận động bà con sửa chữa, làm mới, đảm bảo ứng phó với các đợt rét đậm, rét hại. Thường xuyên cập nhật diễn biến thời tiết, thông tin kịp thời trên loa truyền thanh của xã, bản để bà con chủ động bảo vệ đàn vật nuôi của gia đình, tránh thiệt hại về kinh tế.
Cán bộ huyện Thuận Châu kiểm tra, hướng dẫn nhân dân xã É Tòng chăm sóc đàn bò.
Gia đình ông Lường Văn Thâng, bản Nong Lạnh, xã É Tòng, nuôi 8 con bò. Ông Thâng nói: Được cán bộ tập huấn kỹ thuật chăm sóc đàn vật nuôi trong mùa đông, nên 3 năm nay, gia đình tôi không để trâu, bò bị chết rét. Chủ động nguồn thức ăn cho vật nuôi, gia đình ủ chua ngô sinh khối và cỏ voi; chuẩn bị củi khô, trấu để sưởi cho trâu, bò nếu nhiệt độ xuống thấp. Những ngày rét đậm thì nhốt gia súc trong chuồng, cho ăn rơm khô, bổ sung thêm cám ngô khuấy lên với nước ấm, cho uống vào mỗi buổi sáng.
Những năm gần đây, mô hình nuôi trâu, bò thịt đang phát triển mạnh trên địa bàn xã Tông Cọ, với 884 hộ nuôi gần 5.000 con đại gia súc, trong đó 23 hộ nuôi theo hình thức trang trại, gia trại từ 15-50 con. Xã có trên 89% số hộ gia đình có chuồng trại kiên cố, 100% số gia đình dự trữ thức ăn cho gia súc trong mùa đông. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, cùng với thực hiện các biện pháp phòng, chống đói rét, những năm qua, đàn gia súc trên địa bàn xã sinh trưởng, phát triển tốt, không bị thiệt hại trong các đợt rét đậm, rét hại. Đối với nguồn thức ăn dự trữ cho gia súc trong mùa đông, xã chỉ đạo các hộ chăm sóc tốt 140 ha cỏ voi và trồng hơn 35 ha ngô sinh khối.
Trang trại của gia đình anh Lò Văn Dục, bản Lè, xã Tông Cọ, đang nuôi hơn 40 con bò lai sind. Ngoài tận dụng rơm, rạ, thân cây ngô sau thu hoạch, gia đình anh còn trồng 0,5 ha cỏ VA06 và ủ chua để chủ động nguồn thức ăn cho đàn bò. Đồng thời, thực hiện tốt các biện pháp phòng dịch bệnh nên đàn bò phát triển tốt. Anh Dục chia sẻ: Bước vào mùa đông, tôi chủ động che chắn chuồng bò, ban ngày nắng thì bỏ tấm che và vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, đến chiều thì che lại cho gió không lùa vào chuồng. Hằng ngày, băm nhỏ cỏ voi rồi ủ chua theo quy trình và tích trữ rơm, rạ để gần chuồng, phòng những hôm mưa và rét.
Hiện nay, tất cả các xã, thị trấn trong huyện đều thực hiện các giải pháp bảo vệ đàn trâu, bò trong các đợt rét đậm, rét hại hằng năm. Ông Lò Văn Thỏa, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, cho biết: Từ cuối tháng 8, phòng đã tham mưu cho UBND huyện ban hành văn bản chỉ đạo các xã, thị trấn, tổ chức họp bản tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân dự trữ thức ăn, trồng cỏ, ngô làm thức ăn cho đàn gia súc trong mùa đông. Sửa chữa, gia cố, làm mới chuồng trại; tổ chức thống kê từng hộ về số lượng gia súc hiện có, tình trạng chuồng trại, dự trữ thức ăn cho gia súc trong mùa đông. Đến nay, toàn huyện có 78% số hộ chăn nuôi đại gia súc có chuồng trại kiên cố, bán kiên cố; 100% các hộ dân dự trữ thức ăn cho đàn đại gia súc trong mùa đông.
Nhân dân xã Co Mạ, huyện Thuận Châu, che chắn chuồng, chống rét cho trâu, bò.
Thời tiết những năm gần đây diễn biến bất thường, cực đoan, ảnh hưởng lớn đến đời sống và sản xuất. Các cơ quan chuyên môn của huyện khuyến cáo nhân dân thực hiện tiêm đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh cho trâu, bò theo quy định; chủ động theo dõi sức khỏe đàn vật nuôi, nếu phát hiện có biểu hiện khác thường, báo ngay cho cán bộ thú y để kịp thời xử lý. Tích cực thu gom các phụ phẩm nông nghiệp (rơm, rạ, ngọn lá mía, dây khoai lang…) làm thức ăn dự trữ cho đàn gia súc. Quan tâm những con gia súc già yếu, gia súc non, gia súc mới phục hồi sau điều trị. Chủ động tận dụng diện tích đất trống xung quanh nhà, vườn; trồng cỏ, trồng cây ngô làm thức ăn cho đàn gia súc; tăng cường bổ sung thức ăn tinh cho đàn vật nuôi.
Sự chỉ đạo kịp thời của chính quyền, cùng sự chủ động thực hiện các biện pháp của nhân dân, nên nhiều năm qua, huyện Thuận Châu bảo vệ tốt đàn vật nuôi trong mùa đông; không có trâu, bò chết rét, nhiễm dịch bệnh do ảnh hưởng của thời tiết cực đoan.
Quỳnh Nhai chủ động bảo vệ đàn vật nuôi
Hiện nay, trên địa bàn huyện Quỳnh Nhai có 11.627 con trâu, 24.392 con bò, 15.180 con dê, đàn lợn 44.457 con, đàn gia cầm hơn 256.000 con, cùng hơn 4.000 lồng cá trên lòng hồ sông Đà. Tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi, các cơ quan chuyên môn của huyện đã phối hợp tổ chức tiêm phòng 9.495 liều vắc xin lở mồm long móng, 7.550 liều tụ huyết trùng trâu, bò; phun gần 500 lít hóa chất tiêu độc khử trùng; tổ chức trên 20 buổi tuyên truyền hướng dẫn nhân dân các biện pháp phòng, chống bệnh dịch theo mùa cho đàn vật nuôi trên địa bàn.
Mô hình nuôi bò nhốt chuồng của người dân xã Mường Giàng, huyện Quỳnh Nhai.
Bà Điêu Thị Hà, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, thông tin: Trước khi bước vào mùa đông, đơn vị đã phân công các cán bộ chuyên môn bám sát tình hình diễn biến của thời tiết. Đôn đốc, chỉ đạo các xã, cùng cán bộ phụ trách thường xuyên hướng dẫn nhân dân công tác phòng, chống bệnh dịch; dự trữ nguồn thức ăn và gia cố chuồng trại để bảo vệ cho đàn vật nuôi.
Để bảo đảm đủ thức ăn cho đàn gia súc, các cơ quan chuyên môn trên địa bàn huyện đã hướng dẫn các hộ bảo quản và dự trữ thức ăn từ phụ phẩm nông nghiệp, như rơm rạ, trồng cỏ làm thức ăn cho đàn vật nuôi khi cần thiết. Tận dụng các sản phẩm nông nghiệp như sắn, ngô để ủ chua làm nguồn thức ăn cho trâu, bò. Duy trì diện tích trồng cỏ phục vụ làm thức ăn chăn nuôi với tổng diện tích 603 ha. Đồng thời, khuyến cáo các hộ chăn nuôi không thả rông gia súc, gia cố chuồng trại khi trời rét; tận dụng chăn, vải, bạt để che chắn chuồng trại, ủ ấm cho gia súc khi nhiệt độ xuống thấp; luôn giữ nền chuồng khô ráo, sạch sẽ; rắc vôi bột để khử trùng, phòng, chống các loại bệnh gây hại và bổ sung nguồn nước hợp lý cho đàn vật nuôi...
Gia đình bà Là Thị Chung, bản Mường Giàng, xã Mường Giàng, hiện có 8 con bò, 10 con lợn nái và 27 con lợn thịt. Để bảo vệ đàn vật nuôi, gia đình bà đã thực hiện tiêm phòng các loại vắc xin phòng chống bệnh thường gặp cho đàn lợn và đàn bò. Bà Chung chia sẻ: Cùng với việc tiêm phòng cho đàn vật nuôi, gia đình tôi còn chuẩn bị nguồn thức ăn cho đàn vật nuôi, như: thân chuối, cỏ voi, bột ngô...; thường xuyên vệ sinh chuồng trại và phun khử trùng để tránh nguồn lây bệnh.
Là xã vùng cao của huyện Quỳnh Nhai, xã Chiềng Khay hiện có trên 4.900 con trâu, bò. Nhằm giảm thiểu các tác nhân xấu của thời tiết tới đàn vật nuôi, xã Chiềng Khay đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện tiêm phòng hơn 5.000 liều vắc xin phòng, chống các loại bệnh, như: Lở mồm long móng, tụ huyết trùng, dịch tả lợn. Tuyên truyền, vận động nhân dân gia cố, đảm bảo vệ sinh chuồng trại...
Còn tại xã Mường Giôn, với đàn gia súc trên 12.800 con, thời điểm này, chính quyền địa phương cùng các cán bộ thú y duy trì nghiêm ngặt việc kiểm soát giết mổ và nhập gia súc trên địa bàn. Ông Hoàng Văn Học, Chủ tịch UBND xã Mường Giôn, cho biết: Cùng với công tác tiêm phòng cho động vật, hiện nay, xã đang thực hiện kiểm soát chặt chẽ việc giết mổ động động vật, kiểm tra vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm, giảm thiểu dịch bệnh xâm nhập và lây lan trên địa bàn.
Việc chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi sẽ góp phần hạn chế thiệt hại do ảnh hưởng của thời tiết, tạo nguồn thu nhập ổn định cho người chăn nuôi, đảm bảo nguồn thực phẩm, phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trên địa bàn, nhất là vào dịp Tết Nguyên đán sắp tới.
Bảo đảm an toàn dịch bệnh trong chăn nuôi
Tạo điều kiện cho người chăn nuôi đầu tư phát triển, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, tiết kiệm chi phí chăn nuôi, ngành Nông nghiệp và các địa phương trong tỉnh đang tập trung xây dựng các cơ sở chăn nuôi an toàn, cung ứng cho thị trường sản phẩm chất lượng.
Nông dân xã Chiềng Mung, huyện Mai Sơn, nuôi bò nhốt chuồng.
Trang trại nuôi lợn của gia đình anh Trần Như Kiên, bản Pha Cúng, xã Lóng Phiêng, huyện Yên Châu, luôn duy trì trên 1.000 con lợn. Vì vậy, việc phòng, chống dịch bệnh luôn được gia đình đặt lên hàng đầu và tuân thủ đúng quy trình. Kiểm soát quá trình chăn nuôi từ khâu con giống đến việc tìm nguồn thức ăn, tiêm phòng, vệ sinh chuồng trại. Lợn giống chủ yếu tự sản xuất, được tiêm phòng đầy đủ, thức ăn chế biến phù hợp với độ tuổi, giai đoạn phát triển của lợn, vừa tăng sức đề kháng, vừa đảm bảo chất lượng thịt.
Anh Kiên cho biết: Nuôi lợn quy mô lớn đòi hỏi đầu tư cả về vốn, kỹ thuật, đặc biệt là khâu phòng, chống bệnh để hạn chế tối đa rủi ro. Thường thì 3-5 ngày sẽ phun tiêu độc khử trùng cho trang trại 1 lần, hạn chế tối đa người ra, vào trang trại để tránh lây lan dịch bệnh từ nơi khác. Nhờ vậy, trang trại chăn nuôi của gia đình phát triển ổn định, không xảy ra dịch bệnh, mỗi năm thu lợi hàng chục tỷ đồng từ chăn nuôi.
Còn tại 2 cơ sở chăn nuôi lợn của Công ty cổ phần chăn nuôi Lộc Phát BLLT tại huyện Mai Sơn đang nuôi gần 10.000 con lợn nái, lợn thịt thương phẩm, được cấp chứng nhận an toàn dịch bệnh từ tháng 8/2022. Ông Nguyễn Công Bắc, Giám đốc Công ty, cho biết: Để xây dựng cơ sở chăn nuôi đạt tiêu chuẩn an toàn dịch bệnh, doanh nghiệp luôn tuân thủ đúng 6 khâu về chuồng trại, con giống, thức ăn, chăm sóc nuôi dưỡng, thú y, thị trường. Khi đạt tiêu chuẩn, người chăn nuôi được hưởng lợi nhiều thứ, như được ưu tiên trong việc lựa chọn cung cấp con giống, sản phẩm động vật; được hỗ trợ tham gia các chương trình đào tạo, tập huấn về phòng, chống dịch bệnh động vật, kiểm dịch, kiểm soát giết mổ.
Hiện nay, toàn tỉnh có gần 520.000 con trâu, bò; hơn 640.000 con lợn và trên 7,6 triệu con gia cầm. Các hộ chăn nuôi chủ yếu xen lẫn với khu dân cư là một trong những nguyên nhân dẫn đến nhiều nguy cơ phát sinh dịch bệnh. Vì vậy, việc xây dựng cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh và an toàn sinh học là cần thiết. Tuy nhiên, đến nay toàn tỉnh mới có 24 vùng, cơ sở chăn nuôi được cấp giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh, 6 cơ sở được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi quy mô trang trại.
Ông Nguyễn Ngọc Toàn, Chi cục trưởng Chi cục chăn nuôi, thú y và thủy sản tỉnh, cho biết: Năm 2024, bên cạnh việc duy trì các cơ sở đã được cấp chứng nhận, toàn tỉnh phấn đấu xây dựng 1 vùng an toàn dịch bệnh động vật đối với bệnh lở mồm long móng trâu, bò tại 1 xã thuộc huyện Mộc Châu; 1 vùng an toàn dịch bệnh đối với bệnh dại động vật ở 1 phường thuộc thành phố Sơn La; 3 cơ sở, trang trại chăn nuôi tập trung được chứng nhận an toàn dịch bệnh động vật đối với bệnh đăng ký. Chi cục đã tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo thực hiện các giải pháp quản lý chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh. Đồng thời, tổ chức kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện công tác quản lý chăn nuôi, phòng, chống dịch bệnh động vật và đánh giá, công nhận cơ sở an toàn dịch bệnh khi đủ điều kiện.
Xây dựng cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh sẽ đem lại nhiều lợi ích cho người chăn nuôi và môi trường. Các ngành chức năng của tỉnh đang tập trung tuyên truyền cho người dân chủ động chấp hành việc tiêm phòng vắc xin và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định. Đồng thời, khuyến khích các cơ sở chăn nuôi đăng ký xây dựng an toàn dịch bệnh thông qua việc thực hiện các chính sách hỗ trợ.
Theo baosonla.org.vn