Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 24 tháng 11 năm 2023 | 10:24

Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học để nông sản an toàn

Trong những năm gần đây, việc bà con nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học trong sản xuất nông nghiệp đã đem lại nhiều hiệu quả, trong đó sản phẩm nông sản sẽ đảm bảo an toàn.

Tuy nhiên, để triển khai vẫn còn những khó khăn, thách thức và rất cần có cơ chế chính sách để sản xuất và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) sinh học này.

Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học để nông sản an toàn

Hiện, nhiều địa phương đang gia tăng sử dụng thuốc BVTV sinh học nhằm tạo ra sản phẩm nông sản chất lượng cao, an toàn đối với sức khỏe con người và bảo vệ môi trường.

Đây được xem là lựa chọn phù hợp cho sản xuất nông nghiệp bền vững, do đó cần có thêm những cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học.

Mô hình trồng rau hữu cơ sử dụng thuốc BVTV sinh học tại Thanh Xuân, Sóc Sơn

Tại xã Thanh Xuân (Sóc Sơn – Hà Nội) bà con nông dân đã biết dùng tỏi, gừng giã nhuyễn trộn với rượu phun lên rau hoặc dùng phương pháp dẫn dụ thủ công bằng đèn bẫy côn trùng; ủ phân từ nguyên liệu lá cây, trấu, tro bón cho cây trồng.

Bên cạnh đó, nước tưới rau được bà con nông dân bơm từ hệ thống giếng khoan, không bị nhiễm kim loại. Nguồn nước sạch là yếu tố cơ bản để rau sinh trưởng tốt, không độc hại cho quá trình canh tác cây trồng.

Theo Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội) Lưu Thị Hằng, khoảng 10 năm trở lại đây, nông dân quan tâm nhiều hơn đến sử dụng thuốc BVTV sinh học, thảo mộc trong canh tác. Thuốc bảo vệ thực vật sinh học mang tính an toàn cao, ít độc đối với môi trường, mà vẫn cho năng suất, chất lượng tốt.

Nhiều mô hình sử dụng thuốc BVTV sinh học với diện tích lớn tại các địa phương như: Hà Nội, Sơn La, Lâm Đồng, TP Hồ Chí Minh được đánh giá đạt hiệu quả cao.

Tuy hiệu lực của thuốc chỉ đạt từ 50-60% nhưng các sản phẩm nông sản như rau xanh, cà chua, dưa chuột, cây ăn quả… lại được cải thiện chất lượng rõ rệt nhất là về tỷ lệ  chất xơ, vitamin, độ ngọt. Nhờ vậy, giá bán của các sản phẩm sử dụng thuốc BVTV sinh học cao hơn gấp từ 2 đến 3 lần so với các sản phẩm canh tác bằng thuốc BVTV hóa học.

Tuy nhiên, hiện nay, bà con nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học trong sản xuất nông nghiệp vẫn còn thấp, chỉ chiếm một phần rất khiêm tốn trong  tổng lượng thuốc BVTV đang được sử dụng trong sản xuất nông nghiệp, bởi đang còn có những khó khăn, thách thức

Những khó khăn, thách thức đối với thuốc bảo vệ thực vật sinh học

Theo Chủ tịch Hiệp hội Sản xuất và Kinh doanh thuốc BVTV Việt Nam Nguyễn Văn Sơn, xu thế sử dụng thuốc BVTV sinh học ở nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam ngày càng tăng. Tuy nhiên, thuốc BVTV sinh học đăng ký trong danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam hiện nay phần lớn chưa chủ động được nguồn nguyên liệu.

Dây chuyền đóng gói thuốc bảo vệ thực vật tại nhà máy Công ty TNHH Việt Thắng (VITHACO).

Hầu hết các sản phẩm được nhập khẩu từ nước ngoài về gia công sản xuất ở trong nước, phụ thuộc nhiều vào bản quyền sở hữu, công nghệ sản xuất, giá thành sản phẩm cũng như tính ổn định của sản phẩm. Hằng năm, lượng thuốc BVTV sinh học nhập khẩu vào Việt Nam khoảng 15 nghìn tấn, sản xuất trong nước chỉ đạt khoảng 5 nghìn tấn. Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp trong nước đã bắt tay vào sản xuất thuốc BVTV sinh học. Tuy nhiên, việc sản xuất mới dừng ở quy mô nhỏ lẻ, chưa có cơ sở sản xuất thuốc BVTV sinh học có quy mô công nghiệp lớn. Theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, việc phát triển thuốc BVTV sinh học trong nước hiện nay còn gặp một số khó khăn.

Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) Huỳnh Tấn Đạt cho biết, hiện cả nước có 99 cơ sở sản xuất thuốc bảo vệ thực vật đủ điều kiện sản xuất, trong đó có 85 cơ sở sản xuất thuốc bảo vệ thực vật sinh học. Đến nay, Việt Nam đã sản xuất được gần 30 dạng thuốc bảo vệ thực vật sinh học thành phẩm, trong đó nhiều dạng tiên tiến, an toàn cho con người. Các công nghệ sản xuất thuốc bảo vệ thực vật sinh học phổ biến trên thế giới đã được đăng ký, sản xuất và ứng dụng ở Việt Nam, như: Thuốc sinh học nano, thuốc sinh học chiết xuất từ thảo mộc, thuốc sinh học chứa các vi sinh vật, có nguồn gốc vi rút, nguồn gốc từ tuyến trùng...

Việc hỗ trợ về vốn, về miễn giảm thuế, phí đăng ký đối thuốc BVTV sinh học trong quá trình sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh chưa có những chính sách cụ thể để phát triển do đó chưa khuyến khích được doanh nghiệp. Chỉ tiêu đăng ký các thuốc BVTV sinh học mặc dù đã cắt giảm rất nhiều so với thuốc hóa học, tuy nhiên chỉ tiêu yêu cầu về mặt kỹ thuật khi đăng ký thuốc BVTV sinh học còn nhiều.

Theo đại diện của Hội sản xuất và kinh doanh thuốc BVTV Việt Nam và  phản ánh của nhiều doanh nghiệp, hiện nay đa phần thuốc BVTV sinh học vẫn phải nhập khẩu từ các nước như: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ…

Đối với sản xuất trong nước, phần lớn nguyên liệu sản xuất cũng  phụ thuộc vào nguồn cung của các nước dẫn đến giá thành sản phẩm cao. Trong khi đó, thuốc BVTV sinh học có tính chuyên tính cao, phổ tác động hẹp, hiệu lực chậm, không ổn định do bị ảnh hưởng của nhiều yếu tố ngoại cảnh và điều kiện sử dụng, cho nên rất ít được nông dân lựa chọn trong quá trình sản xuất, khó cạnh tranh được với các sản phẩm hóa học khác.

Thêm vào đó Nhà nước lại chưa có chính sách hỗ trợ về vốn, đất làm xưởng, miễn hoặc giảm thuế sản xuất, tiêu thụ cho thuốc BVTV sinh học.

Cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ cho nông dân

Tiến sỹ Tony Alfonso - Chủ tịch Tổ công tác về Thuốc Bảo vệ thực vật sinh học – CropLife châu Á nhấn mạnh vai trò của thuốc bảo vệ thực vật sinh học khi đây được xem là một trong những công cụ hữu hiệu trong chương trình IPM (thực hành canh tác nông nghiệp an toàn) khi kết hợp cùng với các sản phẩm hóa chất nông nghiệp khác, biện pháp canh tác, quản lý thời tiết và các yêu tố đầu vào…để đảm bảo năng suất và chất lượng tối ưu trong việc phòng trừ dịch hại.

Ông Huỳnh Tấn Đạt, Cục trưởng Bảo vệ Thực vật cho hay, tại Việt Nam, nhằm cụ thể hóa các chính sách về thuốc bảo vệ thực vật sinh học, Cục Bảo vệ thực vật đã xây dựng và triển khai chương trình “Phát triển sản xuất và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học giai đoạn 2021 - 2025”.

Trong công tác quản lý, một số chính sách ưu tiên về đăng ký thuốc bảo vệ thực vật sinh học so với các thuốc bảo vệ thực vật hoá học đã được ban hành và triển khai. Nhà nước cũng đã có nhiều chính sách khuyến khích đầu tư cho nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ hiện đại để tạo ra thuốc bảo vệ thực vật sinh học, đã được quy định tại Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật.

Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học giúp tạo ra nông sản chất lượng cao, an toàn đối với sức khỏe con người và bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, hiện việc mở rộng những mô hình sản xuất nông nghiệp sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học còn hạn chế do phần lớn thuốc phải nhập từ nước ngoài; chi phí sử dụng cao, khó bảo quản so với thuốc hóa học. Ngoài ra, nhận thức của người dân về vai trò của thuốc bảo vệ thực vật sinh học, hiểu biết về cách sử dụng để đạt hiệu quả cao còn hạn chế...

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương cho biết, Sở đã và đang chỉ đạo Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật địa phương tăng cường tuyên truyền, chú trọng nội dung về đặc tính, lợi ích của thuốc bảo vệ thực vật sinh học, thảo mộc để nông dân hiểu, tích cực sử dụng các chủng loại thuốc bảo vệ thực vật theo hướng an toàn, tạo ra sản phẩm nông nghiệp bảo đảm chất lượng, đủ điều kiện xuất khẩu. Mặt khác, ngành Nông nghiệp hỗ trợ các địa phương triển khai thí điểm những mô hình sản xuất sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học để nhân rộng diện tích sản xuất nông sản an toàn, thực hiện liên kết sản xuất với doanh nghiệp, đưa sản phẩm vào các kênh phân phối hiện đại.

Để triển khai hiệu quả Chương trình “Phát triển sản xuất và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học giai đoạn 2021-2025”, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Huỳnh Tấn Đạt đề xuất các bộ, ngành bổ sung chính sách khuyến khích phát triển sản xuất, hỗ trợ nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học; miễn giảm phí, thuế nhập khẩu, sản xuất và kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật sinh học. Ông Huỳnh Tấn Đạt cho rằng, các địa phương cần ban hành cơ chế hỗ trợ, khuyến khích phát triển sản xuất, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học, đặc biệt khuyến khích sử dụng thuốc sinh học quy mô nông hộ…

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Trung cho biết, ngành Nông nghiệp sẽ đẩy mạnh sản xuất thuốc bảo vệ thực vật sinh học trong nước; tiếp tục hoàn thiện phương pháp thử - kiểm tra thuốc bảo vệ thực vật sinh học; nghiên cứu bài bản loại thuốc này, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của người dân chứ không dừng ở việc thử nghiệm; tăng cường hợp tác quốc tế, đa dạng hóa nguồn lực đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi thu hút vốn từ nhiều thành phần kinh tế cho phát triển sản xuất thuốc bảo vệ thực vật sinh học tại Việt Nam...

Không thể phủ nhận hiệu quả của việc sử dụng thuốc BVTV sinh học trogn quá trình sản xuất nông nghiệp hiện nay, tuy nhiên còn có những khó khăn thách thức để phát triển việc sản xuất và quản lý thuốc BVTV sinh học này, vì thế rất cần có cơ chế, chính sách để thuốc BVTV sinh học được bà con nông dân sử dụng rộng rãi

 

Ngọc Thủy
Ý kiến bạn đọc
Top