Tại Hội nghị Môi trường toàn quốc, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho rằng, việc triển khai thực hiện một cách mạnh mẽ, trách nhiệm các cam kết tại COP26 thể hiện rõ quyết tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong vấn đề bảo vệ môi trường, chống BĐKH.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành tham quan mô hình trạm radar thời tiết Nha Trang tại Triển lãm các thành tựu kỷ niệm 20 năm thành lập Bộ Tài nguyên và Môi trường. Ảnh VGP/Đức Tuân
Sáng nay, 4/8, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội nghị Môi trường toàn quốc lần thứ 5. Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã dự và chỉ đạo Hội nghị.
Sự kiện lớn của ngành tài nguyên và môi trường có sự tham dự của khoảng 600 đại biểu từ các cơ quan của Đảng, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các bộ, ngành, tổ chức đoàn thể ở Trung ương; UBND, Sở Tài nguyên và Môi trường 63 tỉnh, thành phố; các trường đại học, viện, trung tâm nghiên cứu và chuyên gia trong lĩnh vực môi trường và đại diện của một số tổ chức và chuyên gia quốc tế đang hoạt động tại Việt Nam.
Vấn đề toàn cầu, toàn quốc, toàn dân
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành khẳng định, Việt Nam đã rất chú trọng bảo vệ môi trường, vấn đề quan trọng liên quan đến đời sống, sức khỏe nhân dân và sự phát triển bền vững của đất nước. Song song với các chỉ tiêu kinh tế, các cấp, các ngành đã thực hiện tốt chỉ tiêu về môi trường. Nền kinh tế đang được tái cấu trúc mạnh mẽ, gắn với phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn nhằm bảo tồn, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên phục vụ phát triển, bảo vệ môi trường sống và sức khoẻ của nhân dân. "Trong thực hiện quy hoạch đất đai, chúng ta đã kiên định mục tiêu giữ đất rừng, bảo đảm mục tiêu mà Đại hội Đảng đề ra", Phó Thủ tướng nói về các kết quả mà ngành tài nguyên và môi trường đạt được thời gian qua. Bên cạnh đó, nhiều dự án xử lý chất thải, khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường được đầu tư; công tác bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học được chú trọng; hợp tác quốc tế được đẩy mạnh nhằm thu hút công nghệ, kỹ thuật tiên tiến, nguồn lực quan trọng để bảo vệ môi trường.
Phó Thủ tướng tìm hiểu mô hình Nhà máy xử lý nước thải Khu công nghiệp Nhơn Trạch 6. Ảnh VGP/Đức Tuân
Theo Phó Thủ tướng, vui mừng với những thành công đã đạt được nhưng chúng ta cũng cần nhìn nhận và đánh giá khách quan những thách thức to lớn đối với công tác bảo vệ môi trường ở trong nước từ bối cảnh toàn cầu như biến đổi khí hậu, nước biển dâng, sụt lún, các loại hình ô nhiễm từ hệ quả của quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, tăng dân số. "Vấn đề bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu là vấn đề toàn cầu và cũng là vấn đề toàn quốc, toàn dân, là lĩnh vực rất rộng lớn", Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành khẳng định quan điểm của Đảng, Nhà nước là không hy sinh môi trường để đánh đổi lấy kinh tế, không phát triển kinh tế đơn thuần mà không kiểm soát môi trường.
Thực chất, hiệu quả
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến 2050 với các nhiệm vụ và giải pháp quan trọng. Tại Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đối khí hậu (COP26), Việt Nam đã cam kết mạnh mẽ, khẳng định quyết tâm, trách nhiệm đối với cộng đồng quốc tế đưa mức phát thải ròng về "0" vào năm 2050.
"Chúng ta đã thực hiện cam kết này một cách thực chất, trách nhiệm, với các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể", Phó Thủ tướng nói. Việt Nam thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26, do Thủ tướng làm Trưởng ban, Phó Thủ tướng làm Phó ban, thành viên Ban Chỉ đạo là Bộ trưởng, thành viên Chính phủ, lãnh đạo nhiều bộ, ngành, cơ quan.
Phó Thủ tướng tìm hiểu mô hình xử lý nước. Ảnh VGP/Đức Tuân
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả COP26, xác định rõ những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả. Theo đó, giảm phát thải, ứng phó với biến đổi khí hậu là vấn đề rất lớn, liên quan đến nhiều lĩnh vực, như phát triển năng lượng tái tạo, phát triển ngành công nghiệp tuần hoàn, ứng dụng công nghệ cao, di dời các nhà máy ra khỏi trung tâm thành phố, khu đô thị, thu hút các dự án đầu tư thân thiện môi trường, phát triển giao thông công cộng, hạn chế phương tiện cá nhân để giảm phát thải…
Quy hoạch Điện VIII là minh chứng cho quyết tâm của Việt Nam
Về chuyển đổi năng lượng, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, quá trình xây dựng, hoàn thiện Quy hoạch Điện VIII, hiện đang trong quá trình phê duyệt, là một minh chứng thể hiện quyết tâm cao của Chính phủ về thực hiện cam kết COP26. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã dành hàng chục cuộc họp trong hơn 1 năm qua để rà soát, hoàn thiện Quy hoạch này nhằm giảm năng lượng hóa thạch, giảm điện than để hạn chế ô nhiễm môi trường. Qua rà soát, dự kiến sẽ giảm khoảng 20.000 MW điện than với hàng chục dự án, và tăng tỉ lệ năng lượng tái tạo như thủy điện, điện Mặt trời, điện gió ngoài khơi.
Phó Thủ tướng nghe giới thiệu về hệ thống drone đa năng của Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu. Ảnh VGP/Đức Tuân
Không chỉ lĩnh vực năng lượng, Phó Thủ tướng nêu rõ, quy hoạch và tổ chức quy hoạch cũng rất quan trọng về bảo vệ môi trường vì các quy hoạch này liên quan đến diện tích cây xanh trong đô thị. "Các địa phương, các ngành phải hết sức chú trọng, dành nhiều quỹ đất cây xanh theo đúng Luật Quy hoạch cũng như theo các tiêu chuẩn, tiêu chí đã đề ra", Phó Thủ tướng lấy ví dụ như diện tích cây xanh trong đô thị phải chiếm 16%. Không điều chỉnh cục bộ quy hoạch đối với các khu vực quy hoạch cây xanh sang nhà ở, kinh doanh thương mại. Phó Thủ tướng cũng lưu ý việc rà soát lại các dự án, nhà máy trong đô thị để từng bước di dời.
"Cần đặc biệt quan tâm, chú trọng tới đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực môi trường", Phó Thủ tướng nói, tốc độ phát triển KHCN ngày càng cao, yêu cầu ứng dụng KHCN ngày càng nhiều, trong khi nguồn nhân lực có hạn.
Phó Thủ tướng tham quan mô hình nhà chống lũ. Ảnh VGP/Đức Tuân
Một vấn đề nữa mà Phó Thủ tướng nhắc các bộ, ngành, địa phương là ưu tiên dành nguồn ngân sách cho công tác bảo vệ môi trường. Đây là vốn "mồi" để thu hút nguồn lực xã hội vào phát triển lĩnh vực này.
"Hội nghị toàn quốc về môi trường hôm nay là cơ hội để chúng ta chia sẻ kinh nghiệm, tăng cường sự kết nối, phối hợp, thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác trong việc bảo vệ môi trường", Phó Thủ tướng bày tỏ hy vọng rằng những kết quả quan trọng tại Hội nghị sẽ là tiền đề quan trọng để chúng ta chung tay góp sức thực hiện tốt các hành động cụ thể trong công tác bảo vệ môi trường.
Phó Thủ tướng: Vấn đề bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu là vấn đề toàn cầu và cũng là vấn đề toàn quốc, toàn dân, là lĩnh vực rất rộng lớn. Ảnh VGP/Đức Tuân
Việt Nam cần 330-370 tỷ USD để đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0
Góp ý tại hội nghị, bà Caitlin Wiesen, Trưởng Đại diện thường trú Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc - UNDP tại Việt Nam cho rằng việc giảm mức phát thải bằng 0 trong vòng chưa đầy 30 năm có thể là nhiệm vụ khó khăn, đặc biệt khi Việt Nam đồng thời phấn đấu trở thành nước thu nhập cao vào năm 2045.
"Tuy nhiên, trước đây Việt Nam đã chứng tỏ khả năng đã đạt được các mục tiêu quan trọng trong khoảng thời gian ngắn, ví dụ các chính sách kinh tế trong quá trình Đổi mới đã đưa 40 triệu người Việt Nam thoát nghèo trong chưa đầy 2 thập kỷ", bà Caitlin Wiesen nhìn nhận. Trong những năm gần đây, Việt Nam trở thành một trong những quốc gia đi đầu về sản xuất năng lượng Mặt trời.
Theo bà Caitlin Wiesen, Việt Nam ước tính cần 330-370 tỷ USD để đạt được mục tiêu mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Điều này đòi hỏi cả nguồn tài chính công và tài chính tư trong nước cũng như quốc tế, trong đó nguồn vốn FDI và nguồn vốn tư nhân đóng vai trò thiết yếu để hỗ trợ đạt mục tiêu này. "Việt Nam cần có chiến lược tài chính khí hậu sáng tạo để tạo điều kiện cho các dòng tài chính xanh từ tất các các nguồn đầu tư và phát triển", bà góp ý.
Ảnh: VGP/Đức Tuân
Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, tuyên bố mạnh mẽ về đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị COP26 thể hiện quyết tâm và cam kết chính trị của Việt Nam trong việc giải quyết những thách thức nghiêm trọng của toàn cầu về khí hậu, môi trường, suy giảm của các hệ sinh thái, hướng đến mục tiêu một hành tinh khỏe mạnh; đồng thời tận dụng cơ hội đưa đất nước ta theo con đường "xanh", hiện thực hoá mục tiêu trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045.
Việc Bộ Tài nguyên và Môi trường lựa chọn chủ đề của Hội nghị năm nay là "Hài hoà phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường hướng tới nền kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững" như một lời kêu gọi mạnh mẽ về sự tập hợp, đoàn kết nhằm bảo vệ môi trường, ngăn chặn sự suy thoái của đa dạng sinh học vì cuộc sống hài hòa với thiên nhiên và cho một tương lai bền vững hơn.
"Chuyển đổi xanh dựa nền tảng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế carbon thấp, kinh tế số là con đường để chúng ta đưa đất nước phát triển bền vững, nâng cao chất lượng sống cho nhân dân", Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.