Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 26 tháng 4 năm 2023 | 20:1

Thành công với thương hiệu mật ong hoa dã quỳ

Sau 2 năm khởi nghiệp (2020-2022), Lê Văn Đức (SN 1996, thôn 4, xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) đã gặt hái thành công khi sản phẩm mật ong Sun Bee không chỉ đem về nguồn thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm mà còn đạt chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh.

Anh đang nỗ lực gây dựng thương hiệu cho sản phẩm mật ong từ hoa dã quỳ này.

Xây dựng thương hiệu

Sau khi tốt nghiệp THPT, Đức thi đậu vào hệ Cao đẳng - Trường Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh. Sau nhiều đêm trăn trở, anh quyết định ở nhà và chọn nuôi ong để phát triển kinh tế. Tháng 2/2017, anh lên đường nhập ngũ. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự về địa phương, anh bắt tay vào nuôi ong.

Anh kể: “Bố mẹ làm nghề nuôi ong từ năm 1996. Sở dĩ tôi quyết định lựa chọn theo nghề của bố mẹ vì Gia Lai là vùng đất phong phú hoa trái, phù hợp để nuôi ong lấy mật”.

Anh Lê Văn Đức đang có kế hoạch xây dựng thương hiệu Sun Bee Mật ong hoa dã quỳ. Ảnh: Kim Linh

Được bố mẹ hỗ trợ kiến thức cần thiết trong việc nuôi ong, Đức bắt tay vào gây đàn. Chỉ sau 2 năm, cùng với hơn 100 đàn ong của bố mẹ, anh xây dựng được 3 trại ong với 750 đàn; trại lớn nhất 300 đàn,  đặt ở tỉnh Kon Tum; 1 trại 250 đàn và 1 trại 200 đàn ở xã Nghĩa Hưng.

“Ong dễ bị bệnh thối ấu trùng hoặc trong quá trình đi hút mật, ong hút trúng mật hoa trên cây bị phun thuốc sẽ bị ngộ độc, say thuốc… Những loại bệnh này nếu không phát hiện kịp thời, sẽ gây hại cả đàn ong, ảnh hưởng đến chất lượng mật. Vì vậy, hàng ngày, tôi kiểm tra kỹ càng để kịp thời phát hiện và xử lý”, Đức chia sẻ.

Đức cho biết thêm, hiện nay, khách hàng rất tinh tế trong xác định chất lượng cũng như lựa chọn mật ong. Do đó, việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm là rất quan trọng. Ngoài theo dõi sát sao sức khỏe của ong, anh còn chú trọng đến thời gian thu hoạch mật. Nếu trung bình khoảng 10 ngày có thể thu hoạch thì tại các trại mật của anh là 15 ngày, bởi lúc này, mật sẽ đặc hơn, sánh hơn, thơm hơn.

Tháng 8/2022, thông qua Đoàn xã Nghĩa Hưng cũng như sự hướng dẫn của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Păh,  Đức đã hoàn thiện thủ tục cần thiết để đăng ký nhãn mác, bao bì, tem mã vạch… cho 3 sản phẩm: mật ong cà phê, mật ong dã quỳ và phấn hoa cà phê nhằm tham gia Chương trình OCOP. Đến cuối năm 2022, cả 3 sản phẩm này đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh.

Lãi hơn 600 triệu đồng

Nói về Đức, anh Đỗ Văn Tuấn,Phó Bí thư Đoàn xã Nghĩa Hưng, nhận xét: “Anh Đức có kinh nghiệm trong phát triển kinh tế gia đình. Không chỉ tích cực chia sẻ, hướng dẫn đoàn viên kiến thức, kỹ thuật nuôi ong,  anh còn sẵn sàng hỗ trợ thanh niên trong phong trào lập thân, lập nghiệp. Các trại ong chủ yếu thuê nhân công theo thời vụ, nhưng anh Đức đã tạo việc làm cho một số thanh niên để chăm sóc, theo dõi trại ong. Ngoài ra, anh còn nhiệt tình tham gia các buổi sinh hoạt Chi đoàn và phối hợp tốt với Ban Chấp hành Chi đoàn tổ chức các hoạt động thanh, thiếu nhi trong thôn 4”.

Trò chuyện cùng phóng viên,  Đức chia sẻ: Mỗi năm, lượng mật ong thu hoạch được khoảng 10-15 tấn. Trừ chi phí, thu về 600 triệu đồng. Sản phẩm mật ong được khách hàng tại nhiều tỉnh, thành như: Hà Nội, Nam Định, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương… ưa chuộng. Không chỉ vậy, anh còn đưa sản phẩm mật ong Sun Bee lên các sàn thương mại điện tử cũng như mạng xã hội và có được lượng khách hàng đáng kể.

“Một trại ong của tôi đặt gần chân núi Chư Đang Ya. Tại đây, cứ vào tháng 11 - 12 hằng năm, hoa dã quỳ nở rộ, ong sẽ lấy mật từ loại hoa này. Mật từ hoa dã quỳ rất trong, có màu vàng chanh, có mùi thơm và vị dịu nhẹ. Với đặc điểm khá đặc trưng này, tôi đang có kế hoạch xây dựng “chỗ đứng” riêng cho thương hiệu Sun Bee Mật ong hoa dã quỳ. Tôi tin, mình sẽ thực hiện được”, Đức bày tỏ.

 

Hà Duy
Ý kiến bạn đọc
Top