Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 27 tháng 9 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 20 tháng 9 năm 2024 | 8:57

Thái Bình bảo vệ an toàn vùng nuôi thủy sản

Do ảnh hưởng của bão số 3, trên địa bàn tỉnh Thái Bình có mưa vừa, mưa to, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, nhất là diện tích lúa và nuôi thủy sản.

Tuy nhiên, nhờ chủ động tích cực thực hiện nhiều giải pháp từ sớm, từ xa, ngay từ khi có tin bão nên vùng nuôi thủy sản của Thái Bình giảm thiểu thiệt hại. Đây là bài học kinh nghiệm cho các địa phương.

Bảo vệ an toàn vùng nuôi 

Để bảo vệ diện tích nuôi thủy sản, ngành chuyên môn, địa phương ở Thái Bình có nhiều giải pháp tiêu thoát nước.

Ông Đỗ Tiến Công, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quỳnh Phụ, cho biết: Quỳnh Phụ có hơn 1.150ha và 195 lồng bè nuôi cá tại các xã Quỳnh Ngọc, Quỳnh Hoàng, Quỳnh Hoa. Sau bão, diện tích nuôi thủy sản và lồng bè nuôi cá của địa phương không bị thiệt hại. Tuy nhiên, để bảo đảm nuôi  thủy sản phát triển ổn định, ngành chuyên môn đã tăng cường xuống cơ sở khuyến cáo nông dân tập trung các biện pháp xử lý môi trường ao nuôi, vùng nuôi t thủy sản, các lồng bè trên sông. Tập trung chăm sóc thủy sản theo đúng hướng dẫn của ngành chuyên môn, quyết tâm không để xảy ra dịch bệnh trên đối tượng nuôi.

Ông Hoàng Minh Giang, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Thái Bình, cho biết: Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh hơn 15.000ha, trong đó có 1.128 đầm, 681 lồng bè nuôi cá nước ngọt, 1.129 bè nuôi hàu... Sau bão, môi trường ao nuôi thay đổi đột ngột khiến thủy sản bị sốc, dễ phát sinh dịch bệnh, Vì vậy, người nuôi cần thường xuyên theo dõi môi trường nước, kiểm tra hoạt động của tôm, cá.

Hộ dân xã Nam Cường (Tiền Hải) sử dụng hóa chất xử lý môi trường nước nuôi trồng thủy sản sau bão số 3.

 

Theo khuyến cáo của ngành chuyên môn, đối với ao, đầm nuôi thủy sản, bà con cần xả bớt nước trên tầng mặt để giảm  lượng nước mưa trong ao. Đồng thời, tiến hành chạy máy quạt nước, sục khí nhằm hạn chế sự phân tầng nước đối với những ao nuôi thâm canh và bán thâm canh. Khi mưa lớn kéo dài, nước ao nuôi bị đục, độ pH bị giảm đột ngột, cần rải vôi xung quanh bờ ao kết hợp bón vôi cho ao, đầm nuôi để ổn định pH nước và làm giảm độ đục của nước ao.

Đối với lồng, bè nuôi thủy sản, cần kiểm tra các yếu tố môi trường nơi đặt lồng, bè nuôi, bảo đảm các yếu tố môi trường nước trong ngưỡng cho phép. Di chuyển lồng bè đến vùng nuôi có chất lượng nước phù hợp. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, theo dõi sức khỏe của thủy sản để có biện pháp xử lý kịp thời. Cần tăng cường sức đề kháng cho động vật thủy sản như bổ sung vitamin C trộn vào thức ăn hàng ngày.

Với diện tích nuôi ngao bãi triều ven biển, khi thủy triều xuống, tiến hành kiểm tra, tu sửa đăng, chắn sau mưa bão. Nếu có thủy sản bị chết, cần xử lý theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn để tiêu độc, khử trùng và xử lý môi trường nước.

Chủ động xử lý môi trường nước

Có mặt tại vùng nuôi thủy sản của xã Nam Cường (Tiền Hải), các hộ dân nơi đây đang tập trung tiêu thoát nước cho diện tích nuôi thủy sản.

Ông Trần Văn Thiều (thôn Đức Cường) cho biết: Bão số 3 gây mưa rất to, ảnh hưởng đến diện tích nuôi thủy sản của gia đình. Để bảo vệ 2,5ha nuôi ngao giống, tôi đã chủ động dùng máy bơm để bơm nước , đồng thời khơi thông dòng chảy. Mưa kéo dài khiến môi trường dễ bị biến động như độ mặn, pH, độ kiềm, rất dễ phát sinh dịch bệnh trên đối tượng nuôi. Ngoài ra, tôi còn sử dụng hóa chất để tiêu độc, khử trùng và xử lý môi trường nước sau mưa.

Cùng với Tiền Hải, Thái Thụy là địa phương ven biển bị ảnh hưởng nhiều sau bão số 3 đối với diện tích nuôi hải sản. Ông Lê Văn Hoan, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, huyện cho biết: Thái Thụy có  4.216ha nuôi thủy sản, trong đó nuôi nước mặn (ngao) 1.357ha, nuôi nước lợ 1.298ha và nuôi nước ngọt 1.560ha. Sau bão số 3, Phòng  đã tham mưu UBND huyện tích cực chỉ đạo các địa phương tuyên truyền đến người dân chủ động tập trung chăm sóc, bảo vệ diện tích nuôi  thủy sản. Trong đó, khơi thông dòng chảy hệ thống kênh mương nội đồng, các sông trục, sông dẫn. Chỉ đạo các địa phương đóng các cống tưới, mở các cống tiêu để tiêu nước trong vùng nuôi thủy sản. Cử cán bộ chuyên môn phối hợp với các xã, thị trấn rà soát ao nuôi, vùng nuôi nguy cơ xảy ra ngập lụt để tuyên truyền bà con thực hiện biện pháp kỹ thuật bảo đảm an toàn cho diện tích nuôi  thủy sản.

Đồng thời, tăng cường hướng dẫn người dân các biện pháp gia cố, bảo vệ bờ, cống, quạt sục khí; thường xuyên kiểm tra và áp dụng các biện pháp phòng bệnh cho đối tượng nuôi thủy sản khi thời tiết thay đổi. Tiếp tục phân công cán bộ nông nghiệp bám sát tình hình sản xuất, diễn biến thời tiết để phối hợp với các địa phương chỉ đạo nông dân khắc phục kịp thời ảnh hưởng do mưa gây ra đối với diện tích nuôi trồng thủy sản.

Mạnh Thắng/Báo Thái Bình
Ý kiến bạn đọc
Top