Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 5 tháng 1 năm 2024 | 10:26

Thanh Hóa tăng cường công tác kiểm dịch gia súc, gia cầm

Nhằm ngăn ngừa lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho gia súc, gia cầm, đặc biệt là dịch tả lợn châu Phi từ bên ngoài, tỉnh Thanh Hóa đã tăng cường hoạt động công tác kiểm tra lưu động, đồng thời duy trì các chốt kiểm dịch 24/24 giờ.

Hiện nay, tình hình dịch tả lợn châu Phi ở các tỉnh đang diễn biến phức tạp. Mặt khác, do nhu cầu sử dụng các sản phẩm động vật vào những tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên Đán 2024 sẽ tăng cao, kéo theo việc vận chuyển, lưu thông, giết mổ động vật gia tăng, tiềm ẩn sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn dịch bệnh.

Để phòng ngừa nguy cơ xâm nhập các loại dịch bệnh trên đàn gia súc gia cầm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành công văn số 5767, ngày 31/10/2023, về tăng cường các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh. Tiếp đó, ngày 17/11/2023, UBND tỉnh ban hành công điện khẩn số 12/CĐ-UBND, về việc triển khai quyết liệt các giải pháp phòng chống dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn toàn tỉnh.

Cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hoá triển khai tiêu độc, khử trùng tại các trang trại lợn trên địa bàn toàn tỉnh

Mọi phương tiện vận chuyển gia súc, gia cầm đi qua địa bàn tỉnh được kiểm soát chặt chẽ, xuất trình giấy tờ kiểm dịch, kiểm tra niêm phong kẹp chì, thẻ tai trâu, bò, dụng cụ chứa đựng, bao gói động vật, sản phẩm động vật, tiến hành phun thuốc tiêu trùng, khử độc trên các phương tiện vận chuyển và đóng dấu xác nhận, ngăn chặn kịp thời dịch bệnh có nguy cơ xảy ra lây lan bên ngoài vào tỉnh, xử lý nghiêm đối với các trường hợp trốn tránh việc kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật.

Tổ chức cho các cơ sở giết mổ, sơ chế, buôn bán động vật và sản phẩm động vật ký cam kết với cán bộ kiểm dịch về ngày, giờ xuất phát để thực hiện kiểm tra trên cơ sở tờ khai đăng ký thời gian, cam kết không vi phạm các quy định về phòng dịch, không giết mổ, tiêu thụ động vật ốm, chết, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Thanh Hóa là tỉnh có số lượng chăn nuôi lớn, trong đó đàn lợn khoảng 1,3 triệu con, gia cầm trên 25 triệu con, đàn trâu, bò khoảng 435.000 con. Tỷ lệ chăn nuôi nhỏ lẻ của các hộ vẫn còn nhiều, vì vậy chưa đảm bảo an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh.

Từ đầu năm đến nay, thông qua công tác kiểm dịch, lực lượng chức năng tỉnh Thanh Hoá đã kiểm dịch được gần 126.000 con trâu, bò, hơn 1 triệu con lợn có trọng lượng từ 15kg trở lên, gần 14 triệu gia cầm thịt, hơn 11 triệu gia cầm giống.

Ông Đặng Trường Giang, Trưởng phòng quản lý dịch bệnh - Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết: từ đầu năm đến nay đơn vị đã thành lập 3 đoàn công tác kiểm tra toàn tỉnh, mỗi đoàn đi được 2 đợt, đến từng xã, từng trang trại của các huyện để hướng dẫn kiểm tra, đôn đốc công tác phòng chống dịch bệnh và tiêm phòng.

Ngoài 3 trạm kiểm dịch đầu mối tăng cường 24/24 giờ, Chi cục phối hợp với đoàn kiểm tra liên ngành thành lập đội kiểm soát lưu động trên toàn tỉnh. Đồng thời, phối hợp với các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới người chăn nuôi, chủ động thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng dịch.

Đoàn  Liên ngành kiểm tra lưu động kiểm dịch động vật và thuỷ sản tại thị xã Nghi Sơn

“Ở những vùng có nguy cơ cao như: lò mổ, chợ buôn bán, trang tại có lợn ốm được báo cáo, một tháng lấy mẫu giám sát tất cả các loại dịch bệnh, trong đó có dịch tả lợn châu Phi.

Năm 2023 trên địa bàn tỉnh đã lấy 520 mẫu kiểm định và phát hiện có 1 mẫu dương tính với dịch, đoàn cũng đã xử lý và tiêu hủy. Cho đến nay, công tác kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn tỉnh triển khai tốt. Nếu có trường hợp vận chuyển, buôn bán, giết mổ động vật, sản phẩm động vật chưa qua kiểm dịch của cơ quan thú y theo quy định thì sẽ bị xử lý nghiêm", ông Giang cho biết thêm.

Được biết, ngày 13/03/2023, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số 76/QĐ-CCCNTY, về thành lập Đội kiểm tra lưu động quản lý vận chuyển, giết mổ, kinh doanh thịt gia cầm, năm 2023.

 

Thanh Duyên
Ý kiến bạn đọc
Top