Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 8 tháng 12 năm 2023 | 16:29

Thanh Hoá bảo tồn nguồn gen cây trồng, vật nuôi, thủy sản có giá trị cao để phát triển nông nghiệp bền vững

Sáng 8/12, Viện Nông nghiệp Thanh Hóa tổ chức Hội thảo tham vấn xây dựng Đề án “Sưu tầm, bảo tồn và phát tiển bền vững nguồn gen một số loại cây trồng, vật nuôi, thủy sản có giá trị trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030”.

Đây là đề án do Viện Nông nghiệp Thanh Hóa xây dựng dựa trên cơ sở đánh giá bối cảnh và thực trạng hoạt động sưu tầm, bảo tồn và phát triển nguồn gen cây trồng, vật nuôi, thủy sản, vi sinh vật và nấm trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2010-2020, những định hướng chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn nói chung, bảo tồn đa dạng sinh học nói riêng của Nhà nước và tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2045.

Toàn cảnh hội thảo.

Đề án đặt ra mục tiêu, xác định nội dung, nhiệm vụ và đề xuất giải pháp thực hiện phù hợp với xu hướng phát triển nông nghiệp, nông thôn. Trong đó, công tác bảo tồn đa dạng sinh học nói chung, bảo tồn nguồn gen cây trồng, vật nuôi, thủy sản nói riêng được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, nhằm cung cấp nguồn nguyên liệu phục vụ công tác nghiên cứu khoa học, cải tạo giống, đảm bảo duy trì sự đa dạng sinh học và những tiền đề cần thiết về tài nguyên sinh học để phát triển nông nghiệp bền vững.

Viện trưởng Viện Nông nghiệp Thanh Hóa Nguyễn Đình Hải phát biểu tại hội thảo (ảnh báo Thanh Hoá)

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Đình Hải, Viện trưởng Viện Nông nghiệp Thanh Hóa, cho biết:  10 năm qua, hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học nói chung và bảo tồn, phát triển nguồn gen cây trồng, vật nuôi, thủy sản nói riêng trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Các đề tài, dự án khoa học và công nghệ về quỹ gen đã góp phần chuyển biến tích cực về chất lượng, cơ cấu giống nông nghiệp, nhất là việc khai thác phát triển một số nguồn gen bản địa quý hiếm.

Tuy nhiên, cùng với sự phát triển công nghiệp, đô thị hóa là hoạt động canh tác, khai thác tài nguyên kém bền vững đã làm môi trường thay đổi, các quần thể động, thực vật quý hiếm bị suy giảm, các loài thực vật đặc trưng của vùng bị mất đi, những loài có giá trị kinh tế cao bị khai thác một cách triệt để, như: Pơ mu, đinh hương, sa nhân tím, gấu, cá lăng chấm...

Các đại biểu tham dự hội thảo.

Vì vậy, cần có biện pháp khai thác hợp lý, chú ý đến việc tái sinh các loài và tạo môi trường bảo tồn thích hợp đối với động vật, thực vật, dược liệu và thủy sản nhằm giữ vững và làm đa dạng nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Tham dự hội thảo có đại diện các sở, ngành, các chuyên gia, nhà khoa học và các đơn vị, địa phương liên quan đến công tác bảo tồn nguồn gen sinh vật cần được bảo tồn trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Đại biểu tham luận tại hội thảo

Tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận về hiệu quả của đề án, hệ thống quản lý nguồn gen... Đồng thời đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện như: Quy hoạch vùng bảo tồn và phát triển các nguồn gen, ứng dụng khoa học-kỹ thuật, đào tạo nguồn nhân lực, huy động các nguồn lực...  Đây là ý kiến, cơ sở quan trọng để hoàn thiện Đề án “Sưu tầm, bảo tồn và phát triển bền vững nguồn gen một số loại cây trồng, vật nuôi, thủy sản có giá trị trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030”.

 

 

Lê Thức - Xuân Sơn
Ý kiến bạn đọc
Top