Công trình xanh và phát triển bền vững là chủ đề đang nhận được nhiều quan tâm trong lĩnh vực phát triển bất động sản (BĐS). Tuy vậy, tại Việt Nam, số lượng công trình xanh vẫn còn khá hạn chế.
Nguyên nhân một phần là do chu kỳ phát triển BĐS. Mỗi dự án đều cần một khoảng thời gian nhất định để hoạch định, xây dựng mới có thể đưa vào sử dụng.
Thị trường bước vào chu kỳ phát triển bền vững
Đánh giá về tốc độ chậm trong chuyển đổi theo hướng bền vững của thị trường BĐS, ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels cho biết, nguyên nhân một phần là do chu kỳ phát triển BĐS. Mỗi dự án đều cần một khoảng thời gian nhất định để hoạch định, xây dựng mới có thể đưa vào sử dụng.
Phần lớn các công trình, dự án BĐS đang vận hành hiện nay đều được hoạch định, thiết kế trước dịch Covid-19, vốn là giai đoạn mà đa số các chủ đầu tư tại Việt Nam chủ yếu chạy theo quy mô, chứ chưa dành nhiều sự quan tâm đến yếu tố bền vững, chất lượng trải nghiệm tại dự án.
“Tuy nhiên, trong chu kỳ BĐS tiếp theo, chúng tôi kỳ vọng yếu tố bền vững tại các dự án BĐS sẽ hiện diện rõ nét hơn khi nhiều chủ đầu tư ngày càng chú trọng việc tích hợp các yếu tố xanh, thân thiện với môi trường ngay từ quá trình hoạch định và triển khai dự án”, ông Mauro Gasparotti nhận định.
Theo vị chuyên gia này, yếu tố bền vững có các hình thức và vai trò khác nhau trong mỗi loại hình BĐS. Minh chứng như, trong ngành khách sạn, tính bền vững đang trở thành yếu tố không thể thiếu khi du khách ngày càng có nhận thức rõ hơn về tác động của hoạt động du lịch lên môi trường và điều này thúc đẩy nhu cầu sử dụng các sản phẩm mang yếu tố bền vững, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.
“Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần quan tâm đến yếu tố phát triển bền vững của địa phương, cụ thể, tại các điểm đến ven biển như Phú Quốc (Kiên Giang), Cam Ranh (Khánh Hòa), địa phương có thể vừa phát triển hoạt động du lịch, đồng thời vừa bảo tồn các giá trị cộng đồng cũng như duy trì chất lượng môi trường, cảnh quan”, vị chuyên gia này nói.
Một khách sạn tại Việt Nam kinh doanh trong dịch vụ lưu trú đang theo đuổi hành trình phát triển bền vững.
Đối với loại hình BĐS thương mại, bao gồm văn phòng và cho thuê bán lẻ, ngày càng nhiều khách thuê đặc biệt là các doanh nghiệp nước ngoài yêu cầu các tòa nhà đạt tiêu chí xanh, bền vững. Trong bối cảnh nguồn cung các dự án đáp ứng tiêu chí còn hạn chế, nhóm khách thuê này có thể sẵn sàng trả mức giá cao hơn cho những dự án đạt các chứng chỉ xanh.
Đối với loại hình BĐS dân cư, các chủ đầu tư, đặc biệt là chủ đầu tư quốc tế, cũng đang chú trọng hơn đến yếu tố phát triển bền vững, chú trọng trải nghiệm nâng cao sức khỏe (wellness) trong việc hoạch định, phát triển dự án. Đây không chỉ đơn thuần là điểm nhấn marketing cho việc bán hàng, mà chúng tôi đánh giá yếu tố bền vững sẽ trở thành tiêu chí quan trọng mà thị trường tìm kiếm.
Chất lượng môi trường sống, giấc ngủ là những yếu tố mà người mua đang ngày càng quan tâm, và các dự án có thể xem xét, cải thiện các yếu tố này thông qua việc kết hợp các yếu tố cảnh quan thiên nhiên hoặc đưa vào các tiện ích chăm sóc sức khỏe. Đây được xem là những tín hiệu tích cực trong chu kỳ phát triển BĐS tiếp theo.
Ngoài ra, việc lập kế hoạch sử dụng đất hợp lý là điều cần thiết để đánh giá việc sử dụng đất hợp lý và chú ý cẩn thận đến những khía cạnh nào của quá trình phát triển mang lại lợi nhuận cũng như tính bền vững.
Khách hàng dần hướng đến sản phẩm “xanh”
“Cá nhân tôi cho rằng, không chỉ đơn thuần là công cụ tiếp thị, truyền thông sản phẩm, mà giờ đây, công trình xanh với các yếu tố bền vững đang dần trở thành một tiêu chí quan trọng để chủ đầu tư có thể gia tăng tính cạnh tranh của dự án trên thị trường. Người mua hiện nay có yêu cầu cao hơn và cũng có nhiều sự lựa chọn hơn, do vậy, để duy trì cũng như nâng cao tính cạnh tranh, các chủ đầu tư cần chú trọng yếu tố xanh, hướng đến giá trị bền vững trong quá trình hoạch định và truyền tải đúng các giá trị cam kết khi triển khai dự án”, Giám đốc Savills Hotels phân tích.
Cùng với đó, thị trường vẫn đang dịch chuyển và các chủ đầu tư cần tiếp nhận sự thay đổi, xu thế mới để duy trì được tính cạnh tranh. Thị trường ngày càng cạnh tranh về giá bán, vì vậy, các chủ đầu tư luôn cần có những cách tiếp cận mới cũng như cải tiến sản phẩm. Yếu tố công trình xanh, hướng đến giá trị bền vững dần trở thành yếu tố không thể thiếu trong việc hoạch định, phát triển dự án.
“Nếu trước đây khi thị trường chưa hiểu rõ về giá trị của công trình xanh, người mua thường cảm thấy khó thuyết phục khi phải chi trả thêm cho các giá trị “vô hình” này. Giờ đây, bối cảnh thị trường đã thay đổi, người mua ngày càng khắt khe và sẵn sàng chi trả cao hơn cho những sản phẩm được phát triển chỉn chu, đáp ứng các tiêu chí bền vững. Điều này giúp các chủ đầu tư có thể cải thiện biên lợi nhuận khi dự án có thể truyền tải tốt và đưa các sản phẩm đúng đến với người mua”, ông Mauro Gasparotti nói thêm.
Đồng thời, nếu được triển khai tốt, các dự án, công trình xanh có thể giúp cải thiện chi phí hoạt động sau khi đi vào vận hành.
Thay đổi trong từng khía cạnh của thị trường
Lợi ích của công trình xanh là kết quả cộng hưởng của hai yếu tố, vừa giúp sản phẩm có thể đạt mức giá bán tốt hơn, đồng thời cũng tối ưu chi phí hoạt động hơn những sản phẩm truyền thống thông thường. Theo đó, khi cân nhắc đến việc phát triển các công trình xanh, chủ đầu tư cần xem xét không chỉ từ góc độ lợi ích marketing, truyền thông dự án, mà còn ở hiệu quả tài chính từ việc vận hành dự án trong dài hạn.
Việc thúc đẩy yếu tố phát triển bền vững đòi hỏi một lộ trình, vì điều này cần có sự thay đổi trong nhận thức của cả cộng đồng, chứ không chỉ đến từ một chiến dịch riêng lẻ. “Chúng ta có thể quan sát thấy điều này từ những công việc thường ngày, chẳng hạn như xử lý rác thải. Tại các nước châu Âu, việc phân loại rác sẽ được mỗi hộ gia đình tiến hành tại nhà trước khi rác thải được tập kết và thu gom hoàn toàn. Hành động nhỏ này là điều kiện cần thiết cho những thay đổi lớn hơn và từ góc độ này, Việt Nam cần nhiều thời gian cũng như nguồn lực hơn để hình thành thói quen hướng đến lộ trình phát triển bền vững”, ông Mauro Gasparotti nói.
Theo đó, vị chuyên gia khuyến nghị, Việt Nam có thể cân nhắc dành thêm nguồn lực để tăng cường truyền thông về tính cấp thiết của hành trình phát triển bền vững để nâng cao nhận thức của người dân đối với vấn đề này. Việt Nam có thể bắt đầu từ một vài khu vực, ví dụ như thúc đẩy các hoạt động hướng đến phát triển bền vững, bảo tồn môi trường tại Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu), để nơi đây trở thành một trường hợp điển hình cho các điểm đến khác.
Trong lĩnh vực kinh doanh lưu trú, có thể thấy rằng, các nhà điều hành khách sạn, đặc biệt là các chuỗi thuộc phân khúc hạng sang, đang nỗ lực nhiều hơn trong hành trình phát triển bền vững. Chuỗi khách sạn này luôn chú trọng việc đưa các yếu tố bền vững và giữ gìn đặc sắc cộng đồng tại khu vực dự án, và là một trong những mô hình mà các dự án khác có thể tham khảo trong hành trình hướng đến phát triển xanh và bền vững.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy khẳng định, dù thực hiện theo Luật Đất đai hay theo cơ chế thí điểm của Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất, tất cả các dự án đó đều phải tuân thủ quy hoạch, bảo đảm việc giữ ổn định 3,5 triệu ha đất lúa, bảo đảm độ che phủ rừng...
Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản sẽ hiệu lực từ ngày 1/8, sớm 5 tháng so với thời điểm đã được Quốc hội quyết định trước đó (1/1/2025), sẽ giúp khơi thông nguồn lực đất đai, tạo điều kiện cho nền kinh tế đất nước phát triển và đảm bảo các chính sách an sinh xã hội cho người dân.